Cận cảnh ‘Bảo vật quốc gia’ thời Nguyễn ở Thừa Thiên Huế

450

Bên cạnh cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ…, hình ảnh Cửu đỉnh cũng đã trở thành một trong những điểm nhận diện ra ngay Cố đô Huế.

Với những du khách chưa đặt chân đến mảnh đất xứ Huế, có lẽ cũng ít nhiều đã nhìn thấy đâu đó hình ảnh 9 chiếc đỉnh to lớn xuất hiện trong các đoạn clip quảng bá về mảnh đất này. Chiêm ngưỡng những bảo vật triều Nguyễn này, nhiều du khách mong muốn một ngày không xa được đến Huế, đến với Hoàng cung Huế xem tận mắt những chiếc đỉnh này.


Cửu đỉnh được đặt ở trước sân Thế Miếu – nơi thờ phụng các vị vua triều Nguyễn

9 chiếc đỉnh này có tên gọi là Cửu đỉnh, được đặt ở trước sân Thế Miếu (Đại nội Huế) như ngày đầu, thể hiện quyền uy và sức mạnh của vua chúa, của cả triều đại kế tiếp. Trong số Cửu đỉnh, Cao đỉnh được kê ở giữa, là đỉnh duy nhất nhích về trước 3 mét với hàm ý tôn vinh vị vua sáng lập triều nhà Nguyễn. Hàng bên trái Cao đỉnh gồm Nhân đỉnh, Anh đỉnh, Thuần đỉnh, Dụ đỉnh. Bên phải Cao đỉnh gồm Chương đỉnh, Nghị đỉnh, Tuyên đỉnh, Huyền đỉnh.


Cửu đỉnh được xếp thành hàng ngang, Cao đỉnh nhích lên phía trước


Trên thân đỉnh có nhiều họa tiết chạm trổ tinh xảo

Cửu đỉnh có tên riêng trùng với một số thụy hiệu của các vị vua triều Nguyễn. Cao đỉnh (Thế tổ Cao Hoàng đế – vua Gia Long), Nhân đỉnh (Thánh tổ Nhân Hoàng đế – vua Minh Mạng), Chương đỉnh (Hiến tổ Chương Hoàng đế – vua Thiệu Trị), Anh đỉnh (Dực Tông Anh Hoàng đế – vua Tự Đức), Nghị đỉnh (Giản Tông Nghị Hoàng đế – vua Kiến Phúc), Thuần đỉnh (Cảnh Tông Thuần Hoàng đế – vua Đồng Khánh), Tuyên đỉnh (Hoằng Tông Tuyên Hoàng đế – vua Khải Định). Dụ đỉnh và Huyền đỉnh không trở thành thụy hiệu của bất kỳ vị vua nào.


Miệng có đỉnh hai quai


Dưới có bầu ba chân

9 cái đỉnh bằng đồng này do vua Minh Mạng cho đúc từ năm 1835 đến năm 1837. Đến nay, vẫn còn nguyên vẹn. Nguyên liệu chính là đồng và kẽm, có thể thêm chì, thiếc… lấy từ trong kho hoặc các phế khí hay những vật phẩm bằng đồng không cần dùng nữa. Những đỉnh này cao trung bình 2,3 mét, trọng lượng từ 1.935kg đến 2.603kg. Về tổng thể, chúng đều có hình dáng giống nhau như bầu tròn, trên miệng có hai quai, dưới bầu có ba chân…


Chương đỉnh có trọng lượng 2.099kg

Tuy nhiên, bên cạnh nét tương đồng, mỗi đỉnh có nét riêng, tạo ra các điểm nhấn thú vị. Cụ thể như phần lớn cổ các đỉnh có hình lòng máng, nhưng ở Cao đỉnh, Dụ đỉnh lại để thẳng; Vành miệng của Thuần đỉnh, Dụ đỉnh và Huyền đỉnh đều cong nửa vỏ măng, còn ở các đỉnh khác thì thẳng đứng với gờ vuông… Trên 9 đỉnh có 162 tấm họa tiết chạm nổi tinh xảo, được xem như bộ “Dư địa chí”, bộ bách khoa thư về nước Việt Nam đầu thế kỷ 19 bằng phương pháp tạo hình, tuy không đầy đủ nhưng điển hình. Mỗi đỉnh có 18 hình, chia làm 3 tầng. Mỗi tầng có 6 hình xen kẽ với 6 mảng trống, trong đó tầng trên và tầng dưới bố trí lệch một khoảng so với tầng giữa. Các hình chạm nổi trên Cửu đỉnh được sắp xếp chặt chẽ.


Trên 9 đỉnh có 162 tấm họa tiết chạm nổi tinh xảo, được xem như bộ “Dư địa chí” bách khoa thư về nước Việt Nam

Năm 2012, Thủ tướng đã ra quyết định công nhận Cửu đỉnh là Bảo vật quốc gia trong đợt đầu tiên. Mới đây, Hội đồng thẩm định cấp cơ sở hồ sơ di sản ký ức thế giới tỉnh Thừa Thiên Huế có cuộc họp đánh giá hồ sơ Cửu đỉnh – Hoàng cung Huế trước khi trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định. Các thành viên Hội đồng đánh giá cao và nhất trí thông qua hồ sơ Cửu đỉnh – Hoàng cung Huế.

Đồng thời, đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia xem xét. Từ đó, tham mưu để Thủ tướng trình Ủy ban Di sản Ký ức của UNESCO đánh giá, vinh danh di sản này. Di sản Ký ức thế giới (hay Di sản Tư liệu thế giới) là một trong các loại hình di sản được UNESCO quy định và vinh danh.

Theo Hải Vân/Tạp chí Du lịch TP.HCM