Cạn những nỗi buồn là những nguồn vui

1182

Trúc Thiên

Giới thiệu Tiệm kí gửi nỗi buồn – Nguyễn Duy Quyền

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyễn Duy Quyền với tôi thường gọi nhau là “bạn già”, bởi hai chúng tôi bằng tuổi nhau, cũng là dân gốc miệt thứ đồng bưng, cũng đã bôn ba gieo neo phận mình ở cái thị thành hoa lệ này ngót chừng phải hai chục năm. Thoảng khi hai đưa hay tụ cùng nhau nói chuyện mình, chuyện đời, chuyện mưu sinh nhọc nhằn lẫn chuyện đam mê viết lách.

Quyền giỏi. Giỏi hơn tôi nhiều thứ. Quyền làm y tá, từng thi Master Chef, làm chủ một thương hiệu may hanmade với nhiều áo dài thêu tay gợi nét xưa xa rất kì mỹ. Quyền cũng là tác giả với nhiều đầu sách được bạn đọc hào hứng đón nhận. Dù Quyền vẫn lặng lẽ viết, chứ không ồn ả rầm rộ trên truyền thông. Nhưng có lẽ, cái duyên nghiệp viết lách nó gieo vào Quyền nhiều thương tưởng, nên câu chữ của Quyền cứ dung dị mà len lỏi vào ngõ ngách tâm hồn độc giả. Cứ vậy, Quyền và độc giả của mình tạo một không gian chuyên biệt với nhau.

Quyên thương Đà Lạt, bởi Đà Lạt có một người tri kỉ song hành cùng Quyền đi qua khoảng đời này. Thế nên, khi đọc tập truyện “Tiệm kí gửi nỗi buồn”, thốt nhiên tôi bỗng thương Đà Lạt một cách thành toàn. Có lẽ chính cảm xúc Quyền truyền tải vào mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật, mỗi góc phố, mỗi mùa hoa, và cả những con dốc quá đỗi quyến luyến.

Đọc “Tiệm kí gửi nỗi buồn”, lấp lánh một chủ đề xuyên suốt về tình yêu của người trẻ. Bối cảnh ở Đà Lạt, những nỗi niềm đắng đót của trái tim, những mênh mông dịu vợi của phận người, và cả những thấu cảm của sự hy sinh. Suy cho cùng, tuổi trẻ này, nỗi buồn cũng phải gói ghém lại, bởi ngày mai, thông vẫn reo, hoa vẫn nở, phố núi vẫn thênh thênh gió, thung sâu vẫn dao dác khúc khuỷu. Và thành phố này, muôn đời vẫn mờ sương, muôn đời người ta vẫn gọi nó là thành phố buồn. Lòng người dễ vì ngoại cảnh mà buồn, tình người dễ vì yêu thương mà đau. Hiểu thế, thấu cảm đến vậy, thì phải biết phía sau nỗi buồn, chúng ta vẫn phải sống với tuổi trẻ chính mình. Chúng ta vẫn phải cứ đi về phía mặt trời, về phía tương lai, bằng những bước dài và xa. Bằng những tháng ngày vững vàng sau quãng đường thanh xuân trải nghiệm.

Như trong “Nắng phai”, Vân cũng tự mình làm mẹ đơn thân, khi Trường hun hút ở phố núi này. Chừng ngày vỡ chuyện, Vân cũng vẫn phải sống với mục đích cuối cùng của tình yêu là bé Mèo. Hay như Lâm trong “Cây giữa đời”, anh chàng trai trẻ chọn theo gió về với đất, quyện đời mình vào cây thông cô đơn với một suy nghĩ giản đơn, cạn cùng cuộc đời mình, vẫn cứ phải vươn về phía ánh sáng. Thế mới thấy, các nhân vật Quyền, luôn có điểm nhấn là bắt nguồn từ những khổ đau, từ những nỗi buồn, nhưng tưu trung lại, vẫn là lối thoát an nhiên ở kết câu chuyện. Như một triết lý sâu xa, cạn những nỗi buồn là những nguồn vui.

Ở mỗi một truyện ngắn, Nguyễn Duy Quyền luôn khéo léo gợi mở một ẩn ý mà mình gởi gắm vào câu chữ. Đó là một sự đúc kết của chàng trai đã quá nửa đời mình nếm trải chua cay mặn đắng cuộc đời này. Hay có thể nói một cách giản đơn, đó chính là thông điệp sống của tuổi trẻ ngày hôm nay. Chúng ta có thể bao quanh quãng đường thanh xuân của mình bằng sự cô đơn, nỗi buồn, niềm đau, nhưng sau cùng, không ai khác, chính chúng ta phải tự vượt qua. Chẳng ai có thể sống giúp chúng ta phần đời này hết. Rất rõ ràng, rất rành mạch. Thông điệp này, được xuyên suốt trong 22 truyện ngắn của tập sách “Tiệm kí gửi nỗi buồn”.

Văn chương với Quyền đó là đam mê. Vậy nên, Quyền cứ nhẩn nha viết, cứ bình thản mà ra sách. Phần còn lại của sự yêu thương là dành riêng cho độc giả cảm nhận, và lựa chọn Nguyễn Duy Quyền trong vô vàn tác giả trẻ khác của làng Văn. Mừng là Quyền đã làm được, Sự dẫn dụ của Quyền chính là thứ ngôn ngữ bình dị nhất, thứ tình cảm chân phương nhất, và thứ truyện ngắn giản lược nhất. Chỉ bấy nhiêu thôi, Quyền đủ chinh phục đối tượng độc giả của riêng mình.

Gấp trang sách cuối lại, tin rằng độc giả cũng như tôi, hoặc những ai đã trót lòng vương mang mảnh đất Đà Lạt trong lòng mình, sẽ gặp đâu đó rất nhiểu ảnh hình quen thuộc. Mà cũng có khi, bắt gặp đâu đó chuyện tình của chính mình. Bắt gặp lại mình của những ngày lãng mạng theo mùa hoa, lang thang theo trên những triền dốc, thả hồn vào những cơn gió, và the thắt với cái lạnh phố núi. Bắt gặp niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc lẫn khổ đau. Nhưng, sẽ kí gửi lại hết vào trang sách, phó thác cho những câu chữ, để nhẹ tênh mà sống tiếp cuộc thanh xuân đời mình. Dù bạn bao nhiêu tuổi, vẫn cứ một niềm tin thanh xuân như thế.

T.T