Cao Bá Quát và cái án ‘giảo giam hậu’

354

Trong lời giới thiệu sách “Thơ chữ Hán Cao Bá Quát” (NXB Văn học, in lần thứ hai, 1977), nhà nghiên cứu Vũ Khiêu có một đoạn viết về sự kiện Cao Bá Quát bị bắt giam: “Về Bộ Lễ ít lâu, ông được cử làm sơ khảo trường Thừa Thiên. Trong khi chấm thi, ông thấy có những quyển khá, nhưng lại có chỗ sai phạm vào tên húy của nhà vua.

Đây chính là cảnh ngộ của những người oan uổng như ông ngày trước. Triều đình này thực ra không quý trọng nhân tài mà chỉ chú trọng đến những cái vụn vặt. Ái ngại cho những người có tài mà phạm những sơ suất nhỏ, ông đã cùng người bạn là Phan Nhạ dùng muội đèn chữa những quyển ấy cho khỏi bị hỏng. Việc bị lộ, ông bị viên giám sát là Hồ Trọng Tuấn đàn hặc.

Khi án đưa lên thì vua nhà Nguyễn là Thiệu Trị, trước những lời buộc tội vô lý đối với ông, đã phải giảm cho ông từ tội trảm quyết xuống tội giảo giam hậu. Đây là bước ngoặt lớn nhất trong đời Cao Bá Quát. Cao đã từ ngục thất này đến ngục thất khác, bị tra tấn và chịu những nhục hình man rợ nhất, sống những ngày buồn bực đau khổ, uất ức, căm thù”.

Tiếp đó, ông nhận định về bộ phận tác phẩm thi ca mà Cao Bá Quát viết trong ngục: “Trong trường hợp đó, có những người mất hết tinh thần, gục đầu đợi tội hoặc chờ chết. Nhưng ở Cao, những ngày trong tù là những ngày sống mãnh liệt. Sức mạnh tinh thần đó vẫn tràn ngập trong những bài thơ làm trong lúc đó”.


Chân dung Cao Bá Quát.

Đặt trong bầu không khí văn hóa và tinh thần chung của giới nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại những năm 70, những nhận định trên là hoàn toàn hợp lý (mà thật ra cũng khó lòng nhận định khác được). Nhà Nguyễn, là chính quyền phong kiến không dung nạp những nhân cách lớn, và những nhân cách lớn thì không thể sống trong chính quyền ấy mà không có hành động phản kháng nhất định nào đó.

Sự kiện Cao Bá Quát vì chữa bài thi “giúp” thí sinh mà bị tù tội được nhìn ít nhiều mang tính tiên nghiệm như vậy. Cho đến nay, khi vị trí của vương triều Nguyễn trong sự phát triển liên tục của lịch sử đã được đánh giá cởi mở hơn, đầy đủ hơn, chính xác hơn; rồi bản thân Cao Bá Quát cũng đã được định vị theo một khung hình tác giả văn học cụ thể (với rất nhiều sự đồng thuận của giới chuyên môn), thiết nghĩ cần phải hình dung vấn đề này một cách khác đi.

Nói sao mặc lòng, việc Cao Bá Quát sửa bài thi là một cái tội: trường ốc có quy chế của trường ốc, xưa hay nay đều vậy, không ai có thể vin vào bất cứ lý do gì để bào chữa cho các hành vi vi phạm. Với tội này, thoạt tiên ông bị khép vào án trảm quyết (chém chết ngay), rồi giảm xuống thành án giảo giam hậu (giam lại, đợi thắt cổ đến chết sau), cuối cùng chỉ là bị tống ngục, rồi cho đi “dương trình hiệu lực” để chuộc tội.

Có thể trách rằng hình luật của nhà Nguyễn quá hà khắc (hẳn là so với ngày nay, nhà Nguyễn mạnh tay hơn rất nhiều trong việc xử lí những vi phạm quy chế thi cử), nhưng không thể nói rằng vua nhà Nguyễn đã không biết quý trọng người tài: việc nới tay với Cao Bá Quát là gì, nếu không phải là sự thể hiện của lòng lân tài? Nhiều giai thoại nói về việc Cao Bá Quát sửa gáy quan trên, thậm chí giễu cợt cay độc đối với vua mà rốt cuộc vẫn vô sự, lại càng giúp ta thêm phần hoài nghi trước cái huyền thoại về một tài năng lớn, một nhân cách lớn bị vùi dập bởi một chính quyền hủ bại. 

Vậy, phải lý giải sao đây về hành vi phạm quy của Cao Bá Quát trong tư cách ông sơ khảo của một kỳ thi Hương? Đơn giản, thì nói rằng đó là sự “ái ngại cho những người có tài mà phạm những sơ suất nhỏ”. Nhưng cũng không thể loại trừ việc đó như một biểu hiện cho sự “bất cơ” (không chịu khép mình vào khuôn khổ) của một người có thừa sự tự nhận thức và tự tin vào những phẩm chất cá nhân vượt trội của mình.

Cao Bá Quát là một nhà Nho tài tử, và như hầu hết các nhà Nho tài tử, ông không thiếu sự thị tài, đặc biệt là tài năng văn chương – thứ tài năng vốn được coi là quan trọng bậc nhất trong xã hội thời đó. (Trong “Tài tử đa cùng phú”, ông nói đến các đại gia của văn chương Trung Hoa như Đỗ Phủ, Lý Bạch không phải với tư cách là những mẫu mực để noi theo, mà là những “vật chuẩn” để ông đo tài năng của mình).

Không những vậy, Cao Bá Quát còn là người nuôi dưỡng cho mình những giấc mơ táo bạo. (Ông viết trong “Tài tử đa cùng phú”: “Tươi nét mặt thư sinh lồ lộ, bưng mắt trần toan đạp cửa phù đồ/ Rửa buồng gan du tử nhơn nhơn, giương tay tạo rắp xoay cơn khí số“).

Đến chỗ này, có thể nói Cao Bá Quát đã phần nào nối được với một trong những cảm hứng chủ đạo của văn chương nhà Nho tài tử trước đó: cảm hứng về người anh hùng thời loạn. Loạn thế sinh anh hùng. Thời loạn, những giềng mối cương thường đứt tung, người tài tử không còn chịu khép mình vào khuôn khổ của những yêu cầu “trung, nghĩa” truyền thống nữa.

Anh ta mơ tới một sự nghiệp cá nhân lẫy lừng, một ngôi đế sư (thầy của vua), thậm chí không loại trừ giấc mơ vươn tới ngôi cửu trùng. Thơ văn của những tác giả nhà Nho tài tử trước đó như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Hữu Chỉnh đậm đặc cảm hứng này.

Tuy nhiên đến Nguyễn Công Trứ, người gần như cùng thời với Cao Bá Quát, biên độ của giấc mơ thu hẹp dần: sự củng cố vững chắc của chính quyền chuyên chế nhà Nguyễn đã luôn treo sẵn thanh gươm Damocles trên cổ những kẻ bạo phổi dám có “tâm tư này khác”, người đã ca “Bài ca ngất ngưởng” như Nguyễn Công Trứ mà cuối cùng vẫn phải ngậm ngùi tổng kết: “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”!

Đặt trong thực tế lịch sử như vậy, khó có thể nói rằng việc Cao Bá Quát trở thành một trong những đầu lĩnh của một cuộc khởi nghĩa, rồi cái chết sau đó của ông, là biểu hiện của tinh thần đấu tranh phản kháng mang tính cách mạng trước chính quyền phong kiến phản động. Đúng hơn, đó chỉ là sự phản ánh một dạng bi kịch của mẫu người mà ông noi theo: người anh hùng thời loạn trong lòng chế độ chuyên chế đang mở rộng quy mô tới mức tối đa.

Nhưng nói như vậy là nói trước, nói quá phạm vi vấn đề đang bàn. Trở lại với chuyện Cao Bá Quát bị hạ ngục, có thể khẳng định ngay rằng cái môi trường tù ngục khắc nghiệt, tuy khiến ông phải đau khổ phẫn hận, nhưng đồng thời môi trường đó lại là trở thành nguồn dưỡng chất để nuôi sống, để làm bùng cháy ở ông niềm tin xác quyết vào tài năng của mình. (Tinh thần vượt lên trên hoàn cảnh, không chịu để cho hoàn cảnh đè bẹp, có lẽ đó chính là điều mà Lời giới thiệu “Thơ chữ Hán Cao Bá Quát” đã khẳng định bằng câu “Nhưng ở Cao, những ngày trong tù là những ngày sống mãnh liệt”).

Hai trạng thái đó đồng tồn tại và đan xen lẫn nhau trong thơ tù của Cao Bá Quát. Không ít lần ông đã hạ những câu thơ trầm thống: “Mộng hồi thành khuyết hồn nghi khách/ Lệ sái hành dương huyết binh không” (Mơ về nơi thành khuyết, hồn mình những tưởng là ai/ Nhìn cái gông cái cùm, khóc đến cạn dòng lệ máu – bài Tức sự), hoặc: “Thư thành hận tự không đề huyết/ Tửu túy ly bôi tức mộng hồn” (Chữ hận viết xong cứ khóc hoài đến nỗi trào máu/ Chén phân ly nhấp say là hồn vào cõi mộng – bài Kí hận 1).

Không ít lần ông đã phát phẫn: “Ỷ chẩm khan trường kiếm/ Hô đăng kiểm tệ cừu/ Cưỡng liên tâm lực tại/ Cơ ngọa bất câm sầu” (Tựa gối nhìn thanh kiếm dài/ Gọi đèn xem lại áo bông rách/ Bực bội vì tâm lực vẫn còn/ Mà bị giam cầm nằm một chỗ buồn không chịu nổi – bài Độc dạ cảm hoài).

Thế nhưng, vượt qua trạng thái đó, thơ tù của Cao Bá Quát lại thể hiện một sự tự tin thật đáng khâm phục. Trong bài “Cấm sở cảm sự, túng bút ngẫu thư” (Nơi nhà giam nhân việc cảm xúc, phóng bút viết ngay), ông viết: “Luật xuy Thử cốc hàn ưng chuyển/ Kiếm lạc Phong thành dạ hữu quang” (Điệu sáo thổi ở Thử cốc, khí lạnh phải chuyển/ Thanh gươm vùi dưới đất Phong thành ban đêm vẫn có ánh sáng).

Không thể rõ ràng hơn: trong ngục thất, Cao Bá Quát vẫn tự ví mình với những bảo vật, như điệu sáo mà Trâu Diễn thổi ở Thử cốc và thanh kiếm Long tuyền chôn dưới đất Phong thành. Bảo vật, dù thế nào đi nữa vẫn là bảo vật, chỉ cần gặp thời cơ là lập tức chúng sẽ hiển lộ những phẩm chất siêu việt của mình.

Cũng bởi tự tin mà Cao Bá Quát mới có thể vịnh cái gông dài một cách đầy hài hước: “Trước cước khởi tri cơ sự giới/ Phấn nhiêm trường quải tửu tinh tù/ Hà đương giá tác vân thê khứ/ Nhất tiếu thừa phong ổn xấn hưu” (Quàng vào chân có biết đâu rằng mình bị mắc bẫy/ Vểnh râu lên lấy làm lạ vì sao “ngôi sao rượu” cũng bị tù/ Ước gì đem gông này bắc làm cái thang mây/ Cười xòa một tiếng cưỡi gió mà lên cho rảnh – bài Trường giang thiên 3).

Cũng bởi tự tin mà ông mới có thể tái hiện cái cảnh bị tra tấn một cách cường điệu, đầy sinh động (và thú vị nữa, như thể ông không phải nạn nhân mà chỉ là người quan sát) ở bài “Đằng tiên ca” (Bài ca cái roi song): “Có cái roi song to, dài thật là dài/ Da nó tía, mình nó cứng, uốn nó lại thẳng đờ ra/ Người bị tội nằm duỗi, vẻ sợ hãi xanh xám/ Đầu quay nghiêng, mắt lấm lét, như con dê hoảng hốt/ Chân tay căng thẳng, hai mắt quáng lên… Roi quất nhoang nhoáng bay đi liệng lại như ánh chớp/ Lúc giơ lên như hai con thuồng luồng quật vào bờ ao lở/ Lúc ngừng lại như nước lạnh đổ vào nồi nước sôi/ Hai cái nọc đứng sững, có vẻ vững chắc/ Tiếng rên rỉ vang quanh dãy hành lang – Dịch nghĩa“.

Và cũng bằng sự tự tin ấy, Cao Bá Quát mới có thể “đụng vào cái vẩy ngược của con rồng” như ở một trong bốn bài thơ mà ông gượng đau viết sau khi bị Bộ Lễ tra tấn “cho đến nơi đến chốn”. Bài này, sau hai câu mở đầu có vẻ rất “biết điều”: “Hồi tư đãi sỹ chủ ân khoan/ Cảm tích vi tư lý vận gian” (Nghĩ lại ơn vua đãi ngộ kẻ sĩ thật là rộng/ Gặp vận khó khăn đâu dám tiếc cái thân nhỏ mọn này), thì hai câu kết lại đầy bóng gió: “Nghĩ hướng bình nhân thoại tâm sự/ Đê thanh trường khủng ngỗ thiên khan” (Muốn đến với mọi người để chuyện trò tâm sự/ Nhưng phải nói khẽ, sợ trái ý trời sẽ bị trời phạt).

Trong mảng thơ tù này, hơn một lần Cao Bá Quát đã khẳng định việc ông sẽ không chết vì cái án văn tự: “Dũng phu na tử hàn mặc trường” (Là người dũng cảm, đâu có chịu chết ở nơi văn tự – Đằng tiên ca), “Hàn mặc tri phi ngã tử sở” (Biết rằng bút mực không phải nơi để cho mình chết).

Niềm tin ấy đã được ông chứng thực bằng chính cái kết số phận cuộc đời mình: lúc sống, Cao Bá Quát nổi danh thiên hạ nhờ tài năng văn chương (Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán), nhưng khi chết, ông lại chết như một kẻ “bạn nghịch” của triều đình nhà Nguyễn, một đầu lĩnh của đám “giặc cỏ”.

Hậu thế khó có thể phán xét rằng Cao Bá Quát đúng hay sai trong sự lựa chọn ấy. Chỉ chắc chắn một điều: cho đến giữa thế kỷ XIX, với tất cả những điều kiện thực tại của nền quân chủ chuyên chế ở Việt Nam, con đường vươn tới hình ảnh một anh hùng thời loạn của Cao Bá Quát đã trở thành tuyệt lộ!

Dẫu sao chăng nữa, ở chặng giữa của con đường ấy, chặng tù ngục, Cao Bá Quát đã để lại một di sản thi ca đặc sắc. Nếu có thể nói đến một dòng “ngục trung thi” trong thơ Việt Nam (với những tác giả sáng giá như Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Thủy v.v…), hẳn người ta sẽ phải, trước hết, nhắc tới người tài tử đa cùng Cao Chu Thần – Cao Bá Quát?

Theo Nam Khanh/Văn Nghệ Công An