Cây gạo nhà nội tôi – Tạp bút của Mỹ An

1179

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ở làng An Tây mấy năm trước người ta đã chặt phá nên những cây gạo cứ thưa thớt dần đến nay thì không còn thấy bóng cây nào nữa. Một thời cây gạo gắn với tuổi thơ đời người nên nhiều lúc bất chợt quay quắt nhớ về tháng Ba hoa gạo nở.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Nhớ nhất là cây gạo ở bên giếng nhà ông Đảnh – Nội của tôi. Cây có dáng hình to khỏe, lớp vỏ dày nức nẻ xù xì nhưng lại cứng rắn vững chãi. Hồi nhỏ cây to ôm cả vòng tay mà vẫn không xuể. Chẳng biết cây gạo đã qua bao mùa hoa nở, đón biết bao mùa xuân đến mà mỗi lần thấy những đàn chim như chào mào, sáo sậu, bù chao, Két đỏ… bay về hút mật là biết đã đến tháng Ba mùa hoa gạo nở.

Hoa gạo nở luôn lập lòe như lửa đỏ, đi vào tiềm thức của người làng, dù có mưa vùi gió dập thân vẫn vươn cao, rễ vẫn bám sâu vào lòng đất, đứng vững vàng trước gió dông bão lũ. Cây gạo theo tháng năm lớn lên gần gũi mà quý phái, bình dị mà sang trọng trong một thế giới bí ẩn của tuổi thơ đời người.

Đến bây giờ cái thế giới ấy sống mãi trong tôi. Nhớ nhất là hồi nhỏ mỗi lần đi học về qua nhà thăm nội, được nội cho ăn một bát cơm sáo khoai lang khô với cá mòi chưng với muối nghe béo ngậy. Ăn xong ra đứng dưới gốc cây gạo bên giếng làng ở góc vườn, bất giác nhìn ra cánh đồng Nhà Thờ lúa thì con gái xanh như dòng sông chảy vắt qua làng từ hướng Nam xuống hướng Bắc, chợt nhớ câu nói của ai đó: “Mọi thứ luôn trôi về phía trước, chỉ có quê nhà vẫn ở lại phía sau để chờ đón ta về” nghe mà thấm thía vô cùng! Rồi tần ngần đứng dưới gốc cây gạo muốn sờ tay vào thân mà chẳng dám, muốn leo lên cành lại sợ gai. Cuối cùng ngước nhìn lên ngọn cây thấy những bông hoa đỏ mềm mại, có năm cánh dày bao bọc chùm nhụy bên trong như những cây tăm nhỏ trên đầu gắn những hạt gạo đen lấm tấm trông thật là lạ. Có những bông chín bầm nở xòe ra như ngôi sao năm cánh gặp cơn gió đi qua, rơi xoay tròn như chong chóng gieo lửa xuống đất mà lòng thấy nao nao tiếc cho một đời hoa nay nở mai tàn.

Nghe nội kể lại hồi xưa cố đã trồng cây gạo này để che mát cái giếng làng. Đến đời nội, cây lớn lên có cành dài, tán rộng, vươn ra, càng lên cao càng thu gọn lại, nhìn từ xa như một ngọn tháp với hàng mấy trăm bông hoa gạo đỏ bằng nắm tay mập mạp, đầy sức sống đỏ rực cả một góc trời. Nhớ có lần ra giếng tắm, nội lấy cái gàu làm bằng mo cau múc nước dội lên người kỳ cọ cho tôi. Còn nội thì cởi hết quần áo ra, đứng tồng ngồng tự nhiên giữa trời đất, xối vài gàu nước lên người, rồi nội đưa cái lưng trần vào gốc cây gạo cà trịn qua lại lên xuống xem có vẻ khoái chí vì đả ngứa lắm. Không biết có phải vì nội thường xuyên kỳ lưng bằng cách cà trịn như thế hay không mà sau này bề mặt thân cây dù có gai nhọn vẫn có đoạn mòn nhẵn hết. Nhưng tôi lại nghĩ đến cái lớn hơn sự nhẵn mòn ấy là những tì vết, những hoài niệm cũ, những lối mòn khó phai, những dấu chân đi lại, những chờ đợi hò hẹn dưới trăng của nội dưới gốc cây gạo này để ở đó ông bà gặp nhau thành vợ thành chồng, thành cha thành mẹ, thành bà thành ông… thành một đời hết lòng nuôi dạy con cháu thành người tử tế.

Chao ôi! Giờ nghĩ lại thấy cuộc sống của ngày xưa sao mà bình dị trong trẻo nhẹ nhàng giản đơn thanh thản đến vậy! Tháng năm vật đổi sao dời, đến một ngày của những năm tám mươi thế kỷ trước, người ta lăm le đến đào lấp cái giếng và chặt nốt cây gạo cuối cùng của làng để mở đường làm kênh mương thủy lợi cho nước vào đồng.

Biết tin này, ròng rã cả tháng trời, nội ra ngồi lặng lẽ một mình dưới gốc cây gạo, bần thần nhớ đến ông cố và tiếc cho cây gạo đến võ vàng đau đớn! Với nội, cây gạo là thánh đường của đời mình. Nội đã trao gửi những yêu thương nặng lòng tình nghĩa cho cuộc đời. Theo năm tháng cây gạo lớn lên ra hoa kết trái, tạo ra điểm nhấn độc đáo cho làng, để ai tìm về làng, cứ hỏi:

– Đường đến thôn An Tây đi hướng nào vậy?

Người làng tự hào trả lời:

– Ừ, thì đi về phía có cây gạo nhà ông Đảnh là đến ngay!

Cây gạo với nội như đã biết lắng nghe và thấu hiểu, biết vui buồn và sống chết, biết chia sẻ cho sự đa mang cũng như lòng trắc ẩn của con người. Vì thế mà khi được biết sớm muộn gì cây gạo cũng sẽ bị chặt phá, nội đau đáu thương cho những ai chưa hiểu được món quà của thiên nhiên ban tặng cho con người mà đi giết chết những đứa con của đất để cho trời những nỗi đau tàn khốc trống trải cô liêu đơn độc. Nội bâng khuâng lo nghĩ mãi như vậy mà không biết nói cùng ai, đến một ngày tai nội điếc, mắt nội mù nhưng nội vẫn sớm chiều chống gậy dò dẫm trong bóng tối để ra đứng thẩn thờ dưới gốc cây gạo!

Ít lâu sau trong một ngày cuối đông rét lạnh, nội ra đi, được đông đảo bà con dân làng đau xót đưa tiễn nội về với đất và chẳng bao giờ nội còn ở bên cây gạo giếng làng xưa nữa. Biết vậy, cây gạo cũng héo hắt úa tàn đến mùa xuân năm sau không còn ra hoa nhưng hình bóng của nó mãi còn vương vấn trong những vần thơ vụng để tưởng nhớ đến nội:

“Đã bao mùa Mộc miên hoa gạo nở/ Giếng làng quê tím sắc đỏ chiều phơi/ Thu qua rồi đông về đó mưa rơi/ Còn đâu nữa tháng Ba về hoa gạo?!/ Từ dạo ấy lòng con nghe vò võ/ Chiều xuân mưa dâng nỗi nhớ vô bờ/ Lối xa chiều lòng vương vấn bơ vơ/ Nội đi rồi Mộc miên không nở nữa/ Cứ lặng lẽ nội ơi lòng vụn vỡ/ Thời gian trôi sắc đỏ cũng tan rồi/ Tháng Ba về con nhớ quá, nội ơi!/ Biết bao giờ hoa gạo đỏ lại rơi?”.

Tiên Phước, tháng Ba năm 2021

  M.A