Cây mai vàng trước ngõ – Truyện ngắn của Phạm Văn Hoanh

945

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cách đây hơn một năm, trên đường về quê, tôi gặp một nhà buôn đang kéo một gốc mai to đùng. Tôi nhìn theo. Tự nhiên lại liên tưởng đến gốc mai trước ngõ nhà nội tôi. Tôi dừng xe lại, đến xem gốc mai. Gốc mai này có thế liên hoàn rất đẹp giống y chang gốc mai của nội tôi.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Tôi hỏi anh nhà buôn:

– Anh mua gốc mai này ở đâu? Giá bao nhiêu?

Anh nhà buôn trả lời:

– Anh mua của chú… chú ở xóm ngoài kia. Anh quên tên mất. Giá gần trăm triệu. Em có thích thì anh chia lại cho.

Tôi bần thần. Chẳng lẽ chú mình. Không. Không thể… Những năm chú mình bị bệnh nặng, thím mình đòi bán. Chú mình không cho. Chú bảo: “Đó là di tích của cha mẹ để lại. Dù có chết cũng quyết không bán”.

Trên đường về, hình ảnh cây mai vàng trước ngõ lại hiện về trong tâm trí tôi với bao hoài niệm…

Nhớ thuở nào khi còn là cậu bé học lớp hai, lớp ba cứ chiều nào đi học về, tôi cũng ngồi xem ông nội chăm sóc tỉa cành cho mai. Mỗi lần tỉa lá cho mai nội tôi thường ngâm hai câu thơ:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Lúc bấy giờ tôi không hiểu mà chỉ cảm thấy mơ hồ có một cái gì đó nuối tiếc. Sau này lớn lên tôi mới biết đó là hai câu thơ tuyệt hay trong bài: “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giác (1052-1096).

Ngâm thơ xong ông lại thong thả vuốt chòm râu bạc và kể về quãng đời thanh xuân của ông cho tôi nghe.

Tuổi xuân của ông gắn liền với cành mai vàng. Cứ như cành mai vàng sinh ra là để dành riêng cho ông vậy, để ông cùng bà sống những ngày hạnh phúc bên nhau như “Mai hòa vận điểu, điểu hòa vận mai”. Rồi năm tháng dần trôi, đất nước bị chiến tranh, ông phải cầm súng xa nhà đi kháng chiến. Bà tiễn ông đi ra tận đầu làng, trao ông một cành mai thế liên hoàn và dặn: “Anh đi, anh nhớ năm chữ: Nhân, trí, tín, lễ, nghĩa như cành mai vàng này nghe anh!”. Từ đó hình ảnh cành mai vàng được ông mang theo suốt dọc đường hành quân. Ngày nước nhà thống nhất ông trở về thì bà chẳng còn nữa, chỉ còn cây mai vàng trước ngõ mừng mừng tủi tủi chào đón ông…

Chính vì thế mà nội tôi ngày nào cũng chăm sóc, giữ gìn cây mai rất chu đáo. Khi tuổi đã xế chiều ông lại giao công việc này cho cha tôi. Ngày nào ông cũng nhắc nhở cha tôi bảo vệ, chăm sóc cây mai cẩn thận, phát hiện sâu bệnh để phun thuốc kịp thời, đừng để sâu đục thân phát sinh, đục chết mai. Cha tôi làm công việc này rất chu đáo. Nội tôi rất hài lòng.

Khi sắp về cõi vĩnh hằng, nội tôi gọi cha tôi và các cô chú lại dặn: “Cây mai trước ngõ là linh hồn của mẹ các con. Các con cố gắng bảo vệ chăm sóc chu đáo đừng để sâu đục thân đục chết mai”. Cha tôi và các cô chú vâng dạ. Cha tôi chăm sóc mai không khác gì nội tôi. Ông bảo “Đây là linh hồn của ông bà.” Sau khi chú tôi lập gia đình, cha tôi giao mảnh vườn này cho chú thím rồi lên thành phố ở. Tính đến nay đã mấy chục năm rồi…

Tôi đang miên man trong dòng hoài niệm, bỗng nghe tiếng gọi: “Anh Ba!… Anh Ba!… Anh Ba!…” Tôi nhìn theo thấy trong xe taxi mang chữ thập đỏ, có một cánh tay giơ ra ngoài vẫy gọi. Tôi nhận ra đó là cánh tay của người em con chú ruột. Tôi suy nghĩ. Không biết chú thế nào mà đi chiếc xe đó. Hôm trước gọi điện hỏi thăm, thím bảo chú khoẻ rồi mà. Tôi hy vọng chú sẽ khoẻ thật. Nếu có điều gì thì thím sẽ gọi cho mình chứ. Tôi bình tĩnh lái xe chạy theo sau chiếc taxi.

Về đến nơi tôi thấy cảnh vật rất khác xưa. Trước ngõ là một cái hố sâu bằng cái nong phơi lúa và ngổn ngang cành mai to nhỏ nằm trên sân. Tôi đau lòng lắm! Tôi giận chú thím vô cùng!

Xe đưa chú vào sân. Tôi và con chú dìu chú vào nhà. Chú bước lên bậc tam cấp một cách khó nhọc. Hình như chú bị… – Tôi nghĩ thầm trong bụng. Tôi hỏi thím:

– Hình như mắt chú có vấn đề hả thím?

– Ừ, mắt ổng tự nhiên bị mờ.

Tôi và các con chú dìu chú đến bên giường. Chú ngồi xuống giường nắm tay tôi, hỏi:

– Cháu Ba phải không?

– Dạ, cháu là Ba đây.

– Về bao giờ đó? Cha mẹ cháu khoẻ không?

– Dạ, cháu vừa về. Cha, mẹ cháu vẫn khoẻ. Hôm trước cháu nghe thím bảo chú khoẻ rồi mà…

– À, thì vừa mới khoẻ có mươi ngày, lại chuyển sang con mắt không thấy đường. Không biết có phải do mình uống nhiều thuốc tây quá không? Chứ bác sĩ nói thuốc tây là con dao hai lưỡi, bớt bệnh nọ sinh bệnh kia… À! Hôm trước chú nghe cha cháu sao đó mà?

– Dạ, cha cháu hôm trước bị cao huyết áp. Nay khoẻ rồi.

– Cháu về nói với cha mẹ là cho chú xin lỗi. Chú quyết chết chứ không chịu bán cây mai. Nhưng thím cháu ở nhà bí quá bả bán mất…

Nói đến đây nước mắt chú tuôn trào.

Thím tôi tiếp lời:

– Thím biết. Thím có lỗi với cha mẹ cháu. Mong cháu về nói với cha mẹ thông cảm cho hoàn cảnh chú thím! Mấy năm nay chú đau ốm liên miên, nợ nần chồng chất…

Nghe thím nói, tôi vừa giận vừa thương. Không giận sao được. Một di tích thiêng liêng của ông bà để lại mà thím cũng không giữ được. Tôi làm thinh. Tôi không biết nói gì với thím. Chú thím cũng như cha mẹ. Nói ra thì lỗi đạo con cháu.

Thím mếu máo:

– Thím bán nó mà ruột gan thím như đứt từng khúc. Thím biết bán vào lúc này họ sẽ ép giá. Nhưng chạy tiền không ra. Đành phải nhắm mắt làm liều. Mà không bán thì sợ mất có ngày. Sợ đi hết đêm hôm không có ai trông nhà cửa, bọn trộm lẻn vô đào. Ở bệnh viện cũng không yên tâm. Vả lại chú cháu đau ốm như thế không ai chăm sóc, sâu đục thân sẽ đục chết mai. Thôi thì bán lấy đồng tiền cho bảo đảm. Nghĩ vậy nên mới bán với giá bốn mươi triệu đồng, đem vào Sài Gòn lo cặp mắt cho chú. Thế mà tiền mất tật mang. Khổ ơi là khổ!

Ngừng một lát, thím nói tiếp:

– Nói thiệt với cháu, bây giờ đến bệnh viện không đơn giản đâu. Không có tiền là chết. Vào bệnh viện đủ các khoản tiền, ớn mất. Nào là tiền thuốc, nào là tiền ăn, nào là tiền bác sĩ… Ai cũng bảo “Lương y như từ mẫu”. Mà sao thím thấy nhiều ông bác sĩ không giống mẹ hiền chút nào. Mỗi lần đến ca mổ của mấy ổng thì mình phải…

Thím bỏ dở câu nói, lấy khăn lau nước mắt. Một chặp, thím mới nói tiếp:

– Chú cháu, ổng không chịu bán cây mai. Chứ bữa đó bán thì đâu đến nỗi này. Bữa đó chị hộ lý bảo thím là tối đến tìm bác sĩ sáng mai mổ cho chú, nói với bác tiếng để sáng mai bác mổ cho bảo đảm. Tối đó thím đến tìm gặp bác sĩ mổ, trình bày hoàn cảnh khó khăn của gia đình và nhờ giúp đỡ. Không hiểu sao lúc đầu bác sĩ gục gục, mắt nhìn xuống bàn. Sau đó lại nhìn vào đôi bàn tay thím một hồi lâu, rồi quát tháo: “Bà nhiều chuyện quá! Đó là trách nhiệm của chúng tôi. Bà khỏi lo. Về đi!” Thím lặng lẽ ra về…

Nghe thím kể, lòng tôi đau như cắt. Tôi nghĩ nếu mình trong hoàn cảnh như thím chắc cũng giải quyết như thế. Tôi lại nghĩ đến ông giáo và Lão Hạc trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao. Lão Hạc quý con chó Vàng biết chừng nào. Vậy mà cuối cùng lão cũng phải bán. Còn ông giáo thì quý sách còn hơn Lão Hạc quý cậu Vàng. Hồi bị ốm nặng ở Sài Gòn ông bán gần hết cả áo quần nhưng không chịu bán cho ai một quyển. Ông nguyện giữ chúng suốt đời để lưu lại cái kỷ niệm một thời chăm chỉ hăng hái và tin tưởng đầy say mê đẹp và cao vọng. Ông nhất định dù có chết cũng không bán. Ấy thế mà ông cũng bán. Chao ôi, khi người ta đã rơi vào thế cùng đường, người ta cũng phải làm liều! Nghĩ đến đây tôi lại thấy thương cho chú thím. Giờ thì tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận chú thím nữa. Tôi an ủi chú thím:

– Thôi, việc đã rồi! Chú thím cũng không nên buồn nữa! Chú cứ vui vẻ lạc quan mà dưỡng bệnh. Bệnh chú rồi cũng sẽ hồi phục thôi. Còn thím thì hãy bình tâm mà cố gắng lo cho chú khỏi bệnh. Hôm trước cháu có chiết mấy cành thế liên hoàn đẹp lắm. Hôm nào cháu sẽ đem về đây trồng ngay vào chỗ đó. Dù sao nó cũng là máu mủ của cây mai này.

Một tuần sau tôi đem cây mai thế liên hoàn về trồng ngay dưới gốc mai cũ. Với hy vọng sau này nó sẽ lưu giữ di tích của ông bà…

Tính đến mùa xuân này là mười lăm tháng hai mươi ngày, mà cây mai đã sum suê cành lá. Theo kinh nghiệm của nội tôi, chú tôi đã tỉa lá và hun khói cho nó. Chú tin tưởng mồng một tết mai sẽ nở bừng. Lúc đó cặp mắt của chú cũng bừng sáng theo…

Đúng là “mơ được ước thấy”. Sáng mồng một tết, hai cha con tôi về quê mừng tuổi tiên linh ông bà. Vừa đến ngõ cha tôi đã trầm trồ khen ngợi cây mai. Nghe tiếng cha tôi, hai mắt chú tôi tự nhiên bừng sáng. Ông chạy ra ngõ ôm chầm lấy cha tôi. Hai anh em cứ thế ôm nhau khóc sụt sùi.

Cây mai vàng trước ngõ đồng loạt khoe sắc, phả vào không gian một mùi hương dịu ngọt.

P.V.H

(Hội VHNT Quảng Ngãi)