Nhà thơ Vương Trọng
(Vanchuongphuongnam.vn) – Thơ Minh Lý là thơ kỷ niệm, phần lớn là kỷ niệm có độ xa cả về thời gian và không gian. Thời gian là trên hai mươi năm và không gian cách trên 1500km. Với chị, nhiều kỷ niệm phía quê nhà lắm khi hiện lên rực rỡ như bảy sắc cầu vồng, nên chọn tên tập thơ đầu tay dày dặn này là “Cầu vồng miền xa vắng”.
Bìa tập thơ “Cầu vồng miền xa vắng”
Cách đây trên hai mươi năm, cô giáo trẻ Minh Lý từ giã quê hương Xứ Nghệ vào lập nghiệp ở miền Nam. Chị đã trải qua nhiều nghề từ dạy học, làm báo… đến kinh doanh. Do công việc, chị đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều lớp người và ở lĩnh vực nào chị cũng thu được những thành tựu đáng kể, nên từ hai bàn tay trắng, đã có được một mái ấm gia đình hạnh phúc, khấm khá. Khi nghe tin Minh Lý sắp xuất bản tập thơ, ai cũng nghĩ chị viết về những người, những chuyện xảy ra trên hai mươi năm ở đất khách, nhưng không, chị rất ít động chạm đến chuyện đó, dường như chị phân biệt rất rạch ròi giữa công việc và thi ca. Có người dùng thơ để ghi lại cảm nhận thời sự diễn ra, thậm chí coi thơ như nhật ký, nhưng nhiều người đợi cho những gì đã thành kỷ niệm rồi mới đưa vào thơ. Minh Lý thuộc nhóm người thứ hai, thường là những người có đời sống nội tâm phong phú và trân trọng kỷ niệm. Ai đó nói rằng không có kỷ niệm thì không có tình cảm, xem ra cũng phải. Thơ Minh Lý là thơ kỷ niệm, phần lớn là kỷ niệm có độ xa cả về thời gian và không gian. Thời gian là trên hai mươi năm và không gian cách trên 1500km. Với chị, nhiều kỷ niệm phía quê nhà lắm khi hiện lên rực rỡ như bảy sắc cầu vồng, nên chọn tên tập thơ đầu tay dày dặn này là “Cầu vồng miền xa vắng”. Trên trang FB của mình, Minh Lý giải thích tên tập thơ này như sau:
“Với Minh Lý, những gợi nhớ về quê hương, về những mối tình trải qua trong mỗi con người đều là ánh cầu vồng từ miền xa vắng. Chúng ta không thể nào quên những cảm xúc đã trở thành một phần cuộc đời, nhưng chúng ta không bi lụy, thù hận ai đó về những điều chưa trọn vẹn. Chính những điều chưa trọn vẹn đã tạo cảm hứng cho cảm xúc thăng hoa thành thơ, thành nhạc. Nhớ không có nghĩa là níu kéo hay nuối tiếc, mà nhớ để làm cho bản tình ca cuộc đời chúng ta thi vị hơn, sâu lắng hơn, có hồn hơn và bay bổng hơn. Ánh cầu vồng đã từng rực rỡ nhưng bây giờ đã ở miền xa vắng, mà chúng ta thì phải sống cho hiện tại và tương lai…”.
Đó là chị dùng văn xuôi để giải thích trọn vẹn, chứ nhiều bài trong tập thơ này cũng đã đề cập đến ý đó, và chúng ta cũng dễ nhận ra những loại ánh sáng nào đã tạo nên cầu vồng ấy. Đó là tình quê nhà, tình người thân và tình yêu lứa tuổi học trò.
Tình quê nhà và người thân không chiếm nhiều số trang trong tập thơ này nhưng để lại ấn tượng đậm cho người đọc. Đọc nhiều bài thơ của Minh Lý về quê hương, tự dưng lời một bài hát cũ trong tôi lại văng vẳng: “Không thương răng miền Trung nghèo khổ. Vất vả, ngược xuôi…”. Vùng đất của cát sỏi, của gió Lào, của bão tố:
Thương lắm miền Trung bão lại sắp quần qua
Nghe dự báo mà thắt từng khúc ruột
Miền Trung ơi, Hạ vừa qua kiệt sức
Xin ông trời đừng thử thách gì thêm…
(Thương đất miền Trung)
Đấy là nỗi lo, nỗi nhớ về miền Trung rộng lớn, còn đây là với làng Đông Bích bé nhỏ bên núi Quỳ Sơn mà dân quê quen gọi nôm na là Rú Cuồi. Một mùa xuân, chồng có việc về quê thời gian mấy tháng, vì bận việc Minh Lý không thể về cùng, mà gửi theo chồng tình cảm quê nhà của chị, trong nỗi niềm ăn năn lỗi hẹn với những địa danh quen thuộc và những hình ảnh đặc trưng quê nhà:
Ngoài nớ bây giừ đã nắng chưa anh
Ướp giùm em một chùm hoa bưởi
Con quấc phía trước đồng có gọi
Anh nhắn giùm, em đang phải xa quê…
…Tháng ba về sẽ rét nàng Bân
Anh có say khói đụn rơm đồng Cựa
Rú Cuồi với hoa sim nói gì mà chan chứa
Khe Nhà Vàng nước chảy nữa không anh?
(Gửi về Đông Bích)
Làng Đông Bích mà Minh Lý nhắc trong bài thơ này chính là nơi tôi (Vương Trọng) sinh ra và cách đây ba mươi năm đã đi vào thơ: “Làng tôi nhỏ, lối vào làng cũng nhỏ/ Ô tô về phải dừng lại đường quan…”. Thời gian trôi đi, cảnh làng đổi thay, đường sá rộng mở, nhà cửa khang trang…, nhưng nhiều địa danh vẫn nguyên tên cũ và ngoài nỗi nhớ của người làng xa quê có thêm nỗi nhớ làng của những người con dâu như Minh Lý.
Đấy là nhớ khi xa, còn có dịp về quê thì chị cố quan sát như tìm nhặt từng kỷ niệm:
Cây ổi xưa ta trèo
Vẫn còn kia ụ gốc
Vại nhút cà mặn chát
Mảnh sành còn vương nương…
(Ra đi để trở về)
Tôi tâm đắc hình ảnh người xa trở về, nhìn những mảnh sành vỡ rải rác trên nương mà nhận ra xuất xứ của nó là những chiếc vại sành một thời muối cà, muối nhút…
Có những vần lục bát khắc họa cảnh quê nhà yên bình, đẹp như cảnh trong ca dao theo hình dung, tưởng tưởng của người đi xa nhớ về:
Hương đồng quyện gió chiều êm
Càng đi xa lại càng thêm nhớ về
Cỏ mềm xanh những triền đê
Bàn chân mướt mát cơn mê mục đồng
Diều ai còn thả nữa không
Mà sao tiếng sáo trong lòng xốn xang…
(Thổn thức hồn quê)
Nhưng trong nhiều bài thơ khác, cảnh quê gắn bó mật thiết với người thân, đặc biệt là cha, mẹ. Bởi vậy khi người cha đã từ giã cõi đời thì cảnh cũ gợi những buồn thương cho người con xa quê ngày về lại:
Con trở về sau những tháng năm xa
Tìm bóng cha trong khu vườn quạnh quẽ
Chiếc lá vàng vô tình rơi khẽ
Có phải cha trong ngọn gió chiều?
Còn người mẹ thân thương lúc này đang ở nơi xa, chỉ ảnh hình cũ còn đây:
Con trở về căn nhà nhỏ cô liêu
Thoáng bóng mẹ ngồi chờ bên bậc cửa
Ô bếp nhỏ không còn ai giục lửa
Mắt con nhòa nhớ khói ngày xưa!
(Con trở về)
Và thêm lần nữa tác giả trực tiếp giải thích ý nghĩa “Cầu vồng miền xa vắng” bằng thơ:
Có một ngày đã qua
Con đi trong thương nhớ
Cha tựa lưng vào vách chiều xuống dở
Níu nỗi buồn sắc nhọn cuộn vào nhau
Là ngày con đi xa
Quê nhà thành miền xa vắng
Bên hiên mẹ còng lưng nhặt nắng
Sưởi nỗi cô đơn trong sâu thẳm ánh chờ…
(Cầu vồng miền xa vắng)
Để tạo nên “Cầu vồng miền xa vắng” còn có một thứ ánh sáng khác ít thổn thức mà nhiều ngọt ngào hơn: những mối tình lướt qua ở tuổi học trò. Có người khẳng định rằng, thơ tình nói chung hay ở thơ thất tình, kể ra cũng có lý vì nếu trong di sản thơ tình của nhân loại mà những bài thơ thất tình bị loại bỏ, thì chẳng khác gì những ngọn núi bị hớt mất ngọn! Nhưng thơ tình trong tập này gọi là “thơ thất tình” e không chính xác, mà có lẽ nên thay hai chữ “thất tình” bằng “nhỡ tình”, nhỡ tình tuổi học trò. Mỗi một chúng ta lớn lên, yêu đương, lập nghiệp,… nhưng mấy ai cưới được mối tình đầu? Mỗi lần qua một cuộc tình không đưa đến hôn nhân, ai chẳng buồn, nhiều khi vì buồn mà quên mất chính những mối tình đó là cho cuộc sống thi vị hơn. Thơ thất tình nặng về đau, còn nhỡ tình thì luyến tiếc trong nỗi nhớ ngọt ngào. Ai mà nỡ ghen với vợ mình khi nàng nhớ về “cái thuở ban đầu” ấy:
Giọt đắng tình đầu anh cũng uống như em
Cũng khắc khoải nỗi niềm thời nông nổi
Cũng chia tay vì vu vơ hờn dỗi
Rồi có lúc xao lòng nghĩ đến ngày xưa…
(Anh đừng ghen)
Vợ chồng chung nhau nhiều thứ, chung lo toan trăn trở, chung hạnh phúc ngọt ngào của mái ấm gia đình… Vâng, chung nhiều thứ nữa, nhưng đừng nghĩ là chung tất cả, nghĩa là mỗi người còn có một khoảng riêng mà người khác cần trân trọng:
Nghĩa vợ chống đâu tất thảy chung nhau
Khoảng trời riêng không thể nào là một
Hai con tim cùng chung nhịp đập
Nhưng xin đừng trói buộc vào nhau…
(Khoảng trời riêng)
Với quan niệm “thoáng” nhưng chính xác như vậy và được “đức lang quân” tán đồng, nên Minh Lý không ngại ngần nhắc lại những chuyện tình cũ thời hoa mơ. Gặp lại cảnh cũ, nhớ người xưa rồi chị tự hỏi:
Có phải anh
Vẫn qua những con đường
Chiếc xe cà tàng chở ta rong ruổi hát
Tấm lưng anh như là bản nhạc
Em thuộc lòng từng nốt mồ hôi!
(Cảm xúc ngày trở lại)
Hai câu sau nói được bao điều, không chỉ về nét lạc quan thời học trò vượt lên hoàn cảnh, mà tình thương, lòng cảm thông… và rất thơ!
Nhưng không phải ai cũng dễ quên đi “thời nông nổi”, có người lại muốn níu kéo, nên phải nhắc nhau:
Nỗi nhớ rong rêu, nỗi nhớ tàn phai
Khát vọng ngày xưa giờ hóa thạch
Tình ta đã trở thành trầm tích
Nằm rất sâu dưới đáy bể tâm hồn
(Về thôi anh)
Và:
Thôi đừng quàng nợ cho em
Cứ đành để vậy cho duyên lỡ làng
Dạ mềm trót kiếp đa mang
Mà không ôm nổi đa đoan phận người
(Thôi đành)
Nhưng không phải tác giả chỉ khuyên người tình cũ hãy quên chuyện ngày xưa để trở về với đời sống thực tại, mà nhiều khi chính tác giả tự khuyên mình đấy:
Cỏ may thêu kín bờ đê
Đừng tìm lối cũ vướng thề năm xưa
Thôi đành giấu cái đong đưa
Giấu câu hát ướt cơn mưa năm nào.
(Nói với con tim)
Về phần nội dung “tình nhỡ” này, bạn đọc còn được gặp nhiều khổ, nhiều câu thơ hay:
Anh là ai, man trá hay ngọt ngào
Sao vô tâm tìm em thắp lửa
Cháy hết mình, em đâu còn gì nữa
Anh ra đi để lại đống tro tàn…
(Gửi thánh đường anh)
Trái tim em vẫn dâng từng đợt sóng
Radar anh lạc lối mất rồi!
(Lỗi hẹn)
Và:
Chỉ tiếc em không còn nông nổi
Để thấy mây vàng ngỡ ánh trăng lên…
(Mùa thu trong em)
Về hình thức nghê thuật, Minh Lý sử dụng thơ ngũ ngôn, lục bát, thất ngôn, thất ngôn biến thể và thơ tự do. Vần điệu lục bát khá chuẩn, còn các thể khác, tác giả chú ý đặt các thanh trắc, bằng đúng chỗ nên bạn đọc có cảm giác trôi chảy, ngọt ngào.
Nhà thơ Xuân Diệu từng nói: “Cơm áo không đùa với khách thơ”, nghĩa là có sự mâu thuẫn giữa nghiệp thơ với chuyện lo cơm áo. Điều đó đúng với nhiều nhà thơ trong một quãng thời gian dài, nhưng khoảng ba chục năm nay thì câu “sấm” ấy dường như không nghiệm nữa, bằng chứng là nhiều nhà kinh tế, chủ doanh nghiệp kinh doanh giỏi, mà làm thơ cũng cừ. Không biết Minh Lý có thuộc “tập hợp” đó không, nhưng khi đọc “Cầu vồng miền xa vắng”, tôi manh nha nghĩ về điều đó và chúc mừng chị.
V.T