Căn hầm bí mật – Truyện ngắn của Võ Văn Thọ

867

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiều mùa đông giá rét, hắn đến thăm gia đình mục sư, tất nhiên không phải ngày thứ Bảy, Chủ Nhật. Vì những ngày ấy mục sư đảnh lễ nhà thờ, truyền giảng phúc âm cho tín đồ. Lúc nào cũng vậy, Thắng ghé nhà thờ là đều có vợ chồng mục sư tiếp. Với ánh mắt cử chỉ, lời nói rất nhẹ nhàng, tình cảm. Cứ như vị khách quý lâu ngày gặp lại gia chủ…

Tác giả Võ Văn Thọ 

– Chào mục sư!

– Chào anh Thắng!

Mời anh Thắng vào phòng! Hôm nay vinh hạnh được anh ghé thăm. Hắn cảm ơn mục sư, cảm ơn cô (vợ mục sư)! May mắn được gặp mục sư ở nhà!

– Mời anh Thắng dùng trà! Trà ướp hoa lài. Cái vị trà dân dã thân quen, hương thơm nhẹ nhẹ, chưa uống, nhưng cái cảm giác dễ chịu, vị hương cứ dâng lên mũi. Thắng hít hà mùi thơm sảng khoái…

– Cảm ơn mục sư. Mời mục sư dùng trà! Rồi hắn nhanh nhẹn với tay bưng 1 chén trà do cô Lan vợ mục sư vừa chế để ra khỏi khay trà gần về phía mục sư, ly thứ 2 đặt gần cô Lan ngồi, ly thứ 3 Thắng đặt gần phía Thắng.

Tiết trời đông năm ấy se se lạnh, ngoài trời vẫn đang mưa phùn, thỉnh thoảng cơn gió thoảng, làm cho không khí ngày mùa đông se thắt. Được ngồi trong căn phòng khách thật ấm cúng. Con chó béc-giê lai tây nằm cạnh góc phòng vẫn đang hướng mắt về phía hắn, hai tai nó như vểnh lên. Thỉnh thoảng lại ve vẩy cái đuôi, như tỏ ý đồng tình với vị khách ghé thăm gia đình.

Thật ra, thì mấy năm trước khi lần đầu tiên hắn đến, con chó hùng hổ lắm, cứ nhảy chồm lên, nhưng chủ nhà nhắc nhẹ: Yên lặng, là khách quý của nhà. Không biết sao, chỉ khi mục sư cất tiếng lên, con béc-giê thay đổi ngay thái độ, không sủa nữa, lững thững đi vào nhà, không tỏ thái độ phản ứng hay đồng tình.

Còn sau đó, thì con béc-giê chỉ sủa vài tiếng từ xa, khi Thắng vào đến cửa nhà là nó ve vẩy cái đuôi to như bông lau, rồi quấn quanh chân khách, tỏ thái độ ủng hộ vị khách không mời mà đến!

Vị mục sư có nhiều kỷ niệm, nhất là những kỷ niệm trong chiến tranh, mục sư cũng như người dân phải chạy giặc, tín đồ cũng loạn lạc trong thời “kháng chiến một” – tức trong chiến tranh. Đây là cách nói mộc mạc của người đã sống qua thời lửa đạn. Rồi mục sư phân trần: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, không gì quý hơn hòa bình. Bác Hồ đã khẳng định. Mục sư không làm chính trị còn khổ vậy vì chiến tranh, còn những người Cộng sản, là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, du kích trong chiến tranh thì khỏi phải nói. Vì hai bên lúc đó là kẻ thù của nhau, không đội trời chung… Bây giờ Việt Nam tình hình chính trị ổn định nhất thế giới. Thấy vậy là mừng nhất rồi, còn giàu, nghèo thì ở đâu cũng vậy. Ở đâu trên thế giới này người dân đều phải lao động, phải làm việc mới có thu nhập.

Thắng tỏ ra rất đồng tình với câu chuyện bộc bạch, chia sẻ của mục sư và tò mò hỏi: Nghe nói trong chiến tranh, có một căn hầm bí mật trong nhà thờ, thực hư là có như lời đồn không mục sư?

Mục sư yên lặng, chưa vội trả lời. Rồi ông bưng ly trà lên nhấp một ngụm, sau vài phút trầm ngâm, mục sư hỏi lại:

– Anh Thắng nghe ai mói, mục sư không bận tâm, nhưng anh Thắng quan tâm thì xin trả lời rằng:

– Đúng đó anh Thắng à. Nhưng chuyện này, mục sư cũng không kể với ai, vì giúp đỡ cho cách mạng trong kháng chiến thì có nhiều người, những người như mục sư không làm chính trị thì chẳng kể công làm gì, chỉ làm những việc lương tâm mách bảo nên làm thôi. Vì mình là người Việt Nam ai cũng yêu nước, yêu dân tộc mình.

– Thắng ủng hộ chen vào: Mục sư nói chí phải. Rất mong được nghe mục sư bọc bạch cho thế hệ sau biết, trân trọng hơn!…

– Anh Thắng quan tâm mục sư xin kể: Hồi kháng chiến một đó, quân Mỹ, Ngụy truy lùng dữ lắm, tỉnh Quảng Tín (*) khi đó ở Tam Kỳ có ông Mười Chấp (**) chắc anh cũng biết, sau này là anh hùng vũ trang nhân dân. Chứ hồi đó, ông Chấp là đối tượng nằm vùng nguy hiểm của chế độ bên kia, nên họ hay tổ chức truy quét để bắt những người Cộng sản. Một hôm vào buổi sáng, nghe tiếng súng nổ ở phía Hòa Hương, rồi khoảng năm phút sau có ba người cộng sản chạy ập vào nhà thờ, xin lánh nạn. Mục sư biết là cán bộ cộng sản bị truy lùng, nên mục sư nhanh chóng mở mắp hầm trong phòng ngủ, để ba người ấy có chổ ẩn nấp. Vừa xong được vài phút, thì có toán lính hùng hổ cầm súng R15 xông vào nhà thờ hỏi có ba tên Việt Cộng vào nhà thờ không? Mục sư ra vẻ bình tĩnh nói không thấy, không có. Thế là chúng quan sát một lúc không thấy khả nghi, bỏ đi và còn nói:

“Cộng sản cứ như ma, như thần lúc ẩn lúc hiện! Phen này không tóm cổ được Mười Chấp, thì cũng phải bắt cho bằng được thuộc cấp của chúng, thì Mười Chấp đừng hòng còn đường thoát”. Kể đến đây, mục sư là người yêu nước, hay không thì để mọi người tự cảm nhận!

Mục sư tâm sự tiếp:

Anh Thắng biết đó, cái tội giấu Cộng sản là không có đường sống, nếu mục sư từ chối họ hay giả vờ đồng ý cho họ trú ẩn, rồi khai báo cho bên kia, thì có khi còn được lĩnh thưởng nữa. Nhưng mục sư không làm vậy. Còn căn hầm ấy không phải là căn hầm bí mật, chỉ là căn hầm trú máy bay của gia đình mục sư thôi.

– Thắng tỏ ra rất khâm phục và tôn trọng mục sư về câu chuyện thật mà như trong mơ vậy. Thắng thầm nghĩ trong bụng, ai bảo người theo Chúa là ghét Cộng sản, là không yêu nước, chứ không chỉ “Cộng sản vô thần” mới yêu nước. Sau khi toán lính Mỹ, Ngụy rời khỏi nhà thờ, mục sư quan sát thấy an toàn mới mở cửa nắp căn hầm cho ba người Cộng sản lên khỏi hầm và trốn ra ngoài bằng cửa sau nhà thờ.

Ba người đó không quên cảm ơn mục sư, và mục sư cũng chưa gặp lại được ba người ấy. Mục sư nói chiến tranh mà anh Thắng, mong sao họ còn sống sót là hạnh phúc rồi!

Thắng cười tươi tỏ thái độ khâm phục mục sư và nói: Làm việc thiện, giúp người không hòng người ấy trả phải không mục sư. Nhưng để lại phước đức cho con cháu!

Mục sư: Anh Thắng nói vậy đúng lắm, mục sư cũng nghĩ như vậy. Rồi mục sư trầm ngâm…

Hắn tranh thủ chen vào, chuyển đề tài câu chuyện: Ý tưởng việc “thống nhất Tin lành Bắc-Nam có được đa số mục sư ủng hộ không mục sư?

Anh Thắng à. Đất nước đã thống nhất gần 40 năm rồi, mà cứ để Tin lành miền Bắc, Tin lành miền Nam nghe nó như thời chiến. Đa số mục sư đều ủng hộ chủ trương này, đây cũng là tâm nguyện của những người tôi, tớ tin Chúa, nhưng còn có đồng ý, cho phép thống nhất hay không phải chờ Nhà nước “bật đèn xanh” anh Thắng à.

Mục sư nghĩ như vậy cũng rất hợp với tình hình, hợp với nguyện vọng chung. Nhưng chắc phải chờ thời điểm thích hợp, chứ rút kinh nghiệm Phật giáo, năm 1981 thống nhất các hệ phái, lại có hệ phái không đồng thuận và cứ ý kiến đòi tách riêng, đòi nhà nước công nhận, nên làm cho tình hình khá phức tạp.

Anh Thắng nói đúng, nhưng đó là một hệ phái của Phật giáo, còn Tin lành chúng tôi toàn tâm, toàn ý mong muốn được vậy.

Mục sư xin phép vào phòng lấy một tấm thiệp và đưa cho hắn và nói: Trân trọng mời anh Thắng nếu không bận việc cơ quan thì ngày 23-12 năm… ấy đến Hội thánh Tin lành dự lễ gặp mặt do Hội thánh đứng ra tổ chức, để cảm ơn và gặp gỡ các cấp chính quyền thành phố, tỉnh đã tạo điều kiện cho Hội thánh sinh hoạt nhân dịp lễ giáng sinh sắp đến!

Thắng thầm nghĩ, trước đây khi còn ở quê, hắn có quen một người em gái tên Yến, học sau hắn mấy lớp, Yến theo đạo Tin lành, có chú ruột nguyên là đại úy Ngụy, sau 1975 chú sang Mỹ theo diện HO. Yến thầm thương hắn, Yến có đôi mắt sắc, hiện trên khuôn mặt trái xoan, hai má lúng đồng xu, mỗi khi cười rất dễ thương, nước da trắng hồng, mái tóc nhung huyền, nói chung rất nữ tính, xinh đẹp. Tuy nhiên, hắn là người ngoại đạo, nên không đả động gì đến tình cảm yêu thương, vậy mà không ngờ, trước ngày hắn đi bộ đội, Yến chủ động hẹn gặp và tâm sự, nói là đã để ý Thắng từ lâu, và rất mến hắn, chúc hắn lên đường làm tốt nhiệm vụ của người lính thời bình. Chỉ vậy thôi, sau khi hắn lên đường vào quân ngũ, có lần về phép, được biết Yến vào Sài Gòn làm ăn, không có liên lạc gì với Yến. Vì thời điểm đó làm gì có điện thoại cầm tay. Sau này khi hắn về thành phố T công tác, thật bất ngờ Yến từ Sài Gòn về thăm và hai anh em ngồi bên nhau trò chuyện vui vẻ tại một quán cà phê khá lãng mạn đầu cầu thành phố T. Yến bất ngờ nói lý do chưa lấy chồng là vì vẫn âm thầm thương hắn. Hắn rất bất ngờ, cảm ơn tình cảm của Yến dành cho hắn, và hắn cũng nói ra là không thể đến với Yến vì những lý do tế nhị… Đôi mắt Yến buồn, rơm rớm nước mắt. Yến cũng biết trước điều đó, nhưng nếu không nói ra sẽ không có cơ hội, ít ra cũng nhẹ lòng khi được tâm sự, chia sẻ với hắn. Hắn nhìn sâu vào đôi mắt ấy, rồi nói lời: Rất quý trọng cảm ơn Yến và mong người con gái xinh đẹp, chân thật, son sắt, mạnh mẽ ấy, sẽ sớm có người con trai xứng đáng yêu thương Yến trọn đời… Yến lại vào Sài Gòn và đến giờ không biết Yến đã tìm được cái nửa của mình chưa…?

*

Quay lại câu chuyện với mục sư, Thắng trân trọng cảm ơn mục sư, hứa sẽ dàn xếp công việc để có mặt dự lễ do mục sư tổ chức.

Sau này do tuổi cao, mục sư không còn tham gia Ủy viên Tổng Liên hội nữa, mục sư về hưu để nhường lại cho các thế hệ mục sư trẻ hơn đảm đang công việc mục vụ. Thắng bận nhiều việc, ít có điều kiện ghé thăm mục sư thường xuyên, chỉ thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm sức khỏe mục sư và gia đình.

Thắng còn nhớ, có lần mục sư tâm tình, Bác Hồ đã từng nói: Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bát ái; Phật Thích ca dạy: Đạo đức là từ bi; Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa. Do đó, Bác Hồ nói: “Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”. Nói như vậy để thấy mục sư này rất yêu quý khâm phục sự tài ba, sâu sát của Bác Hồ khi hiểu thấu đáo về tôn giáo.

Một mùa đông nữa lại về, khi tiết trời se se lạnh giá. Có thể hình dung và cảm nhận được mùa giáng sinh năm nay sẽ lạnh hơn mọi năm. Và việc chuẩn bị cho lễ giáng sinh của từng nhà tin Chúa sẽ không được chu tất như các năm, vì do dịch Covid-19 hoành hành gần như cả năm nay. Nên kinh tế và thu nhập của từng gia đình giảm sút rất nhiều. Song niềm tin vào đức Chúa trời ba ngôi vẫn luôn hiện hữu trong mỗi tín đồ, người là tôi, tớ con cái của Chúa thì vẫn không thay đổi.

Thắng chợt nghĩ đến con béc-giê ngày nào, luôn vểnh tai lắng tay nghe câu chuyện của người có đạo và người đời hạnh ngộ, lâu lắm rồi không được dự kiến. Chắc nó cũng không còn quen hơi khi đưa mũi ngửi ngửi mấy cái, rồi đưa cái đuôi bông lau to, mềm mại ra để ve vẩy hắn nữa… Và căn hầm bí mật ngày xưa ấy, chắc là sẽ theo những người Cộng sản trong chiến tranh đi vào quá khứ. Vì chiến tranh ai còn, ai mất làm sao nhớ hết được? Thắng sẽ lưu giữ câu chuyện này, luôn trân quý những gì vị mục sư hiền lành, nhân hậu đã kể, để nhắc nhở hắn về tình người, khi những mùa giáng sinh lại quay về…

Ngày mùa đông tháng 12.2020

V.V.T

Ghi chú:

(*) Nay là tỉnh Quảng Nam

(**) Là anh hùng Đỗ Thế Chấp – Nguyên Bí thư huyện ủy Tam Kỳ, Chính trị viên Tỉnh đội, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.