Cảm xúc về biển đảo qua trường ca ‘Lý Sơn chân trời vẫy gọi’ của Nguyễn Ngọc Trạch

1132

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyễn Ngọc Trạch, hội viên Hội nhà báo Việt Nam, hội viên hội VHNT Quảng Ngãi, là một trong những cây bút quen thuộc của nhiều độc giả trong và ngoài tỉnh. Đến nay anh đã xuất bản trên 10 đầu sách với các đề tài và thể loại khác nhau. Tháng 10 năm 2019 anh lại tiếp tục ra mắt bạn đọc tập trường ca “Lý Sơn chân trời vẫy gọi”  do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Trạch cùng gia đình.

Trường ca “Lý Sơn chân trời vẫy gọi” gồm 4 chương, gần 100 trang là những tâm huyết của nhà thơ Nguyễn Ngọc Trạch về biển đảo Lý Sơn. Nội dung của mỗi chương như sau:

Chương 1 là quá trình hình thành đảo Lý Sơn. Chương 2 là nền văn hóa và những tinh hoa di sản của đảo Lý Sơn. Chương 3 là truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân đảo Lý Sơn. Chương 4 là đảo Lý Sơn trong công cuộc xây dựng và đổi mới.

Đọc trường ca này ta có cảm xúc mê say. Cảm xúc ấy được truyền từ cảm xúc chủ đạo của tác phẩm là ngợi ca. Ngợi ca hành trình lịch sử, hành trình văn hóa gắn bó với sự tồn tại và phát triển của biển đảo cũng như con người Lý Sơn.

Cảm xúc ngợi ca ấy bao hàm cả sự bi thương và hùng tráng về cội nguồn và cộng đồng họ tộc từ buổi hồng hoang lịch sử của nham thạch phun trào tạo nên cù lao Ré với những di tích lịch sử văn hóa như hang động, đình miếu, chùa chiền… đến những đội Hùng binh vâng lệnh triều đình xả thân giữ đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cắm mốc chủ quyền, đến công cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ và sự nghiệp kiến thiết xây dựng huyện đảo Lý Sơn ngày một giàu đẹp: “Có một ngày mặt biển bình yên/ giữa trùng khơi mênh mông sóng nước/ ai chứng kiến trái đất giận giữ/ đã hàng triệu triệu năm./ Trầm tích dung nham phun trào/ trồi lên mặt biển, chảy dưới tầng sâu/ chất chồng tầng tầng lớp lớp/ khói lửa ngùn ngụt bay ngất trời cao./ …Ngày ấy không một bóng người/ không một ngọn cây/ …Quy luật của tự nhiên kỳ vĩ/ sắp đặt sự sống muôn loài/ núi non, đồng bằng bãi bờ,/ nương rẫy/ con suối rừng cây mỏm đá/ làng quê”. Đọc những dòng thơ này ta bắt gặp sự lý giải ngoạn mục của nhà thơ về sự hình thành đảo Lý Sơn.

Rồi từ một “hoang đảo Lý Sơn/ có bước chân người in dấu/ con thuyền nhỏ cập bờ trú đậu/ mỗi khi trời nổi gió phong ba.”. Thế là cộng đồng người Lý Sơn hình thành trên đất đảo. Ở đây tác giả đã khắc họa khá thành công chân dung vóc dáng, hành trình, tư thế của cộng đồng tộc họ Lý Sơn trong suốt chiều dài lịch sử “Mười lăm tộc họ/ khai khẩn mở mang bờ cõi/ rụt rè bước lên đảo đầu tiên/ họ xứng danh những bậc/ tiền hiền”. Sự hình thành và gắn kết bắt đầu từ sự tạo dựng nơi ăn chốn ở, từ lẽ sống yêu thương, đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, cùng nhau vượt qua những thử thách trong cuộc đời.

Đọc “Lý Sơn chân trời vẫy gọi”, ta thấy nhà thơ Nguyễn Ngọc Trạch không chỉ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông, trân trọng tinh thần và sức sống của người Lý Sơn mà còn đặt ra một vấn đề lớn lao hơn là sứ mệnh trách nhiệm của mỗi người Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo: “Bao người con quê hương đảo Ré/ vẫn biết hiểm nguy rình rập quanh mình/ vững tay chèo đưa thuyền lướt sóng/ có thể một mai không trở lại/ bến bờ./ …Bao lần tiễn người thân đi cắm mốc/ vợ khóc thương chồng nuốt lệ vào tim”. Cảm xúc của tác giả dâng tràn khi mô tả những chuyến ra đi giữ đảo bảo vệ chủ quyền của những Hùng binh. Đọc những đoạn thơ này người đọc nghẹn ngào xúc động và vô cùng tự hào về tinh yêu Tổ quốc của người Lý Sơn nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.

Bìa sách “Lý Sơn chân trời vẫy gọi”

Tiếp nối những Hùng bình Hoàng Sa, Trường Sa “một thời vang bóng” cắm mốc chủ quyền gìn giữ biên cương, người dân Lý Sơn đã một lòng, một dạ theo Đảng đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành lại non sông gấm vóc: “Giữa biển khơi đảo lại xanh màu/ quét sạch quân thù quê hương/ giải phóng”. Từ ngày giải phóng đến nay, nhân dân Lý Sơn đã góp sức chung tay xây dựng huyện đảo ngày một giàu đẹp hơn “Nhà cao tầng liền kề đông vui/ đường rộng mở làng quê điện sáng/ sức trẻ đang lên niềm tin xán lạn/ đô thị biển xanh khởi sắc từng ngày.”

Tập trường ca “Lý Sơn chân trời vẫy gọi” khép lại mà dư âm cảm xúc của tác giả còn đọng mãi trong tâm trí ta.

Phạm Văn Hoanh – Hội VHNT Quãng Ngãi