Câu hát bông sen*

1120

NS Trần Mùi

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi còn nhớ mãi con đường đất đỏ ấy, một bên rừng, một bên sông, con đường chạy vòng vo bám chặt dòng Vàm Cỏ và cũng là biên giới tự nhiên giữa Việt Nam – Campuchia. Tôi và Thanh Trúc chia tay nhau trên con đường ấy vào một buổi trưa hè, khi ấy tôi đi tiếp phẩm, còn anh trên đường xuống đồng bằng đi thực tế.

Nhạc sĩ Thanh Trúc 

Tôi với anh có nhiều duyên nợ với nhau

Hồi ở miền Bắc cùng công tác với nhau ở Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung Ương và cả hai cùng chơi đàn Violon trong dàn nhạc, cùng ở trong căn nhà mái lá khu Văn công Cầu Giấy. Thế rồi bẵng đi một thời gian không gặp anh, tôi nghĩ anh ốm phải nằm viện… nhưng sau này mới được biết, anh đã đi vào chiến trường miền Nam công tác…

Tôi không trách hay giận anh một chút nào về việc giấu giếm bè bạn… tôi hiểu rất rõ chuyện đi Nam ngày ấy là tuyệt đối bí mật.

Hai năm sau, tôi được lệnh vào Nam và chúng tôi có cơ duyên lại gặp nhau, cùng làm việc trong Đoàn Văn công Giải phóng ở miền Đông Nam Bộ (năm 1967). Một lần nữa hai cây Violon lại có cơ hội hòa quyện, cùng nhau đóng góp cho nền âm nhạc giải phóng khi ấy còn đang non trẻ…

Thanh Trúc (tên khai sinh Lâm Quang Măng) quê ở Cà Mau. Anh tập kết ra Bắc từ còn nhỏ, trưởng thành và lớn lên ở miền Bắc XHCN nhưng anh thực sự có những tác phẩm mang nhiều dấu ấn trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân miền Nam ở vào thời kỳ ác liệt nhất.

Nhiều ca khúc được ra đời trong bối cảnh này, nhưng dấu ấn sáng tác của Thanh Trúc là Câu hát bông sen (sáng tác 1970)  Bài hát này rất được hoan nghênh trong vùng giải phóng và do ca sĩ Tô Lan Phương hát lần đầu tiên.

Ca khúc “Đứng hát trên cầu chữ Y” được viết trong thời gian anh ở trong nội thành Sài Gòn. Qua ca khúc này Thanh Trúc mơ về một ngày Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, sự lạc quan cách mạng được thể hiện rõ nét bởi ca từ và giai điệu sáng trong nói lên khí phách hiên ngang tự hào của người chiến sĩ giải phóng.

Trong hoàn cảnh gian khổ, ác liệt của chiến tranh Thanh Trúc đã viết bản ca cảnh dài đầu tiên trong vùng giải phóng với thời lượng 20 phút Ca cảnh “Giải phóng” .

Đây là một dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp sáng tác của anh, với hoàn cảnh ở chiến trường như vậy, ra đời một tác phẩm hoàn chỉnh mang tính nghệ thuật cao không phải người nhạc sĩ nào cũng làm được nhất là khi chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt, khó khăn, gian khổ bội phần.

Thanh Trúc xứng đáng là một nhạc sĩ – chiến sĩ

Khi hòa bình, với cương vị lãnh đạo một Đoàn nghệ thuật lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng “tâm hồn” sáng tác của anh vẫn luôn tuôn trào, một loạt ca khúc đi cùng với những sự kiện lớn: Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam của bọn Pôn Pốt, anh có mặt ngay tại “trận tuyến” tuyên truyền với ca khúc “Ngày mai anh lên đường”. Xẻ chia, lên án và tố cáo trước công luận về nỗi đau của những nạn nhân bị chất độc mầu da cam, anh viết “Vì sao em chết” cùng những ca khúc khác như “Ngọn lửa Lê thị Riêng” “Em là chiến sĩ Giải phóng Quân”, “Thành phố tình yêu”…

Ca khúc của Thanh Trúc trong mỗi chủ đề, anh đều có cách xử lý khác nhau, không trùng lập về giai điệu, phong phú giản dị trong ca từ và mang đậm chất Nam Bộ:

“Mưa nắng bao năm anh đi trả thù cho non nước

Giặc về phá nát quê ta nhưng không hết được sen trên đồng ta

Trên đồng ta sen vẫn nở hoa, hai mùa mưa nắng thiết tha

Hương thơm càng lộng gió… bay xa

Câu hát Bông Sen em đây nhớ mãi gần bùn mà chẳng hôi tanh

Anh ơi, màu sen trong trắng, dành cả cho anh”…

(Câu hát Bông Sen)

Có thể nói ca khúc “Câu hát Bông Sen” là một dấu ấn đậm hay là một thương hiệu bởi ít nhạc sĩ nào có cách viết độc đáo, đậm chất Nam Bộ như thế.

Ca khúc của anh là sự phóng khoáng, không gò bó bởi tiết tấu, đôi khi mang nhiều chất tự sự, tâm tình như trò chuyện cùng người nghe, đấy là điểm đặc trưng của Thanh Trúc. Anh thường sử dụng những đoạn nhạc cao trào với âm vực cao và ngay sau đó… xuống thấp – như những bản vọng cổ, vì thế một số bài hát đôi khi “kén chọn” ca sĩ và… không phải là dễ hát cho những người không có kỹ thuật thanh nhạc.

Trong một số ca khúc, anh sử dụng lời thơ của Lê Giang, với những ca từ đậm chất văn học, giá trị nghệ thuật của bài hát được nâng lên cao thêm.

Tài năng của Thanh Trúc đang rộ, tiếc rằng anh ra đi quá sớm (năm 1986 ở tuổi 46) Mọi dự tính ủ ấp về nghệ thuật của anh bị dang dở. Nhưng với những ca khúc anh để lại – cho dù không nhiều – nhưng luôn là những giá trị nghệ thuật cách mạng để lại cho cuộc sống của mỗi chúng ta ngày hôm nay.

T.M

* Một nhạc phẩm của nhạc sĩ Thanh Trúc