Cao Thị Hồng & Mỹ nhân nơi đồng cỏ

664

24.11.2017-10:45

  Nhà phê bình Cao Thị Hồng

 

Tiểu thuyết Mỹ nhân nơi đồng cỏ

của Lê Hoài Nam nhìn từ đặc trưng thể loại

 

CAO THỊ HỒNG

 

NVTPHCM- “… Bản thân cái đẹp không có tội mà vấn đề là cách con người ứng xử trước cái đẹp như thế nào mới là điều đáng phải bàn. Sự mụ mị, thiếu lý trí của một đấng quân vương trước nhan sắc đàn bà để cuối cùng Nguyễn Thị Anh lộng hành, thao túng việc triều chính và gây ra biết bao bi kịch đầu rơi máu chảy, âu cũng là bài học không bao giờ cũ đối với những người được lịch sử giao phó trọng trách “trị quốc, bình thiên hạ”. Lời nhắc nhở “anh hùng khó qua ải mỹ nhân” dường như vẫn nguyên giá trị dẫu ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời đại lịch sử nào!”

 

1. Tiểu thuyết lịch sử Mỹ nhân nơi đồng cỏ của Lê Hoài Nam (Nxb. Hội Nhà văn, HN. 2017) đã tái hiện một cách sinh động diện mạo vương triều phong kiến Việt Nam trong một thời kỳ đặc biệt của lịch sử nước nhà kéo dài từ năm 1442 (khi Hoàng Thái Tử Bang Cơ mới 2 tuổi đã lên ngôi hoàng đế thay cha là “Thái Tông Văn Hoàng đế đột ngột băng hà trên sông Thiên Đức trong chuyến vi hành kiểm tra quân sự”) đến năm  1459 (khi Lê Bang Cơ bị Lê Nghi Dân, con cả của Lê Thái Tông chiếm ngôi, bức tử). Chỉ vẻn vẹn 17 năm, nhưng xung quanh một đời làm hoàng đế ngắn ngủi của Lê Nhân Tông là bao dâu bể thăng trầm của những cuộc đời, những phận người hèn có, sang có tất cả đều đặt trong vòng cuốn tàn khốc của cơn bão tham vọng danh lợi, quyền lực…  Tuy dựa trên cứ liệu, tình tiết lịch sử có thật để xây dựng thế giới nghệ thuật nhưng Mỹ nhân nơi đồng cỏ của Lê Hoài Nam đã vượt lên mức “kể” và mức “tả” thông thường, tác phẩm đã khiến bạn đọc khi tiếp nhận tác phẩm phải “ngẫm nghĩ” nhiều thông điệp nhân văn tiềm ẩn sau lớp ngôn từ.

      

Khi bàn về tiểu thuyết lịch sử, ngay từ đầu thế kỉ XIX, A. Dumas đã gọi sự kiện lịch sử chỉ như “cái đinh” để nhà văn mắc cái áo, tức câu chuyện của mình. Như vậy, trong tiểu thuyết lịch sử, sự kiện lịch sử chỉ có giá trị đánh dấu chứ không phải nội dung chủ yếu của tiểu thuyết, phạm vi “lịch sử” được mở rộng,  vai trò sáng tạo của nhà tiểu thuyết không phải là nhỏ. Đặc trưng thể loại cho phép tiểu thuyết lịch sử không chỉ có nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử mà còn có nhiều nhân vật, sự kiện, chi tiết được hư cấu.  Nhìn từ đặc trưng trên,  có thể nói Mỹ nhân nơi đồng cỏ là một minh chứng cho thấy hiện thực trong tác phẩm là kết quả của quá trình người nghệ sĩ tự do tâm hồn, tự do trí tuệ để sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Từ hiện thực lịch sử đến hiện thực trong tiểu thuyết lịch sử là một khoảng cách thẩm mỹ. Hiện thực trong Mỹ nhân nơi đồng cỏ là hiện thực do nhà văn “tự cảm thấy” bằng kinh nghiệm sống – hiện thực không nhất thiết phải trùng khít với hiện thực lịch sử đã diễn ra,  hiện thực được xây dựng bằng trí tưởng tượng, bằng những cảm nhận và trải nghiệm cuộc sống của chính nhà văn, đó là hiện thực mang tính quan niệm.  Nhà văn Lê Hoài Nam không chỉ kể lại sự kiện và nhân vật, mà còn tái hiện cuộc sống, tâm hồn con người, không khí thời đại, trang phục, nhà ở, đồ dùng, lời ăn tiếng nói, âm nhạc… và đặc biệt miêu tả đời sống cụ thể sinh động của các nhân vật lịch sử – họ là những con người có tính cách, cá tính trong cuộc sống đời thường. Vì lẽ đó, chúng ta không nên áp công thức “giống như thật” để tiếp nhận tác phẩm Mỹ nhân nơi đồng cỏ và càng không thể đơn thuần coi đây là tác phẩm chỉ kể chuyện lịch sử. Mỹ nhân nơi đồng cỏ đã góp phần giải mã lịch sử theo đặc thù sáng tạo của thể loại tiểu thuyết và trên tinh thần đó tác phẩm mở ra nhiều hướng tiếp cận, “vẫy gọi” bạn đọc tiếp tục đồng sáng tạo…

       

Mỹ nhân nơi đồng cỏ có hai mươi tư chương, có thể coi mỗi chương là một câu chuyện  khác nhau. Sự ráp nối những “mảnh vỡ hiện thực” tạo nên một chỉnh thể sinh động về đời sống. Mở ra trong suốt chiều dài tác phẩm là một không gian cung đình chồng chất nhiều biến cố, tình tiết, sự kiện. Thời gian không đơn thuần theo kiểu tuyến tính mà đó là thời gian đa tuyến, hồi cố, đảo đổi liên tục, quá khứ và hiện tại được kéo lại gần nhau hơn. Hiện thực cuộc sống được tái hiện đa chiều với những mảng màu sáng/ tối khác nhau: tốt/xấu, cao thượng/ thấp hèn, còn/ mất, đúng/ sai, thật/ảo…tất cả gợi lên trong tâm trí bạn đọc những liên tưởng và đối thoại, những suy ngẫm về cuộc đời đặc biệt là suy ngẫm về cách đối nhân xử thế giữa con người và con người – dường như đây là cội nguồn phát sinh của muôn vàn tội ác và cũng là cội nguồn nuôi dưỡng tình nghĩa, sự bao dung, vị tha, nhân ái của con người. Toàn bộ tinh thần nhân văn của tác phẩm được gửi gắm thông qua một hệ thống nhân vật phong phú, đa dạng thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp, nhiều kiểu/ dạng người nhưng chủ yếu tập trung vào những nhân vật phụ nữ mà tên tuổi họ hoặc ít nhiều đã được ghi danh trong lịch sử hoặc lần đầu tiên được tác giả Lê Hoài Nam bằng sự tưởng tượng bay bổng của mình dành nhiều tình cảm, trân trọng ghi danh trong tác phẩm: Nguyễn Thị Anh, Ngô Thị Ngọc Dao, Nguyễn Thị Lộ, Ngô Thị Sen, Phùng Mai Hoa, Nguyễn Thị Hằng, Lương Minh Nguyệt…Đặt cuộc sống, số phận của những phụ nữ – những mỹ nhân chốn hoàng cung (đa phần vốn xuất thân từ “nơi đồng cỏ” hoặc ít nhiều cũng gắn bó nơi thôn dã giản dị, mộc mạc) trong hoàn cảnh xã hội, triều đình tao loạn, rối ren, nhiều thử thách lòng người, để từ đó tác giả soi chiếu, tái hiện diện mạo tinh thần, “con người bên trong con người” của từng nhân vật, khái quát nhiều vấn đề thế sự nhân sinh – đó là thành công nổi bật không thể không ghi nhận của Mỹ nhân nơi đồng cỏ. Để lại trong lòng bạn đọc nhiều day dứt và ấn tượng nhất trong tác phẩm là nhân vật Nguyễn Thị Anh – đây là hình tượng nhân vật xuất hiện lúc trực tiếp khi gián tiếp trải khắp các chương trong tác phẩm. Xoay quanh nhân vật Nguyễn Thị Anh – “trục” trung tâm của tác phẩm, tác giả tái hiện nhiều biến cố, sự kiện liên quan đến nhiều số phận con người. Từ một nhân vật để thấy nhiều vấn đề không những của cá nhân mà còn là của cộng đồng và của thời đại. Đây là cách xử lý nghệ thuật sáng tạo, tinh tế của Lê Hoài Nam ở tiểu thuyết này.

 

2. Cần khẳng định, Nguyễn Thị Anh đích thực là một “mỹ nhân nơi đồng cỏ”.  Nàng không thuộc gia đình dòng dõi quyền thế, giàu sang phú quý và vì vậy từ nhỏ nàng cũng không được giáo dục, học hành như nhiều tiểu thư khuê các.  Nàng sinh ra và lớn lên hồn nhiên như cây cỏ nơi đồng quê xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa và “quanh năm gắn bó với cánh đồng cỏ rộng mênh mông để cắt cỏ chăn bò”(1). Trời phú cho nàng  vẻ đẹp nồng nàn, “tràn đầy nhục dục” (2). “Nước da trắng như ngó sen, đôi gò má lúm đồng tiền lúc nào cũng ửng lên sắc hồng của sự thanh tân phơi phới, đôi lông mày thanh nhưng xanh đậm, hơi cong lên như đôi cánh nhạn, đôi mắt đen huyền long lanh, thân thể cân đối, với những bước đi uyển chuyển, đôi bàn tay tuyệt mỹ như hai bông hoa huệ, càng khiến vẻ đẹp thêm mặn mà, hấp dẫn”(3)… Và cũng chính nhờ có vẻ đẹp “diễm lệ” “sắc nước hương trời” nên Nguyễn Thị Anh “chỉ bằng một ánh nhìn đã khiến Thái Tông Văn hoàng đế quyến luyến, si mê nàng, không dứt ra được”(4). Thời điểm nhà vua mê mẩn Nguyễn Thị Anh cũng là thời điểm báo hiệu bắt đầu chuỗi hiểm họa giáng xuống Hoàng cung và những người vô tội. Đúng như lời nhân vật Ngô Thị Ngọc Dao, vợ vua Lê Thái Tông đã đúc kết sau này khi trả lời con trai những câu hỏi về người cha đã khuất: “Cha con mắc chứng lụy tình. Vì lụy tình mà có lúc cha con không đủ tỉnh táo, minh mẫn để phán đoán, nhìn nhận mọi việc một cách đúng đắn. Tuyên từ Nguyễn Thị Anh vì được cha con quá yêu chiều mà thao túng công việc triều chính. Sai lầm chết người của cha con cũng từ đó mà ra”(5).

  

Bản thân cái đẹp không có tội mà vấn đề là cách con người ứng xử trước cái đẹp như thế nào mới là điều đáng phải bàn. Sự mụ mị, thiếu lý trí của một đấng quân vương trước nhan sắc đàn bà để cuối cùng Nguyễn Thị Anh lộng hành, thao túng việc triều chính và gây ra biết bao bi kịch đầu rơi máu chảy, âu cũng là bài học không bao giờ cũ đối với những người được lịch sử giao phó trọng trách “trị quốc, bình thiên hạ”. Lời nhắc nhở “anh hùng khó qua ải mỹ nhân” dường như vẫn nguyên giá trị dẫu ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời đại lịch sử nào!

    

Trong Mỹ nhân nơi đồng cỏ, nhân vật Nguyễn Thị Anh cần được nhìn nhận đa diện, nhiều chiều, bởi lẽ đây là nhân vật mang đặc điểm tâm lý, tính cách không đơn giản.  

   

Lịch sử ghi nhận, Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh:“Là vị Hoàng thái hậu tại vị đầu tiên, và cũng là Hoàng thái hậu duy nhất của triều đại nhà Hậu Lê thực hiện Thùy liêm thính chánh, nhiếp chính việc quốc gia thay Hoàng đế. Bấy giờ, con trai bà là Lê Nhân Tông còn nhỏ tuổi, nên Thái hậu toàn quyền đưa ra quyết định, giải quyết chính sự”(6).  Như vậy, sự thực lịch sử cũng thừa nhận định mệnh đã chọn Nguyễn Thị Anh làm vợ vua, và định mệnh cũng xui khiến người đàn  bà này sớm bị góa chồng và một lúc phải “đóng” rất nhiều vai: ở góc độ gia đình bà vừa là người mẹ, vừa là người cha của ông vua còn rất nhỏ tuổi;  ở góc độ xã hội bà là Tuyên từ Hoàng Thái hậu, đảm nhiệm nhiều việc quốc gia đại sự khi chồng bà – vua Lê Thái Tông đột ngột băng hà. Bà buông rèm nhiếp chính dạy dỗ vua còn non nớt quyết đáp mọi việc triều chính.

    

Trong quá trình xây dựng nhân vật, Lê Hoài Nam đã rất tinh tế chia sẻ gánh nặng này cùng Tuyên từ Nguyễn Thị Anh bởi trong suốt thời gian hàng chục năm sau khi chồng mất bà “phải gồng mình lên để sống. Những toan tính của một cung phi ít nhiều còn mang tính quê mùa hoang dã trở thành nỗi lo lắng khôn nguôi của người đứng mũi chịu sào trước vận mệnh của hoàng triều và an nguy của xã tắc, phải giữ ngai vàng sao cho đủ vững để đứa trẻ mặc áo hoàng bào tên là Bang Cơ không bị giết chết, đứng lên mà trưởng thành”(7). Trong hoàn cảnh phải chèo chống với một cục diện chính trị nhiều phe cánh vô cùng phức tạp của triều đình, Nguyễn Thị Anh đã tỏ ra là một người đàn bà đa mưu, linh hoạt có quyền hành khuynh loát thiên hạ. Nhưng “mỗi khi được tất cả quần thần kính cẩn quỳ rạp xuống tung hô: “Thánh mẫu Hoàng Thái hậu muôn tuổi”, bên cạnh cảm giác sung sướng tột độ là một nỗi canh cánh lo âu, bởi nàng chỉ là một cô thôn nữ làm nghề cắt cỏ nuôi bò tiến vào Hoàng cung đã được Thái Tông sủng ái”(8).  

   

Vua Lê Thái Tông mất, Bang Cơ mới lên 2 tuổi đã phải gánh trọng trách làm vua của một đất nước khi đó chính sự đang rất phức tạp, áp lực ấy không chỉ đè nặng lên cậu con trai mà phần nhiều là đè nặng lên tâm lý người mẹ. Những lo âu âm thầm của Nguyễn Thị Anh là chính đáng và đáng được cảm thông, song đồng thời trong nỗi lo âu ấy người đọc cũng có thể thấy tác giả khéo léo hé lộ cho bạn đọc “gót chân Asin” của Hoàng Thái hậu, và cũng chính giới hạn này là nguyên nhân sâu xa đã chi phối toàn bộ những hành xử sai lầm của bà trong vai trò “Mẫu nghi thiên hạ” mà chúng ta sẽ bàn đến ở phần sau.

    

Trong vai trò của một người mẹ, Nguyễn Thị Anh đã dành hết tình cảm, dồn yêu thương cho chú bé Bang Cơ.  Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ đầu tác phẩm bạn đọc đã thấy nhân vật Nguyễn Thị Anh xuất hiện đầy quyền uy, nhưng câu nói đầu tiên của bà là hỏi cung nữ: “Đức vua đã ăn sáng chưa?”(9). Rải suốt tác phẩm chúng ta bắt gặp nhiều lời răn dạy, chỉ bảo  của Nguyễn Thị Anh dành cho con trai, những lời khuyên khi thì nghiêm khắc: “Mẫu hậu dạy rằng đã sinh ra mang mệnh danh giá đế vương thì không thể sống như một đứa trẻ bình dân. Mẫu hậu không thể sống mãi để thay nhi thần định liệu mọi việc triều chính, để dẹp đi hết những chông gai mà nhi thần sẽ vướng phải…”(10),  “Người sắp trưởng thành, non nước và con dân Đại Việt là ở trong tay người, vì danh dự quốc thể, người không được phép sa đà vào những việc tầm phơ của những thường dân nữa”(11); lúc lại ân cần: “Làm vua một nước tứ bề thọ địch, luôn có giặc ngoại xâm nhòm ngó, không thể không biết sách binh pháp”(12). “Người sống thì phải sống sao cho ra dáng một con người! Cuộc sống có lúc vui lúc buồn, nhưng nên nhớ con đang là Hoàng đế của một nước. Một nước mà thời nào cũng có binh hùng, tướng mạnh, đánh tan nhiều đội quân xâm lược, thì vua không được phép ẻo lả”(13). Bà là người hiểu rất rõ tính cách, con người của Bang Cơ: “Điểm mạnh nhất của Bang Cơ chính là sự lương thiện, vị tha, là lòng tin vào người khác. Nhưng đã ngồi vào ngôi cửu ngũ, điểm mạnh ấy cũng có khi lại là yếu điểm để kẻ có dã tâm nhắm vào”(14) . Bà cũng có những phút giây chia sẻ rất dịu dàng và ôn tồn, ân cần với Lê Tư Thành con trai của Ngô Thị Ngọc Dao (người mà bà từng cho quân truy sát, khi thấu hiểu mọi lẽ lại cho đón hai mẹ con về): “Giang Sơn này của tổ tông giao lại cho Bang Cơ, ta thực sự lo lắm. Con cứ nhìn quần thần thì thấy. Kẻ hiền minh không nhiều, kẻ gian ngoan, cơ hội, lừa trên dối dưới đâu hiếm”(15),  “Chiếc áo này ta đích thân bảo thợ lành nghề ở phường Đồng Xuân làm cho con, màu sắc và chất liệu đều tương xứng với vị thế thân vương”(16).

 

Gần hồi kết tác phẩm và cũng là đoạn gần kết cuộc đời 38 tuổi của Nguyễn Thị Anh, dù bà vừa thực thi một hành vi bạo chúa đẫm máu giết hai trung thần vô tội là Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục và con trai của họ nhưng câu giải thích của bà “mọi việc mẹ làm đều có lý lẽ của nó, đều vì sự bảo vệ ngai vàng cho con. Con gắng suy nghĩ và hiểu cho mẹ”(17) cùng “hai dòng  lệ hai bên khóe mắt…lăn nhanh xuống hai bên gò má” và hành động “quỳ xuống trước mặt” Bang Cơ “bà lạy chàng như lạy Phật” đã khiến Bang Cơ đang vô cùng tức giận mẹ nhưng “nỗi giận như lắng xuống nhường chỗ cho một tình thương vừa nhen lên. Chàng thấy thương mẹ mình. Mẫu hậu có làm gì thì cũng vì mình chứ đâu phải vì bà ấy” (18). Mặc dù trong cảm nhận của Bang Cơ nhiều khi “Mẫu hậu” rất nghiệt ngã, độc đoán, áp đặt khiến Bang Cơ rơi vào trạng thái cô độc, chán nản và thèm khát cuộc sống bình thường như muôn vàn người khác. Nhưng cuối cùng tấm lòng người mẹ của Nguyễn Thị Anh đã có sức cảm hóa, thuyết phục Bang Cơ rất lớn và công bằng mà nói, tận sâu thẳm trong lòng người đàn bà tưởng chỉ có lạnh lùng và tàn bạo này, chúng ta thấy vẫn luôn cố gắng thắp sáng ngọn lửa ấm áp của tình mẫu tử. Với tất cả tinh thần nhân văn nhất, ngòi bút Lê Hoài Nam đã lách sâu, tái hiện tinh tế diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp của nhân vật, thấu hiểu tận cùng đau khổ, dằn vặt của Nguyễn Thị Anh – một bà hoàng vốn xuất thân từ nơi đồng cỏ dân dã nghèo khó, mang bao nỗi run rẩy, lo âu về bí mật (như một cái án tử hình treo trên đầu) của tình yêu đầu đời bước vào chốn cung đình nhiều cạm bẫy, mưu mô. Lê Hoài Nam đã rất công bằng đối với Nguyễn Thị Anh khi để cho những trung thần hiểu bà như Trịnh Khả thừa nhận: “Bang Cơ trở thành một ông vua sáng, cũng phải kể đến công dạy dỗ, chèo lái của Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu”(19).  Trịnh Khắc Phục ghi công:  “Sự thật thì, gần chục năm qua bà nhiếp chính, tiếng là nước có vua nhưng điều hành triều chính là ở tay bà. Bà làm được một số việc có thể coi là đại sự quốc gia”(20).  Song, bên cạnh một người mẹ Nguyễn Thị Anh yêu thương, bao bọc con như muôn vàn bà mẹ khác là một Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh bạo chúa.  Tác giả Lê Hoài Nam đã công bằng ghi nhận công lao Nguyễn Thị Anh bao nhiêu thì ông cũng đã cố gắng công tâm trong việc xét tội Nguyễn Thị Anh bấy nhiêu.

Tiểu thuyết Mỹ nhân nơi đồng cỏ của Lê Hoài Nam

 

M.Kundera khi bàn về tiểu thuyết đã có lý khi cho rằng: “Nhà tiểu thuyết không phải là nhà sử học cũng chẳng phải là nhà tiên tri: anh ta là nhà thám hiểm cuộc sống”(21). Dưới ngòi bút của Lê Hoài Nam, nhân vật Nguyễn Thị Anh được hình dung một cách sống động, quá trình nhà văn khám phá cuộc sống, kiến tạo nhân vật cũng chính là quá trình tạo nên đối thoại giữa bạn đọc với nhà văn thông qua sự hiện hữu của nhân vật trong tác phẩm. Để khắc họa một Nguyễn Thị Anh bạo chúa, có thể nhận thấy rõ, Lê Hoài Nam đã triệt để sử dụng thủ pháp miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật thông qua những suy nghĩ, hành động của nhân vật.

    

Không phải ngẫu nhiên trong tác phẩm, tác giả đã dành một phần thích đáng  để tái hiện câu chuyện tình yêu thời còn là con gái  của Lê Thị Anh với Lê Sủng – một “chàng cao to như ông hộ pháp”: “Cứ mỗi lần ra nghĩa địa tìm nàng, chàng lại ôm nghiến lấy nàng đè xuống thảm cỏ. Chàng lột phăng quần áo của nàng ném lên khóm huyết dụ. Chàng giao cấu với nàng, cảm giác sung sướng tột cùng khiến chàng cứ kêu oo rống lên như con bò”(22). Không gian diễn ra những cuộc yêu của Nguyễn Thị Anh là nơi nghĩa địa ám mùi tử khí. Có cái gì bất thường, quái gở, rờn rợn gợi lên trong cuộc tình này?! Cô thôn nữ dù sống trong thời lễ giáo hà khắc mà vẫn dám “biến khu nghĩa địa xã Bố Vệ quê kiểng, hoang vắng trở thành nơi đi về dập dìu của các giai nhân, thề non hẹn biển với nàng”(23), điều này, chứng tỏ dục năng (libodo) của Nguyễn Thị Anh là không nhỏ. Mỹ nhân nơi đồng cỏ đã sống và yêu theo tiếng gọi bản năng. Lối sống bản năng mạnh mẽ  cùng sắc đẹp ma mị và sự giảo hoạt sẵn có được mang vào cung đình, cho nên mặc dù đã có thai với Lê Sủng nhưng Nguyễn Thị Anh vẫn lừa được nhà vua và khôn khéo hòa nhập cuộc sống cung đình, nhanh chóng trở thành người được nhà vua sủng ái nhất. Theo dõi mạch truyện, có thể thấy tính cách của nhân vật này phát triển theo một logic hoàn toàn hợp lý. Từ khi còn là một cô thôn nữ tưởng như quê mùa, chăm chỉ, chất phác Nguyễn Thị Anh đã dám táo bạo vi phạm cấm kị nghiêm khắc của cộng đồng để yêu đương và mang thai với người đàn ông mình yêu, cho đến việc dám gian dối với nhà vua về đứa con mang thai với một người đàn ông khác. Như vậy, phải chăng tiềm ẩn trong Nguyễn Thị Anh đã có sẵn một con người lươn lẹo, đa mưu, giảo hoạt và khi gặp hoàn cảnh thuận lợi, mầm mống của bản chất ấy trỗi dậy và chi phối toàn bộ hành vi ứng xử của Nguyễn Thị Anh trong các mối quan hệ?! Ở cách dàn dựng này thiết nghĩ Lê Hoài Nam đã rất kín kẽ và tinh tế để khẳng định tính nhất quán trong bản chất người đàn bà này.

       

Sau này, khi bàn tay đẫm máu của Nguyễn Thị Anh vẫn không ngừng gây tội ác, vào giờ phút cuối cùng của cuộc đời, oan khuất uất hận ngút trời xanh, Trịnh Quát và Trịnh Bá Nhai, hai người con trai của Trịnh Khả và Trịnh Khắc Phục (những “trung thần thực sự” được bà tin dùng nhất và cũng lại là những người bị bà đối xử tệ bạc, bất công nhất) đã khảng khái, dõng dạc kết tội: “Nguyễn Thị Anh, bà nghe cho rõ đây: Người có tội với Hoàng triều chính là bà (…) Nguyễn Thị Anh, bà là con lươn đội lốt rồng! Cái ghế bà đang ngồi là của người khác chứ không phải của bà. Hãy đứng lên và bước xuống đi. Dơ dáy lắm!”(24). Ma lực của quyền lực khiến Nguyễn Thị Anh mù quáng không phân biệt nổi đúng/ sai đến mức sau khi thẳng tay sát hại oan uổng hai trung thần của triều đình và con trai vô tội của họ, bị Bang Cơ tức giận vẫn biện minh cho là mình “thực thi quyền hành chính đáng của Hoàng triều” (25). Sau 19 năm sống trong Hoàng cung, khi là vợ vua, lúc là mẹ vua, “có điều kiện nghiên cứu sách về các mỹ nhân Trung Hoa nên bà cũng ảnh hưởng cách sống, cách làm đẹp của một vương hậu, cách xử sự cao ngạo của một người đàn bà trong giới thượng lưu” (26) nhưng cuối cùng cách hành xử của bà với đồng loại vẫn không vượt lên được giới hạn của một “mỹ nhân nơi đồng cỏ” chỉ quen “cắt cỏ chăn bò”. Hình ảnh ví von “con lươn đội lốt rồng” quả xứng đáng để vạch trần bản chất lươn lẹo, dối trá, lấp liếm, che đậy tội ác khó có thể dung tha của Nguyễn Thị Anh. Vòng cuốn nghiệt ngã của cuộc sống Hoàng cung, nơi quyền lực được tôn thờ hàng đầu với ma lực cám dỗ khó cưỡng đã thực sự từng bước “giết chết” một thôn nữ quê mùa để thay thế vào đó là một bà hoàng đầy tính toán, mưu mô, ích kỷ, tàn nhẫn, “một con mèo đẹp nhưng móng vuốt thì rất sắc”(27) càng ngự trị ở đỉnh cao quyền lực càng phạm tội ác tày trời.

     

Trong suốt chiều dài thiên tiểu thuyết, người đọc nhận thấy tác giả đặc biệt chú ý việc miêu tả diễn biến tâm lý của Nguyễn Thị Anh và nỗi lo sợ bị lộ bí mật động trời của bà. Bí mật của Nguyễn Thị Anh có thể coi là chìa khóa để giải mã nhiều vấn đề, đặc biệt là trả lời cho câu hỏi vì sao bà ta lại phải lo lắng củng cố uy quyền đến thế?! Trong tác phẩm, trước và sau vụ án Lệ Chi Viên phần lớn những ai biết bí mật của Nguyễn Thị Anh đều phải chết. Có lúc tác giả để cho nhân vật tự độc thoại: “Ngai vàng đã ở trong tay ta. Quần thần đã ở trong tay ta. Súng gươm trong tay ta. Ta cho ai sống, được sống. Ta cho ai chết, phải chết. Ta sợ nỗi gì? Những suy nghĩ ấy khiến Nguyễn Thị Anh tự tin hơn khi bước vào điện Kính Thiên”(28).  Tự trấn an mình chính là lúc con người rơi vào trạng thái mất bình tĩnh, thiếu tự tin nhất. Lời tự bạch cho thấy đứng trước tòa án lương tâm, trong lòng bà Hoàng này tràn ngập những run rẩy, khiếp sợ lo âu…

       

Chính vì luôn canh cánh tâm trạng như thế nên dù quyết định dùng bốn trung thần Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục vì các ông có một tầm quan trọng trong sự hưng vong của vương triều “nhưng sống gần họ bà luôn có tâm trạng bất an, bởi họ biết rất sâu về cội nguồn của bà, của Bang Cơ. Trong bốn vị, cũng có ít nhất có hai vị từng bị bà trừng phạt đòn phủ đầu, dằn mặt, nhưng họ vẫn trung thành, chưa có một biểu hiện nào khác ý, chống lại. Tuy thế, cái nỗi lo mơ hồ cứ ẩn hiện, bám riết lấy bà, chưa một lúc nguôi ngoai”(29).

      

Bà sai Ngô Sĩ Liên và Phan Phu Tiên rút bốn bộ hồ sơ của các đại thần Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục (là những trọng thần của Hoàng triều, họ được ghi chép đầu tiên cùng với Thái Tổ Cao Hoàng đế”) và nói: “Ta xem lại hồ sơ của họ cũng là để dùng họ đúng người, đúng việc, mang lại lợi ích cho triều đình và xã tắc”(30) . Nói là vậy nhưng mọi tính toán của Nguyễn Thị Anh về việc dùng người, đặc biệt là lợi dụng điểm mạnh của các trung thần đều chỉ hướng đến mục tiêu có lợi cho việc củng cố quyền lực của cá nhân bà ta, bảo vệ ngai vàng cho cậu con trai mà thiếu coi trọng đến sự thịnh vượng của xã tắc, giang sơn, không quan tâm đến sinh mệnh sống còn của người khác. Xung quanh cách hành xử của Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh, người đọc bắt gặp trong tiểu thuyết nhiều số phận đau khổ, lận đận – họ là nạn nhân của cơn khát quyền lực đẫm máu do chính bà là thủ phạm. Sau cái chết thảm thương, oan khuất giáng xuống đại gia tộc Nguyễn Trãi là cuộc truy sát của Hoàng Thái hậu hòng tiêu diệt đến tận gốc rễ những kẻ mà bà cho là mang mối hận sẽ trả thù bà, có thể khiến con trai bà mất ngai vàng và quyền lực của bà bị mất linh nghiệm. Những  phụ nữ hiền lành, vô tội như Ngô Thị Ngọc Dao, Phùng Mai Hoa, Lương Minh Nguyệt, những em bé trong sáng, ngây thơ như Lê Tư Thành, Nguyễn Thị Hằng và các đại thần “lương đống” của triểu đình cùng gia đình họ như Đinh Liệt, Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục…đều bị bắt giam, tù đày, hành hạ và thậm chí lưu đày cho đến chết trong cô độc, bệnh tật, đói nghèo. 

               

Chính vì đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu cho nên việc đối nhân xử thế của bà hoàn toàn theo cảm tính, thích ai thì cho sống, ghét ai thì cho chết. Đó là cách hành xử tùy tiện, vô nhân đạo của kẻ ỷ thế quyền lực và vi phạm điều này ắt gieo mầm họa. Vì vậy việc bà và con trai bị giết chết một cách vô cùng thảm hại khi còn đang đầu xanh tuổi trẻ bởi chính sự phản loạn của Lê Nghi Dân con trưởng đã bị phế truất của Lê Thái Tông là kết cục tất yếu. Bởi tham vọng quyền lực mù quáng, mất hết nhân tính nên đến lượt bà – Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh cũng trở thành nạn nhân của tham vọng quyền lực.

     

Lách sâu  tái hiện những chuyển động ẩn sâu trong  tâm lý nhân vật, ngòi bút Lê Hoài Nam đã giúp bạn đọc hình dung toàn diện hơn diện mạo tinh thần của người đàn bà quyền lực – bạo chúa Nguyễn Thị Anh. Từ  tác phẩm vang lên một thông điệp vừa như nhắn nhủ, vừa như thức tỉnh, cảnh báo sâu sắc chúng ta về căn bệnh nan y của loài người: tham vọng quyền lực và sự dối trá dù khôn khéo, xảo quyệt che đậy đến đâu cuối cùng cũng sẽ chuốc họa khôn lường!

    

Thông thường trong quá trình kiến tạo tiểu thuyết, nhà văn thường đưa vào tác phẩm nhiều chi tiết tản mạn về con người, cuộc sốngnhững chi tiết tưởng như là thừa, nhưng kỳ thực có một vị trí quan trọng đối với tư tưởng tác phẩm. Không phải vô cớ trong Mỹ nhân nơi đồng cỏ tác giả Lê Hoài Nam chú trọng khắc họa chi tiết: hình ảnh của cây huyết dụ – một loài cây “thân thuộc”, gắn liền với kỷ niệm tình yêu nơi đồng cỏ của Nguyền Thị Anh mà kể cả khi “ra Đông Đô và được tiến vào cung làm vợ Thái Tông, lụa là phủ đầy người, ăn uống thì chẳng thiếu cao lương mĩ vị, nhưng đôi khi nhớ về cố quận thì cái màu đỏ thẫm của những cây huyết dụ ở khu nghĩa địa làng lại hiện lên trong ký ức khiến nàng nhớ đến nao lòng”(31). Huyết dụ “đẹp thì có đẹp nhưng dường như nó phải được trồng nơi tha ma nghĩa địa, có mùi tử khí thì nó mới mau lớn và sống lâu ”(32). Hình ảnh cây huyết dụ được tô đậm sắc màu hơn vào thời điểm Nguyễn Thị Anh lạnh lùng gây tội ác và cái chết thảm khốc diễn ra với những trung thần: “hai hàng cây huyết dụ giống hệt như hai dòng máu lớn đang tuôn chảy”(33). Hình ảnh sánh đôi: cây huyết dụ mang màu đỏ thẫm huyền bí, ma mị và mỹ nhân đồng cỏ-nữ bạo chúa “sắc nước hương trời” Nguyễn Thị Anh gợi lên trong người đọc những liên tưởng u tối, ám ảnh, ghê sợ về một người đàn bà say mê, tôn thờ quyền lực đến khát máu.

       

 Vì quyền lực sẵn sàng bất chấp tất cả, hành xử với đồng loại một cách tàn bạo, lạnh lùng, vô nhân tính nhất. Người đàn bà này với nhiều âm mưu, toan tính sắc sảo tưởng như lúc nào cũng “ăn đứt” thiên hạ, trong tay bà, trung thần “chỉ là những quả chanh trong tay Tuyên từ, vắt nước xong là bỏ vỏ”(34). Đối với những người giỏi nhưng “khó uốn nắn” theo ý mình, không kiếm cớ gì để hạ, Nguyễn Thị Anh ứng xử: “không triệt hạ được thì phải tìm cách để khai thác, sử dụng. Đó mới là mưu cao kế sâu của người đứng đầu thiên hạ ”(35). Nhưng trớ trêu thay, mặc dù tỏ ra tính toán, đa mưu, rào chắn, phòng vệ như vậy nhưng cuối cùng sự sâu sắc “như cơi đựng trầu” của Nguyễn Thị Anh bị mắc lừa bởi mưu mô của hai tên Văn Lão, Xương Lê lòng dạ tiểu nhân, bất tài vô dụng, là con cháu dòng họ bà đưa vào cung làm “tai mắt”, tác oai tác quái để theo dõi hành vi của các đại thần. Nghe hai tên sàm tấu, tự ái cá nhân khiến Nguyễn Thị Anh nổi cơn thịnh nộ, không còn chút minh mẫn, sáng suốt, bà ta đã hạ lệnh giết hai cặp cha con Trịnh Khả và Trịnh Khắc Phục một cách oan uổng, hèn hạ, đê tiện nhất.  Người đàn bà này đã không vượt qua được thử thách do hoàn cảnh đặt ra bởi nguyên nhân sâu xa xuất phát từ  những tham vọng quyền lực mù quáng, sự dối trá, ích kỷ, chuyên quyền độc đoán. Trong vai trò “Mẫu nghi thiên hạ” bà đã phạm những sai lầm không thể tha thứ và thất bại thảm hại của một đời trong vai trò “nhiếp chính” của bà ta âu cũng tuân theo đúng quy luật vận hành của lẽ nhân sinh- đó là quy luật ác giả ác báo!

        

Lê Hoài Nam đã thấu tỏ sâu sắc quy luật đời sống,  bằng tiểu thuyết ông muốn đi đến cùng để luận giải những hiện tượng lịch sử, từ đó nhà văn muốn khẳng định một chân lý: quyền lực chân chính luôn thuộc về những ai luôn đặt lợi ích của nhân dân, xã tắc lên hàng đầu. Trong tác phẩm không phải vô cớ mà nhà văn nhiều lần để cho trung thần Đinh Liệt bày tỏ quan điểm: “Cho dù Bang Cơ không phải dòng máu Lê Thái Tông mà biết điều hành triều chính, cai trị muôn dân, đưa đất nước đến cường vượng, an hòa, thì tôi sẽ một lòng một dạ tôn phò. Chúng mình phải đổ bao xương máu mới lấy lại được nước. Phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên lợi ích dòng họ, những tính toán thua thiệt, yêu ghét, hận thù cá nhân”(36). Tinh thần độ lượng, khoan dung của Đinh Liệt cũng là tinh thần bắt nguồn từ truyền thống văn hóa và đạo lý của dân tộc. Đề cao tư tưởng “lấy chí nhân để thay cường bạo”(Nguyễn Trãi) và hướng đến hòa bình là nguyện vọng cao cả nhất của người dân nước Việt – đó cũng là tư tưởng nhân văn mang giá trị như một hằng số văn hóa dân tộc.

    

Để tô đậm cho khát vọng hòa bình và hướng đến tinh thần đề cao chính nghĩa, cái thiện chiến thắng cái ác, sự thật chiến thắng gian dối gian, cao thượng chiến thắng đê tiện, thấp hèn…phần kết thúc tác phẩm, Lê Hoài Nam đã tôn vinh tình yêu tự do, lãng mạn, trong sáng của đôi bạn trẻ Lê Tư Thành và Nguyễn Thị Hằng. Trong tiểu thuyết này, cô gái hiền dịu, tài hoa, có biệt tài chơi đàn đáy, tâm hồn trong sáng, trí tuệ thông minh Nguyễn Thị Hằng được cho là “giọt máu của Nguyễn Trãi còn rơi lại trên cõi đời này”(37). Từ góc độc lịch sử, lai lịch nhân vật Nguyễn Thị Hằng, có thể sẽ khiến bạn đọc chưa đồng thuận, nhưng từ góc độ đặc trưng của thể loại tiểu thuyết thì đó là quyền được xử lý nghệ thuật theo ý tưởng sáng tạo của tác giả. Người viết bài này tuy không thích cái kết kiểu “cổ tích” của tác phẩm, nhưng cho rằng biết đâu chi tiết để Nguyễn Thị Hằng bỗng nhiên thốt lên lời khi gặp Lê Thánh Tông sau bao ngày câm lặng: “Lê Tư Thành, em cũng rất yêu chàng”(38) lại hàm ẩn một thông điệp nào đó?! Hy vọng độ mở của tiểu thuyết tiếp tục mời gọi bạn đọc ngẫm ngợi về cuộc sống, lòng nhân ái, bao dung và những giá trị mà chỉ có tình yêu thương, chia sẻ chân thành mới có thể đem lại hạnh phúc cho con người. 

 

3. Với Mỹ nhân nơi đồng cỏ, có thể nói Lê Hoài Nam đã chạm đến “chiều sâu của triết lý lịch sử” (từ dùng của G. Lukacs) bởi tiểu thuyết của ông không chỉ quan tâm sự kiện lịch sử mà quan trọng hơn nhà văn quan tâm đến số phận con người trong bể dâu của cõi nhân sinh. Kiến tạo tiểu thuyết trên nền lịch sử là một thách thức không nhỏ đối với người cầm bút, song với vốn kiến thức phong phú, sự từng trải và bản lĩnh nghệ sĩ, nhà văn Lê Hoài Nam đã thành công trong  khám phá và lý giải lịch sử bằng cái nhìn trong quan niệm của riêng mình. Thiết nghĩ khi tiếp nhận tiểu nhận thuyết này, bạn đọc sẽ đồng tình, trân trọng ý kiến mà tác giả đã chân thành bộc bạch: “Tôi đã mạnh dạn chọn một phương án khả dĩ nhất, bao chứa nhiều giá trị văn chương nhất để sáng tạo. Rất mong được bạn đọc đồng cảm, tiếp nhận, nếu còn điều gì không đồng tình, bạn có thể trao đổi, tranh luận để đi tìm chân lý”(39).

 

 


Chú thích:

(1) , (2), (3), (4), (5), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (22), (23), (24), (25), (26), (27), (28), (29), (30), (31), (32), (33), (34), (35). (36), (37), (38), (39). Lê Hoài Nam (2017), Mỹ Nhân nơi đồng cỏ, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội tr.265, 55, 10, 10, 134, 20, 8, 7, 13, 79, 12, 285, 248, 248, 251, 273, 273, 184, 87,

265, 265, 268, 272,324,87,20,250,26,266, 267, 275, 191, 23, 171, 176, 348, 6.

(6). Đại Việt thông sử (1976), Dịch giả Ngô Thế Long Nxb. văn hóa thông tin, Hà Nội, tr. 149.

(21).M.Kundera (2001), Tiểu luận, ( Nguyên Ngọc dịch), Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây&Nxb.Văn hóa thông tin xuất bản, tr. 51