Cảm xúc hội ngộ trong lòng bạn văn trẻ – Kỳ 4

564

12.7.2017-06:00

NVTPHCM- Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV dù đã diễn ra cách đây ba tuần nhưng cảm xúc từ cuộc hội ngộ vẫn lắng đọng trong lòng các bạn văn trẻ. Lần này là chia sẻ của các đại biểu Châu Ngọc Hoài Nhân người gốc Bến Tre, Nguyễn Hữu Trung ở Đồng Tháp và Nhật Phi từ Hà Nội hành phương Nam gần đây. 

Châu Ngọc Hoài Nhân (ngoài cùng bên trái)

 

Châu Ngọc Hoài Nhân (Đại biểu trẻ TP.HCM): Nhận ra mình chưa bao giờ đơn độc trên hành trình chữ nghĩa.

 

Trước Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV, chưa bao giờ tôi thấy rõ diện mạo của cộng đồng những cây bút trẻ chúng tôi như thế. Một hành trình Sài Gòn – Vĩnh Long – Cần Thơ dài hơn trăm cây số, gói gọn trong hai, ba ngày nghe chẳng có gì to tát, nhưng những cuộc gặp gỡ văn thơ, với những con người “lỡ” sa chân vào nghiệp viết như mình, với tất cả trăn trở về chuyện cầm bút, lại là những món quà không thể nào quên!

 

Ở đó có niềm băn khoăn của một người viết đặt câu hỏi rằng chúng ta đang chia phần trên mảnh đất văn chương hay đang phục vụ cuộc đời. Ở đó có sự bất mãn của một người viết khi người trẻ đến với văn chương như một cuộc chơi. Ở đó có nỗi lắng lo của một người viết khi nhìn văn chương trẻ đương thời đang ngày càng bị bội thực nỗi đau riêng. Nhưng ở đó cũng có niềm vui của một người viết khi văn học trẻ đang thực sự năng động, và giữ vững văn hóa đọc trước sự lấn át của công nghệ nghe – nhìn. Ở đó có sự hân hoan của một người viết đang muốn khai thác thể tài về thiếu nhi, định hướng tâm hồn con trẻ. Và ở đó có một người viết đầy nhiệt huyết khẳng định rằng, anh ta sẽ còn gây hấn mãi với cuộc đời trên con đường mình đi.

 

Tất cả những nỗi niềm đó, dù buồn hay vui, dù phấn khởi hay lo lắng, cũng đều khẳng định một điều rằng, những người viết trẻ đã, đang và sẽ luôn luôn ý thức được về chức phận cầm bút của mình. Và riêng tôi, tôi nhận ra một thứ đơn giản hơn, đó là hóa ra, tôi, chúng tôi, chưa bao giờ đơn độc trên hành trình chữ nghĩa.

Nhà thơ Trúc Linh Lan – Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ (thứ 3 từ trái sang)

 giao lưu cùng các bạn văn nghệ trẻ: Thái Học Sinh, Kim Thanh, Phùng Hiệu, Văn Nguyên Lương

Từ trái sang: Nguyễn Đăng Thanh, Trương Huỳnh Như Trân, Đoàn Phương Huyền,

Lê Hoà, Huỳnh Mai An Đông, Trần Minh Hợp, Trương Thanh Thuỳ, Văn Thành Lê

Từ phải sang: Nguyễn Hữu Trung, Vĩnh Thông, Lê Quang Trạng, Nguyễn Bàng, Huỳnh Ngọc Phước

 

Nguyễn Hữu Trung (Đại biểu trẻ Đồng Tháp): Hy vọng lắm một lần nữa chúng ta gặp nhau, các bạn nhé!

 

Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần IV năm 2017 như cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của người trẻ khi dấn thân vào con đường chữ nghĩa. Với tôi, được hòa mình vào không khí trẻ trung bên không gian văn chương hiện đại là điều tuyệt vời nhất trong đời.

 

Ngồi bên dưới hàng ghế đại biểu, tôi lắng nghe các bạn trình bày những tham luận về văn học với tâm thế sẻ chia và chiêm nghiệm. Văn chương trẻ đang đi tới một giai đoạn thăng hoa, ở đó sứ mệnh của người viết là phải dấn thân và luôn có trách nhiệm với những gì mình ngỏ cùng thời đại. Tuyên chiến với hời hợt, dễ dãi, văn chương trẻ đã dần lộ thiên vững chắc già dặn những cái tên như Huỳnh Trọng Khang, Trần Minh Hợp, Vĩnh Thông… Các bạn đã thực sự hòa mình vào ngõ ngách của đời sống mang tới cho người đọc mỹ cảm nhân văn, sâu sắc. Từ đó, niềm tin vào đội ngũ kế thừa không bao giờ tắt trong mỗi trái tim người yêu văn chương.

 

Hội nghị lần này còn là một cuộc gặp gỡ, giao lưu cho những người viết trẻ. Không gian đồng bằng lại mở ra với đêm thơ nhạc tại trường Đại học Cửu Long – Vĩnh Long. Tự nhiên các bạn ltrở thành diễn viễn bất đắc dĩ chỉ có việc cầm cờ và đốt pháo sáng trợ sức cho tiết mục trình diễn thơ. Núp sau cánh gà, canh đoạn cuối sẽ có màn ăn mừng chiến thắng là cảnh pháo sáng và cờ bay. Khán phòng sặc mùi pháo khét và màn ăn mừng đoàn viên chủ đủ vị . Bù lại nghe thơ của các bạn sinh viên dẫu non vụng nhưng đó là tình yêu đầu mà họ dành cho văn chương. Bù lại không gian ấm lạ bởi sự tận cùng tình cảm mà thầy cô, sinh viên của Trường Đại học Cửu Long dành cho đoàn nhà văn trẻ. Để rồi, đêm Long Hồ quàng mạch yêu thương vào trong giấc ngủ.

 

Mang cảm xúc hội ngộ, tôi có nhiều động lực hơn để con chữ mình tạo ra lung linh thiết thực. Hy vọng lắm một lần nữa chúng ta gặp nhau, các bạn nhé!

Từ phải sang: Nhật Phi, Châu Ngọc Hoài Nhân, Dương Kim Thoa dâng hương Văn Thánh Miếu

 

Nhật Phi (Đại biểu trẻ TP.HCM): Một nhân duyên đầy luyến tiếc

 

Trong tập tạp bút Ai cạn chén cùng ta, cố văn hào Cổ Long từng đúc kết về nghề viết bằng câu “Tôi dựa vào một ngọn bút, có được tất thảy. Đến thứ không nên có, là tịch mịch, tôi cũng có”. Ngẫm lại thì sự tịch mịch hẳn đám chúng ta cũng chẳng lạ gì, như những đêm chong đèn, cuốn chăn thay kén trong cõi riêng của mình hay những buổi sớm mai mà tiếng chim chóc hoan ca hay những nhốn nháo đầu ngày chỉ như một thứ âm thanh trắng làm nền cho lặng im trong lòng. Nhưng khi bước ra khỏi sự tịch mịch ấy, ngọn bút lại đưa chúng ta đến với nhau, đó không phải là tất thảy, nhưng cũng là một điều cần thiết.

 

“Người viết văn khoái tụ bạ nhậu nhẹt”, nhà văn Nguyễn Quang Lập bảo vậy. Lẽ thường, tụ bạ nhậu nhẹt giữa đám cầm bút vẫn chạy đều đặn, hàng tuần, hàng tháng. Ấy thế mà mỗi dịp hội nghị – 3 năm trở lại đây tôi đã tham dự đúng 3 kì hội nghị, Hà Nội, toàn quốc rồi Sài Gòn – vẫn cứ nghe lòng háo hức. Gặp lại người quen khắp chốn, rồi gặp các bạn bè, tiền bối muôn nơi, chỉ mặt nhau mà thốt lên “ồ, tôi đã từng đọc anh rồi”, rồi nâng li lên, hào sảng rất Sài Gòn, chẳng có mấy dịp mà người viết văn vốn dĩ cô đơn lại cảm thấy được sẻ chia nhiều đến thế.

 

Từ việc nghe và trình bày tham luận, có chút bất ngờ thú vị khi rất nhiều người viết còn rất trẻ, trẻ hơn cả Nhật Phi, lại có một tâm thế nghiêm túc với nghề đến thế, chút đăm chiêu với trải lòng của những người viết còn lâu năm hơn, biết rằng mình không phải người duy nhất từng trải qua những tháng năm như thế; rồi câu chuyện bên bàn ăn, mới thấy được mỗi người trẻ ngồi đây lại mang một thân phận, đến với văn chương vì những điều thật khác nhau, nhưng đã ngồi xuống bàn này và nâng li với nhau thì tức là đều còn mang tình yêu với văn, với thơ.

 

Quanh một vòng bàn nhậu trong đêm, ai cũng có thơ để đọc, thế mới thấy sau “nghị” là “hội”, kì cuộc của người viết thật có cái thi thú riêng vậy. Ai cũng đọc thơ, ai cũng kể chuyện và được nghe truyện tiếu lâm trên chuyến xe về miền Tây, chuyện văn chương cũng không ngớt cho tới điểm cuối của chương trình. Ngồi nơi bến Ninh Kiều thơ mộng mà bàn về giải Nobel có khi cũng giống ngồi trà đá bàn chuyện chính trị, nhưng chẳng ai thấy kì cục, vì vui. Sau cùng thì, cũng chẳng mong chi ngoài vui.

 

Nhật Phi trồi lên được 3 năm thì đã dự hết 3 kì hội nghị. Trở về tới trụ sở Hội Nhà văn TP.HCM mà nghe lòng luyến tiếc, vì chẳng biết bao lâu nữa mới lại có một kì hội nghị nữa, để mà gặp nhau, để mà vui. Rồi tới đó, cũng chẳng biết mình có còn là nhà văn trẻ nữa không, mình có còn ở Sài Gòn nữa không. Người Nhật nói “Nhất kì nhất hội”, ý nói rằng mọi cuộc gặp gỡ đều là một nhân duyên. Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM vừa qua hẳn đã là cả một mạng lưới nhân duyên với chúng ta rồi.

 

Minh Đan, Hồ Huy Sơn, Bùi Bảo Kỳ, Trần Phúc Khang diễn kịch thơ về biển đảo

 

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Bình – giảng viên ĐH Cửu Long đọc thơ giao lưu Nồng Nàn Phố

Nồng Nàn Phố đọc thơ

 Trần Nhã Thuỵ thay mặt ban tổ chức cảm ơn và ôm từng nữ nhà văn trẻ trước lúc chia tay trên bến Ninh Kiều – Cần Thơ

 

 

TIN LIÊN QUAN:

>> Cảm xúc hội ngộ trong lòng bạn văn trẻ – Kỳ 3

>> Cảm xúc hội ngộ trong lòng bạn văn trẻ – Kỳ 2

>> Cảm xúc hội ngộ trong lòng bạn văn trẻ – Kỳ 1

>> Phù sa văn hoá từ đất thiêng Vĩnh Long

>> Có một Vĩnh Long trọn vẹn những chân thành

>> Hãy đọc và suy ngẫm văn trẻ rồi hãy phán

>> Sứ mệnh văn chương trẻ

>> Cuộc điểm danh lực lượng lớn nhất nước

 

 

>> XEM TIẾP HOẠT ĐỘNG HỘI…