Câu chuyện một đêm trăng

379

Châu La Việt

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đấy là một đêm trăng rất sáng trên đất Gia Viễn (Ninh Bình) – nơi hàng trăm lính trẻ Hà nội chúng tôi mới lên đường nhập ngũ, về đóng quân ở đây trong đội hình sư đoàn 320B (sư đoàn Đồng bằng).

Tập bút ký “Câu chuyện một đêm trăng” của Châu La Việt

Bữa ấy cơm chiều xong, đến giờ sinh hoạt chính trị, cả đại đội có lệnh ra sân kho hợp tác, nơi có một dãy bàn kê dài và đèn măng sông đã thắp sáng rực. Đại đội trưởng Tống Công Su cho chúng tôi hay hôm nay đơn vị được  vinh dự đón Sư đoàn trưởng tới thăm. Nói thật ngày ấy bởi là tân binh, cũng nhiều anh chưa được biết sư đoàn trưởng, trung đoàn trưởng là gì, mà chỉ mới biết tới đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy mình là cùng. Nhưng, cũng nhiều người biết rằng, trên đại đội còn có tiểu đoàn, trên tiểu đoàn là trung đoàn, và trên trung đoàn là sư đoàn. Có nghĩa là Sư đoàn trưởng là vị chỉ huy cao nhất, to nhất ở đơn vị chúng tôi. Bằng cớ là thằng Đức Chính ghé tai tôi: “Ông này tên là Hà Vi Tùng, lính Nam tiến, từng đánh ở quê tao (quê Đức Chính ở Quảng Ngãi, Bình Định hay Phú Yên gì đó), và vừa từ chiến trường Tây nguyên ra”.

Đang nhỏ to với nhau như vậy, bỗng một đoàn người xuất hiện, đại đội trưởng Tống Công Su hô anh em nghiêm, rồi giới thiệu Sư đoàn trưởng Hà Vi Tùng với chiến sỹ. Tiếng vỗ tay vang lên. Dưới ánh trăng, từng nghe danh Sư đoàn trưởng oai vệ như thế, nhưng nhìn ông lại rất giản dị. Chỉ một bộ áo lính bạc màu và trên ngực tịnh không đeo một tấm huân, huy chương nào.

Sư đoàn trưởng khoát tay cho anh em ngồi xuống, rồi nói rất thân tình:

– Tôi hôm nay đến thăm anh em, và lắng nghe anh em trình bày nguyện vọng tâm tư của mình trong những ngày huấn luyện này. Xin bắt đầu bằng đại đội trưởng Tống Công Su.

Thế là đại đội trưởng của chúng tôi đứng nghiêm, báo cáo tình hình luyện tập của đơn vị: Dù là tân binh, nhất là đều là thanh niên Hà Nội, nhưng tinh thần luyện tập của anh em rất cao, các bài tập về đội hình, đội ngũ, bắn súng, ném lựu đạn, gói và đánh bộc phá… đều đạt chất lượng với tinh thần “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt máu đổ”. Phải nói rằng đại đội trưởng Tống Công Su nói rất hứng khởi, chẳng hiểu các thủ trưởng nghe thế nào, chứ lính ta anh nào cũng lịm đi, thành tích của chính mình mà cứ như nghe kể về những anh hùng…

Khi đại đội trưởng báo cáo hết, sư đoàn trưởng nhìn anh em một lượt rồi hỏi:

– Tôi xin được hỏi, anh em ăn có no không?

Ông chỉ một người lính:

– Đồng chí trả lời đi. Trả lời thật nhé

Người chiến sỹ ấy đứng dậy, gãi gãi đầu rồi nói:

– Thưa thủ trưởng, rất no ạ. Em mới nhập ngũ nhưng có cảm tưởng lên được mấy cân vì được ăn no!

Ông lại chỉ một chiến sỹ khác, mép còn lông tơ lún phún:

– Thế còn đồng chí?

Người lính ấy gãi gãi đầu:

– Ngày em đi học sơ tán, mỗi bữa chỉ được ăn một nắm mỳ luộc chấm với muối vừng, còn nay thì ngày ba bữa tì tì ạ…

Sư đoàn trưởng nở một nụ cười:

– Thế là tốt rồi. Tôi xin kể với các đồng chí một câu chuyện của đời tôi. Năm tôi 20 tuổi, cũng trẻ măng như các đồng chí bây giờ, tôi được đi học trường quân chính. Có một sáng được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Bác mặc một bộ kaki giản dị, đầu đội mũ cát, tay chống gậy. Tôi may mắn là một trong những chiến sỹ được chọn đứng trong hàng quân danh dự để đón Bác. Sau khi duyệt đội danh dự, Bác ân cần thăm hỏi các chiến sỹ. Thấy tôi gầy yếu, Bác đến bên cạnh hỏi:

– Cháu ăn có no không?

Tôi thú thật là cuống quá, nên trả lời hơi vội (chẳng hiểu sao lại gọi Bác bằng Cụ):

– Thưa Cụ, chúng cháu ăn hai bữa chính thì no ạ, nhưng bữa sáng hơi thiếu…

Bác lặng đi có chiều suy tư. Rồi sau đó, Bác vào làm việc với ban giám hiệu. Các đồng chí biết không, ngay sau hôm đó, nắm xôi ăn sáng của chiến sỹ to hơn, hai bữa chính cũng đựợc tăng lên, có rau xào, bí, đậu kho, thi thoảng có cả cá…

Lắng lại một lúc như giấu đi niềm xúc động, ông tiếp tục:

– Các đồng chí ạ, nếu hôm nay tôi hỏi các đồng chí có ăn no không, đủ không, chính là mang tình cảm, sự quan tâm của Bác đến với chung các chiến sỹ chúng ta, đây chính là bài học yêu thương và quan tâm đến người chiến sỹ mà Bác hằng dạy chúng ta. Rất mong các đồng chí mạnh khỏe, ăn uống đầy đủ, luyện tập thật tốt, chân cứng đá mềm để ngày mai vượt Trường Sơn…

Nói xong, sư trưởng chào anh em rồi ra đi. Chúng tôi nhìn ông mãi xa dần trong ánh trăng soi, đẹp lung linh với rất nhiều xúc cảm trong lòng.

*

Một thời gian ngắn sau, cũng đang thời gian chúng tôi luyện rèn trên đất Gia Viễn, cả nước bàng hoàng về tin Bác Hồ không còn nữa. Một sự tiếc thương vô vàn trong toàn quân toàn dân. ”Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”. Trong khi Sư đoàn trưởng và Chính ủy Sư đoàn được thay mặt cán bộ chiến sỹ sư đoàn về túc trực bên linh cữu Bác ở Hà nội, thì ở các đơn vị trong sư đoàn chúng tôi đều làm lễ truy điệu Bác. Tôi nhớ trong buổi lễ truy điệu ấy, sau bài phát biểu của chính trị viên đại đội, đại đội trưởng Tống Công Su dõng dạc đọc Di chúc của Bác để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn…”. Đại đội trưởng mới đọc đến đó, anh đã nấc lên, khiến cả đại đội chúng tôi đứa nào nước mắt cũng ràn rụa trên má. Nhất là ở đoạn: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” thì gần như cả đại đội ôm nhau mà khóc. Đến nỗi cứng rắn như chính trị viên đại đội cũng òa lên ”Bác ơi” nức nở…

…Đêm ấy, nằm bên tôi, thằng Đức Chính dường như không ngủ. Nó cứ quậy mình mà tôi cũng không hiểu vì sao. Nói thêm đôi nét về Chính: Thật ra nó hơn tôi một vài tuổi, nhưng lính tráng với nhau nên toàn gọi tao và mày. Trong khi tôi là một học sinh tốt nghiệp phổ thông (lớp 10) lên đường nhập ngũ, thì Chính là sinh viên đại học bách khoa năm thứ hai. Vì quê hương ở miền Nam, Phú Yên hay Quảng ngãi, Bình định gì đấy, nên Chính làm đơn tình nguyện nhập ngũ để hy vọng được về quê hương tham gia chiến đấu. Tôi và Chính đều ở nội thành Hà Nội, nhà tôi ở phố Lê Phụng Hiểu, còn nhà Chính ở phố Thụy Khuê.

Chính có một đặc điểm là rất yêu âm nhạc. Đi đâu nó cũng có một cây đàn măng-đô-lin bên mình (không hiểu nó mượn của ai hay mang theo từ nhà ngày nhập ngũ). Những lúc sinh hoạt đơn vị, trung đội hay tiểu đội, nó hay đánh đàn và hát. Nhiều bài lắm, anh em yêu cầu bài gì là nó hát ngay bài ấy, còn phong phú hơn cả cái loa treo đầu xóm…

Sáng hôm sau, còn mờ sáng, Chính lay tôi dậy:

– Tao hát cho mày nghe bài hát tao thao thức suốt đêm qua để sáng tác nhé.

(Ô hay, thằng này còn biết sáng tác bài hát nữa à, tôi thầm nghĩ. Cứ tưởng nó chỉ biết đàn và hát mà thôi)

– Ông hát đi – tôi bảo nó.

Thế là nó hắng giọng, dạo đàn và hát luôn:

“Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 

 Của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ

 Hy sinh nhiều hơn nữa

 Song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

 Đó là  điều chắc chắn”

Tôi kinh ngạc quá, thốt lên: ”Di chúc của Bác à?”. Nó gật đầu và hát tiếp đoạn điệp khúc rất thôi thúc:

“Tiến lên đường đi đánh Mỹ

Quét sách lũ Nguỵ quyền 

 Dù đạn bom, ta quyết tiến không lùi

Đi lên đường giải phóng miền Nam…”

Và rồi nó hát lại trọn vẹn cả bài hát mới sáng tác cho tôi nghe:

“Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 

 Của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ

 Hy sinh nhiều hơn nữa

 Song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

 Đó là  điều chắc chắn

Nghe tin chiến thắng khắp hai miền Nam Bắc

Như tiến kèn thúc giục ta đi”

Điệp khúc:

“Tiến lên đường đi đánh Mỹ

Quét sách lũ Nguỵ quyền 

 Dù đạn bom, ta quyết tiến không lùi

Đi lên đường giải phóng miền Nam…”

– Hay quá – tôi cầm lấy tay Chính – Tao phục mày quá. Phổ nhạc được cả Di chúc của Bác, mang trọn vẹn được lòng yêu thương và tình cảm của Bác cho toàn Đảng toàn dân, toàn quân, có lẽ tao mới thấy ở bài hát này, bài hát của một thằng lính sư đoàn Đồng bằng, sư đoàn Hà Vi Tùng!

Chính nhỏ nhẹ tâm sự với tôi:

– Thật ra hôm nghe Sư trưởng kể chuyện hôm Bác đến thăm trường Quân chính và hỏi chiến sỹ có được ăn no không, tao cảm động lắm, đã muốn viết một bài hát về tình yêu thương của Bác với người chiến sỹ, và của người chiến sỹ với Bác… Cho đến hôm qua nghe di chúc của Bác, thì không thể không viết, nên tao đã thức suốt đêm qua, lồng những tình cảm trên để viết bài hát này. Cũng hơi liều là dám phổ di chúc của Bác, nhưng là tình cảm thật của tao, của một thằng chiến sỹ.

Bây giờ tao truyền khẩu cho mày, để tối nay sinh hoạt đại đội, mày cùng lên hát với tao phục vụ anh em cho khí thế nhé – Chính đề nghị với tôi. Và tất nhiên tôi đã không từ chối, nhập tâm ngay bài hát để tối ấy lên hát cùng với Chính. Anh em vỗ tay hát theo quá chừng, và chẳng mấy chốc cả đại đội đã nhập tâm bài hát và cùng hát vang bài hát ấy. Trong đau thương, thương tiếc Bác vô vàn, bài hát mang cả khí thế của những đoàn quân chúng tôi sẽ biến đau thương thành sức mạnh, sẽ lên đường đánh Mỹ đến ngày toàn thắng như Di chúc của Bác…

Và bài hát cũng không dừng lại đây. Ít thời gian sau có hội diễn toàn sư đoàn 320B, chính trị viên tiểu đoàn chúng tôi là đại úy Nguyễn Văn Nhuận đã yêu cầu đội văn nghệ của tiểu đoàn dứt khoát phải có bài hát của Đức Chính mà ông đặt tên là “Chiến sỹ Đoàn Đồng bằng lên đường theo Di chúc của Bác” để tham gia hội diễn. Phải nói ở Hôi diễn, tiết mục được hoan nghênh nhiệt liệt, đến mức đến đoạn điệp khúc (tiến lên đường đi đánh Mỹ, quét sạch lũ ngụy quyền…) các đội văn nghệ các đơn vị khác tham gia Hội diễn cũng tràn ra sân khấu vỗ tay hát theo. Họ bảo rằng lần đầu tiên có một bài hát phổ di chúc của Bác, mang vô vàn tình yêu thương của Bác cho toàn Đảng toàn quân toàn dân ta,và cũng làm ngời lên ý chí sắt đá  của toàn quân ta quyết biến đau thương thành sức mạnh, lập thêm nhiều chiến công như lời Bác hằng mong…

Tôi nhớ khi tiết mục kết thúc, từ hàng ghế đầu, tất cả các thủ trưởng chỉ huy sư đoàn đều bật dậy, ùa lên sân khấu bắt tay anh em văn nghệ tiểu đoàn 11. Chỉ riêng một người không thấy. Đấy là Sư đoàn trưởng Hà Vi Tùng – Người mà anh em chúng tôi mong ngóng, nhất là thằng Đức Chính, khiến chúng tôi nói thật là có phần hụt hẫng, thẫn thờ. Ông, chính là ông, vị Sư đoàn mà một đêm trăng đã  kể chúng tôi những kỷ niệm đời lính của ông với Bác Hồ, vị Tư lệnh tối cao, khiến tất cả trái tim người lính chúng tôi đều lịm đi vì xúc động, và đã giúp một đồng đội của tôi là Đức Chính bắt đầu cảm xúc để có ngày viết bài hát này về Bác Hồ.

… Ngày ấy chúng tôi không hay biết rằng, ngay trước đó, sau khi dự tang lễ Bác, Sư đoàn trưởng Hà Vi Tùng đã lặng lẽ lên đường vào mặt trận B5 ác liệt, đảm nhận cương vị phó Tư lệnh mặt trận để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn sắp mở ra. Thì hóa ra, trước những người lính chúng tôi, sư đoàn trưởng đã sớm lên đường vào nơi khói lửa, sớm hành quân lên đường trong Di chúc thiêng liêng của Bác…

C.L.V