Nguyễn Tấn Thành
(Vanchuongphuongnam.vn) – Trên tạp chí Hồn Việt, số Tết Ất Mùi (số 90, 2+3/2015) có bài viết của ông Đào Văn Bình (California-Mỹ) tỏ ra băn khoăn khi nêu ý kiến về sự biến dạng của tiếng Việt. Trước tiên, tôi xin bày tỏ sự hoan nghênh một tác giả dù sống ở hải ngoại, đã chịu khó tìm hiểu, quan tâm đến ngôn ngữ nước nhà.
Nhà văn Nguyễn Tấn Thành
Chủ đề đặc biệt, nội dung bài viết khá công phu có thể lưu ý một số người chưa có ý thức, còn thờ ơ với cách dùng bừa bãi tiếng mẹ đẻ vốn được coi là thiêng liêng, mang quốc hồn quốc túy của dân tộc.
Trên cơ sở nội dung bài viết của tác giả, từ chỗ đứng của một người suốt đời đứng lớp dạy Văn, Ngoại ngữ và cầm bút viết văn cho sinh viên, học sinh, tôi xin mạnh dạn đề nghị các bạn đọc xem coi có thể thay đổi lại phần nào cách nói, cách viết ở một số ý và từ được chăng. Được vậy, tiếng Việt ta mới bớt đi vẻ lai căng khó coi, đôi khi còn đi đến chỗ kỳ cục khó hiểu cho người nghe, người đọc, làm mất đi tính quần chúng rất phi văn hóa do tính bừa bãi không cẩn thận cân nhắc khi nói và viết!
Dưới đây là một số nhỏ ý kiến tiêu biểu trong muôn một, mong các bạn thử ngẫm xem lại về cách viết và nói nên tránh vì quá lạm dụng tiếng Anh hay tiếng Pháp trong câu nói tiếng Việt.
Sự du nhập hợp lý tiếng nước ngoài vào tiếng Việt – một ngôn ngữ vốn đã hình thành cấu trúc bài bản tốt đẹp từ lâu có mặt tích cực là làm phong phú thêm tiếng Việt là việc làm đáng hoan nghênh. Nhưng sử dụng bừa bãi những từ ngữ nước ngoài vốn đã có từ tương đương trong tiếng Việt thì quả là không nên máy móc hoặc theo ngẫu hứng. Chưa cần để ý đến động cơ nói tiếng Việt ba rọi, kiểu thịt heo nái giã thịt bò thường nhật này. Đó chỉ là cách diễn đạt một ngôn ngữ lai căng, tạp nhạp, chen tiếng Mỹ, tiếng Pháp… vào tiếng Việt một cách hàm hồ, thiếu tự trọng hay vì một lý do nào khác đã vô tình đi vào con đường làm vong bản văn hóa dân tộc! Cứ lưu ý, dần dà tập dùng chữ đúng từ cho đúng tinh nghĩa của tiếng Việt cho thành thói quen thì mọi việc sẽ ổn!
Chúng tôi thiển nghĩ, là người Việt Nam chân chính ai cũng cảm thấy có tinh thần tự hào biết quý trọng và bảo vệ những tinh hoa truyền thống văn hóa cao đẹp của nước nhà theo đúng như lời khuyên tâm huyết của một nhà chính trị, nhà văn hóa lớn của dân tộc: “Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”*. Là nhà giáo đã trên nhiều thập niên qua và hôm nay vẫn còn cầm phấn đứng trên bục giảng, chúng tôi cảm thấy không yên tâm trước hiện thực văn hóa nước nhà rất mong được các bạn không thờ ơ trước một thực trạng văn hóa khó coi khó nghe không đáng có hiện nay!
* Thủ tướng Phạm Văn Đồng
N.T.T