Cánh diều xanh – Truyện ngắn của Vĩnh Thông

711

 “Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời

 (thơ Trần Dần)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Gia đình Trí dọn đến Khương đã bốn năm. Khương là một thành phố nhỏ, không phải tỉnh lỵ nên khá trầm lặng. Thành phố nằm trên một vùng đất thoải ở rìa chân núi ven biển, tựa lưng vào dãy núi chập chùng ở phía sau, còn phía trước được che chắn bởi những hàng dương mềm mại, thướt tha chạy dài rì rào đón gió. Phía Nam thành phố là đồng bằng rộng lớn lúc nào cũng trải màu xanh bất tận.

Tác giả Vĩnh Thông  

Đối với Trí, đồng bằng xanh ấy luôn là một nơi bí ẩn, lạ lẫm và đầy cuốn hút. Cậu thường thích đứng từ sân thượng ngắm đồng bằng và khám phá ra những điều thú vị cho riêng mình. Có lúc Trí thấy đồng bằng hiện lên như một tấm voan xanh lơ, lúc lại là áng tóc xanh thẫm, có khi ngã sang màu xanh non mơn mởn. Có những ngày đồng bằng khoác lên chiếc áo xanh rêu mờ mờ ẩn hiện trong màn sương trăng trắng, rồi chốc lát lại hiện ra rõ ràng với bộ váy hoa xanh quyến rũ. Tất cả như khung cảnh trong thần thoại. Trí thích, tâm trí cậu bước vào chốn đầy mê hoặc ấy, mặc dù chưa một lần được đặt chân đến, mỗi ngày chỉ có thể đành đứng trên sân thượng và phóng tầm mắt ra xa.

Nơi đó, vẫn là một chốn đầy kỳ diệu, cuốn hút và ám ảnh.

Nhà Trí không lớn, nhưng có cái sân thượng thật tuyệt. Dường như đây là nơi được mặc định dành riêng cho hai ông cháu cậu. Không gian yên bình của sân thường do bàn tay ông nội Trí tạo nên. Nơi ấy, ông mang về nhiều chậu hoa, rồi cẩn thận chăm sóc chúng mỗi ngày. Trí yêu hoa cũng từ ông. Ông dạy cậu về vẻ đẹp riêng của từng loài hoa, lợi ích của những chiếc lá. Trí cảm thấy thán phục chúng, nhỏ xíu thế kia mà nhiều cái hay quá! Nghe lời ông, cậu không làm đau một cánh hoa chiếc lá nào. Mỗi khi rảnh rỗi Trí thường cùng ông tưới nước cho các chậu hoa. Khu vườn nhỏ ấy trước đây là thế giới của riêng ông, giờ có một nửa là của Trí. Hai ông cháu, một già một trẻ, mỗi người yêu khu vườn với những lý do riêng.

Dạo gần đây, mỗi buổi chiều Trí lên sân thượng không chỉ để ngắm hoa, hóng gió, mà còn có một lý do mới. Cậu vừa phát hiện ở phía xa xa mỗi chiều xuất hiện một cánh diều xanh rì rào trong gió. Cánh diều như đến từ một thế khác, mang trong mình một trạng thái khác, tách biệt hẳn sự bề bộn nơi Trí đang sống. Cánh diều tự do bay vút cao trong gió, lượn lờ qua lại giữa khoảng không mênh mông, hai cái cánh và cái đuôi kiêu hãnh vỗ những giai điệu nhịp nhàng. Tất cả như vô cùng tự tại, khoan thai mà không một thứ gì, không một ai có thể ràng buộc. Không là gió, nhưng cánh diều ấy lại thổi đến cho Trí những làn gió mát lành, gợi cậu về với những ngày thơ bé, làm cậu cảm thấy vơi đi ít nhiều đơn côi trong những chiều vắng lặng.

Thật ra thì cánh diều ấy bắt nguồn từ đâu? Ai đã dành mỗi chiều nhạt nắng, lãng đãng, bâng khuâng, để thả cánh diều màu xanh ước mơ ấy, và để Trí có dịp ngắm nhìn, đắm mình trong thế giới lung linh mới lạ? Sống ở một thành phố dù không quá nhộn nhịp, nhưng để tìm những hình ảnh yên bình thế nầy quả là không dễ. Mọi thứ – kể cả con người, dường như hoạt động hết công suất. Mọi người đều phải tất bật, gấp gáp, phải nhanh, càng nhanh, rồi nhanh hơn nữa, đến nỗi cả thời gian và không gian càng lúc như càng co lại, nhỏ rúm. Sự bận rộn làm người ta bỏ quên những khoảnh khắc bình dị quanh mình. Mấy ai đã được vài mươi phút thư thả đến ngắm diều? Người ngắm diều đã hiếm, vậy mà có một người mỗi chiều đều đặn thả diều lại càng là điều lạ.

Đã nhiều lần Trí đặt ra những câu hỏi về cánh diều, thậm chí đôi ba lần định đi tìm lời đáp. Nhưng rồi lại thôi. Cậu muốn một mình mình với cánh diều, không cần biết nhau mà chỉ im lặng nhìn nhau, không cần hỏi nhau từ đâu đến hay đi về đâu, mà chỉ cần tận hưởng khoảnh khắc này. Nó không huyễn hoặc, không hư ảo, mà hiện hữu ngay trước mắt. Nó làm Trí không cần phải lo nghĩ đến quá khứ hay tương lai, chỉ cần sống với hiện tại an lạc. Vậy là cứ mỗi chiều sau khi đi học Trí lại lên sân thượng để tìm và ngắm cánh diều xanh “của riêng mình”.

*

Ba mẹ vừa đi làm về, vội vã tắm rửa, thay quần áo mới, rồi lại vội vã bước ra khỏi nhà. Điều này đã quá quen thuộc với Trí, nên cậu cũng chẳng quan tâm. Vậy là đêm nay lại chỉ có Trí với bốn bức tường trắng.

“Hôm nay ba có hẹn ăn tối với khách hàng, cả nhà khỏi đợi cơm”.

Gia đình Trí là một gia đình trí thức, ba mẹ đi làm suốt, cả nhà muốn có thời gian bên nhau cũng không dễ. Ba mẹ lao vào công việc với biết bao bận rộn, tính toan, rồi bỏ quên gia đình rất đỗi bình yên từng có. Khi ba mẹ tan sở, Trí tan học, cả nhà được một ít thời gian quây quần bên bữa cơm. Nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy. Như hôm nay chẳng hạn. Ba mẹ thường phải ăn tối, tiệc tùng với khách hàng, bạn bè, hoặc có khi vì làm việc bận bịu, mệt mỏi quá nên không chuẩn bị bữa cơm, mỗi người tự ra phố tìm thức ăn. Đôi lúc Trí tự hỏi, phải chăng những gia đình sống ở thành thị đa phần đều như vậy?

Trí đành chui tọt vào phòng, đóng kín cửa. Không thể nào cứ bám bên ông mãi, cũng không thể nào cứ ngồi ở sân thượng mãi, dù trốn tránh thế nào Trí vẫn phải đối mặt với bốn bức tường trắng của mình. Những chiều rồi những tối buồn bã cứ như thế trôi qua với Trí. Sự cô đơn trong cậu như đang bị nén lại thật chặt lại, bị vo tròn thành những khối lớn đè nặng lên người.

Bạn bè hay kể về những bữa cơm gia đình ấm áp vào mỗi tối, rồi nào là ba mẹ dạy học bài, đùa giỡn. Đối với Trí, đó là những điều xa xỉ, lạ lẫm. Đã lâu cậu hiếm khi nghe lại tiếng cười vui rôm rả của gia đình. Đã lâu vào mỗi đêm ba không còn dạy Trí làm bài tập vào, mẹ không còn thủ thỉ chuyện trò cùng Trí. Đâu rồi những buổi chiều bình yên, những buổi tối đầy ắp tiếng cười khúc khích. Chúng đã thành quá khứ xa vời, không tìm bắt được. Giờ đây  gia đình chỉ thấy những gương mặt bề bộn, to loan, cằn cỗi. Thế nên cậu ghét nghe những lời đó từ bạn bè. Nhưng những lúc một mình thế này, câu chuyện của bạn bè lại tràn về xô đẩy Trí, cậu muốn quên, muốn đuổi chúng đi cũng chẳng được. Những câu chuyện ấy choáng lấy đầu óc Trí, tách cậu ra một cõi riêng khác hẳn với bạn bè mình.

Cõi riêng ấy, Trí thấy thật tù túng. Nó làm cậu trở nên bơ vơ, trơ trọi giữa mọi người. Trí khao khát được như những con cá thỏa sức vùng vẫy gược dòng nước, bật lên những cú tung mình giữa đại dương bao la. Nhưng làm sao để phá tung sự ràng buộc mà mọi người đã đặt lên cho mình? Trí bắt đầu cảm thấy chán ghét cuộc sống này, chán ghét cảnh một mình đối diện với bốn bức tường trắng, chán ghét cả những bộ cánh mà ai đó – và cả chính mình – khoác lên cho mình. Trí muốn ra đi, tìm một chốn tự do mới, tìm cánh diều xanh mơ ước của riêng mình. Nhưng cậu không đủ can đảm, cậu ước gì mình lớn hơn.

Chiều nay đi học về, Trí lại trèo lên sân thượng và chờ đợi cánh diều xanh. Đồng bằng phía xa hôm nay thật đẹp, mặt trời tài tình khi trải lên đó một tấm nhung vàng dìu dịu. Nhưng đã gần một giờ trôi qua, vẫn không thấy cánh diều xanh quen thuộc. Thường ngày nó xuất hiện rất đúng giờ. Trí cảm thấy buồn và tiếc. Cậu nghĩ có lẽ hôm nay người thả diều đã bận hoặc không có ở nhà. Không được ngắm diều như mọi khi, cậu thấy trong người cứ như mệt mỏi, quên cả bữa ăn chiều.

Đường phố dưới kia vẫn đang chật chội người xe giờ tan tầm. Vậy là một buổi chiều nữa đang trôi qua, người ta lại tiếp tục tất bật cho buổi tối sắp đến. Đã thấy xe hủ tiếu gõ, mấy xửng bánh bao, hạt dẻ, xe bánh mì… được đẩy ra. Một vài cuộc gặp gỡ tình cờ diễn ra trên vỉa hè, họ nói với nhau vài câu rồi ai nấy lại tất tả đi. Thành phố không lớn, nhưng cũng đủ kéo khoảng cách giữa con người với nhau, càng lúc càng miết xa. Ở một góc gần ngã tư tiếng chổi quét rác của chị lao công vẫn đều đều, trên trời có vài tiếng chim thảng thốt mà Trí không rõ là chim gì, tất cả bật lên như một dấu chấm cảm xa xót.

Có mấy đứa trẻ nhỏ hơn Trí đang tụ tập vỉa hè chơi múa lân. Chúng là con nhà nghèo. Con nhà giàu thì không có những cuộc chơi như vậy. Thay vào đó là những buổi học ngày, học đêm, học ở trường, học thêm, học ở nhà, học… Lúc bằng tuổi tụi nhỏ này, Trí cũng từng chơi múa lân như thế, nhưng không phải ở Khương, mà là ở quê nội. Thậm chí còn tưng bừng hơn vì không có xe cộ nhiều và sân nhà ai cũng rộng lớn. Bây giờ nhìn chúng, cậu cũng muốn có một cuộc chơi như vậy. Nhưng không thể, vì ba mẹ không cho phép. Mà cũng chẳng có ai để chơi chung vì bạn bè của Trí cũng phải học ngày, học đêm như cậu.

Trí thèm trở lại những ngày còn ở quê, một huyện cũng nằm trên một vùng đất thoải ở rìa chân núi ven biển như Khương. Nơi đó Trí cũng từng có những con diều giản đơn tung cao trên cánh đồng bát ngát. Nơi đó cậu được đi chơi với bạn bè trong xóm, bọn trẻ nhà nghèo đen nhẻm và xộc xệch nhưng chúng lúc nào cũng có những khoảnh khắc vui vẻ. Nơi đó chẳng ai bắt Trí phải học suốt ngày đêm, chẳng có bốn bức tường trắng chật chội. Mỗi chiều, gia đình quây quần bên bữa cơm chiều, cười đùa, chuyện trò rôm rả. Tối tối, cả nhà hay ngồi ngoài hàng ba để hóng mát, người lớn xem tụi con nít chơi, thỉnh thoảng phải bật cười vì những hành động trẻ con của chúng. Bọn Trí vẫn phải học, nhưng không quá nhiều thời gian trong ngày. Đồng quê bát ngát dành hẳn cho tụi nhóc một không gian riêng mang tên tuổi thơ. Tuổi thơ đó, không bị đánh mất.

Không mất đối với tụi nhỏ, còn Trí có lẽ mất một nửa. Đó là khi ba mẹ có công việc mới ở Khương và dời nhà hẳn ra thành phố này. Ba mẹ cũng rước ông nội theo, ở quê bây giờ chỉ còn vài người bà con dòng họ. Ngày trước, Trí từng theo ba mẹ ra Khương chơi, nó cách quê cậu chừng vài mươi cây số. Dấu ấn về Khương trong cậu là một nơi có nhiều đèn rực rỡ về đêm. Ngày ấy Trí từng ước ao mình sẽ được sống ở thành phố, nên khi biết được quyết định của ba mẹ, cậu vui hớn hở, mình đã thành người thành phố sang trọng, được sống ở nơi đông vui với hàng ngàn ánh đèn lung linh đêm về.

Nhưng rồi điều đó đã không như Trí nghĩ. Khương làm cậu hụt hẫng. Mà có lẽ cả ông nội Trí cũng thế. Ông bắt đầu tìm đến những chậu hoa, mang chúng về đặt trên sân thượng để mỗi chiều được chính tay mình tưới nước, chăm sóc, tỉa tót. Nếu không ông còn biết làm gì trước một thành phố không người thân, không bạn bè, không nơi tiêu khiển, con đi làm, cháu đi học… Chỉ có ba mẹ Trí không hụt hẫng về Khương. Ba mẹ làm hết công suất, hết tốc lực. Và kết quả là ngôi nhà ba tầng này. Có phải ba mẹ Trí đang dần trở nên xa lạ?

*

Hai ngày, ba ngày, rồi một tuần trôi qua, cánh diều xanh kia vẫn không xuất hiện. Trong đầu Trí hiện ra hàng đống câu hỏi vì sao. Người thả diều ấy đã đi đâu, gặp phải chuyện gì, tại sao không tiếp tục thả cánh diều xanh vút cao như trước đây nữa? Cậu bồn chồn lo lắng, ngẩn ngơ tiếc và ngẩn ngơ buồn. Trí ngờ ngợ hiểu rằng, có lẽ mình không còn gặp lại cánh diều xanh đó nữa rồi. Có đêm, Trí mơ thấy một cánh đồng xanh mơn mởn, phía trên cao bay bổng một cánh diều xanh.

Trí thèm có một con diều quá, là con diều màu xanh giống như cánh diều xanh bí ẩn mà cậu thấy mỗi ngày. Khi ấy chính tay Trí sẽ thả cánh diều xanh mơ ước của mình, không cần phải chờ đợi con diều của ai đó bay lên để rồi phải đứng từ xa và nhìn. Nhưng không phải dễ. Ba mẹ Trí thừa sức mua cho cậu thật nhiều con diều như thế, nhưng rồi chúng sẽ bay ở đâu.

“Sẽ bay ở đâu?” – mỗi khi ước muốn có một con diều xuất hiện trong đầu Trí thì câu hỏi ấy cũng lấp ló đằng sau. Cánh diều xanh mơ ước của Trí sẽ bay ở đâu giữa một bầu trời thành phố chằng chịt dây điện, sẽ bay ở đâu giữa một rừng nhà cao tầng chắn gió… Sẽ bay ở đâu? Đã có lần cậu từng đọc ở đâu đó câu thơ: “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời”. Phải chăng Trí cũng là một cánh diều xanh không tìm gặp được chân trời?

Trí không ước mơ con diều nữa, cậu ước mơ mình là con diều có một khoảng trời tự do để tung cánh.

Có một chiều vàng nắng trong veo, Trí đã quyết định ra đi. Cậu sẽ đi về đồng bằng phía Nam tìm cánh diều xanh mơ ước. Cậu bỏ lại sau lưng ngôi nhà ba tầng ngập buồn, bỏ căn phòng bốn bức tường trắng và những đống bài học, bỏ cả vườn hoa mini trên sân thượng, bỏ những âm thanh xô bồ dưới đường phố giờ tan tầm và tụi nhỏ múa lân trên vỉa hè… Bỏ tất cả. Không ai biết Trí đi đâu, cũng không ai biết Trí đi vì một cánh diều, chỉ mình cậu biết rõ. Nơi Trí đến sẽ là một vùng trời bao la, màu hy vọng trải xanh ngút mắt. Nơi đó đầy tự do, không có lo toan, buồn giận, cô độc, chỉ còn cánh diều xanh kiêu hãnh tung gió. Nơi đó, chân trời của Trí sẽ có người bay.

Mấy hôm sau, người ta đọc trên báo đoạn tin: “Cháu L.T.Trí, ngụ tại…, mất tích ngày…, khi đi mặc áo màu xanh da trời”.

Chiều đó Trí đã ra đi, tìm cánh diều xanh cho riêng mình.

V.T