Cần nhìn nhận thực trạng môn văn trong nhà trường một cách khách quan

469

(Nhân đọc các bài viết về giáo dục Việt Nam của Thái Hạo trên Văn nghệ từ 07/8/2021 đến 21/8/2021)

Trước hết, xin hoan nghênh và cảm ơn Ban biên tập báo Văn nghệ đã mở chuyên đề Giáo dục Việt Nam và những tiếng nói trung thực – một chuyên đề rất cần thiết cho việc chấn hưng nền giáo dục của nước nhà hiện nay – để mọi người có cơ hội góp ý kiến. Nhà giáo Thái Hạo đã mở đầu bằng một loạt 5 bài viết: 1. Đâu mới là gốc bệnh của giáo dục Việt Nam? 2. Tử huyệt của đổi mới giáo dục và những việc cần làm. 3. Thi đua trong giáo dục và những hậu quả. 4 Thực trạng của môn Văn trong nhà trường. 5. Một hiện trạng về môn Văn trong nhà trường hiện nay. (Xem Văn nghệ các số từ 07/8/2021 đến 21/8/2021). Ba bài đầu tác giả đề cập đến những vấn đề chung về giáo dục; hai bài sau đi sâu vào thực trạng của môn Văn trong nhà trường. Phải nói ngay rằng đây là những bài viết tâm huyết của một nhà giáo có lương tâm và trách nhiệm đối với nền giáo dục của nước nhà. Xin được chia sẻ với ông những điều mà tôi tâm đắc cùng với đôi điều chưa thỏa đáng trong các bài viết của ông.

Trong 5 bài viết của nhà giáo Thái Hạo, tôi tâm đắc nhất là bài 1: Đâu mới là gốc bệnh của giáo dục Việt Nam? Bài viết ngắn nhưng luận điểm rõ ràng, cách nhìn nhận vấn đề khoa học, với một nhãn quan giáo dục sắc sảo. Từ đó, tác giả đã “bắt mạch” đúng và trúng căn bệnh trầm kha của nền giáo dục nước nhà và đã chỉ ra cái “đơn thuốc” hữu hiệu nhất để trị căn bệnh ấy. Căn bệnh trầm kha dai dẳng hàng nhiều thập kỉ đã và đang cản trở sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam chính là vấn đề quản lý hành chính nhà nước về giáo dục, đã được tác giả lí giải trên cơ sở khoa học: “Chừng nào tình trạng “quan giáo dục”, “lãnh chúa giáo dục” còn tồn tại thì chừng ấy không một cải cách hay đổi mới nào có thể thành công. Chừng nào người giáo viên còn chịu sự quản lí có tính chuyên chế trong các môi trường giáo dục bởi một hệ thống mệnh lệnh hành chính thì chừng ấy họ không thể phát huy được năng lực của mình. Chừng nào mà người giáo viên vẫn chỉ là những kẻ làm thuê thuần túy đúng nghĩa theo kiểu làm công ăn lương thì không thể mong một sự sáng tạo. Số phận giáo viên nằm trong tay người quản lí, từ hiệu trưởng đến lãnh đạo các cấp trong ngành giáo dục, mà ở đó những thứ “bất thành văn” và “phép vua thua lệ làng” mới chính là áp lực thật sự đối với họ”. Đây mới đúng là gốc bệnh của giáo dục Việt Nam bởi chính nó đã kìm hãm sự phát triển của đội ngũ giáo viên là động lực chủ yếu và quyết định cho sự nghiệp giáo dục đó. Và liều thuốc trị bệnh căn cơ phải là “cởi trói cho giáo viên” bằng một cuộc “cải cách hành chính” trong giáo dục theo hướng tôn trọng người giáo viên để trả lại chỗ đứng xứng đáng vốn có của họ trong nhà trường như tác giả đã khẳng định: “Người giáo viên phải được độc lập và được trao quyền tối cao đối với chính công tác dạy học của mình”. Có như thế thì họ mới phát huy sáng tạo, cống hiến năng lực và tâm huyết của mình làm cho sự nghiệp giáo dục của đất nước phát triển.

Bằng sự trải nghiệm nhiều năm trong việc dạy học, tác giả đã “bắt mạch” trúng căn bệnh gốc của giáo dục Việt Nam và “kê đơn” đúng để trị bệnh cho nó. Không những thế, ông lại dám “tuyên chiến” với một cơ chế quản lí hành chính đã ngự trị nhiều năm trong giáo dục. Cả hai điều đó đều rất đáng ghi nhận.

***

Ở bài 2 – Tử huyệt của đổi mới giáo dục và những việc cần làm, tác giả lại nhấn mạnh và phân tích sâu hơn vấn đề quản lí giáo dục – gốc bệnh của giáo dục Việt Nam – mà ông đã nêu lên trong bài 1. Cái cơ chế quản lí giáo dục đã ngự trị nhiều thập kỉ ở nước ta, đến nay vẫn còn nguyên như cũ: “Tính chất quan liêu vẫn đang ngự trị trong quản lí giáo dục, biến các cơ sở giáo dục phổ thông thành các “vùng cát cứ” với cách điều hành nặng về mệnh lệnh hành chính và uy quyền cá nhân. Thêm nữa, tiêu chí quản lí lấy thành tích (điểm số) làm chính sẽ cản trở, thậm chí chặn đứng đổi mới giáo dục”. Cái cơ chế quản lí giáo dục ấy đã lỗi thời, cần thay đổi một cơ chế quản lí mới phù hợp với môi trường giáo dục, mà việc cần làm ngay, theo tác giả đề xuất, là “trao quyền cho giáo viên nhiều hơn”, “đồng thời thu hẹp các quyền của người quản lí đối với các vấn đề chuyên môn của giáo viên”, “xây dựng và ban bố ngay một bộ quy tắc tốt hơn về đánh giá chất lượng giáo dục để thoát ra khỏi hệ quy chiếu của “bệnh thành tích” và điểm số”. Ở cơ chế quản lí mới này, tác giả viết: “Không thể can thiệp quá sâu vào công việc giảng dạy của người giáo viên như hiện nay” là đúng mức độ; nhưng để “rạch ròi giữa quản lí hành chính và quản lí chuyên môn”, tác giả viết: “Lãnh đạo các cơ sở giáo dục phổ thông không được can thiệp vào các vấn đề chuyên môn của tổ bộ môn và cá nhân nhà giáo” thì lại vượt quá mức độ cho phép, trở thành cực đoan, khó chấp nhận. Bởi nếu không được can thiệp vào các vấn đề chuyên môn… thì không biết lãnh đạo nhà trường sẽ làm gì? Chả lẽ chỉ quản lí hành chính thôi ư? Và ai sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng chuyên môn, sản phẩm đào tạo của nhà trường trước Nhà nước và nhân dân? Không thể là giáo viên, tổ trưởng chuyên môn mà phải là Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu nhà trường (trong đó có hẳn một Hiệu phó phụ trách chuyên môn). Vấn đề ở đây là cách lãnh đạo chuyên môn thế nào cho tốt và cần tôn trọng, khích lệ mọi sáng tạo trong lao động – dạy học của người giáo viên để họ phát huy hết tiềm năng của mình cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.

 (Bài 3 – Thi đua trong giáo dục và những hậu quả, đặt ra một vấn đề khá phức tạp, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều nhau, lại rất nhạy cảm về chính trị, xin được trao đổi với tác giả trong một dịp thuận tiện khác).

  ***

Sau ba bài nói về những vấn đề chung của giáo dục, tác giả dành hai bài cuối cho môn Văn: Bài 4 – Thực trạng của môn Văn trong nhà trường; Bài 5 – Một hiện trạng về môn Văn trong nhà trường hiện nay. Thực ra hai bài này cũng chỉ là một: bàn luận và đánh giá về việc dạy – học môn Văn trong nhà trường hiện nay. Đây vốn là mảnh đất sở trường của tác giả, ông lại là người rất am hiểu việc “bếp núc” của nghề dạy văn, nên đã đem đến cho người đọc một bức tranh khá sinh động về “thực trạng của môn Văn trong nhà trường”. Thú thực, cũng là giáo viên dạy Văn, tôi đã bị cuốn hút theo những dòng viết của ông trong gần hai trang báo. Nhưng đọc xong, tĩnh tâm suy nghĩ lại, tôi cứ tự hỏi: có thực như vậy không, lẽ nào văn học nhà trường hiện nay lại “bất ổn (thậm chí là tan hoang)” như tác giả nói không? Đọc lại lần 2, rồi lần 3, tôi mới vỡ nhẽ. Hóa ra, cái “thực trạng của môn Văn” ở đây không phải là cái thực trạng có thật 100% trong nhà trường mà chỉ là “thực trạng của môn Văn” qua lăng kính chủ quan của nhà giáo Thái Hạo – cho dù ông đã trải nghiệm sâu sắc trong nghề dạy văn. Ta thấy: cái đề Văn do ông chọn, và ba nhóm học sinh làm bài (từ cách làm cho đến nội dung bài) cùng với tỉ lệ phần trăm cho mỗi nhóm – tất cả đều là dự đoán của chính ông, của riêng ông, như ông đã viết trong bài: “Chúng ta thử dự đoán xem học sinh sẽ làm bài thế nào?”. Thế là rõ. Mà đã dự đoán thì có thể đúng mà cũng có thể không đúng. Cách viết theo lối dự đoán này thường dễ dẫn đến chủ quan, tư biện, kém thuyết phục. Bởi nếu đề thì là có thật, và những tỉ lệ phần trăm của các nhóm làm bài của học sinh là có thật (được lấy từ thống kê chính xác của các Hội đồng chấm thi) thì chắc chắn sức thuyết phục sẽ cao, người đọc sẽ tin hơn. Đằng này, cái đề mà tác giả chọn cho học sinh lớp 12 là một cái “đề giả” vì Truyện Kiều của Nguyễn Du thuộc chương trình lớp 10, và đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn chỉ được ra trong chương trình lớp 12 và học kì II của lớp 11. Như vậy, chọn một cái đề của lớp 10 để khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 là không hợp lí, thiếu khoa học. Hơn nữa, tại sao trong phần dự đoán ba nhóm làm bài, lại chỉ có duy nhất một nhân vật là Từ Hải (cho dù tác giả có ghi thêm từ “chẳng hạn”) mà không có các nhân vật khác như Thúy Kiều, Kim Trọng, thậm chí cả Thúy Vân nữa? Trong thực tế làm bài của học sinh, không thể 100% các em thích nhân vật Từ Hải, mà chắc chắn phải có một số nào đó (dù ít) thích các nhân vật khác. Tôi đồ rằng tác giả chọn cái dề thi này chẳng qua vì ở lớp 10 có bài học Chí khí anh hùng nói về nhân vật Từ Hải, từ đó có thể dễ dàng dự đoán ra cách làm bài và nội dung làm bài của từng nhóm trong ba nhóm mà ông đã nói (xem bài 4). Như vậy, đây là thực trạng có thật của việc học sinh làm bài thi này hay chỉ là những suy nghĩ, dự đoán của riêng ông?

Cách viết chủ quan, tư biện thường đi đến cường điệu, hoặc khen hết lời, hoặc chê quá mức. Với nhà giáo Thái Hạo, đây là chê quá mức. Mở đầu bài Thực trạng của môn Văn trong nhà trường, tác giả viết: “… ai cũng “cảm thấy” sự bất ổn (thậm chí là tan hoang) của văn học nhà trường…”. Nghe kinh hoàng như một tiếng sét đánh! Bởi vì “tan hoang” là không còn gì cả, không còn cơ cứu vãn nữa! Có thật như thế không? Không! Bởi vì tất cả vẫn còn đấy: thầy còn, trò còn, sách giáo khoa còn, tiếng giảng bài của thầy cô cùng tiếng phát biểu của học sinh vẫn vang lên trong các tiết dạy – học Văn. Chất lượng dạy – học có thể chưa cao, nhiều nơi còn yếu kém nhưng chưa bao giờ văn học nhà trường đi đến chỗ “tan hoang” như tác giả nói. Tôi nghĩ chỉ nên dùng từ “bất ổn” hoặc “xuống cấp” là đúng với thực trạng của văn học nhà trường hiện nay. Sau đó, tác giả khái quát từ ba nhóm làm bài của học sinh thành hai điểm yếu kém cơ bản là tư duy kém (không biết tư duy) và diễn đạt kém (không biết diễn đạt) để đi đến nhận định “học sinh sau 12 năm thì phần lớn là vừa không biết viết vừa không biết nói…” thì có thể chấp nhận được. Nhưng đến cái điều sau đây thì thật vô lí, như là một sự cường điệu, bịa đặt ra một cách làm bài thật kì quặc của học sinh lớp 12: “Cách làm bài này có thể hình dung như sau: hỏi – Em ăn cơm chưa? Trả lời – cơm là 1 loại lương thực rất bổ dưỡng, giúp nuôi sống con người, vì thế chúng ta phải biết trân trọng lúa gạo và công sức của những người nông dân, không được lãng phí…”. Có thể nào chấp nhận được điều này, khi ta hỏi ngay cả những em bé “Em ăn cơm chưa?” thì các em đều trả lời đúng là “Ăn rồi” hoặc “Chưa ăn” một cách dễ dàng, huống chi đây lại là học sinh lớp 12, sao lại có thể trả lời kì quặc như vậy?

Cách nhìn nhận, đánh giá học sinh như vậy là chưa khách quan: chê nhiều và chê quá mức mà chưa thấy dược những nhân tố tích cực, dù còn ít, trong học văn của học sinh như những đốm lửa thắp sáng tâm hồn các em khi được những bàn tay thương yêu của thầy cô dìu dắt, khuyến khích (1). Học sinh của chúng ta không hiếm những em giỏi văn, làm bài có ý tưởng riêng, viết bài có phong cách riêng. Sở dĩ có những biểu hiện yếu kém nói trên là do cách dạy – học và cách thi cũ kĩ, lạc hậu. Suy cho cùng, họ cũng chỉ là nạn nhân của cách dạy – học và cách thi đó. Vấn đề ở đây là cần cải tiến cách dạy – học và cách thi theo tinh thần của giáo dục hiện đại để có thể khắc phục dần các yếu kém trong học văn của học sinh.

Đối với giáo viên, tác giả cũng có những nhận định cường điệu và những đánh giá khắt khe. Dưới con mắt của ông, những giờ dạy Văn đã diễn ra như thế nào? “Đọc – chép, chiếu – chép, tài liệu – chép. Giáo viên thao thao bất tuyệt nói và nói như một cái máy đã cài sẵn đĩa; người học chép – chép…”. Hình ảnh người giáo viên hiện lên thật đáng thương trong giờ học văn vốn là giờ của thưởng thức nghệ thuật, của Cái Đẹp, giữa những học sinh chỉ cắm đầu chép – chép… Chưa hết, còn có những đánh giá giáo viên chưa chính xác, thiếu khách quan, với cách nói khó chấp nhận khi ông cũng là đồng nghiệp của họ: “Rất nhiều giáo viên cũng chỉ là những con vẹt nói lại lời người khác, bởi thế, họ cứng nhắc theo cái đã học thuộc; nếu đi lệch một chút họ sẽ chẳng biết đâu là bến bờ. Bởi thế, khi bước lên bục giảng, họ nói như một cái máy… hết tiết thì ngừng” (xem bài 5). Điều này là có trong đội ngũ giáo viên Văn ở nước ta (do nguyên nhân đào tạo chưa tốt), nhưng chưa đến mức độ thành “cái máy nói” và về số lượng cũng không thể “rất nhiều” như nhận định của tác giả. Nhưng quan trọng ở đây lại chính là cách nói của tác giả với hình ảnh người giáo viên Văn chỉ là những con vẹt nói lại lời người khác (?!) Có gì như là cao ngạo và nhẫn tâm trong cách nói này đối với đồng nghiệp của mình! Không biết nhà giáo Thái Hạo đã gặp trường hợp những cô giáo trẻ mới ra trường nhờ đồng nghiệp đi trước hướng dẫn cho những bài khó, rồi học thuộc để lên lớp không? Nếu có, hẳn ông không đang tâm viết những dòng mỉa mai này. Và cũng chỉ trên báo chí, ông mới dám viết như vậy. Còn trong tổ Văn, nếu dự giờ, có một đồng nghiệp dạy như thế, ông có dám phê phán họ là “con vẹt nói lại lời người khác” không? Cho nên, nhìn nhận, đánh giá cái gì cũng cần phải trung thực – mà trung thực tức là phải chính xác và khách quan. Trong giáo dục nói chung là như vậy, trong dạy – học môn Văn lại càng phải như vậy.

 ***

Mặc dù có đôi điều cần bàn thêm cho rõ, nhưng nhìn trên tổng thể và xét về cơ bản, 5 bài viết của nhà giáo Thái Hạo là những bài viết tốt, có nhiều ý tưởng mới mẻ, nhiều luận giải sắc sảo về giáo dục nói chung cũng như việc dạy – học Văn trong nhà trường. Đây là những bài viết rất bổ ích và cần thiết cho việc chấn hưng nền giáo dục của nước nhà hiện nay đang có những bế tắc cần khai thông, những bất ổn cần khắc phục. Chắc chắn những bài viết của ông sẽ được các cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và đào tạo nghiên cứu sử dụng – với tư cách là đồng nghiệp của ông, tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều đó.

Theo Xuân Nguyễn/Văn nghệ

_______

  1 Xem: Nguyễn Xuân Lạc: Cần định danh người giáo viên Ngữ văn theo quan điểm của giáo dục hiện đại – Thời báo Văn học nghệ thuật số 18, ngày 26/11/2020, tr.8