Cây bồ kết của nội – Tản văn của Lê Xuân

799

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có lẽ phải tới hơn mười năm ở quân ngũ, tôi lại mới có dịp về thăm nhà, do chiến tranh mà. Má tôi đã ngoài bảy mươi, lưng còng xuống, mái tóc bạc phơ, nhưng ánh mắt vẫn còn tinh nhanh. Sau khi tắm giặt xong, chờ má dọn cơm, tôi rảo bước ra phía chái nhà, nhìn xung quanh một lượt thì chẳng thấy cây bồ kết đâu nữa. Hỏi ra mới biết cơn bão năm Thìn – một cơn bão dữ dội nhất, hơn năm mươi năm chưa từng thấy ở quê tôi, đã cuốn bật gốc cây bồ kết rồi. Cây bồ kết nếu còn đã hơn cả tuổi má tôi. Nội trồng cây bồ kết ấy từ ngày về nhà chồng ở tuổi mười bảy.

Tôi nhớ lại cứ vào mùa xuân, bên cạnh cây bưởi nở từng chùm hoa trắng thơm ngát, hoa xoan tím nhạt rụng đầy lối đi, thì cây bồ kết mới bắt đầu đơm những chùm hoa li ti vàng nhạt như hoa xoài. Gốc cây bồ kết xù xì như cây cổ thụ. Cành lá um tùm, chằng chịt gai đan thành một tán dày nên các loài chim chào mào, sáo sậu, chích choè rất thích làm tổ. Bọn trẻ con tuy nghịch ngợm nhưng cũng ít đứa trèo lên cây bồ kết vì sợ gai đâm.

Khoảng hơn một tháng sau, những trái bồ kết non như những trái me nhỏ đã lắc lư trên cành. Nó chuyển dần từ màu xanh lá mạ sang màu xanh lá chuối, và khi đã già thì chuyển màu vàng nhạt rồi xanh đen. Thế là má có thể hái xuống, đem phơi khô, gác lên gác bếp một thời gian cho bồ hóng bắt vào để tránh những con mọt hay cắn đục. Má có một cái cong sành màu da lươn, lót lá chuối khô và xếp bồ kết vào đó để dùng dần cả năm. Vì cây bồ kết mỗi năm chỉ cho trái một vụ.

Trồng được cây bồ kết là công phu lắm. Làng tôi chỉ dăm ba nhà có loại cây này. Từ khi gieo hạt tới lúc cây cho trái phải mất gần bốn năm. Loại cây này ưa nơi đất cao, sạch sẽ thì nó mới sống được và cho nhiều trái. Hương bồ kết không nồng nàn như hoa bưởi, hay kiêu sa như dạ lan, nguyệt quế, hoa ngâu, mà nó mang một mùi thơm ngai ngái, đằm sâu trên mái tóc của nội, của má. Nhất là khi khi các cô gái gội đầu bằng bồ kết xong, giắt lên mái tóc một nhánh hoa hương nhu thì càng tạo nên một hương vị đầm ấm, thanh tao, như gọi mời, như âm thầm quyến rũ. Đó là mùi vị riêng của hương đồng gió nội.

Tôi còn nhớ như in từng động tác mà má tôi gội tóc cho nội. Nồi nước đun vừa nóng, má hơ mấy trái bồ kết vào than rồi bẻ làm ba thả vào. Bắc nồi nước xuống đổ ra chậu để khi nước vừa ấm thì bóp những trái bồ kết nhỏ ra, pha thêm ít nước lã vào, và cho thêm vào mấy lát chanh tươi rồi khoắng đều cho sủi bọt đến khi có màu mật ong sậm là ta có một chậu nước gội đầu hết ý. Một mùi thơm đằm thắm cuốn hút, lan toả, ấm nóng bốc lên. Nếu cô gái nào ngửi thấy cũng muốn gội đầu ngay. Nội tôi ngồi trên chiếc chõng tre, xõa mái tóc dài đã bạc trắng xuống sát chậu nước. Má dùng gáo dừa múc từng gáo, nhẹ nhàng xối lên đầu nội cho tóc ướt dần, rồi vò, rồi vuốt, chải bằng lược thưa, rồi lau. Cứ thế khoảng năm sáu lần thì xong. Nội đứng lên xoay xoay mấy vòng tóc cho giọt nước nào còn lại bắn ra, và ngồi trên chõng tre ngoài hiên hong cho tóc khô trước gió chiều hoàng hôn. Hương bồ kết lan tỏa khắp nhà. Nội như đang hồi tưởng lại một thời con gái. Gương mặt trái xoan, mái tóc dài óng mượt luôn có hương bồ kết đã làm cho nhiều chàng trai trong làng phải thương trộm, nhớ thầm. Rồi đến má tôi, chị tôi, các em gái tôi, và ngay cả “lũ chúng tôi” cũng xem bồ kết như một ngươi bạn thân trong nhà không thể thiếu được. Có những buổi tôi ngồi nhổ tóc sâu cho nội hay cho má mà lòng vẫn nao nao vì hượng vị bồ kết còn vương trên tóc. Bọn con trai chúng tôi thường ngụm lặn ngoài sông hay ở các đầm ao cho thoả thích, gội đầu qua loa là được. Thỉnh thoảng xát cả bột giặt lên đầu vẫn thấy vô tư. Nhưng khi về gặp má hay chị đang gội đầu, là thế nào má cũng bắt vô xối cho mấy gáo nước bồ kết để tóc bớt dính. Những năm do bão lụt mất mùa bồ kết, má phải lặn lội hơn chục cây số lên những chợ miền núi của người dân tộc mới mua được ít bồ kết đem về để dành gội dần.

Ngày nay chỉ  ở những chợ quê, thỉnh thoảng mới thấy có người bán trái bồ kết. Một số hãng sản xuất dầu gội đầu cũng đã chiết xuất tinh dầu bồ kết cho vào để làm tăng độ mượt cho tóc, góp phần làm sạch gàu và có thêm hương vị của làng quê, nó gợi lại sự yêu thích của các má, các chị một thuở. Má tôi vẫn thường bảo con cháu: Các loại bột giặt, dầu gội, nước hoa toàn là hóa chất, mùi hăng hắc, khó chịu, dùng nhiều có hại. Không có thứ nước gội đầu nào thơm và sạch bằng nước bồ kết.

Giờ đây nội và má tôi đã là người thiên cổ, nhưng cứ mỗi lần đi đâu nhìn thấy cây bồ kết, hay trái bồ kết là lòng tôi lại nao nao muốn chạy ngay về, sà vào lòng nội, lòng má mà hít hà cho thỏa hương vị bồ kết trên mái tóc.

L.X