Canh bạc – Truyện ngắn của Võ Anh Cương

543
(Vanchuongphuongnam.vn) – Tớ hút chết, không có số tiền của cậu thì trang trại của mình giống như bọt biển kia, bây giờ thì ổn rồi. Làm vườn giống như đánh bạc! – “Canh bạc” này tôi thắng mà bây giờ mới biết!
Tác giả Võ Anh Cương
Ở nhà Tường được gọi tên kèm theo biệt danh “tồ”. Thật ra cái biệt danh này vận vào đời Tường từ hồi còn nhỏ, nó bắt nguồn từ cách nhận thức sự việc hơi ngô nghê của Tường. Hồi đó Tường đang học lớp ba, cuối năm đó thị xã tổ chức một cuộc thi điền kinh. Khi nghe cả nhà râm ran bàn chuyện này, Tường buột miệng bình luận một câu khiến cả nhà cười ngất “cậu hai mà đi thi sẽ đoạt giải nhất cho coi!”. Cậu hai hay đi chùa, tham gia vô ban tụng niệm của khuôn Viên Quang. Cậu hai tụng kinh hay lắm, cậu thuộc nhiều kinh kệ, cậu mà “điền” vô chỗ kinh bị thiếu thì còn ai qua mặt được?
Hồi học đại học, cả nhà không nghĩ Tường học giỏi, “nó vô được đại học là may rồi”, mẹ Tường nói. Tường không bao giờ kể chuyện học của mình, Tường chỉ cười cười khi người lớn hỏi con học ra sao, có vất vả không. Mỗi khi về thăm nhà, mẹ Tường thường nói một câu: “Ráng học nghen con, thời buổi giờ không học thì ra đời khó kiếm được tiền”. Kiếm tiền thì Tường chưa biết cách nhưng thấy mẹ vật lộn với cái quán tạp hóa để tháng tháng gởi tiền cho Tường thì Tường biết rõ. Biết rõ nhưng Tường không nói ra, chỉ lặng lẽ giành việc nặng với mẹ mỗi khi về thăm nhà cho dù mẹ la “Cái thằng…”. Cái thằng chớ hổng lẽ cái con, Tường nghĩ vậy nhưng chỉ để yên trong bụng, ngoài mặt chỉ nở nụ cười.
Mà Tường cười có duyên ghê, ít nhất mẹ Tường vừa vui vẻ vừa hãnh diện nói “hành” con trai khi “tám” với mấy dì, còn mấy cô bạn hiếm hoi học Bách Khoa chắc là mang nụ cười của Tường vào giấc ngủ. Và chỉ một cô đạt tới đích thôi, cái đích đó khiến ba mẹ Tường phải sắm sanh lễ vật ra tận xứ Quảng để rước dâu sau khi cả hai ra trường chừng một năm. Đám cưới thời bây giờ phải làm tới ba nơi mệt chi lạ nhưng mẹ Tường rất vui.
Sau đám cưới, vợ chồng Tường mua lại căn nhà nhỏ của người quen có sự tiếp sức của gia đình, Tường nghỉ việc xin công ty khác cho dù người ta có ý định đưa Tường lên trưởng phòng chỉ vì lý do rất “vớ vẩn” là ai lại làm chung công ty với vợ? Công ty nước ngoài nơi hai vợ chồng Tường làm không có quy định gì về chuyện này. Tường nghỉ việc, công ty cũ tiếc thì tiếc thật nhưng lại có khối hồ sơ xếp hàng chờ phỏng vấn vô vị trí “ngon ăn” này. Nói ngon ăn mà không “ngon” đâu, họ bỏ tiền ra thì phải vắt kiệt sức của mình chứ, cái lẽ hiển nhiên là như vậy.
Hôm đó công ty có một manager qua làm việc. Tường được phân công làm việc với hắn. Manager gì mà trẻ quá, cảm tưởng đầu tiên của Tường về John như vậy. Chắc là nó giỏi, Tường nghĩ. Không riêng gì Tường ai cũng nghĩ như vậy. Hắn ở Mỹ qua mà, không giỏi mới lạ. Điều đó như một mặc định, đôi khi Tường nhận ra có gì đó lợn cợn trong cách nghĩ như vậy.
Tường nói tiếng Anh cũng được, là Tường tự học chứ chẳng hơi đâu đi học ngoài làm gì. Đó là cách Tường nói với bạn hồi ngồi ở giảng đường đại học, Tường cố giấu lý do chính là không muốn mẹ phải gởi thêm tiền để cho mình học thêm tiếng Anh. Tiếng Anh như một sự thách đố, từ nhỏ Tường đã thích sự thách đố nên chi Tường tìm cách vượt qua. Kỹ năng nói tiếng Anh Tường kém, còn nghe, viết, đọc… thì tạm được. Vậy cho nên khi có Dô – thằng manager muốn Tường gọi mình như vậy ngoài công việc – khả năng nói tiếng Anh của Tường bỗng nhiên tăng… vượt trội. Nói cho cùng thằng Mỹ gốc Á này là kẻ lắm chuyện, ngoài chuyên môn nó nói đủ thứ trên trời dưới đất bằng cái giọng Mỹ rặt nên Tường bỗng nhiên hưởng lợi. Mà Dô cũng hợp với Tường, tuổi trẻ vượt qua mọi rào cản dễ dàng nếu họ muốn, chỉ vậy thôi.
Hôm đó Tường dẫn Dô đi nhậu theo cách Việt Nam. Quán bờ kè “thợ” nhậu đầy ra đó, chẳng ai hơi đâu chú ý đến hai thanh niên bước vô quán, hai thằng cũng kêu bia kêu mồi y như họ chứ có gì khác? Cái khác chính là cặp mắt mở to của thằng Dô, từ nhỏ tới giờ chắc nó mới chứng kiến cảnh tượng như vậy. Cảnh đó Dô chưa nghe ai nói nhưng nó tiếp thu rất nhanh, nó cũng nâng chai bia lên la “dô” y như mấy bàn bên cạnh. Dô uống kém quá, mới chai “ken” thứ sáu mà nó đã nói lảm nhảm rồi. Tường thì khác, hồi mới ra trường theo đàn anh đi nhậu, Tường sợ xám mặt khi sực nhớ lời mẹ dặn “đừng nhậu nhẹt nghe con, mà lỡ bị nhậu thì uống ít thôi”. Tường sợ say, đàn anh kêu không đi sao được, thôi lỡ rồi tới đâu hay tới đó. Vậy mà tàn cuộc, Tường thấy… chẳng sao cả, chỉ hơi lâng lâng chút thôi. Đàn anh khen “Thằng này được!”, Tường chỉ cười.
Dô nói “Dô cái đi, đêm nay tao muốn say” nó nói bằng tiếng Việt, mà là giọng Sài Gòn nữa mới ác chứ, khiến Tường ngẩn người ra nhìn nó. “Mày lạ lắm à, tao với mày cùng một dòng máu Việt… mà còn cùng tuổi”. Nó khiến Tường muốn bật một tiếng “wow” nhưng Tường kìm lại được. “Sao giờ mày mới nói mày là người Việt?”. “Tao qua Mỹ năm 3 tuổi, ở nhà ông già bắt nói tiếng Việt nhưng tao nói dở quá, qua đây mày… dạy tao”. “Một tháng là đủ cho tao… mà thôi, đêm nay tao muốn uống tao nhớ Magaret quá!”
Hoá ra thằng này nhớ người yêu. Tường im lặng nghe Dô tâm sự, Tường không nói gì chỉ khích lệ mày nói nữa đi tao nghe. Nói riết cũng hết chuyện, bất ngờ thằng Dô nốc hết chai ken – nó không uống bằng ly, rồi nói “về bển tao sẽ nghỉ việc, rủ Magaret đi du lịch vài tháng rồi sẽ… sẽ start up”. Dô nhìn Tường cười nhăn nhở “Không lẽ mày làm thuê cả đời sao Wall?”.
Rồi Dô ngẩn người nhìn đâu xa thẳm. Chắc nó lại nhớ người yêu, Tường nghĩ. Con chó nãy giờ nằm dưới gầm bàn le lưỡi liếm chân Tường, chắc nó nhắc mình nó đang đói. Tường cầm nguyên đĩa mực chưa ai đụng đũa đưa xuống gầm bàn cho con chó, Dô nhìn hành động của Tường thoáng ngạc nhiên nhưng không ngăn, Tường mỉm cười “Mày nhớ Magaret chắc… no rồi, tao no bia còn nó thì đang đói!”.
Tường không gặp lại Dô lần nào nữa, cả hai cũng không liên lạc nhưng lời nói của Dô đêm hắn say ngủ lại nhà Tường vẫn còn đọng lại.
Câu chuyện về thằng cháu họ tôi cũng chẳng có gì đặc biệt nếu tôi không gặp hắn mười năm sau. Tôi bằng tuổi hắn nên tuy là chỗ bà con nhưng gặp nhau là “cậu cậu tớ tớ”. Nghĩ cũng vui Tường gọi tôi bằng chú thì ngượng, mày tao thì coi sao đặng, chi bằng cậu tớ vừa xa cách lại vừa gần gũi. Tôi không học đại học như Tường mà đi làm phụ hồ, xây mấy căn biệt thự cho chủ thầu thì lên thợ chính. Nghề hồ chọn tôi nên hợp, chủ thầu nói. Tôi đăng ký đi lao động Hàn quốc, tốn bộn tiền của nhà nhưng qua đó là có việc làm ngay. Hết hạn hợp đồng tôi “bùng”, ăn ở vạ vật tại công trường khổ như… chó nhưng được cái thu nhập gấp đôi. Đang định về thăm nhà thì bị cảnh sát bắt. Nó phạt tôi bộn tiền rồi tống tôi về nước.
Đang chán thì tôi gặp Tường. Tôi mắt chữ A miệng chữ O khi thấy một thằng Tường y hệch một nông dân. Hắn cười, nét “tồ” vẫn không đổi sau bao năm tháng. “Cậu ngạc nhiên à” hắn nhún vai điệu nghệ “Ai cũng hỏi tớ sao bỏ việc nhẹ nhàng mà về làm vườn!”. Tôi cười “Cậu nói đi, tớ nghe”. Và hắn kể với tôi câu chuyện như trên, tôi biên lại.
Tường bàn với vợ “Mình bán nhà về làm vườn, em chịu không?”. Phấn ngạc nhiên nhìn chồng, chắc chồng gặp phải chuyện gì ghê gớm nên mới nói vậy. Khi nghe thủng chuyện, Phấn góp ý với chồng. Căn nhà hẻm nhỏ vẫn để nguyên, Phấn gọi Hương cô em út vừa vô đại học về ở chung chăm sóc Ken. Tường nghỉ việc về Đà Lạt khởi nghiệp nghề vườn….
“Không phải dễ ăn, tớ bỏ bao nhiêu là tâm sức mới gây dựng nên cơ ngơi như hôm nay…”. Tính hắn ít nói nhưng qua câu chuyện tôi biết Tường đang sở hữu hai héc ta ở ba nơi, hắn trồng xà lách thuỷ canh đang định chuyển qua khí canh, bơ và cây phúc bồn tử. Tất cả đều theo hướng hữu cơ, tôi không rành nghề làm vườn nên hiểu lỏm bỏm như vậy. Điều tôi muốn hỏi hắn là thu nhập bao nhiêu, Tường cười bí hiểm kiểu “đủ xài”. Bất ngờ hắn nghiêm giọng:
– Cậu hùn vốn với tớ cùng làm ăn, tớ phải lập công ty cổ phần chứ cứ trách nhiệm hữu hạn hoài gọi vốn khó quá!
Không để tôi kịp trả lời, hắn say sưa thuyết trình kế hoạch, cứ y như tôi đang có ý đổ tiền tấn vào công ty hắn, đó là ý nghĩ thoáng qua của tôi khi nghe Tường nói. Tôi nghĩ tiếp, thôi thì mình có chút vốn sau bao năm lăn lộn ở xứ người, thử “canh bạc” này coi sao? Bên Hàn, rảnh bọn tôi thường chơi tiến lên với nhau, riết ghiền lúc nào không biết. May mà tôi rút chân ra kịp trước khi sa chân xuống hố!
Tường phong cho tôi chức phó, trông coi 3 khu sản xuất ở Vạn Thành, Tà Nung và Lạc Dương. Mọi chuyện hắn đã set up hết, tôi cứ thế mà quản. Với cái smartphone trên tay, tôi “biết tuốt” mọi thứ đang diễn ra trong vườn, ngay cả khi đang ve gái! Còn Tường hắn ở luôn Sài Gòn lo đối ngoại, nửa tháng một lần hắn xuất hiện tại trang trại kiểm tra, cho ý kiến, ấn vào tay tôi file kế hoạch rồi… biến!
Mùa hè, công ty cho anh em đi tắm biển kèm cả vợ, chồng, con. Đêm, sau khi cho công nhân say sưa thoả thích, hắn kêu tôi đi dạo ven bờ. Biển đêm nay sóng lớn đánh vào bờ ướt cả chân chúng tôi, đang đi bỗng Tường đứng lại, hắn nắm hai vai tôi rồi nói:
– Tớ hút chết, không có số tiền của cậu thì trang trại của mình giống như bọt biển kia, bây giờ thì ổn rồi. Làm vườn giống như đánh bạc!
“Canh bạc” này tôi thắng mà bây giờ mới biết!
26-3-2019
V.A.C