Canh chua cá linh đồng – Truyện ngắn của Quang Nguyễn

945

(Vanchuongphuongnam.vn) – Anh Tư lái chiếc ghe rẽ về hướng Đồng Tháp, chân vịt cuốn những toa lưới đang giăng trên cánh đồng mênh mông nước. Chiếc ghe tắt máy anh Tư phải xuống nước gỡ lưới đang cuộn trong chân vịt ra. Trời đã chạng vạng, những con sóng đưa theo đám lục bình tấp vào người anh như bủa vây, anh bực mình vừa tháo lưới ra vừa càu nhàu.

Tác giả Quang Nguyễn

– Sắp tới nơi rồi mà cũng tắt máy, thiệt là…

Cha anh đầu tóc trắng xóa, ngồi trên ghe với điếu thì phì phèo, nhìn xung quanh lắc đầu nói.

– Cũng do mày, tao đã kêu đi An Giang, mà mày cứ đòi đi Đồng Tháp. Đó bây giờ mày coi, mày làm hư lưới giăng cá của người ta, giờ chưa hết đâu, phải đợi người ta ra đi gỡ cá rồi xin lỗi, họ dễ tính họ bỏ qua, còn họ mà khó tính là coi như khổ nghen con.

– Con đi Đồng Tháp là vì mùa nước nổi năm trước mình làm ăn được, nên mùa này tiếp tục đi, ai dè mùa này nước lớn quá, lại trời sắp tối nên con không thấy đường lưới họ giăng, chứ con có muốn đâu mà Tía cứ rầy.

– Cây đà người ta cắm trơ trơ đó, tao già mà tao còn thấy, mày trẻ mà mắt kém sao mày.

– Dạ chắc tại con không để ý, mà Tía yên tâm, người dân Đồng Tháp họ tốt lắm chuyện nhỏ nhặt này sẽ họ bỏ qua thôi.

– Sao mày rành người Đồng Tháp quá vậy mày, mày mới tới đây có ba mùa nước mà làm như người địa phương không bằng vậy, dù gì mình là người ở xa tới đây, nên xin lỗi họ một tiếng rồi gửi cho họ một ít tiền xem như đền bù thiệt hại.

– Con biết mà Tía. Tía không nhớ sao, hai mùa nước trước họ đã giúp đỡ Tía con mình. Lúc bão lớn chiếc ghe xay bánh ống của mình như muốn lật, may mà nhờ có họ…

– Mày nhắc Tía mới nhớ. Tía nhớ thằng cha Hai dễ sợ, khi đến nơi mày nhớ kiếm một ít cá nấu canh chua để tao với ông già Hai rai rai nghen mày.

– Dạ, vậy Tía còn rầy con chuyện đi Đồng Tháp nữa không.

Tía không rầy nữa. Xong chưa, lên ghe còn đi con, trời sắp tối rồi.

– Dạ xong rồi Tía.

Cứ mỗi mùa nước nổi về, cha con anh lại đến đây kiếm sống bằng nghề xay bánh ống và cào cá, hết mùa nước họ lại chạy ghe trở về nhà tận Tiền Giang. Nhớ mùa nước nổi đầu tiên anh Tư đến, lũ trẻ con chạy ra tận ra bờ đê trên tay xách theo bọc gạo để chuẩn bị xay bánh ống. Chúng vui mừng cười đùa mang những bọc bánh ống to đùng về nhà, hương vị bánh ống được xay ra từ gạo thêm chút đường rất giòn và thơm ngon. Mùa nước lần thứ hai, anh Tư đến lũ trẻ vây quanh vì đã quen với hương vị bánh ống. Hầu như ở đó ai cũng biết mặt anh Tư, vui tính, thân thiện ai cũng quý, nhất là lũ trẻ xem anh Tư như một thần tượng, vì lần nào cũng ra xay bánh ống đều nghe anh Tư kể chuyện cười.

Mùa nước năm nay lớn hơn năm trước, không còn thấy một cây cỏ nào nhú lên trên mặt nước, chỉ còn lại một cánh đồng mênh mông trắng xóa, và những đám lục bình trôi nổi khắp nơi. Người dân ở đây mỗi mùa nước nổi về họ thường giăng lưới, cắm câu, ủ mắm, hầu như nhà nhà đều có ủ một lu mắm. Thiên nhiên đã ban tặng mỗi khi mùa nước về, bông điên điển vàng rực phía mé bờ, và những con cá linh non chỉ có mùa nước nổi mới có.

Anh Tư đậu ghe lại vị trí cũ như mùa trước, cha anh đã ngủ tự bao giờ. Nơi này không có gì thay đổi nhiều so với hai mùa nước trước, chỉ khác là mực nước cao hơn. Vẫn còn cái bờ đê điên điển vàng rộ, tiếng ếch kêu ộp ộp, nhảy lủm tủm xuống nước, bên kia vẫn còn ao rau muống của chị Út, dù nước ngập nhưng anh vẫn nhận ra dưới ánh trăng.

Nhà chị Út ánh đèn dầu leo lét, cửa sổ đã đóng từ bao giờ, vẫn còn tiếng nói cười của người dân ở đó đang xem cải lương qua chiếc tivi trắng đen. Mỗi khi về anh Tư đêm nào cũng lên đó xem cải lương, ở dưới ghe cha anh và ông Hai, cha chị Út nhậu đến khuya mới nghỉ, hôm nay cha anh ngủ sớm có lẽ sẽ không nhậu cùng ông Hai. Có khi họ nhậu chưa xong, cải lương đã hết, anh ngồi đó nói chuyện với chị Út đến khuya, thậm chí có nhiều đêm ông Hai xỉn ngủ luôn dưới ghe, thì chị Út giăng cái mùng trước nhà cho anh Tư ngủ.

Hôm nay cũng vậy, cứ để cho cha anh ngủ, anh lên nhà chị Út coi cải lương. Thấy bóng dáng thấp thoáng đi lên, mọi người đang xem cải lương bảo nhau.

–  Ai như thằng Tư, chị Bảy, bà sáng nhìn phải thằng Tư không.

Bà Bảy nhìn theo hướng chỉ tay của bà Chín vừa hỏi.

– Nó chứ còn ai nữa Chín, ôi mèn đất ơi, dạo này coi bộ ốm dữ hen.

Anh Tư đi tới gục đầu chào, cười vui mừng

–  Cô Chín, cô Bảy khỏe hen.

Anh kéo chiếc ghế lại ngồi cạnh hai bà. Bà Bảy vỗ vào đùi anh.

– Bộ bây mần lắm hay sao mà ốm nhom vậy Tư, lại đen nữa, về nhà cực lắm hả con.

– Dạ, tối ngày ở ngoài đồng ruộng, mùa nước thì vào đây khỏe tí, nước rút thì bắt đầu mệt, cứ như thế quanh năm Bảy ơi.

Chị Út nghe tin anh Tư tới, chị vội vàng chạy vào trong chải tóc, nấp vào cánh cửa lén nhìn anh Tư đang trò chuyện với những xung quanh, ngay lúc này họ chỉ tập trung nói chuyện hỏi thăm nhau không coi tivi nữa, cải lương đã hết tự bao giờ, bà Sáu bỗng lên tiếng

– Mèn đất ơi, cải lương hết rồi, mãi lo nói chuyện không coi gì hết trơn, cái tuồng Tô Ánh Nguyệt nó hay gần chết, thôi khuya rồi về bà con ơi.

Mọi người đều ra về. Giờ chỉ còn một mình anh Tư ngồi đó đưa mắt nhìn vào nhà chị Út. Chị Út ra tắt tivi rồi lấy ghế ngồi cạnh anh Tư, chị Út vẫn như ngày nào vẫn nhẹ nhàng đoan trang trong chiếc áo bà ba, và nụ cười mà anh Tư không bao giờ quên được.

– Ủa anh Tư, anh tới đây hồi nào, rồi bác Mười có đi cùng anh không?

– Tôi tới đây gần tối, Tía tôi có đi cùng, ổng ngủ rồi chứ nếu không đã nhậu với bác Hai, chiều Tía có nói đi kiếm vài con cá nấu canh chua cho ổng nhậu với bác Hai, chưa gì đã ngủ. Cô Út và bác Hai khỏe không.

– Tía em cũng đã ngủ, em khỏe, và Tía em cũng vậy, sao dạo này anh Tư ốm quá, em cứ tưởng anh Tư không trở lại đây nữa chứ.

– Sao tôi không trở lại đây cho được, nơi này tôi xem như quê hương thứ hai. Tôi không bao giờ quên được nơi này, nhất là cái nhà của cô Út đó.

– Ủa, sao lại là nhà em.

– Thì… thì… thì tôi đậu ghe sau nhà cô Út, nên nhớ vậy mà.

– Anh Tư định ở lại đây rồi bao lâu mới về.

– Cũng như năm rồi, hết mùa nước tôi về. Tôi cũng muốn ở lại lâu dài, nhưng sợ phiền cô Út.

– Sao lại phiền em.

– Vì cô Út nấu canh chua cá linh rất ngon, lần nào cũng đem xuống ghe cho tôi, tôi ghiền sẽ bắt cô Út nấu suốt.

– Có gì đâu, nếu anh Tư chịu ở lại, em sẽ  nấu canh chua cá linh cho anh Tư ăn đến hết mùa nước luôn.

Anh Tư tỏ vẻ vui mừng, hai tay anh nắm vào tay chị Út.

– Thiệt vậy hả cô Út, ơ… ờ… tôi xin lỗi vì tôi quá mừng.

– Sao anh Tư lại mừng.

– Vì tôi sẽ được ăn món canh chua cá linh đồng từ tay cô Út nấu.

– Anh Tư nói chuyện vui ghê, hèn gì trẻ con ở đây đứa nào cũng thích anh Tư, thật ra em nấu thì cũng như người khác nấu thôi. Lần nào ăn xong anh Tư cũng khen, thiệt em cũng ngại.

– Nói thì nói vui với cô Út thôi, chứ hết mùa nước tôi phải về.

Chị Út quay mặt nơi hướng khác, nói những lời rất chậm rãi, nhưng muốn giấu đi cái buồn đang hiện trên gương mặt của mình.

– Thế mà nãy anh Tư lại nói ở đây luôn, em cứ tưởng thật.

***

Một buổi sáng lũ trẻ lóc nhóc chạy xuống bờ đê xay bánh ống. Thằng Tèo tay xách bọc hai ký gạo đến gặp anh Tư.

– Chú Tư ơi, xay cho con hai ký.

– Xay chi nhiều vậy ông trời con.

– Để dành ăn, chứ nước rút chú Tư đi rồi, thèm không có mà ăn

– Rồi từ từ chú xay cho, cho chú hỏi, cô Út con bác Hai đã có người yêu chưa.

– Cháu không biết đâu, mà sao toàn là chú hỏi về chị Út không vậy, thôi để cháu lên hỏi chị Út rồi trả lời cho chú biết.

– Thôi… đừng… đừng…nè Tèo đừng…

Thằng Tèo dẫn cả đám nhỏ chạy lên nhà chị Út, vừa gặp chị Út nấu cơm tiếng sôi sục bên bếp lửa nó liền hỏi.

– Chị Út chị có người yêu chưa.

– Chi vậy.

Nó đáp tỉnh queo.

–  Chú Tư hỏi vậy á.

– Thiệt… không… Tèo, là anh Tư hỏi thiệt hả.

– Ừa có hay không, trả lời đi.

Chị Út cười trả lời ngắn gọn.

– Nói với anh Tư, chị Út chưa có.

Thằng Tèo khoái chí cười lớn, nói lớn tiếng như trêu anh Tư.

– Tụi bây ơi, chú Tư thương thầm chị Út đã ba mùa nước mà không dám nói.

Anh Tư từ trên ghe chạy lên la tụi nhỏ.

– Thôi thôi quay trở lại xay bánh ống, nếu không chú nghỉ xay bây giờ.

Thế là cả đám chạy lại nơi anh ghe anh Tư, chị Út nép vào vách nhìn theo mà cười một mình. Chiều đó chị Út bơi xuồng ra hái rau muống với bông điên điển, anh Tư nhìn thấy nói vọng theo.

– Cô Út đi đâu ra đó.

– Dạ em đi hái một ít rau muống với bông điên điển để nấu canh chua.

– Thế cô Út cho tôi ra hái cùng với, tôi cũng muốn hái.

– Ừa để em bơi xuồng vào rồi anh lên.

Anh Tư bơi xuồng cho chị Út  hái, đôi khi họ nhìn nhau mà cười, phía xa trên chiếc ghe của anh Tư là hai ông già đang nhậu, cha của anh nói vọng ra.

– Hai đứa hái cho Tía một ít với, mồi nhậu Tía với ông già Hai sắp hết rồi.

Chị Út và anh Tư đều nghe, nên đồng thanh trả lời.

– Dạ.

Họ hái những đọt rau muống non mềm, bông điên điển đầy cả rổ, anh Tư nói.

– Ngoài kia nhiều hơn, hay mình ra kia nha cô Út.

– Thôi xa lắm, mắc công anh Tư bơi xuồng mệt, nhiêu đây đủ rồi. Mà anh Tư ơi.

– Hả, có chuyện gì vậy cô Út.

– Tía em và Tía anh thân nhau quá hen, từ lúc bác Mười đến đây thì hai người nhậu nhau suốt, không trên ghe anh Tư thì trên nhà em.

– Ừa Tía tôi quý tía Út lắm, ổng đòi phải đi Đồng Tháp, chứ nhất quyết không đi An Giang, chắc là nhớ bạn già.

– Có anh Tư ở đây cũng vui.

– Cô Út cho cô hỏi câu này nha.

– Anh Tư hỏi đi.

– À mà thôi, khi khác vậy.

Có chuyện gì thì anh Tư, cứ ấp a ấp úng, cứ hỏi đi, em trả lời.

– Tôi… tôi… tôi… tôi muốn hỏi là nhà cô Út đã có cá linh chưa.

– Em hết hồn tưởng gì, nhiều lắm anh Tư, hồi sáng Tía có đi cào cá về, có cá linh.

– Ý tôi là… là…là…

– Anh Tư muốn hỏi gì, cứ hỏi đi.

– Tôi không biết phải hỏi thế nào nữa.

– Thì anh Tư hỏi gì em trả lời nấy.

– Cô Út đã có…có…có…

– Có gì anh Tư.

– Có me chua chưa.

– Chứ không phải trước nhà em có cây me chua sao.

– Ờ tôi quên.

– Mà anh Tư nè, nghe bác Mười nói tối nay anh Tư đi giăng lưới đúng không.

– Đúng rồi cô Út.

– Cho em đi theo với.

– Nhưng nước lớn thế này, trời thì gió lạnh, cô Út có chịu được không.

– Tưởng gì, em là gái nhà quê mà.

– Ừ được, vậy ăn cơm chiều rồi mình đi trên chiếc xuồng này

– Em có nấu cơm, lát anh Tư lên ăn cùng em, hôm nay em có nấu món canh chua cá linh đồng mà anh Tư khoái ăn đó.

– Vậy sao được… tôi…

– Anh Tư đừng ngại, Tía em nhậu chắc chiều nay không ăn cơm đâu.

– Ừ vậy cũng được, cảm ơn cô Út nhiều.

Trong bụng anh Tư mừng không thể diễn tả nhưng cố ém để không bộc lộ ra ngoài. Hai người họ bơi xuồng về, bỏ lại cánh đồng mênh mông nước và những cây điên điển bông vàng in dưới con nước, xa dần xa dần…

Sau bữa cơm chiều, trời chạng vạng sắp tối họ cùng nhau đi giăng lưới, chiếc xuồng nhỏ lướt trên từng con sóng, tiếng cười nói vang trên cánh đồng mênh mông nước, ánh trăng soi xuống con nước sáng bừng cả một góc đằng xa. Anh Tư chống sào chiếc xuồng lướt nhanh thon thót, đôi khi chị Út quay lại nhìn anh rồi cười, nụ cười ấy lộ rõ dưới ánh trăng, tà áo bà ba phất phới bay trong đêm lộng gió, càng nhìn, anh Tư thấy thương chị Út nhiều hơn. Bất ngờ chị Út quay sang hỏi.

– Anh Tư mệt không, ngược hướng gió chắc rất mệt.

– Tôi quen rồi cô Út, con nhà nghèo mà, đã lao động từ thuở nhỏ, mấy cái này nhằm nhò gì đâu. Cô Út tốt quá, ai mà cưới được cô Út chắc phước đức ba đời, ủa mà cô Út đã có người yêu chưa.

Chị Út cười tươi rồi nhẹ nhàng đáp.

– Sao anh Tư không trực tiếp hỏi em, mà phải đi hỏi bọn trẻ hồi sáng. Em chưa có.

– Vì tôi ngại, hồi chiều lúc đi hái rau muống tôi định hỏi.

– Tía em có nói, ai mà làm vợ anh Tư sẽ được hạnh phúc lắm.

– Ủa bác Hai nói vậy thật sao.

– Ừa, Tía em nói anh Tư giỏi giang, lại thật thà.

– Thế cô Út có muốn làm vợ tôi không… à mà tôi nói chơi thôi, tôi cũng không biết mình nói gì nữa, xin lỗi cô Út.

Chị Út nở nụ cười yêu thương rồi nhìn sang hướng khác trong lòng e thẹn với câu hỏi cố tình của Tư.

Vài tháng sau nước bắt đầu rút, cũng là lúc anh Tư lái ghe trở về. Đêm đó hai ngọn đèn dầu sáng mãi, họ dường như không ngủ vì biết ngày mai có một cuộc chia tay và mùa nước sau họ mới có cơ hội gặp lại, ngọn đèn dầu nơi ghe anh Tư in bóng xuống nước, đèn dầu nơi chị Út ngủ cứ chập chờn như muốn nói lên điều gì.

Sáng đó anh Tư cứ đi quanh nhìn cái nhà sàn của chị Út, rồi bước xuống ghe lén cha anh giấu cái đồ quay máy. Cha anh thức dậy hơi thở còn nồng nặc mùi rượu sau một đêm say bí tỉ với ông già Hai.

– Mày đâu rồi Tư, theo Tía lên nói tạm biệt ông già Hai rồi mình về con.

– Không về được đâu Tía.

– Sao vậy mày…

– Thì cái quay cho máy nổ nó mất tiêu rồi. Làm sao máy nổ mà về đây.

– Cha cha coi bộ căng như dây đàn lên sáu câu vọng cổ nha.

– Giờ làm sao đây Tía.

Cha anh cười, vì đã hiểu ra điều gì.

– Sao trăng cái gì, thì mày đi lượm lại đây quay máy rồi về.

– Tía…

– Gì, muốn cưới vợ phải không, hiểu mà, yên tâm về đi, chuyện của mày với con Út tao với ông già Hai biết hết rồi.

– Rồi Tía với bác Hai, tính sao.

– Mấy ngày nay Tía ngồi nhậu với ổng là bàn chuyện của hai đứa đó. Tía tính lần này về, mùa nước sau sẽ vào đây làm đám cưới cho mày với nó.

Hai cha con đang nói chuyện, thì ông Hai bước tới, có cả chị Út theo cùng.

– Có gì mà hai cha con thủ thỉ nghe vui tai vậy.

Ông Mười chỉ tay về phía anh Tư.

– Nó giấu cái đồ quay máy, nó không muốn về, tôi đã nói rồi, cứ về mùa nước sau sẽ vào làm đám cưới cho nó. Hôm bữa tôi kêu đi An Giang là thử lòng nó thôi, chứ tôi biết chắc chắn là nó sẽ đến đây mà.

Ông nhìn hai cha con cười rồi nói.

– Nghe nói thằng Tư hát vọng cổ mùi lắm, đâu mày lên câu vọng cho ngon lành coi, rồi tao gả con Út cho.

Anh Tư liền hát một câu vọng cổ hơi dài, ông Hai nghe khoái chí, cười rồi nói.

– Ở lại ăn một bữa cơm rồi dẫn con Út đi chơi để mai về, mùa nước năm sau sang đây đón dâu. Thật sự mà nói, nhìn hai đứa nó tôi thương quá, cái mùa nước trước anh về, con Út cứ đi ra sau nhìn không còn thấy chiếc ghe đâu, tiếng xay bánh ống cũng im ru, cái mặt của nó bí xị, tôi biết nó nhớ thằng Tư lắm. Nó nhắc mãi. Thằng Tư thì chết nhát quá thương mấy mùa nước rồi mà không dám nói.

Cô Út nhìn cười thẹn thùng, hai hàng nước mắt chảy dài trên làn má. Chiều hôm đó anh bơi xuồng đưa chị Út đi khắp nơi, trên cánh đồng vẫn còn nước, cùng hái rau muống, bông điên điển chuẩn bị chiều nấu canh chua để tiễn anh Tư về Tiền Giang. Được ăn nồi canh chua nóng hổi, có bông súng, rau muống, cá linh, chấm nước mắm mặn với bàn tay người vợ yêu thương nấu thì chẳng có gì ngon bằng, lẫn vào hương vị của Nam Bộ thắm đượm tình quê hương. Anh Tư nói trong niềm hạnh phúc.

Vậy là từ nay về sau, mỗi khi mùa nước nổi anh được ăn canh chua cá linh đồng phải không em.

Chị Út cười tươi rồi đáp.

– Dạ.

– Út có biết anh thương em cũng vì món canh chua cá linh đồng không.

– Cái anh này thiệt là…

Tiếng cười đùa trên chiếc xuồng nhỏ vang vọng mãi không ngừng. Hoàng hôn đỏ phía chân trời xa, in nghiêng xuống dòng nước, từng chiếc chiếc xuồng nhỏ của người giăng lưới chèo về. Chính mùa nước nổi đã trôi cái duyên của anh Tư đến với chị Út, và cũng nhờ mùa nước nổi này mà anh đã được ăn món canh chua cá linh đồng của chị Út nấu, để rồi anh thương chị Út từ dạo đó.

Q.N