Câu ếch đồng… – Tạp văn của Võ Văn Thọ

1024

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cứ chiều chiều trong khoảng thời gian từ khi lúa trổ đòng đòng, đến lúc lúa chín, bọn trẻ quê tôi đi câu ếch. Phương tiện đi câu rất đơn giản, chỉ cần một cây cần bằng trúc khô, mấy mét dây cước, 1 lưỡi câu, 1 thỏi chì được gắn vào sợi dây cước và buộc vào đầu cây cần cây trúc là xong. Còn mồi câu chỉ cần bắt khoảng chục con nhái bén…

Tác giả Võ Văn Thọ 

1.

Hồi còn nhỏ, học cấp 1, 2 những năm con bao cấp, rất khó khăn mọi mặt, tuy nhiên thời gian đó cũng có cái để còn nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ, như đi câu ếch đồng. Thời điểm ấy, ếch đồng rất nhiều. Vì chưa có phương tiện tận thu như dùng que điện để dí ếch, cá như thời gian sau đó.

Cứ chiều chiều trong khoảng thời gian từ khi lúa trổ đòng đòng, đến lúc lúa chín, bọn trẻ quê tôi đi câu ếch. Phương tiện đi câu rất đơn giản, chỉ cần một cây cần bằng trúc khô, mấy mét dây cước, 1 lưỡi câu, 1 thỏi chì được gắn vào sợi dây cước và buộc vào đầu cây cần cây trúc là xong. Còn mồi câu chỉ cần bắt khoảng chục con nhái bén (loại nhái nhỏ, da dày hơn nhái thường, khi móc nhái vào lưỡi câu được chặt hơn) bỏ vào bao ny lông nhỏ, để câu, là y chang buổi chiều hôm đó trong vài tiếng đồng hồ, tôi đã câu được mấy chục con ếch to, vàng ươm. Chỉ cần đi dọc theo bờ ruộng, bờ mương, thả cần câu xuống ruộng lúa chổ trống, nhấp nhấp vài lần xuống nước – dưới chân gốc lúa, là 1 vài phút sau đã có con ếch đến đớp mồi, thế là ta chỉ việc giật cần lên và thu “chiến lợi phẩm” bỏ vào trong giỏ. Một con nhái bén có thể câu được 2 đến 3 con ếch, sau đó mới thay mồi mới. Đúng như câu ca dao: “Siêng đi tát, nhác đi câu”. Như lợi thế của việc đi câu thì người sạch sẽ hơn và còn tranh thủ ngắm cảnh đồng quê với những áng mây đa sắc màu trên bầu trời trong xanh, lộng gió…

Việc đi câu ếch hay cá tràu đồng để cải thiện bữa ăn, thịt ếch sau lột da khi làm xong, chặt ra thành từng miếng nhỏ, ướp gia vị và kho sả ớt, hoặc nấu kho với quả chuối già xắt lát cũng rất ngon (vị chát của chuối quyện với vị ngọt, thơm của thịt ếch đồng). Vì ếch có vị ngọt, thịt dai, xương giòn, nên rất hợp việc chế biến được nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng. Đây cũng là món ăn dân giã, truyền thống của người dân xứ Quảng, đã có từ ngàn đời nay.

Ngày nay, những nhà hàng do người gốc Quảng làm chủ có thương hiệu ở phố biển Đà Nẵng, đã chế biến ếch thành món mỳ Quảng nhưn thịt ếch đồng, để phục vụ cho thượng khách trong và ngoài nước, được rất nhiều người khách Ta và Tây thích và khen ngợi. Tuy nhiên, ếch đồng chính hiệu ngày càng khan hiếm, ít đi. Nên các nhà hàng nơi phố, thị phải dùng ếch nuôi, chất lượng không thể sánh bằng ếch đồng chính hiệu.

Hồi đó, kinh nghiệm rút ra, nơi ếch ở tập trung nhiều nhất vẫn là những hố bom của Mỹ thả trong chiến tranh trước năm 1975, gọi là “bom canh nông”, nói theo cách nói dân giã của người dân quê tôi. Tức quân đội Mỹ thả những quả bom to “bom hạng nặng” trong chiến tranh Việt Nam, dọc theo các triền sông, triền núi, chạy dọc theo những cánh đồng ruộng bậc thang quê tôi; mục đích của Mỹ là để tiêu diệt cộng sản, du kích nằm vùng… không để Bộ đội, du kích xây dựng cơ sở trong dân, để trở thành vùng cách mạng vững chắc, chống lại chúng.

Sau ngày thống nhất đất nước, các hố bom trở thành những cái ao tròn quay như những cái nong khổng lồ, chứa nước quanh năm. Và bèo sinh sôi, nảy nở, đây là nơi ếch, lươn, cá tập trung sinh sống. Do vậy, việc câu ếch của bọn “trẻ trâu” như tôi thời đó rất khả thi…

Cứ sau mùa gặt, các loại cá tràu, cá trê, cá rô và ếch, nhái đồng tập trung vào hố bom để sinh sống, nên thỉnh thoảng người dân tát hố bom, thì bắt không biết bao nhiêu là cá, đến cả tạ cá, lươn, ếch… Lúc này, bọn trẻ chúng tôi chỉ cần bắt hôi (bắt mót lại) cũng được cả giỏ cá, ếch.

2.

Sau này, trong chủ trương khai hoang, phục hóa, xóa đi vết tích chiến tranh, người dân quê tôi đã cải tạo, lấp dần các hố bom, tạo lại trở thành những đám ruộng, để trồng lúa nước. Nên sau này, không còn thấy hố bom nữa, có nghĩa nỗi đau chiến tranh cũng đã vơi đi phần nào theo tháng năm!? Để đổi lại một màu xanh của cánh đồng ngọt ngào hương lúa, trên quê hương ngày một đổi thay, khởi sắc…

Nhưng còn đó, những câu chuyện của người lớn đã sống trong chiến tranh kể lại về sự tích những hố bom trong chiến tranh do Mỹ gây ra, rất thương tâm; hầu như hố bom nào cũng là nơi, địa chỉ “đỏ”, để quân đội Mỹ – Ngụy và chư hầu ghi lại tội ác của họ. Vì rất nhiều hố bom chạy dọc theo triền núi, triền sông, đây cũng là nơi người dân làng sinh sống, nên có hố bom là nơi cướp đi mạng sống của cả một gia đình. Và cũng đồng nghĩa chết mất xác, vì sức công phá của những quả bom Mỹ được thả xuống quê hương…Nên trong văn thơ đã lưu truyền câu thơ, tôi được học từ bé, nay vẫn còn nhớ như mới đọc: “Mỹ hơn Mỹ ở tới già/ Mỹ thua Mỹ tặng mỗi nhà quả bom

Thực tế qua sách vở, đã minh chứng, số bom đạn mà Mỹ đã trút xuống Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam do họ gây ra, còn lớn hơn nhiều dân số Việt Nam. Nói như vậy, để thấy sự tàn khốc, ác liệt của chiến tranh, mà không ai mong muốn.

Người dân quê hương xứ Quảng nói riêng, miền Trung nói rộng hơn vẫn luôn “chịu thương”,“chịu khó”, chấp nhận mọi khó khăn của thời tiết biến đổi, hậu quả của chiến tranh để lại, để thích nghi với môi trường sống. Họ không bao giờ được phép quên đi quá khứ đau thương, do chiến tranh đã gây ra; song với ước muốn khép lại quá khứ, với ước mong hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, chiến tranh đã để lại những hậu quả, di chứng thì không thể nào quên…

Câu chuyện câu ếch đồng thời “trẻ trâu” của tôi chỉ là một trong những chuyện nho nhỏ, nhưng kỉ niệm mãi theo tôi, vì nó gắn với tuổi thơ trên làng quê yêu dấu. Mảnh đất nơi “chôn nhau, cắt rốn” đã sản sinh ra bản thân mình, nên không được lãng quên… Món ếch đồng cần được bảo tồn vì đó là bản sắc văn hóa của vùng quê xứ Quảng!

Quê nhà, mùa thu 2020

                                                                                     V.V.T