Cảm xúc hội ngộ trong lòng bạn văn trẻ – Kỳ 2

857

06.7.2017-11:45

NVTPHCM- Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV – 2017 đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng những đại biểu của thành phố và Nam Bộ. Đây là kỷ niệm đáng nhớ đối với những bạn trẻ mới bước vào con đường văn chương. Tiếp theo chia sẻ của các cây bút Lê Quang Trạng, Trần Thị Kim Nhiên, Lê Hoà, lần này xin giới thiệu cảm nhận từ Phan Duy, Trương Văn Tuấn, Dạ Thy, Nguyễn Đăng Thanh.

Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV 

 

>> Cảm xúc hội ngộ trong lòng bạn văn trẻ – Kỳ 1

>> Có một Vĩnh Long trọn vẹn những chân thành

>> Hãy đọc và suy ngẫm văn trẻ rồi hãy phán

>> Sứ mệnh văn chương trẻ

>> Cuộc điểm danh lực lượng lớn nhất nước

 

Phan Duy (Đại biểu trẻ Bạc Liêu): Tạo động lực lớn cho người viết trẻ

 

Tôi rất hân hạnh được trở thành đại biểu khách mời khu vực Nam Bộ trong Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV. Đây là dịp để bạn bè văn chương với nhau có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm sáng tác.

 

Hội nghị thật sự ấn tượng với những tham luận rất sâu sắc và tâm huyết về sự vận động của văn chương trẻ trước những vấn đề thời sự đời sống. Được quan tâm và chia sẻ từ các nhà văn lão thành là một trong những động lực rất lớn cho các bạn viết trẻ, để từ đó họ nhận diện được thái độ chín chắn về sự sáng tạo cũng như tư duy thẩm mỹ của mình.

 

Buổi giao lưu với thầy cô giáo và sinh viên Trường Đại học Cửu Long ở Vĩnh Long còn là chiếc cầu nối gắn kết giữa người viết trẻ và thế hệ độc giả trẻ. Đồng thời đây cũng là sợi dây liên thông giữa người sáng tạo tác phẩm và người thưởng thức nghệ thuật. Tình yêu văn chương cho thấy đây là ngôi trường đầy sinh khí văn hoá và giàu chất nhân văn.

Nhà thơ trẻ Phan Duy trình bày tham luận tại hội nghị

Các bạn văn trẻ giao lưu ở Cần Thơ, thăm Thiền viện Trúc Lâm. Từ trái sang:

Phan Duy, Hà Triệu Huy, Trương Huỳnh Như Trân, Văn Nguyên Lương

và Hứa Thị Anh Đào (áo xanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ)

 

Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV được xem như là một đợt điểm danh có sàng lọc đậm chất từ rất nhiều cây bút trẻ ở thành phố và các tỉnh thành Nam Bộ đã lựa chọn con đường văn chương làm xuất phát điểm. Hy vọng sau hội nghị lần này, những đại biểu đã và đang sáng tác văn chương có dịp mở mang thêm kiến thức để tiếp tục duy trì ổn định và phát triển.

 

Đặc biệt, hội nghị tạo điều kiện cho chính bản thân người viết trẻ được giải bày những tâm tư với các bậc đàn anh đi trước. Kết quả của hội nghị không chỉ là động lực giúp người viết trẻ ở TP.HCM mà còn mang ý nghĩa tích cực đến lực lượng viết văn trẻ của Đồng bằng Sông Cửu Long trong giai đoạn hiện nay.

Các nhà văn trong ban tổ chức hội nghị: Phạm Sỹ Sáu, Trần Văn Tuấn, Phan Hoàng, Lê Thiếu Nhơn và Trần Nhã Thuỵ (2 ảnh trên) cùng đoàn nhà văn trẻ đi tham quan các di tích ở Vĩnh Long trong chương trình Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV

 

Trương Văn Tuấn (Đại biểu trẻ Bến Tre): Tôi thấy mình bớt cô đơn

 

Đây là lần đầu tiên tôi tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ. Tôi rất tâm đắc với một lời chia sẻ tại hội nghị: Đôi khi người cầm bút phải viết trong sự tĩnh lặng và cô đơn. Đúng vậy, tôi phải viết trong sự cô độc nhưng cũng chính vì lẽ đó mà tôi sợ cô độc. Tôi có cảm giác nghề văn hình như xa lạ với nhiều người quanh mình. Người cầm bút thường được người khác hình dung bằng sự lập dị hay mơ mộng hão huyền, sống xa rời thực tế…

 

Tôi khát khao sự đồng cảm, thấu hiểu về công việc của mình. Tôi tìm thấy điều đó ở Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM mở rộng khu vực Nam Bộ lần này. Chúng tôi từ khắp nơi hội tụ về ngồi lại trò chuyện về nghề, lắng nghe những tâm huyết, dự định, lẫn những khó khăn, trăn trở của nhau. Chúng tôi, những người cô độc thấy mình bớt cô đơn hơn.

 

Hội nghị Những người viết văn trẻ đã thực sự mang lại động lực văn chương cho tôi. 5 năm tổ chức hội nghị một lần, đó như một lời hẹn, một cột mốc 5 năm để chúng tôi dù có tham gia lần nữa hay không cũng là dịp nhìn lại bản thân mình: 5 năm qua mình đã yêu và sống một cuộc sống như thế nào với con chữ.

 

Không phải tham lam đâu, nhưng tôi nghĩ tại sao hội nghị phải là 5 năm tổ chức một lần mà không phải là 3 năm, hay thậm chí là mỗi năm, để những người viết trẻ chúng tôi được dịp gặp gỡ, tiếp lửa cho nhau nhiều hơn. Mong rằng Hội Nhà văn TP.HCM sẽ luôn là cầu nối tin cậy cho bạn văn trẻ của thành phố và cả Nam Bộ.

Từ trái sang: Hồ Huy Sơn, Văn Thành Lê, Hoàng Hiền, Võ Thu Hương, Trương Văn Tuấn, Trần Minh Hợp, Kiều Maily 

 

Dạ Thy (Đại biểu trẻ TP.HCM): Ấm áp như một đại gia đình

 

Từ sau khi rời khỏi ghế nhà trường, đây là dịp đầu tiên hiếm hoi để tôi được sống lại những giây phút trẻ trung tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi được gặp gỡ và thụ hưởng những cái hay, cái mới của các bạn đồng tham dự hội nghị.

 

Đặc biệt, tôi được khai nhãn tầm nhìn của mình về các cây bút trẻ, các bạn còn rất trẻ, và thật sự rất giỏi, tài năng. Tôi tin tưởng vào sự “bùng nổ” của các bạn trên trang văn trong tương lai. Điều này cũng giúp tôi dẹp bỏ được suy nghĩ “tự mãn” của bản thân và là động lực để tôi phấn đấu nhiều hơn nữa trên con đường sáng tác.

 

Tôi bén duyên với thơ rất tình cờ. Đầu tiên chỉ đơn thuần là sự giải toả cảm xúc, thơ đối với tôi như một người bạn để chia sẻ buồn vui và nương tựa. Tôi làm thơ để thoả mãn chính mình và không quan tâm đến các yếu tố khác. Nhưng sau khi tham gia hội nghị, được nghe các bài tham luận của các bạn chia sẻ về “nghiệp” viết, tôi ý thức hơn về vai trò cũng như trách nhiệm của mình qua từng con chữ, bài viết. Buổi giao lưu văn nghệ, đọc thơ tại Trường Đại học Cửu Long ở Vĩnh Long cũng mang lại cho tôi nhiều xúc cảm.

 

Xin chân thành cảm ơn các cô, chú, anh, chị trong Ban tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV, cùng các đơn vị tài trợ đã tạo điều kiện cho chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Mặc dù thời gian chỉ có 3 ngày ngắn ngủi nhưng cũng đủ để cho tôi cảm thấy ấm áp như một đại gia đình với những kỷ niệm đẹp khó quên!

Từ phải sang: Tiểu Quyên, Dạ Thy, Lê Tịnh Thuỷ, Nồng Nàng Phố và Nguyễn Đăng Thanh trong chuyến giao lưu Trường Đại học Cửu Long

Các bạn văn trẻ trước giờ tạm biệt ĐH Cửu Long, từ trái sang:

Chu Quang Mạnh Thắng, Phương Huyền, Nồng Nàn Phố, Minh Đan, Dạ Thy, Tiểu Quyên, Thảo Nguyên, Nguyễn Kim Hương và Nguyễn Đăng Thanh (ngồi)

 

Nguyễn Đăng Thanh (Đại biểu trẻ TP.HCM): Hội Nhà văn là điểm tựa tinh thần cho người viết trẻ

 

Được tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV, đầu tiên tôi xin gửi lời cảm ơn đến Hội Nhà văn TP.HCM, ban tổ chức đã rất nỗ lực, tạo mọi điều kiện, dành sự quan tâm đặc biệt đến thế hệ trẻ, phát hiện, tìm kiếm nâng đỡ cả vật chất lẫn tinh thần cho những người mới bước vào con đường văn chương. Từ buổi lễ chính thức ở TP.HCM đến chuyến giao lưu Đại học Cửu Long và tham quan các di tích, thắng cảnh Vĩnh Long, Cần Thơ để lại trong lòng chúng tôi nhiều ấn tượng.

 

Rõ ràng, Hội Nhà văn TP.HCM đã có ý thức đề cao vai trò của thế hệ trẻ kế thừa và tiếp nối sự nghiệp văn chương. Tôi thực sự bị choáng ngợp với cuộc “điểm danh lực lượng” văn trẻ thành phố lẫn một phần khu vực Nam Bộ lần này. Ở đó khá nhiều tên tuổi đã và đang chứng minh vai trò sáng tạo, sức ảnh hưởng của mình với thị trường văn hoá đọc… và đại đa số các bạn còn rất trẻ.

 

Cá nhân tôi hoàn toàn tin tưởng Hội Nhà văn TP.HCM sẽ là trung tâm đầy đủ uy tín tập hợp được một đội ngũ cây bút trẻ kế thừa đông về quân số, chất lượng về tài năng, phản ánh tích cực và tương tác nhiều khía cạnh, nâng cao vai trò văn chương trong việc phục vụ đời sống cộng đồng.

 

Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV không chỉ là kỷ niệm đáng nhớ mà còn là bệ phóng giàu cảm hứng cho những sáng tác mới của giới viết văn trẻ thành phố và Nam Bộ.

 

(Còn tiếp)

 

 

>> XEM TIẾP HOẠT ĐỘNG HỘI…