Cảm xúc hội ngộ trong lòng bạn văn trẻ – Kỳ 3

924

08.7.2017-23:00

NVTPHCM- Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV – 2017 mở rộng khu vực Nam Bộ được xem là cuộc tổng duyệt và lan toả lực lượng, giúp một số cây bút trẻ và không còn trẻ nữa nhận ra mình lãng phí rất nhiều những thời khắc tươi đẹp cho chữ nghĩa, để từ đó tự nhìn nhận và định hướng sáng tác cho mình, nhưng cũng… đừng nghĩ mình viết văn sẽ “ghê” hơn người khác. Đó là cảm nhận tiếp theo của các đại biểu trẻ: Dương Kim Thoa, Nguyễn Bàng, Đoàn Thị Diễm Thuyên, Nguyễn Đình Minh Khuê.

Ban tổ chức nỗ lực mang lại cho các bạn văn trẻ cuộc hội ngộ tươi vui sinh động.

Nhà thơ Phan Hoàng cùng các nhà văn trẻ trong Chủ tịch đoàn điều hành hội nghị:

Trần Nhã Thuỵ, Nguyễn Quỳnh Trang, Minh Đan, Nguyễn Phong Việt

Thư ký đoàn gồm 2 nhà văn trẻ: Đoàn Phương Huyền và Nguyễn Đình Minh Khuê

 

Nguyễn Bàng (Đại biểu trẻ TP.HCM): Cuộc tổng duyệt và lan toả lực lượng

 

Được tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV quả là một điều may mắn với mình. Phần trao đổi tham luận, ấn tượng nhất là lời nhắn ngắn gọn, xúc động của bác nhà thơ Văn Lê, cũng là điều mà những người dẫn đường chân chính đều muốn: kỳ vọng vào sự kế thừa và phát triển của các bạn văn trẻ.

 

Đây còn là dịp hiếm có để mình được gặp gỡ các bạn văn trẻ tiêu biểu: một Huỳnh Trọng Khang với thế giới quan sáng tác đầy nghiêm nghị, khắc khổ; Trương Huỳnh Như Trân trăn trở cho văn học thiếu nhi, hoặc một Trần Minh Hợp luôn hướng về phận người gian nan, một Dương Kim Thoa giàu nhiệt huyết với mảng văn học dịch…

 

Có một hạn chế nhỏ khi nhiều bạn văn trẻ chưa tính đến thời gian và dung lượng khi trình bày tham luận, còn sa vào phô trương chữ nghĩa. Có bạn thì tâm lý sợ đám đông nên chưa tự tin lắm.

 

Phần giao lưu với Đại học Cửu Long thì vui hơn rất nhiều. Đáng chú ý là, trên đường đi Vĩnh Long, anh Trần Nhã Thụy và chị Minh Đan đã tạo điều kiện để mỗi bạn đều có dịp tự giới thiệu về mình và thể hiện một số tài lẻ cho chuyến đi bớt dài. Buổi giao lưu múa, hát, kịch thơ, mà phần lớn là phần tự đọc thơ đã cho thấy sự quan tâm rất rộng lớn của tuổi trẻ đến văn chương.

 

Phải nói là, qua dịp này mình thấy vị trí của nghề viết không hề suy giảm giữa thời đại số. Hy vọng thế hệ các bạn trẻ chúng mình sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm hay, mang đậm dấu ấn cá nhân và thời đại mình đang sống.

Mở đầu hội nghị, đại diện văn trẻ tặng hoa như một cách tri ân các nhà văn lão thành:

Văn Lê, Triệu Từ Truyền, Huỳnh Như Phương, Tô Hoàng, Lam Giang 

Nhà thơ Văn Lê nhắn nhủ các bạn văn trẻ hãy viết hay hơn các thế hệ nhà văn đi trước

Nguyễn Bàng giao lưu trên chuyến xe đi Vĩnh Long

 

Đoàn Thị Diễm Thuyên (Đại biểu trẻ tỉnh Bến Tre): Nhận ra mình lãng phí rất nhiều những thời khắc tươi đẹp cho chữ nghĩa

 

Rất bất ngờ và cũng thật vinh dự khi tôi được mời tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần thứ IV mở rộng các tỉnh thành Nam Bộ. Vì bận việc riêng mà tôi đến dự khai mạc hội nghị trễ mất một tiếng, tâm trạng thật áy náy và nhiều tiếc nuối, đến lúc ra về thì lại ngậm ngùi nhìn mọi người lên xe để chuẩn bị khởi hành chuyến đi Vĩnh Long và Cần Thơ sau đó.

 

Từng viết rất hăng say ở lứa tuổi 18 đến 24, vì những biến cố trong đời sống riêng tư mà mất đi nhiều năm tôi không thể viết được gì. Những năm gần đây tôi được các cô chú, anh chị ở Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu – Bến Tre động viên tôi viết lại, tạo điều kiện cho tôi tham gia những trại sáng tác hàng năm, tôi biết rằng tôi còn nợ văn chương nhiều lắm, và bắt đầu kế hoạch trả góp cho món nợ lớn đời mình, dẫu phía trước chắc hẳn còn rất nhiều trở ngại.

 

Tham gia hội nghị những người viết văn trẻ 2017, tôi “thảng thốt” nhận ra rằng hóa ra mình đang ở độ tuổi giới hạn cuối cùng dành cho những cây bút trẻ (tôi sinh năm 1980), tôi đã để cây bút thanh xuân kia nằm yên ở một góc nhiều năm ròng, lãng phí rất nhiều những thời khắc tươi đẹp của đời người cho chữ nghĩa.

 

Cám ơn ban tổ chức đã dành cho tôi một cơ hội quý: được tham dự hội nghị, lắng nghe tham luận, được gặp rất nhiều các cô bác anh chị có tên tuổi và tâm huyết với nền văn chương nước nhà, được gặp lại những người bạn tham gia sáng tác cùng thời ở tuổi đôi mươi, những người bạn viết ở nhiều nơi về hội ngộ…

 

Đặc biệt hơn cả, tôi đã được quen biết những gương mặt rất trẻ, rất tài năng, lắng nghe các bạn ấy chia sẻ… Nhìn thấy họ tràn trề nhựa sống, nhiều lý tưởng, nhiều khao khát, tôi có dịp nhìn lại chính mình – tự nhủ lòng sẽ cố gắng viết tiếp những trang viết dành cho khát vọng, trả đúng thời hạn món nợ chữ nghĩa khi còn ở tuổi thanh xuân!

 

Tôi có lời nhắn dành cho những bạn viết trẻ hơn tôi rất nhiều: hãy trân trọng từng năm tháng tuổi trẻ của mình dành cho trang viết để không có chút hối tiếc nào sau này, bởi hiển nhiên, thời gian đi qua không bao giờ quay trở lại! Với tuổi trẻ, tôi còn lại được vốn sống, các bạn thì còn rất nhiều thời gian để viết…

Đoàn Thị Diễm Thuyên (thứ 3 từ phải sang)

Nhan sắc văn trẻ TP.HCM và Nam Bộ

Kỳ Nam tự tin trình bày tham luận về quảng bá văn hoá Việt ở Hoa Kỳ 

 

Dương Kim Thoa (Đại biểu trẻ TP.HCM): Đừng nghĩ mình viết văn sẽ “ghê” hơn người khác

 

Viết luôn là chuyện của cá nhân, tôi tin người viết nào cũng hiểu như vậy. Nhưng những cuộc gặp nhau như ở Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV là một chuyện “tập thể”, nhưng hóa ra cũng cần cho cái “chuyện cá nhân” của người viết lắm.

 

Thực tế thì trong suốt thời gian có dịp dự hội nghị cùng nhau, giữa những người bạn viết chúng tôi đã hầu như chẳng nói gì chuyện viết lách. Toàn “tào lao bí đao” những chuyện cuộc sống, cơm ăn áo mặc, chuyện con cái, bạn bè, những bức xúc riêng tư… Nhưng thực ra, đằng sau tất cả những chuyện ấy lại có một sự gần nhau trong cách nhìn cuộc sống của những bạn bè cùng mê viết.

 

Chợt nhận ra chúng ta giống nhau ở nhiều điểm quá. Cùng là những người “mơ mộng” ở một góc nào đó giữa cuộc đời này. Khi mọi thứ đều phải “quy ra thóc”, chúng ta cùng có được những niềm vui “chăn thả” với bầy chữ nghĩa. Từ lâu tôi vẫn tin những người viết, dù chỉ đến mới chạm ngõ văn chương thôi, nhưng nếu thành thực, vẫn sẽ là những người tử tế.  

 

Văn chương quả thực khắc nghiệt, nhưng rốt cuộc nó cũng bình thường thôi, đừng ai nghĩ nếu mình biết viết văn, mình sẽ “ghê” hơn người khác. Thật buồn cười khi tôi đã thấy những người như vậy trong các bạn viết, may là số đó không nhiều.

 

Cứ mong những người bạn của mình hãy cứ bình thản sống và vui vẻ với cuộc mưu sinh, rồi lại tìm tới những “bờ vui” bình dị bên trang viết. Một chốn riêng cho mình với chữ nghĩa, niềm vui nhỏ đó chắc đủ để mỗi người tự khiến cuộc sống mình nhẹ nhõm hơn. Biết cách tự làm vui mình âu cũng là một kỹ năng sống quan trọng, nhất là lúc về già.

 

Tôi đã từng quyết liệt đeo đuổi việc dịch thuật, vì một lẽ đơn giản rằng, rồi thì tới lúc nghỉ hưu, đó sẽ là niềm vui để tôi có thể đi hết cuộc đời mình mà không cảm thấy buồn phiền và đơn độc. Bởi cuộc sống thì buồn nhiều hơn vui, và với phụ nữ thì “đời cơ bản là buồn” (tên một cuốn sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần). 

Dương Kim Thoa, Lê Tịnh Thuỷ, Võ Thu Hương cùng đoàn nhà văn trẻ

dâng hương Văn Thánh Miếu và các khu tưởng niệm danh nhân ở Vĩnh Long

 

Nguyễn Đình Minh Khuê (Đại biểu trẻ TP.HCM): Các cây bút trẻ tự nhìn nhận và định hướng sáng tác cho mình

 

Lần đầu tiên có vinh dự tham gia Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM, tôi vô cùng ấn tượng trước nỗ lực xây dựng chương trình công phu, hoành tráng của Ban Thường vụ Hội Nhà văn TP.HCM và các anh chị trong ban tổ chức. Không khí hội nghị trang trọng, nghiêm chỉnh song cũng vô cùng chân tình, gần gũi, hóm hỉnh với nhiều tiết mục thú vị, nhất là các bài tham luận được trình bày bởi các tác giả trẻ.

 

Các tham luận đều được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, chu đáo, thể hiện một cách đa diện những suy nghĩ của người viết trẻ về sứ mệnh, vai trò của văn chương trong đời sống hôm nay cũng như nhìn nhận lại diện mạo, đặc điểm và những thiếu sót của đời sống văn học trẻ đương đại. Từ đó, những người trẻ có cơ hội trình bày định hướng sáng tác của chính mình và chia sẻ định hướng ấy với nhiều bạn trẻ đồng lứa. Vì vậy, Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV không chỉ là nơi các bạn trẻ được các nhà văn lão thành, các anh chị đi trước truyền đạt, mà còn là dịp để các cây bút vừa bén duyên văn chương này nhìn nhận lại mình, tự định hướng cho mình.

 

Tôi rất thích hai tham luận hấp dẫn của Huỳnh Trọng Khang và Kỳ Nam, vạch ra những hướng đi thú vị và cho thấy những suy nghĩ chín chắn, đầy trách nhiệm của hai bạn trẻ đối với văn chương. Trọng Khang đưa ra một định nghĩa thuyết phục cho khái niệm “nhà văn lớn”, gián tiếp cho thấy một khao khát cháy bỏng và nghiêm túc đối với nghề viết của chính anh. Trong khi đó, Kỳ Nam đầy năng lượng và tự tin khi trình bày hành trình quảng bá hình ảnh văn chương Việt ra thế giới của bản thân cô, một hành trình nhiều thử thách, song cũng vô cùng thú vị và ý nghĩa, truyền nguồn cảm hứng lớn cho các thính giả tham gia hội nghị, trong đó có tôi.

Nguyễn Đình Minh Khuê và Trần Thuỳ Dương 

 

Bên cạnh đó, hội nghị năm nay còn quy tụ được các cây bút trẻ đặc sắc Nam Bộ hiện sinh hoạt văn nghệ bên ngoài TP.HCM về tham dự, đồng thời tổ chức được buổi giao lưu rất ấm cúng, vui vẻ với các cây bút ở Trường Đại học Cửu Long. Đây là cơ hội hữu ích để những người viết trẻ thành phố được chia sẻ, tìm kiếm sự đồng cảm từ phía các bạn văn đến từ nhiều nơi khác nhau, học hỏi, trao đổi với nhau về định hướng sáng tác trong thời gian sắp tới.

 

Nhờ cuộc hội ngộ văn trẻ mở rộng cả khu vực này, các cây bút định vị được mình trong đại cảnh văn chương Nam Bộ chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi TP.HCM hay trong một tỉnh thành, một bút nhóm sáng tác nhỏ lẻ nào, từ đó biết được bản thân còn thiếu sót điều gì, cần phải nỗ lực thế nào để khẳng định được ngòi bút của chính mình. 

 

(Còn tiếp)

 

TIN LIÊN QUAN:

>> Cảm xúc hội ngộ trong lòng bạn văn trẻ – Kỳ 2

>> Cảm xúc hội ngộ trong lòng bạn văn trẻ – Kỳ 1

>> Phù sa văn hoá từ đất thiêng Vĩnh Long

>> Có một Vĩnh Long trọn vẹn những chân thành

>> Hãy đọc và suy ngẫm văn trẻ rồi hãy phán

>> Sứ mệnh văn chương trẻ

>> Cuộc điểm danh lực lượng lớn nhất nước

 

 

>> XEM TIẾP HOẠT ĐỘNG HỘI…