‘Cao lương đỏ’ – Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạc Ngôn

2320

Nguyễn Công Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX đến nay, khán giả truyền hình có cơ hội thưởng thức nhiều bộ phim đặc sắc được chuyển thể từ các tác phẩm văn học kinh điển Trung Quốc như “Tây du ký”, “Thủy Hử”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Hồng lâu mộng”… hay từ các tác phẩm văn học đương đại như “Cao lương đỏ”, “Nhân nghĩa nhân dân”, “Hoán đổi số mệnh”,… Những bộ phim dài tập này không chỉ làm say đắm khán giả Trung Quốc mà còn vang vọng, lan xa ra khắp thế giới.

Trong các phim Trung Quốc chuyển thể từ tác phẩm đương đại, thành công nhất là Cao lương đỏ. Bộ phim dài 60 tập, sản xuất năm 2014, do Trịnh Hiểu Long đạo diễn được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạc Ngôn – nhà văn đạt giải Noben văn học 2012. Trong hơn 200 tác phẩm thuộc nhiều thể loại của văn hào, độc giả Việt Nam đã được thưởng thức nhiều kiệt tác của ông như: Báu vật của đời, Cao lương đỏ, Đàn hương hình, Rừng xanh lá đỏ…

Nội dung bộ phim truyền hình Cao lương đỏ, sản xuất 2014 bám khá sát với nguyên tác tiểu thuyết Cao lương đỏ. Cô gái 19 tuổi Đới Cửu Liên (thường gọi là Cửu Nhi) yêu cậu thư sinh Trương Tuấn Kiệt. Khi nghe tin người cha tham tiền bán mẹ mình cho một người chủ đội gánh thuê, Cửu Nhi đã phải vay tạm tiền của nhà họ Trương để chuộc mẹ, nhưng không ngờ khi cô đưa tiền đến thì mẹ cô đã treo cổ tự tử. Sau đó Tuấn Kiệt và Cửu Nhi hẹn sẽ bỏ trốn cùng nhau trong đêm, cha Tuấn Kiệt báo cho Hoa Bột Tử – một thổ phỉ, vốn rất say mê Cửu Nhi – đến bắt cô. Tuấn Kiệt vì cha mẹ nên sau đó đã tự nhận hết lỗi với Cửu Nhi, cô tức giận cùng Hoa Bột Tử hợp tác hãm hại nhà họ Trương; mặt khác lại hợp tác cùng Dư Chiêm Ngao – người trong đội gánh thuê – và Chu Hào Tam – huyện Trưởng mới nhậm chức – vây bắt băng đảng Hoa Bột Tử. Dư Chiêm Ngao đã cứu cô thoát khỏi sào huyệt thổ phỉ. Cửu Nhi cảm tạ Chiêm Ngao, chính thức chia tay Trương Tuấn Kiệt, đồng thời khấu đầu nhận vợ chồng huyện Trưởng Chu làm cha mẹ nuôi.

Sau đó, cha Cửu Nhi là Đới Lão Tam gả cô cho con của một người chủ xưởng rượu bị mắc bệnh phong là Thiện Biển Lang. Cửu Nhi phải miễn cưỡng chấp nhận. Đội khiêng kiệu hoa cho cô hôm ấy chính là đội của Dư Chiêm Ngao. Trên đường đi, họ múa hát, nhảy nhót làm xóc kiệu hoa khiến Cửu Nhi nôn nhưng cô vẫn không sợ, trái lại lúc này cô đã có cảm tình với Dư Chiêm Ngao. Lúc vào đến bãi cao lương, cả đoàn bị một tên bịt mặt chặn đường (cũng chính là Trương Tuấn Kiệt chặn đường cướp Cửu Nhi) tuy nhiên sau đó bị đoàn của Chiêm Ngao đánh, Cửu Nhi quay lại kiệu hoa tiếp tục đến nhà chồng.


Diễn viên Châu Tấn đảm nhận vai Cửu Nhi trong phim “Cao lương đỏ”.

Hai đêm ở cùng phòng với chồng, Cửu Nhi thức trắng với chiếc kéo trong tay. Ngày thứ ba, Cửu Nhi được trả về nhà, trên đường về, Dư Chiêm Ngao đột ngột xuất hiện mang Cửu Nhi vào sâu trong bãi cao lương và “hành sự” với cô. Ban đầu Cửu Nhi chống trả, nhưng lát sau cô đã chấp nhận Chiêm Ngao đến với mình. Sau lần ấy, Cửu Nhi mang thai. Đêm hôm đó, chồng và cha chồng của Cửu Nhi bị Dư Chiêm Ngao vô tình giết chết khiến Thiện gia chỉ còn hai người phụ nữ là Cửu Nhi và Cao Thục Hiền – chị dâu của Cửu Nhi.

Trong ngày Cửu Nhi lâm bồn, Nhị và Tam thúc nhà họ Thiện cho người canh gác cẩn mật, còn trực tiếp cho vợ mình khám xét phòng sanh đề phòng việc đổi con. Nào ngờ Cửu Nhi lại sinh Long Phụng thai. Do khó sinh, mất máu quá nhiều, Cửu Nhi ngất đi, Đại Thiếu phu nhân cố tình không cho đại phu cứu hòng giết chết Cửu Nhi. Luyến Nhi – A Hoàn Cửu Nhi đã mua về và thương như em gái – lén lút cầu xin đại phu kê thuốc cho Cửu Nhi uống và chăm sóc đứa bé gái vừa sinh ra. Dù tim còn đập nhưng Đại thiếu Phu Nhân vẫn làm thủ tục nhập quan cho Cửu Nhi. Lúc chuẩn bị đóng nắp hòm, Luyến Nhi lấy gáo nước dội vào mặt Cửu Nhi, bất ngờ cô tỉnh lại.

Trong thời gian này, nhiều chuyện xui xẻo xẩy ra với Dư Chiêm Ngao khiến Cửu Nhi vì người yêu liên tục ép chị dâu mình phải tìm cách giúp anh, kể cả việc ép chị dâu phải mua một cô nha hoàn cho Cửu Nhi. Lâu dần, chị dâu cô không thể chịu đựng được nữa và tìm cách trả thù cô. Cửu Nhi tức giận đấu lại chị dâu. La Hán – một người làm trong xưởng rượu nhà họ Thiện, có tình cảm với Cao Thục Hiền – đã chân thành khuyên nhủ Cửu Nhi, sau này anh bỏ xưởng rượu đi khiến Cửu Nhi phải phá bỏ luật lệ nấu rượu (phụ nữ không được vào lò rượu) thay anh đảm trách xưởng rượu nhà chồng.

Dư Chiêm Ngao sau này trở thành một thổ phỉ, có quan hệ vừa hữu nghị vừa thù địch với thổ phỉ Hoa Bột Tử. Tuy nhiên đội quân thổ phỉ của Chiêm Ngao là thổ phỉ tốt, chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo, nhưng huyện trưởng Chu Hào Tam vốn có hiềm khích từ trước với Dư Chiêm Ngao, lại không ưa thổ phỉ nên tìm cách tiêu diệt anh cho kỳ được.

Dư Chiêm Ngao sau khi thôi làm thổ phỉ lại chuyển hướng sang làm một người lính yêu nước kháng Nhật, lúc này Trương Tuấn Kiệt cũng đã tham gia đội quân của Chiêm Ngao, Cửu Nhi cũng vì nước mà xả thân tương trợ cho quân lính, ngày ngày gánh bánh khao quân. Con trai Cửu Nhi lúc này cũng đã lớn, vẫn thường theo mẹ ra chiến trường. Kháng chiến chống Nhật nổ ra, huyện trưởng Chu cùng phu nhân ở lại Cao Mật kháng chiến. Trong một trận đánh không cân sức, vợ chồng huyện Trưởng cản quân giặc cho tàn quân ta rút lui. Khi giặc bao vây, họ đã giật mìn tự sát và diệt quân giặc. Đội quân của Dư Chiêm Ngao thiệt hại nặng, bản thân anh bị trọng thương trong một trận chiến. Cửu Nhi vì chồng, vì nước đã xả thân dụ quân địch đến nơi cất rượu Tam Thập Lý Hồng của Thiện gia giữa rừng cao lương bằng bài hát của cô. Cửu Nhi tưới rượu xung quanh, chờ quân địch đến, cô châm lửa, tuy bị quân địch bắn nhưng cô vẫn kiên cường. Rượu bắt lửa cháy bùng, những vò rượu chưa mở lại trở thành một loại bom tiêu diệt quân địch. Cửu Nhi chết, trước khi chết cô đã nói cho con trai biết Dư Chiêm Ngao chính là cha ruột của cậu bé. Cửu Nhi ra đi trong rừng cao lương, nơi đã chứng kiến tình yêu và hạnh phúc của cô với Dư Chiêm Ngao.

2. Theo Zing news, Phim truyền hình Cao lương đỏ, phiên bản Châu Tấn (21/10/2014) có 4 điểm sáng tạo hấp dẫn và thu hút khán giả:

Một là: Nguyên tác nổi tiếng, tác giả quan tâm

Tác giả cuốn sách Cao lương đỏ, nhà văn Mạc Ngôn là người đầu tiên của Trung Quốc đoạt giải Nobel văn học (2012). Sau đó, trào lưu “chuyển thể sách Mạc Ngôn” bắt đầu dấy lên trên đất nước này. Song, trái với dư luận và trào lưu, Mạc Ngôn luôn kín tiếng, ngoài Cao lương đỏ, tạm thời ông chưa trao bảo quyền làm phim cho bất cứ nhà sản xuất nào.

Cao lương đỏ ra đời năm 1986. Một năm sau, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đưa tác phẩm lên màn ảnh rộng, khẳng định bước đầu tiên trong sự nghiệp làm phim với giải Gấu vàng liên hoan phim Berlin. Hai diễn viên chính trong Cao lương đỏ Khương Văn và Củng Lợi cũng trở nên nổi tiếng trên khắp đất Trung Quốc.

Cũng giống như phiên bản điện ảnh, Cao lương đỏ bản truyền hình tập trung khai thác cốt truyện sẵn có, nhưng sẽ miêu tả cụ thể và tỉ mỉ hơn, vì thời lượng dài hơn (60 tập). Ngoài ra, phim cũng sẽ tăng thêm một vài nhân vật quan trọng, đảm bảo nội dung càng thêm liền mạch.

Hai là: Đạo diễn uy tín, tôn trọng nguyên tác

Trần Hiểu Long, đạo diễn Cao lương đỏ cũng chính là đạo diễn bộ phim Chân Hoàn truyện đình đám năm 2012. Không chỉ vậy, dàn chế tác cũng được giữ nguyên. Ngay từ khi bắt đầu nhận kịch bản, Trịnh Hiểu Long đã lường trước được độ khó của tác phẩm: Cao lương đỏ là dự án tương đối khó nhằn, do đó tất cả các khâu từ sản xuất cho đến lựa chọn diễn viên đều phải cẩn thận.

Trong Chân hoàn truyện, người ta đã thấy cách đạo diễn Trịnh Hiểu Long sống động và cá tính hóa các nhân vật nữ như thế nào thì trong Cao lương đỏ cũng vậy, nhân vật nữ chính Cửu Nhi đảm bảo sẽ giữ nguyên tinh thần mạnh mẽ, kiên cường như trong nguyên tác.

Một điều thú vị khác là, biên kịch của Cao lương đỏ, Triệu Đông Cầm cũng là người Sơn Đông, nơi xảy ra câu chuyện. Do đó, tất cả cảnh tượng trong phim sẽ được đảm bảo lột tả một cách chân thực nhất, làm nổi bật hình ảnh, tính cách của con người nơi này.

Ba là: Sự trở lại của Châu Tấn sau 12 năm vắng bóng truyền hình

Châu Tấn đã rời xa màn ảnh nhỏ hơn một thập kỷ, nhưng đến nay người ta vẫn nhớ về những vai diễn cá tính, đa dạng của cô như Thái bình công chúa ngây thơ nhưng dũng cảm trong Đại Minh cung từ hay tài nữ Lâm Vi Nhân trong Nhân gian tứ nguyệt thiên, rồi một Tú Hòa độc lập mạnh mẽ trong Mùa quýt chín, Hoàng Dung tinh nghịch trong Anh hùng xạ điêu… Do đó, sự trở lại của Châu Tấn với vai diễn Cửu Nhi trong Cao lương đỏ hứa hẹn sẽ làm mưa làm gió trên sóng truyền hình.

Cũng vì sự xuất hiện của Châu Tấn, nhiều người đã so sánh cô và đàn chị Củng Lợi trong phiên bản điện ảnh. Tuy nhiên, đạo diễn Trịnh Hiểu Long cũng như bản thân nhà văn Mạc Ngôn đều vô cùng tin tưởng vào khả năng diễn xuất của Châu Tấn.

Bốn là: Diễn viên phù hợp, cá tính

Tất cả những diễn viên tham gia Cao lương đỏ bản truyền hình đều là người có kinh nghiệm vào vai những con người “bình thường” trên một mảnh đất quê bình thường. Trước hết phải kể đến diễn viên Châu Á Văn với vai nam chính Dư Chiêm Ngao. Nhà làm phim Tào Bình đã nhận xét như sau: “Dù là ngoại hình hay khí chất, anh ấy đều hợp với vai diễn này”. Châu Á Văn từng tham gia Náo Quan Đông, Tình kế bắc đại hoang… và nhiều bộ phim đề tài nông thôn khác. Mỗi vai diễn của anh đều để lại ấn tượng sau sắc trong lòng khán giả.

Diễn viên được coi là “sinh ra để dành cho phim văn nghệ” Tần Hải Lộ sẽ tham gia Cao lương đỏ với vai người phụ nữ điển hình của thời phong kiến: Một góa phụ phải giữ cái gọi là “trinh tiết” đến suốt đời và luôn phải kìm nén mọi hoài bão ước ao.

Ngoài ra, một số diễn viên khác như Hoàng Hiên – đóng vai tình đầu của Cửu Nhi hay Vu Vinh Quang, Hàn Đồng Sinh… đều hứa hẹn sẽ lột tả một cách xuất sắc cái hồn của nhân vật.

3. Ngoài 4 điểm sáng trên, theo chúng tôi khán giả sau khi thưởng thức phim truyền hình “Cao lương đỏ” còn thu nhận thêm những hiểu biết thú vị sau:

Thứ nhất: Dù nội dung phim xoay quanh câu chuyện yêu hận tình thù giữa người chinh phục, kẻ bị chinh phục trên mảnh đất Cao Mật, Sơn Đông những năm 20 – 30 thế kỷ XX và được viết, được diễn trong chế độ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (đối lập về chính trị) nhưng kịch bản và diễn xuất hoàn toàn không gợn một chút tuyên truyền mang yếu tố chính trị nào (không chê chế độ Quốc dân, không có bóng dáng chế độ Quốc cộng). Nhân vật phim phức tạp, giàu cá tính, không chia thành tuyến thiện ác, tốt xấu như cách phân chia thông thường. Trong mỗi con người đan cài, chen lấn, giao tranh bóng tối và ánh sáng, thiên thần và quỉ sứ, cao cả và tầm thường. Những yếu tố ấy khi nổi lên, lúc chìm xuống theo từng hoàn cảnh của cuộc sống. Đây chính là con người được khám phá, soi chiếu ở nhiều bình diện, nhiều tầng bậc: ý thức và vô thức, đời sống tư tưởng, tình cảm và đời sống tự nhiên, bản năng; khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường… Con người không còn nhất phiến, đơn trị mà luôn là con người đa diện, đa trị, lưỡng phân.

Thứ hai: Mâu thuẫn phim được đẩy đến tột cùng, nhiều lúc tưởng như không thể dung hòa được nhưng sau đó tạo ra những bất ngờ khó đoán định, buộc người xem không dừng được khi xem phim. Điển hình là mâu thuẫn của hai chị em dâu họ Thiện: Đại tiết phu nhân Cao Thục Hiền với nhị tiết phu nhân Đới Cửu Liên. Cao Thục Hiền ôm bài vị thờ chồng trong gần 10 năm trời. Sau khi bố chồng và em trai chồng mất, Đại tiết phu nhân chỉ trông chờ em dâu sinh con trai (dù con ai không cần biết) để được sống yên ổn trong ngôi nhà của họ Thiện. Bên ngoài, Đại tiết phu nhân luôn quan tâm chăm sóc cho Cửu Nhi nhưng bên trong tìm mọi cách loại bỏ em dâu sau khi có được điều mình mong muốn. Bởi vậy, lúc Cửu Nhi bị băng huyết sau khi sinh, Cao Thục Hiền đã đuổi đại phu, dấu thuốc, đưa em dâu vào quan tài lúc đang hôn mê. Sau khi sống lại, Cửu Nhi đã nhượng bộ, cho con trai Đậu Quan làm con của Đại tiết phu nhân (gọi Đại tiết phu nhân bằng mẹ, gọi mình bằng thím) nhưng Đại tiết phu nhân vẫn tìm cách hãm hại. Một đêm, Đại tiết phu nhân giả đau, nhờ Cửu Nhi đi mời đại phu (thực chất đã đưa tiền cho trưởng băng thổ phỉ Hoa Bột Tử bắt cóc Cửu Nhi về làm áp trại hoặc thủ tiêu). Sau khi được Hoa Bột Tử cho biết sự thật và được La Hán, huyện Trưởng Chu giải thoát, Cửu Liên đã ra tay làm mất danh tiết Cao Thục Hiền, biến người đạo mạo được mọi người ngưỡng mộ thành kẻ dâm phụ “sống không bằng chết”. Thế nhưng sau khi trả thù, Cửu Liên luôn hối hận, đau đớn và thành thật xin lỗi chị dâu, làm mọi điều tốt cho chị,…Một mối quan hệ khác là huyện Trưởng Chu Hào Tam với Dư Chiêm Ngao. Chu Hào Tam khi về làm huyện Trưởng ông đã tuyên bố nhiệm vụ đầu tiên là tiêu diệt thổ phỉ. Ông đã dùng mọi thủ đoạn, kể cả mánh khóe bỉ ổi, đê tiện nhằm đạt mục đích ấy như ra cáo thị tuyển thổ phỉ làm cảnh vệ. Dư Chiêm Ngao và người em kết nghĩa vì miếng ăn, nhận mình từng là thổ phỉ để gia nhập cảnh vệ quốc gia. Kết quả là 106 thanh niên Cao Mật (trong đó nhiều người chưa bao giờ là thổ phỉ) bị đẩy lên tàu, bị trừ khử nơi vắng vẻ (duy chỉ có Dư Chiêm Ngao trốn thoát). Mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm khi quân lính Chu Hào Tam trong lúc đi trưng lương thực đã đánh chết mẹ nuôi Dư Chiêm Ngao. Một cuộc chiến giữa quân cảnh vệ của huyện Trưởng với đội quân thổ phỉ được lòng dân của Dư Chiêm Ngao sắp nổ ra dù Trương Tuấn Kiệt, đại ca Hát Nhãn tìm mọi cách, mọi biện pháp can ngăn cơn giận dữ của Dư Chiêm Ngao. Vậy mà một huyện Trưởng ngạo nghễ, cao đạo, lấy việc diệt thổ phỉ làm mục đích hàng đầu như Chu Hào Tam đã cùng vợ chịu mặc áo tang, quỳ lết vào khấu đầu nhận tội với vong linh người đã khuất.

Thứ ba: Bộ phim giúp người xem hiểu thêm về con người Trung Quốc. Mấy lâu nay, chúng ta thường nghe những lời đúc kết của ông cha: “Thâm như Tàu”, “Miệng Phật, tâm xà”, “Miệng nam mô bụng một bồ dao găm”,… đến lúc xem phim “Cao lương đỏ”, mới thấm thía hết những lời dạy đó. Hầu hết các nhân vật trong bộ phim đều là con người hai mặt. Bề ngoài họ nhẹ nhàng, khéo léo, nhã nhặn nhưng bên trong đầy âm mưu, thủ đoạn. Những lời họ nói ra hoặc là xã giao hoặc là kích bác, hầu như luôn cảnh giác lẫn nhau. Vợ chồng huyện Trưởng Chu nhận Cửu Nhi làm con nuôi nhưng vẫn lừa bắt giam hai đứa cháu để làm mồi nhử bắt diệt Dư Chiêm Ngao. Ngọc Lãng được Hát Nhãn nhận làm con nuôi và hứa sẽ giao toàn bộ băng nhóm cho hắn sau khi mình già. Ngoài miệng Ngọc Lãng luôn gọi Hát Nhãn là nghĩa phụ nhưng sau đó đã bắn chết cha nuôi, làm tay sai cho Nhật vì được người Nhật hứa cho một chức nha lại tay sai.

Từ phim Cao lương đỏ, chúng ta càng thấm thía hơn giả tâm xảo trá, bỉ ổi của người Tàu. Phương châm 16 chữ vàng “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan” (sông núi gắn liền, cùng chung lý tưởng, hoà nhập văn hoá, có chung định mệnh) được dịch là “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và quan hệ 4 tốt: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” do lãnh đạo Trung Quốc đưa ra xác định tư tưởng chỉ đạo và khung tổng thể phát triển quan hệ hai nước Việt – Trung trong thế kỷ mới chỉ là những mỹ từ, những chiêu bài với những ý đồ nào đó, khác hẳn thực tế. Năm 2014, khi đề cập tới sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào lãnh hải nước ta, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, đã nhận định: “Đây là bài học cho những ai còn mơ hồ về 16 chữ vàng, về 4 tốt”.

Cuối cùng: Xem tiểu thuyết và xem phim Cao lương đỏ chúng ta mới thấy hết sự vĩ đại của nền văn học, văn hóa Trung Hoa; thấy được sự kiệt xuất của một thiên tài đoạt giải thưởng Noben. Nhà văn không bị chính trị chi phối. Tiếng nói nhà văn là tiếng nói của nhân dân, vì nhân dân, vì con người. Trong bài phát biểu tại hội chợ sách Frankfurt (Ðức), Mạc Ngôn khẳng định: “Nhà văn cần phê phán và khơi gợi sự căm phẫn đối với những mặt trái đen tối của xã hội cũng như sự xấu xa của bản chất con người. Một số người muốn hét vang trên đường phố, nhưng chúng ta cần phải thông cảm với những người giấu mình trong phòng và sử dụng văn chương để bày tỏ thái độ của họ”. Khi trả lời phỏng vấn Nhân Dân Nhật Báo, sau khi nhận giải Noben, Mạc Ngôn khẳng định: “Tôi nghĩ nhà văn viết vì lương tâm của họ. Họ viết vì độc giả. Chẳng ai viết để đoạt giải cả”.

N.C.T