Cán bộ lãnh đạo: Trong sạch và không lợi ích nhóm?

516

07.5.2018-11:00

 Những ông tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hoá đã trượt ngã.

 

Cán bộ lãnh đạo:

Trong sạch và không lợi ích nhóm?

 

UÔNG NGỌC DẬU

 

NVTPHCM- Một khi từng cá nhân thừa quyền lực, giàu tiền bạc mà dư lòng tham câu kết với nhau hình thành “sâu bầy”- nhóm lợi ích để ăn cắp, bòn rút nguồn lực quốc gia, thì sự nguy hại tăng gấp bội phần!

 

Trước Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII), ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, nêu hai tiêu chuẩn và cũng là phẩm chất của người cán bộ lãnh đạo, là Trong sạch và Không lợi ích nhóm.

 

Làm sao để có được những cán bộ lãnh đạo như thế?

 

Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII),bòn rút nguồn lực quốc gia,Vũ “nhôm”,Út “trọc”,cơ chế xin-cho,lợi ích nhóm,đặc quyền đặc lợi

 

Nhận diện “Sâu lẻ” và “sâu bầy”

 

Có lẽ, nguyên Phó trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng ban Ban Bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đã nhận thấy tình trạng nhạt phai lý tưởng, sa sút nhân cách trong đội ngũ và những biểu hiện nhóm lợi ích đang trở nên phổ biến, nên mới đề xuất hai tiêu chuẩn quan trọng, bao trùm này?

 

Có thể gọi từng cán bộ đảng viên lún sâu vào chủ nghĩa cá nhân, không còn giữ được sự liêm khiết, trong sạch là những con “sâu lẻ”, và những kẻ câu kết trong nhóm lợi ích, là “sâu bầy”.

 

Từng cá nhân- những con “sâu lẻ” lợi dụng và lạm dụng quyền lực để tham nhũng nhằm thỏa mãn lòng tham vô đáy, đã là một sự nguy hại lớn cho đất nước, cho Đảng.

 

Một khi từng cá nhân thừa quyền lực, giàu tiền bạc mà dư lòng tham câu kết với nhau hình thành “sâu bầy”- nhóm lợi ích để ăn cắp, bòn rút nguồn lực quốc gia, thì sự nguy hại tăng gấp bội phần! Khi đó sức mạnh của thứ quyền lực đen có thể vô hiệu hoá mọi thứ nguyên tắc, luật lệ và sức công phá của nó đối với xã hội, thể chế thật khó lường! Nguy cơ tụt hậu, tự diễn biến, chệch hướng hay chủ nghĩa thân hữu quái dị khiến thất thoát niềm tin, rạn vỡ chế độ, chẳng phải tìm đâu xa, mà gốc gác chính từ đây.

 

Một đất nước mà trong đội ngũ lãnh đạo- rường cột quốc gia tồn tại không ít những nhân vật thiếu liêm chính và quá nhiều nhóm lợi ích tiêu cực, vô liêm sỉ thì đó là mối nguy. Với lực cản từ “sâu lẻ” và “sâu bầy” này, thật khó khai thác, phát huy nguồn lực, quy tụ lòng dân trên con đường độc lập tự cường đi tới phồn vinh, hạnh phúc. Chính họ đã tạo nên sự bất công, bất hoà, khiến lòng dân bất an, khiến nhiều hiền tài tử tế dường như quay lưng với thời cuộc, tỏ mối hoài nghi tính ưu việt của chế độ.

 

Dưới sức nóng của lò lửa chống tiêu cực, tha hoá, tham nhũng do Đảng cầm trịch, giữ lửa, những con “sâu lẻ” và “sâu bầy” đang ngày càng lộ diện, lần lượt “nhập lò”.

 

Ngày càng thấy rõ, tình trạng cán bộ lãnh đạo đơn vị, ngành, địa phương từ cấp thấp đến cấp cao thiếu gương mẫu, trượt dốc tha hoá, đang thành phổ biến. Cũng ngày càng thấy rõ, nhóm lợi ích tiêu cực khuynh loát xã hội là có thật. Chỉ một nhân vật mang biệt danh Vũ “nhôm”, tức Phan Văn Anh Vũ, hay Út “trọc”, tức Đinh Ngọc Hệ, đã tạo nên một dây dài nhóm lợi ích, có kẻ chống lưng, phủ bóng, có kẻ dựa hơi, núp bóng, có kẻ thừa cơ nước đục buông câu…Khi đã hình thành nhóm lợi ích theo kiểu “liên tung”, “liên hoành”, “có anh có em”, “có trên có dưới”, thì đó là một siêu thế lực, có thể đảo lộn, khuynh loát mọi thứ luật lệ, giá trị. Đây cũng là mầm mống ma-phia, ngọn nguồn tội ác. Phát hiện, xử lý nó thật không dễ dàng.

 

Như nhân vật Vũ “nhôm”, đâu chỉ một Vũ “nhôm”-“sâu lẻ”? Phía sau, phía trước, xung quanh nhân vật biệt danh này đều là một dây quyền lực, dễ dàng tạo hiệu ứng “bàn tay che cả mặt trời”, sẵn sàng tạo ra những kịch bản kín kẽ, đúng quy trình, lừa dân dối Đảng. Thấp thoáng phía sau không ít công ty này, tập đoàn nọ là lừng lững hình bóng, không “anh Ba, chú Tư”, thì cũng “con anh Sáu, cháu chú Năm”, như cách nhìn của người dân.

 

Có một thực tế rất đáng lưu tâm, là đang có sự trở lại và trỗi dậy của thứ chủ nghĩa cá nhân vị kỷ thô thiển ở một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, đang giết dần những giá trị tốt đẹp mà bao thế hệ với lớp lớp người tử tế dựng xây, bồi đắp.

 

Môi trường của “sâu”: Nơi “tanh tao”, chốn “mật mỡ”

 

Thế kỷ 16, Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm nhận ra mặt trái của “nhân tình thế thái”, mang tính phổ quát, không chỉ ở thời của Ông: “Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến/ Gang không mật mỡ kiến bò chi…”

 

Thời nay cũng vậy. Sức mạnh vật chất và quyền lực tha hoá như nam châm với sắt. Nơi nào có chút “tanh tao”, “mật mỡ”, nơi đó dễ nảy sinh “ruồi”, “kiến” và phát sinh tha hóa, tiêu cực, tham nhũng.

 

Tha hoá, tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở mọi bình diện, mọi lĩnh vực, từ cấp thấp đến cấp cao, “đột phá” vào cả những nơi bấy lâu được cho là nghiêm cẩn, nhạy cảm, kín cổng cao tường. Ngay cả những cơ quan được mệnh danh là “thanh kiếm và lá chắn”, là “thanh bảo kiếm” của Đảng và Nhà nước, cũng không tránh khỏi “ruồi bâu”, “kiến đậu”, “sâu bầy”, “sâu lẻ” đục thân hại cành.

 

Không khó để nhận ra những lĩnh vực đang là món mồi ngon cho môn đồ của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ thô thiển thời nay. Đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên, những rừng vàng, bể bạc, đất phì nhiêu thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý. Đó là những dự án đầu tư công dưới nhiều hình thức, điển hình là những dự án BOT, BT, PPP… Đó là lĩnh vực ngân hàng, thuế má, tiền tệ, nơi quyết định cơ chế xin-cho, ban phát quyền lực, sắp đặt chức tước. Đó là lĩnh vực công quỹ, công sản, doanh nghiệp công, doanh nghiệp Nhà nước…

 

Tất cả những thứ, bao gồm vật chất và phi vật chất, thuộc về của chung, có thể xin-cho, bán-mua, trong tay quyền lực tha hóa, đều biến thành thứ “tanh tao”, “mật mỡ”, thành môi trường của tha hoá, của tự chuyển hoá, tự diễn biến. Ngay cả nơi thực thi công lý, nơi nhân danh Nhà nước và tổ chức phán xét, kết luận, thẩm định… cũng ẩn chứa tiêu cực bán mua, nhũng nhiễu… Thành ra không ít kết luận sự thật không phải sự thật; có tội thành không có tội; vi phạm như con voi, kết luận như con kiến…

 

Làm sao để có đội ngũ cán bộ trong sạch và không ? Đó là vấn đề của trí tuệ, bản lĩnh và thời gian, là trách nhiệm của Đảng, đồng thời của nhân dân. Vào thời điểm hiện tại, nhìn thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong giai đoạn đã qua, có một câu hỏi cần được lý giải: Tại sao trước nhiệm kỳ khoá XII của Đảng, có giai đoạn, khoảng thời gian nhất định, lại nảy sinh nhiều những “sâu lẻ”, “sâu bầy” đến vậy?

 

Tại sao giai đoạn ấy, khoảng thời gian ấy, lại phát sinh nhiều những tiêu cực, hệ lụy mang tầm quốc họa, với nhiều vụ đại án kinh tế, với hàng loạt những công trình, dự án từ nguồn vốn Nhà nước bị “đắp chiếu”, thua lỗ, thất thoát, rút ruột đến thế? Tại sao những khái niệm mới và nghiệt ngã với chúng ta, như “sở hữu chéo”, “doanh nghiệp sân sau”, “tư bản đỏ”, “chủ nghĩa thân hữu” cùng với một loạt từ ngữ khái quát về mặt trái mối quan hệ xã hội liên quan đến công tác cán bộ như “quan hệ”, “tiền tệ”, “hậu duệ”, “đồ đệ”… lại phát sinh, lặp lại và phổ biến trong giai đoạn đó, khoảng thời gian đó? Đây là vấn đề vừa mang tính thực tiễn, vừa có tính lý luận, rất đặc thù. Phải chăng do hoàn cảnh lịch sử khách quan? Phải chăng do vai trò, trách nhiệm của những người đứng đầu và quyền lực họ tự trao vô hạn độ, vô pháp, vô cương, đến mức tha hoá quyền lực?

 

Nhìn vào thực trạng, trong khoảng thời gian đó, không thể nói nguyên nhân chủ yếu nào khác, ngoài nguyên nhân từ những người đứng đầu mà ra. Như thế, bài học cốt tử đầu tiên của công tác cán bộ, đó là tuyển lựa, đào tạo, bố trí người đứng đầu, kịp thời thay thế, điều chuyển người đứng đầu khi họ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có biểu hiện tiêu cực. Người đứng đầu không sa vào thứ chủ nghĩa cá nhân vị kỷ thô thiển, biết liêm sỉ và giữ mình trong sạch, không lợi ích nhóm, thì cấp dưới không thể tự tung tự tác. Những nhân viên cấp dưới không thể trơ tráo liều mình chặn đường mãi lộ, hạnh hoẹ, móc túi người dân nếu cấp trên của anh ta không ra chỉ tiêu “thu tô” hàng ngày!

 

Tương tự như thế, nếu bề trên “chính ngôi” thì bên dưới không thể lộn xộn. Chuyện ở một Bộ quan trọng đang thực hiện đề án đổi mới sắp xếp lại tổ chức sau những mất mát hư hao không hề nhỏ về con người và uy tín, là ví dụ điển hình về vai trò người đứng đầu và phẩm chất liêm chính, chí công vô tư cần có.

 

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bịt mọi kẽ hở cơ chế để kẻ có quyền lực tha hóa dù có nổi máu tham cũng không thể thò cái vòi bạch tuộc vào nơi “màu mỡ”, chốn “tanh tao”, là cách triệt tiêu môi trường nảy sinh cái xấu. Tài nguyên thiên nhiên, công quỹ, công sản…phải được bảo vệ, phải có chủ thực sự, thực chất. Nơi nào để xảy ra hư hao, thất thoát, mất mát hay tiêu cực, tham nhũng, bất kể nguyên nhân nào, thì trước tiên người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và chịu hình thức xử lý nghiêm khắc nhất. “Mũi vạy, lái chịu”, không thể khác. Phải mạnh mẽ sửa đổi cơ chế chính sách, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản để triệt tiêu tình trạng tự tung tự tác, lợi dụng, lạm dụng quyền lực cướp đoạt, xà xẻo, biến của công thành của riêng, biến tài nguyên thiên nhiên, đất đai sở hữu toàn dân thành của riêng cá nhân và nhóm lợi ích.

 

Cần dũng cảm xoá bỏ chính sách đặc quyền đặc lợi đối với quan chức. Quan chức gắn với quyền lực, lại thêm đặc quyền đặc lợi, thì càng kích thích sự ham hố quyền lực, chạy chức chạy quyền, thật khó trở nên trong sạch dưới mắt người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc, cán bộ, đảng viên phải là “công bộc của dân”, “ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Lo trước cái lo của dân; vui sau cái vui của dân, đó mới là tư chất, đạo đức của người cán bộ.

 

“Nhốt quyền lực vào cái lồng pháp chế”, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chính là đề cao vai trò pháp quyền, pháp trị, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, chặt đứt cái vòi bạch tuộc quyền lực tha hoá quẫy đạp, để bất kỳ ai vượt ra ngoài khuôn khổ cái “lồng pháp chế” đều bị xử lý, trừng phạt. Từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xây dựng một hệ thống “lồng pháp chế”, với hơn 20 chỉ thị, quy chế, quy định,… sát thực tiễn, đủ hiệu lực và phát huy hiệu quả khi hàng loạt cá nhân và nhóm lợi ích vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Đảng đều bị xem xét, xử lý, không trừ một ai, không có vùng cấm.

 

Đảng ta vốn coi trọng hoạt động thực tiễn, lấy kết quả hoạt động thực tiễn làm thước đo đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ. Hãy nhìn vào thực tiễn địa phương, ngành, đơn vị để đánh giá cán bộ lãnh đạo có thật sự vì nước vì dân, có năng lực tập hợp, đoàn kết, phát huy nguồn lực vì dân giàu nước mạnh hay không.

 

Hãy lắng nghe dư luận từ cán bộ và quần chúng nhân dân để nhận ra uy tín, đức độ, năng lực cán bộ lãnh đạo đến đâu. Hơn ai hết, người dân biết ai thật ai giả, ai tham nhũng, ai liêm chính. Gương mặt người dân với nước mắt và nụ cười trong cuộc sống hôm nay, là tấm gương phản chiếu, cũng là thước đo mức độ trong sạch, liêm chính của cán bộ, người lãnh đạo- công bộc, đầy tớ của dân. Đừng ngại ngần tìm hiểu dư luận từ mẩu chuyện, câu vè dân gian thời hiện đại. Phía sau lớp vỏ tếu táo, tiếu lâm, hư hư thực thực là thực tế rất cụ thể, sinh động.

 

Theo TVN

 

 

>> XEM TƯ LIỆU THAM KHẢO KHÁC…