Câu và thưởng thức cá trên dòng sông quê

694

Lê Văn Huân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Làng tôi nằm ở vùng hạ lưu của con sông Bến Ván, Núi Thành. Ngày xưa dân hai bên bờ sông làm đủ nghề từ chài lưới, đăng nò, vó, rớ, mò cua, bắt ốc, đến cả đi câu. Đối với những người có thú tiêu dao sông nước, nhất là muốn đi tìm cho mình một chút thư giãn giữa chốn thiên nhiên yên bình thì đi câu cũng là một nỗi niềm thú vị.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Lúc buông câu mọi thứ tạp nghĩ, lo âu, toan tính đời thường đều tan biến, tâm trí chỉ còn mỗi việc là tập trung vào chiếc phao câu bồng bềnh trên mặt nước… Và có một niềm vui thú nào hơn khi ta giật tung lên khoảng trời một chú cá to giãy mình, uốn cong. Đi câu cá hồng, cá mú và thưởng thức chúng đó cả là một nghệ thuật.

Cá hồng, cá mú thường sống ở vùng sông nước lợ, nhất là ở những đoạn gần cửa sông đổ ra biển như ở quê tôi. Ngày xưa, con sông quê tôi nổi tiếng một thời là nơi có nhiều cá mú, cá hồng. Đặc biệt, cá sống ở vùng cửa sống loài nào cũng ngon. Cá mú, cá hồng cũng vậy.

Cá mú có thân dài hao hao giống cá chép với cái mồm rộng ngoát, đúng là miệng cá ngão. Cá mú to khoẻ, con trung bình từ 5 – 7 kg. Có con to trên 10 kg.

Vào những đêm trăng của tháng 4, tháng 5 âm lịch nước sông đủ mặn, khi thuỷ triều dâng lên là lúc cá chẻm đi kiếm ăn và giỡn đùa với trăng đuôi quẫy ùm ùm. Đẹp nhất là mỗi khi chúng đuổi mồi tạo ra những đường “ngời” sáng chạy vòng vèo trên mặt nước. Ban đêm trông rất rõ, cá chạy đến đâu “ngời” sáng đến đó.

Muốn câu cá hồng, cá mú ta phải chuẩn bị chu đáo. Cần câu dài 3 – 4m vững chắc, sợi cước dài chừng vài chục sải tay được cuốn vào một cái ống bằng gỗ. Mồi câu là tôm đất hoặc tôm bạc to độ chừng ngón tay mà phải là tôm sống. Khi móc mồi xong, tay phải cầm cần, tay trái giữ ống cước nghiêng mình quay nửa vòng ra sau rồi chồm người về phía trước lấy đà tung lưỡi câu ra xa. Tiếp đến là rê mồi, bằng cách thu dần sợi cước vào ống. Lúc đó trông ngư ông như là một nghệ sĩ múa. Cá hồng, cá mú là những “gã” háu ăn, khi thấy con mồi chạy là là trên mặt nước là bay tới đớp liền. Cá mú, cá hồng cắn câu ít khi bị sẩy. Nhưng đừng mừng vội! Nếu không biết giật mạnh một cái thì từ nặng “oẵn cần câu” chuyển sang nhẹ tênh. Không những không được cá mà còn mất cả lưỡi câu vì miệng và mang cá rất sắc. Khi cá đớp mồi, chỉ cần giật nhẹ một cái nhưng phải dứt khoát để lưỡi câu vừa đủ dính vào miệng cá, rồi nới lỏng sợi cước cho cá chạy. Cứ thế để cho nó chạy thoả mái. Nếu đi câu bằng thuyền nhỏ, lúc này ta chỉ cần giữ nhẹ mái chèo để nó kéo thuyền chạy nhè nhẹ trên mặt nước sông. Trông thật là vui và hấp dẫn. Chạy một hồi cá mệt nỗi lên phơi bụng, ta kéo cá nhè nhẹ áp vào mạn thuyền lấy cái vợt to xúc nâng nó lên đổ vào khoang thuyền, lúc này “chú cá” há miệng, giảy đành đạch trông thật vui mắt và sướng rơn cả người. Có khi gặp con cá to, nó quẩy quá mạnh thì phải lội xuống sông ôm cả vợt và cá lên thuyền.

Thịt cá mú, cá hồng rất ngon và thơm, bây giờ là thuộc đặc sản của các nhà hàng. Người câu thường để ăn nhất là bộ lòng của nó, dân tôi có câu: “nhất da cá mú – nhì lòng cá chẻm”. Người câu luôn luôn giữ bộ lòng để nhậu, không bao giờ bán. Vì hai lẻ thứ nhất là của ngon, thứ hai là để giữ lại cái duyên may câu được cá này. Ngày xưa làng tôi có lệ, hễ mỗi ai câu được cá hồng, cá mú con to là mời anh em, bạn bè thân hữu đến thưởng thức chung vui! Bộ lòng được đem luộc hoặc xào với hành, thơm, rắc thêm ít bột tiêu đơn giản mà khó quên. Lòng cá luộc chín, vớt ra, thái từng lát mỏng. chấm với nước mắm gừng, ăn kèm với ớt và các loại rau mùi. Gan cá béo, bùi, bao tử giòn ngon, mỡ màng béo ngậy, mỗi thứ mỗi vẻ. Thế là ta được một món lòng cá rất ngon, thơm phưng phức. Chỉ cần thêm một chai rượu gạo “chính quy” được nấu tại làng thì có chi bằng.

Món ngon thứ hai của cá mú, cá hồng là hấp cách thuỷ. Cá làm sạch rạch cứa những đường song song bên hông cá hoặc cắt lát nếu cá quá to, đặt vào tô phía trên rải nấm mèo bằm với thịt ba chỉ, kim châm, bún tàu, gừng xắt sợi cho vào nồi hấp. Khi chín nhấc xuống, rắc tiêu, đặt thêm vào đó vài trái ớt đỏ chỉ mới trông thôi cũng đủ khoái khẩu. Món nầy ăn với bánh tráng gạo nướng vàng quấn cùng rau sống. Thịt cá hồng, cá mú rất ngọt, mỗi khi đặt miếng cá vào miệng ta nghe một vị đậm đà khó tả.

Cư dân hai bên bờ sông Bến Ván, Trường Giang, sông Trạm còn đóng chà cho cá vào trú ẩn. Cứ đến định kì, mỗi tháng một lần người ta lấy đăng vây quanh rồi đánh bắt cá trong đó. Cá mú cá hồng, cá chẻm thỉnh thoảng cũng vào đây trú ẩn.

Nhớ cách đây độ chừng mười lăm năm. Đó là năm đầu, làng tôi bắt đầu đắp đập, be hồ nuôi tôm sú. Bỗng một hôm chú cá vượt ở đâu to tướng dài gần một mét chạy lạc vào đầm, xực hết mớ tôm. Người ta phát hiện lấy lưới vây bắt, lưới thả xuống cá xé ào ào, cả mấy tay lưới đều rách toèn toẹt, cá đi vào lưới như đi ngoài sông. Cuối cùng phải xả bớt nước, cầm cây đuổi bắt, cứ nhắm lưng và đầu của nó mà phang. Hôm đó thanh niên, trai tráng của làng được một bửa thích thú thoả thê. Thịt cá cắt lát, làm phần đem chia cho 5- 6 nhà.

Những năm về sau cá vượt, cá hồng, cá mú vắng ngoài sông vắng dần ít thấy xuất hiện trên dòng sông quê. Từ đó, thuyền câu gát mái, ngư ông treo cần. Bây giờ, cá hồng, cá mú, cá vượt (cá chẻm) vẫn có đầy nhưng đó là cá nuôi trong đầm hồ của ngư dân.

L.V.H