(Vanchuongphuongnam.vn) – Họa vào khúc luyến nhớ ban chiều là hình ảnh một miền quê ám mộng, với sắc buồn, màu nhạt. Vị quê nghèo và tiếng trống lủng lẳng đu mình trong không gian, tiếng ếch nhái run ngân tạo nên sự buồn bã, não nùng. Một thực tại bùng nhùng, hoang hoải, và dòng nước mắt đêm đã nuốt dần ánh sáng, phơi ra bức tranh phố huyện lập lờ. Câu chuyện “Hai đứa trẻ” cứ thế mở ra.
Ảnh Internet
Phố đêm lên đèn, nhưng không phải là thứ đèn ảo diệu, phù hoa mà leo lét, đơn điệu. Ánh sáng của đèn dầu, những vệt sáng, quầng sáng, đốm sáng và thứ ánh sáng đục ngầu trong đôi mắt những con người đang quờ quạng lần mò trong cuộc sinh tồn tăm tối. Hình ảnh phố huyện và ánh sáng thực tại đó đã dày vò tâm tưởng của nhân vật Liên, cô chị đương tuổi chanh cốm, từng sống ở “Hà Nội phố” với sự xô bồ, phồn thịnh. Giờ trở về phố huyện cơ cực, nhìn cảnh đời eo sèo, đọng chìm mà ào ạt trong tâm linh những mộng tưởng vỡ thoát dữ dội.
Thạch Lam đã dùng phép sáng- tối, sự sáng tạo tuyệt vời trong ngòi bút của mình để minh họa bức tranh hiện thực và không gian tâm cảnh. Lối tương phản độc đáo đó đã vén bức mành đời sống của những phận người bần bạc trên dọc miền đất nước. Những miền đất nửa phố, nửa quê, với những kiếp người bán sinh bán tử đang nương neo trong nhịp sống dai dẳng, lần hồi, tái nhợt và đơn khó. Gánh phở Bác Siêu là tầm thường với ai đó, nhưng lại là một sự xa xỉ với những con người nơi đây. Đó là cái mơ ước lớn lao của những “bình dân” phố huyện, đến một tô phở cũng không sao với tới? Sót lại nơi đây một thức quà của tầng lớp thượng lưu chăng? Rồi ngọn đèn chị Tý, vón cục, lăn cốc lốc, trơ trọi giữa mùng đêm đen tối của vũ trụ. Ánh sáng của cả cái phố huyện đó được thu lại trong một đốm sáng lập lờ trước sự mênh mông vô lối của tối tăm chăng? Bà cụ Thi Điên, một người đàn bà tuổi tác, ngà rượu, “tiếng cười khanh khách ngã dần về phía làng”. Đó chăng là kết quả của một kiếp người đã đắng cay muôn phần, đợi hoài những chuyến tàu đi qua thị trấn, tiếng lăn ken két trên đường ray đã kể cho bà nghe về những hành trình tồn tại chóng vánh đơn côi.
Lóe rạng trong tâm tưởng “cô gái Hà Nội cũ” là thứ ước mơ về chuyến tàu đêm. Tàu – biểu tượng của sự đến và đi, bánh lái thân tàu chưa từng “lăn” niềm vui vào văn học. Chiều sân ga, chuyến tàu hoàng hôn, những hình ảnh mang lại nỗi cồn cào, buốt nhói, khăn gói biệt ly. Liên đợi tàu cũng là đón đợi người đến, mang theo nguồn sáng đủ rạng ngời để xua đi đêm đen sâu thẳm nơi phố huyện, nơi tâm hồn, nơi chiều sâu bi kịch. Lăn trên đường ray tiếng xao động, rung cảm một cuộc hành trình không đất hẹn trong tâm hồn khô khát. Hạnh ngộ và chia ly là quy luật cuộc sống. Rốt cục chờ đợi sự rực rỡ chốc lát rồi cũng vụt trôi và ao ước của Liên cứ vỡ dần trong mộng tưởng. Chu kì đợi tàu lại trở về với hoàng hôn tím đọng phủ bóng lên gương mặt tái xám đầy bóng tối. Tâm hồn Liên ngày ngày cứ như thế, chực chờ một kết nối nhưng không hề chuyển lay. Cô vẫn ước ao thứ ánh sáng không thuộc về mình, cho đến lúc quen nhàm xơ cứng, vật vờ không tỉnh thức. Đó là kiếp người sống trong vương vãi, tù đọng quá lâu đến đỗi “cố chấp” sống đời vô nghĩa không mảy may một chút yên vui. Con tàu, hành trình cuộc đời, hay là “cõi thực” mà tác giả muốn gửi vào trong “Gió lạnh đầu mùa”?
Con tàu đi qua để lại dấu vết/ khoảng trống không thể lấp đầy, đâu chỉ là thứ ánh sáng giác quan nhìn thấy mà cả tâm cảm tri nhận. Tàu mang tâm hồn Liên đi đến thế giới nào đó? Thoát ly khỏi cái phố huyện đóng cặn những buồn thương này! Tàu có âm thanh, ánh sáng, có sự tốc hành, biến lưu đó là cái hối hả vận mình tươi sắc mà tâm hồn khô khát của Liên đang “rướn cổ đòi sương” để thấp ướt mượt mà. Nhưng. Phải chăng ánh sáng dẫn đường đến sau mọi sự đã rồi? “Thương thân tàu cùng chung kiếp sân ga/ đêm nối ngày tiễn đưa khách đi xa”…Cuộc đời muôn sắc ngàn màu, nhưng màu rõ nét nhất vẫn là hai màu sáng tối. Nét vẽ tương trì bằng ngôn ngữ thơ của Thạch Lam đã tạo nên dung dáng trữ tình cảm động tới những sợi tơ cảm xúc của người đọc, làm nôn nao dâng động những nỗi sầu tư thế sự. Đời vốn dĩ không hào nhoáng thì là tăm tối, không sôi nổi sẽ là đơn tẻ. Ai cũng có khát vọng vươn mình, nhưng nghịch lý đời người đâu phải ai cũng được tưới tắm bởi ngập ngụa ánh sáng. Kiếp sống nơi phố huyện cũng như những cuộc đời hiện tại của những người nghèo trên “mảnh đất hình tia chớp”. Không có nhiều cảm xúc sống, họ quen nhàm với sự mưu sinh chật vật, họ không nghĩ gì nhiều hơn đến một bữa cơm no. Họ sống một đời không mảy may một khát vọng tìm ý nghĩa. Không một bản nhạc, một bài thơ, một mỹ cảm, họ chết dần chết mòn trước sự cuồng sát của thời gian.
Thời gian, thời gian như chiếc đồng hồ cát, lẳng lặng mà trôi qua những tang tóc của đời người. Rạng đông kéo đến chốc lát là một ngày lao động không cảm xúc, đêm về thiếp đi trong giấc sâu vì những đau nhức. Thạch Lam đã viết nên một hoàng hôn sâu thẳm của những kiếp người.
Ít ra cuộc đời “siêu khổ” của Chí Phèo còn được kết liễu trong một câu “triết ngôn” vĩ đại: “Ai cho tao lương thiện”. Còn Liên thì trở về với bóng tối, lẫn khuất trong bóng tối và xem bóng tối là vị thuốc độc tinh thần mà cả đời phải nếm nhận. Ai oán, tuyệt vọng hơn tất cả, ẩn nhẫn trong tâm linh cô gái đang “róng riết” những tiếng kêu đòi giải thoát. Đáy thẳm thời gian một nỗi buồn vô định.
Q.T