Sương Nguyệt Minh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Mỗi khi nghĩ về thảm họa 39 người chết trên đường đến Anh quốc, tôi lại hình dung ở quê nhà, họ bán trâu bán bò, họ vay nợ ngân hàng hoặc vay nặng lãi để đóng tiền đến miền đất hứa. Bước ra khỏi cổng nhà vừa hăm hở, hy vọng, vừa lo lắng, nhớ nhung. Bước ra khỏi cổng nhà là bố mẹ ngóng, vợ con mong.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Trong vài chục năm nay, người Việt trên đường xa xứ tìm kế sinh nhai chưa bao giờ bị thảm họa lớn như vụ 39 nạn nhân chết trong container trên đường đến nước Anh. Chưa bao giờ trong nước và cộng đồng hải ngoại chấn động tinh thần như vậy. Chưa bao giờ dư luận chia rẽ như thảm họa này.
Thảm họa lớn bởi cùng một lúc số lượng người chết nhiều. Chấn động bởi không chỉ số lượng nhiều, mà cái chết… rất thảm. Chết do ngạt thở, hay chết do lạnh cóng còn phải chờ công bố cuối cùng của cơ quan điều tra hạt Essex, nước Anh. Những người có đầu óc tưởng tượng, thì còn đẩy những cái chết thảm này đi xa hơn, khủng khiếp hơn nhiều. Dư luận chia rẽ là bởi cảm xúc, tình cảm khác nhau, chia sẻ đồng cảm hoặc không đồng cảm chia sẻ, người ở trong cuộc, người đứng ngoài nhìn,… và cả quan điểm chính trị, xã hội khác nhau, nên có cái nhìn khác nhau. Đó cũng là một điều bình thường, chỉ có điều thảm họa quá lớn, lại xảy ra ở nước ngoài, nên luận bàn mãnh liệt, tranh cãi kịch liệt, thậm chí còn cãi nhau mất mặn mất nhạt.
Về cơ bản, dư luận chia thành hai phe như tiến sĩ, nhà giáo Chu Mộng Long minh định: “Phe nước mắt và phe lạnh lùng”. Tôi cũng đồng cảm cách nghĩ này. Một bên nghiêng về tình, một bên ngả về lý. Phe nước mắt thì xót xa thương cảm. Xót cho một kiếp người tha hương, bỏ xứ. Dù họ có nhập cảnh trái phép thì “nghĩa tử là nghĩa tận”, hãy cảm thông và dang rộng vòng tay bao dung với người bất hạnh. Có người cho rằng đây là thảm họa lớn cần phải quốc tang. Phe lạnh lùng thì chỉ nghĩ đến hậu quả của thảm họa, rồi quy chiếu ngược lại về suy nghĩ, hành động của những người xấu số. Cho rằng những người nhập cảnh trái phép gây nên cái chết làm xấu hình ảnh người Việt. Rằng không thể dung túng cho hành động vi phạm pháp luật Việt Nam và vi phạm luật pháp nước ngoài. Rằng họ đến Anh là đi trồng “cỏ”, thực ra là đi trồng cần sa. Đã biết họ đi làm việc phi pháp ấy đâu mà phỏng đoán? Tuy nhiên, tôi thấy còn một cái nhìn, một quan điểm điềm tĩnh hơn là: chia sẻ, thông cảm, xót thương, nhưng vẫn đặt trong góc nhìn luật pháp. Có người cho rằng đây là quan điểm trung dung. Lại có người bảo: vừa nhân ái và nghiêm khắc.
Quả thật, thảm họa 39 người chết trong container trên đường đến Anh quốc, (khi tôi viết bài này có tin hầu hết là người Việt) vô cùng đau đớn và xót xa. Là thảm họa. Thảm họa có thể là chiến tranh, hỏa hoạn. Có thể là tự nhiên như động đất, núi lửa, sóng thần. Là dịch bệnh. Thảm họa này là thảm họa về thân phận con người. Con người quá mong manh, bé nhỏ, rẻ rúng, và bất an bất ổn. Chết ngạt thở hay chết lạnh cóng bởi container đông lạnh? Có thể nói số nạn nhân này hầu hết là người nghèo. Người nhiều tiền hơn “đi Vip”. “Đi Vip” thì được ngồi trong ca bin, hoặc ngồi trên xe bốn chỗ, được cung cấp giấy tờ đi lại, thậm chí có người phiên dịch khi gặp cảnh sát Anh. “Đi Vip”, tỷ lệ bị phát hiện và mất an toàn thấp hơn. Dĩ nhiên, người chân chính nghèo, hay người giàu có, dù di cư hay làm ăn, công việc, thì nhập cảnh bằng con đường hợp pháp. Nghèo mới nhập cảnh bằng con đường bất hợp pháp rẻ tiền như thế. Cách nhập cảnh này người ta gọi là “đi cỏ”. “Đi cỏ” là cạy thùng, nhảy chuyến. Lỡ chuyến này nhảy chuyến khác. Người thì giấu trong thùng hàng, trong container, có người ép thân vào tấm ván dưới gầm sàn ô tô. “Đi cỏ” dễ bị phát hiện, không an toàn, dễ bị cảnh sát bắt, trục xuất. Tỷ lệ rủi ro, bất hạnh thường rơi vào những thân phận nghèo khó. Nhưng, 39 nạn nhân này có phải tất cả đều là người Việt không? Chưa hẳn họ sẽ đi trồng “cỏ”, mà mưu sinh với những nghề khác thì sao?
Mỗi khi nghĩ về thảm họa 39 người chết trên đường đến Anh quốc, tôi lại hình dung ở quê nhà, họ bán trâu bán bò, họ vay nợ ngân hàng hoặc vay nặng lãi để đóng tiền đến miền đất hứa. Bước ra khỏi cổng nhà vừa hăm hở, hy vọng, vừa lo lắng, nhớ nhung. Bước ra khỏi cổng nhà là bố mẹ ngóng, vợ con mong. Vời vợi xa xăm biết ngày nào về. “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương? Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”…Tất cả đã trở thành hư vô cùng nỗi đau phận người. Tôi lại hình dung đến những giây phút cuối cùng của đồng bào sắp rời xa thế giới này. Cầu Trời khấn Phật? Than thân trách phận? Khóc lóc? Quở trách? Nguyền rủa kẻ buôn người rủ rê, dắt mối lôi mình ra đi? Ân hận? Giày vò? Nhớ vợ con? Sám hối với cha mẹ?… Hay, âm thầm chấp nhận cái chết đang đến từng giây bởi mình đã cả gan đánh cược mạng sống với đời? Quyết liệt hay cào cấu, hốt hoảng tìm cách thoát thân thoát chết mà vô vọng, bất lực? Không thể biết được! Chỉ biết rằng: Cuối cùng họ đã thiệt mạng. Tất cả đều lỡ làng, muộn mằn. Những cái chết rất đáng thương, nhưng cũng đáng trách.
Đáng thương bởi ai cũng có lý do riêng để ra đi tìm đường “cứu nhà”. Cứu nhà là… muốn nhà hết phận nghèo. Muốn nhà to hơn. Muốn con cái có đời sống vật chất tốt hơn. Muốn bằng anh bằng em, khi “con gà tức nhau tiếng gáy”, trong làng nhiều người xây nhà chóp, nhà mái to vật vã bằng tiền lao động từ nước ngoài gửi về. Tâm lý này hoàn toàn có thể cảm thông. Nhưng, đáng trách là họ lại ra đi kiếm sống bằng con đường bất hợp pháp. Có người nói: Người đã nghèo như thế, không nhập cảnh phi pháp thì làm sao đạt được mục đích. Câu nói này cũng đồng thời là câu trả lời rồi. Không ai đánh cược với đời bằng sự may rủi. Khổng Tử có câu: “Bậc quân tử cư xử bình dị để đãi mệnh. Kẻ tiểu nhân hành động nguy hiểm để cầu may”. Cầu may đã năm ăn năm thua rồi, lại hành động nguy hiểm thì rất dễ trắng tay.
Mỗi con người sinh ra đều có 5 điểm tựa: Gia đình. Tổ tiên. Đất nước. Hồn thiêng sông núi. Trời Phật. Điểm tựa đôi khi còn như là bệ phóng. Con người có trí tuệ là biết đứng trên bệ phóng, biết dựa vào điểm tựa để giữ mệnh, và không tự biến mình thành nạn nhân của nạn buôn người. Chúng ta sinh ra đã có một đất nước. Đất để ta ở. Nước để ta sinh sống. Không khí để ta thở và tồn tại. Đất nước cho ta biển rộng, sống dài, tài nguyên, khoáng sản. Đất nước có an sinh xã hội, có quân đội bảo vệ, có công an để giữ gìn trật tự, có luật pháp để bảo vệ chúng ta… Là công dân được pháp luật bảo vệ thì cũng phải thực hiện đúng pháp luật. Không làm đúng pháp luật là lỗi đạo, lạc đường, ai cũng vô pháp thì xã hội hỗn loạn. Những người bất hạnh trên đường đến nước Anh quá u mê mà không biết bên mình là điểm tựa Đất nước vững chắc. Nếu tỉnh táo và không nhẹ dạ, cả tin, thì họ đã sống và làm việc theo luật. Ra khỏi đất nước có thể bằng visa hợp pháp, nhưng lại mang tư duy và hành động phi pháp làm hành trang. Họ cũng bất chấp luật pháp nước sẽ đến khi nhập cảnh và cả khi sinh sống. Vậy thì, phải đáng trách những hai lần.
Theo ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xa hội: “Hiện nay chúng ta có khoảng gần 400 DN được cấp phép, đủ tư cách đưa người Việt đi lao động nước ngoài. Ba năm qua, mỗi năm ta đưa trên 100.000 người đi lao động đi nước ngoài, chủ yếu sang Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia”. Còn con số đi bất hợp pháp thì không thống kê nổi. Hóa ra, người Việt chúng ta tha phương mưu sinh nơi đất lạ… quá nhiều. An toàn hay bất hạnh, mỗi người hãy chọn cho mình một con đường. “…có nhiều người đi nhưng hết thời hạn trốn ở lại, không chịu về. Điển hình năm 2016, có 56% người lao động Việt ở lại Hàn Quốc, sau 3 năm kiên trì vận động giờ còn 26%”. Thảm cảnh này của người Việt cũng là gánh nặng xã hội của các nước sở tại.
Dư luận vừa qua, có ý kiến phê phán chính sách nhập cư nước Anh và một số nước giàu có, dựng tường kiên cố, siết chặt nhập cư, đã tạo ra nhập cư trái phép. Theo đó, người nhập cư phải chui vào thùng container, phải vượt biên giới bằng đường mòn thú đi, bằng đường tiểu ngạch…dẫn đến nhiều cái chết thê lương trên đường đi. Ôi! Người Anh đang là nạn nhân của tệ nhập cư trái phép, bỗng dưng trở thành tội đồ!? Cho phép nhập cư hay không nhập cư là quyền mỗi quốc gia, các quốc gia ấy có các công dân của họ, họ có đồng ý cho mình đến nhà hay không là quyền của họ chứ. Người ta có thể phê phán một quốc gia nào đó vô nhân đạo nhân văn khi ngăn cản nhập cư do chiến tranh. Nạn nhân chạy trốn khỏi chiến tranh máu chảy đầu rơi, tương tàn khốc liệt, thậm chí còn phải cưu mang, huống hồ là chấp nhận nhập cảnh, dù trái phép. Trường hợp 39 nạn nhân trong container đến Anh quốc là mưu sinh kiếm sống, chứ không phải tị nạn chiến tranh. Cần phải phân định rõ ràng, minh triết. Phê phán chính sách nhập cảnh nước Anh có khác gì kẻ ăn trộm trèo tường bị rơi xuống chết, thì lại bênh vì chủ nhà xây tường chống trộm cao quá nên kẻ trộm mới chết.
Trong thảm họa này, chính phủ Anh chẳng có lỗi gì. Họ đã làm hết những việc cần làm bởi lương tâm và trách nhiệm: Điều tra, bắt giữ đồng bọn tổ chức nhập cảnh phi pháp. Đồng thời xác định danh tính nạn nhân. Đặc biệt là kính cẩn cảm thông, chia sẻ, tưởng niệm các nạn nhân bằng tấm lòng nhân đạo, nhân ái, nhân văn. Cảnh sát hạt Essex, nước Anh treo cờ rủ tưởng niệm 39 nạn nhân. Họ cúi đầu tưởng niệm, không phải cúi đầu trước các nạn nhân nhập cảnh phi pháp, mà cúi đầu trước các kiếp người thân phận xa xứ bất hạnh, dù chưa biết là sắc tộc nào. Họ chưa xét đến tính bất hợp pháp hay không của nạn nhân, việc trước mắt là… giải quyết hậu quả của đồng loại, do đồng loại gây ra, với tinh thần bác ái nhất. Vậy thì, còn phê phán người Anh cái nỗi gì?
Trong thảm họa này, nhà nước ta hành động như vừa qua là kịp thời và phù hợp. Ta phải làm gì khi danh tính nạn nhân có phải là đồng bào ta hay không còn đang xác định, chờ bàn giao? Các cơ quan bộ, ngành liên quan cũng đã lên đường sang Anh quốc. Một số nhân vật chính phủ chia sẻ, chia buồn cũng đúng mực. Công việc bảo hộ nạn nhân là công dân Việt cũng kịp thời, chắc chắn. Công an cũng đã bắt giữ một số kẻ tổ chức người lao động trái phép. Việc giải quyết hậu quả thảm họa nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào tiến độ điều tra, xác định danh tính nạn nhân của cảnh sát nước bạn. Tuy nhiên, đoạn trường tiếp theo cần phải hành xử đúng mực, nhân ái và văn mình, thì nhân dân còn đang nghe ngóng, chờ đợi và hi vọng vào các điều tốt lành.
Thôi, luận bàn, phê phán thì cũng phê phán, luận bàn nhiều rồi.
Từ giờ, và trước mắt, hãy gác lại, tập trung giải quyết hậu quả thảm họa. Lúc này, cần các doanh nghiệp chia sẻ vật chất tiền bạc với gia đình nạn nhân; cần các hãng máy bay làm từ thiện đưa thi thể các nạn nhân về quê…vv.
Song cái điều chờ đợi cơ bản, sâu xa hơn vẫn là một môi trường lao động tốt lành – Môi trường lao động thu nhập cao, sống chan hòa, bình dị, dân chủ, dân sinh cho người lao động.