Sinh ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sinh nhổ ở hàng rào nhà người ta hôm bế con về nhà mẹ. Chồng chết để lại cho Sinh một đứa con, tài sản chẳng có gì. Chồng Sinh vốn là trẻ mồ côi, lúc chết đi chẳng để lại chút máu mủ ruột già nào níu hai mẹ con ở lại.
Hôm thấy Sinh bế con đứng lơ ngơ ngoài cổng mẹ thở dài than: “Nuôi con gái tưởng gả chồng là xong. Ai ngờ giờ phải đèo bòng”. Sinh ôm con vào lòng, cơn buồn tủi nghèn nghẹn trong cổ họng. Nhưng may vẫn còn có mẹ để về. Sinh mang cây sấu trồng ngoài sân mường tượng ra góc sân râm mát. Cây sẽ vươn tán rộng chở che cho tuổi thơ của Na và tuổi già của mẹ. Nhưng kì lạ thay khi Sinh mang về trồng thì thân cây thẳng vậy mà qua tháng năm cây bỗng nhiên nghiêng hẳn về một phía. Gốc rễ một nơi mà bóng thẳm một nơi. Tán của cây nghiêng về phía hàng rào nhà Dìu, lúc nào cũng liêu xiêu như sắp đổ. Đời của cây gắn với những biến cố thăng trầm của đời người…
Minh họa.
Bóng cây vời vợi theo ánh nhìn của mẹ. Khi Dìu bỏ nhà đi đâu đó đã một tháng nay. Chuyện ấy thường thôi mà, đi chán không nơi nào chứa nữa lại về. Hoặc là bài bạc thua bị người ta đánh cho bầm dập thì lết xác về. Mẹ ngồi nhai nắm lá cây dịt lên người thằng con trai “to đầu mà dại” vừa khóc vừa chửi. Mẹ chửi đến tàn hơi, quay ra đã thấy Dìu nằm ngáy pho pho dù máu trên người vẫn chưa ngừng chảy. “Con ơi là con. Mẹ không biết còn phải lo cho mày đến bao giờ nữa”. Mấy câu xé ruột xé gan ấy Sinh nghe mẹ nói không biết bao nhiêu lần. Kể từ khi Dìu mới choai choai suốt ngày theo lũ bạn qua sông chơi đá gà. Tối mịt lại thất thểu trở về nhà, cả gà lẫn người đều xơ xác. Trên mặt Dìu có khi còn hằn vài vết xước dài như chiếc cựa gà. Lớn thêm một chút Dìu nhập vào đám đầu đường xó chợ chuyên phá phách dân làng. Mẹ có mấy bữa cơm nào ăn ngon khi phải nghe làng trên xóm dưới chửi con mình không ngớt. Rồi thì Dìu lao vào lô đề cờ bạc đến bệ rạc cả người. Đêm đến Sinh nằm nhìn đốm đỏ lập lòe trên bàn thờ mà thấy rợn người. Mẹ lẩm rẩm khói hương cầu khấn cho đến khi gà gáy báo canh, những tiếng chó cắn ma thưa dần. Dìu trở về đổ người xuống tấm phản kê ngoài hiên nhà như một cái xác không hồn.
Năm Dìu ba mươi tuổi có một người đàn bà tìm đến vực cái xác không hồn ấy dậy. Hôm Dìu dẫn người yêu về nhà ngồi vo gạo ngoài thềm giếng, mẹ vui chưa từng thấy. Đến cây sấu trước nhà cũng xanh vời vợi. Mẹ nhờ bà con hàng xóm cất hộ cái nhà nhỏ kế bên để đôi vợ chồng son sớm tối quây quần. Có vợ con rồi phải ở riêng ra cho tự lập. Vợ chồng chịu khó bảo ban nhau may chăng tâm tính mới thay đổi. Ai ngờ ngựa quen đường cũ. Thói cờ bạc ăn vào tận máu, chỉ có róc xương róc thịt đi may chăng mới đoạn tuyệt được đỏ đen. Hết tiền thì Dìu đi vay, trên thị trấn người ta dán đầy tờ rơi cho vay không thế chấp. Dìu về nhà ngọt nhạt mượn giấy tờ sổ đỏ của mẹ đi vay. Không cho mượn thì lấy trộm. Chẳng có sổ đỏ thì lấy sổ hộ khẩu, cắm chứng minh thư, sao chép bảng lương ở công ty. Dìu bảo “mẹ cứ phải nặng nhẹ với con. Người ta cho vay, tiền trao tay còn niềm nở kia kìa”. Dìu đâu biết mình chỉ là con mồi của những kẻ cho vay nặng lãi. Đến ngày mà không có tiền trả thì người ta lùng sục khắp nơi, ngày nào mà chẳng có người đến nhà đòi nợ. Con nhỏ, mẹ già họ cũng chẳng tha. Cả đám người xăm trổ cầm phớ đến “hỏi thăm”. Nhìn người ta chém phay bụi chuối đầu nhà, mẹ lạnh gáy nghĩ đến số phận thằng con trời đánh. Mẹ sống trong nơm nớp lo âu. Nỗi tủi hổ khiến mẹ không dám ngẩng cao đầu mỗi khi bước ra đường. Chỉ sợ người ta hỏi thăm cái đám người nửa đêm mang nước phân hất đầy sân nhà mẹ. Có khi sáng ra mẹ thất thần khi nhìn thấy con gà bị chặt đầu treo lủng lẳng ngoài cổng, máu rỏ tong tỏng xuống cát. Mẹ xỉu lên xỉu xuống than không biết kiếp trước mình gây nghiệp gì mà kiếp này sống cơ cực quá. Sinh dọn từng vệt máu, xách từng xô nước cọ rửa hết mùi hôi thối quanh nhà, lẳng lặng vác cuốc đi trồng lại từng cây chuối. Có khi bữa cơm đang ăn, đám đòi nợ thuê xộc vào hất đổ mâm xuống đất. Sinh quệt ngang nước mắt, lặng lẽ thu dọn từng mảnh vỡ.
Đêm ở xứ này bình yên đâu không thấy, chỉ biết trong nhà mẹ là sự lặng im đáng sợ. Ngay cả lúc trở mình mẹ cũng cố gắng không phát ra tiếng kêu cọt kẹt. Bởi mẹ còn nơm nớp canh từng tiếng động nhỏ ngoài sân. Cây sấu già rụng vài chiếc lá đêm, chuột chạy mái nhà, con thạch sùng tặc lưỡi cũng khiến mẹ giật mình thon thót. Hôm nào cũng vậy, cứ tầm ba giờ sáng là mẹ dậy, lọ mọ ra ngoài giếng vo gạo rồi vào bếp nhóm lửa khói um. Sinh cằn nhằn thì thể nào mẹ cũng bảo “nhỡ thằng Dìu đói quá trốn về xin cơm nhà thì sao. Cơm nguội khô lắm sao nuốt nổi”. Sinh nhìn mẹ mà thấy lòng mình như lá mục. Đã bao lần Sinh nói mẹ cứ kệ anh đi, dám chơi thì dám chịu. “Mẹ không dạy được thì cho xã hội dạy. Bao bọc mãi đã hư lại càng hư”. Mẹ giận tím mặt cả tháng không ngồi ăn chung. Cứ thấy mặt Sinh là mẹ quay đi. Đêm nằm bé Na năn nỉ Sinh hoài “mẹ đừng gây chuyện với ngoại nữa. Ngoại giận lây cả con. Buồn lắm”. Mà Sinh thì có dám gây chuyện chi đâu.
Tóc mẹ bạc trắng sau một đêm nghe tin Dìu bị công ty đuổi việc. Công việc của Dìu khối người mơ chẳng được. Nhà có ông trẻ làm lớn mẹ đi lại nhờ vả mãi mới xin cho Dìu vào được công ty lớn trên huyện. Giá mà Dìu không chơi bời thì với mức lương ấy thảnh thơi mà sống. Trước giờ Dìu vay tiền công đoàn, nợ nần người này người kia trong công ty mẹ đều gắng xoay xở trả. Gà chưa kịp lớn đã mang ra chợ bán. Lạc chưa kịp già đã gọi người đến thu mua lạc tươi. Rừng cây chưa đến lúc thu hoạch nhưng giấy nợ về nhà phải bán rẻ cho người ép giá. Nhà chẳng còn gì ngoài chổi cùn rế rách. Bán hết mà chưa đủ trả thì mẹ vay mượn ngược xuôi. Gom đủ tiền mẹ đến công ty con trai mà khóc lóc van xin để người ta không tố cáo Dìu lên cấp trên. Mẹ giữ công việc cho Dìu đến sức tàn lực kiệt chỉ vì muốn đến một ngày “thằng trời đánh đó” hồi tâm chuyển ý làm lại cuộc đời. Làm ở đó lúc về già còn có đồng lương. Vậy mà… “Con ơi là con. Sao mày ngu dại hết cả phần thiên hạ”.
Mẹ ốm suy sụp sau hôm con dâu bế hai đứa cháu nội bỏ đi. Những đứa cháu mẹ bế bồng từ khi còn đỏ hỏn, bón từng thìa cháo, hát lời ru nào cũng héo hắt tim gan. Vậy mà giờ mấy mẹ con dắt nhau đi mẹ bất lực không sao níu được. Sau trận ốm đó mẹ yếu đi trông thấy. Cái đốt sống bị xẹp từ hồi trẻ giờ mới lên cơn hành hạ mẹ. Những cơn đau nhức dai dẳng chạy dọc cơ thể khiến từng bước đi của mẹ cũng khó khăn. Có những ngày mẹ nằm liệt giường, cổ ngoẹo sang một bên, vai gáy tê bì. Uống thuốc thì đau dạ dày, bệnh này chồng lên bệnh kia, tàn tạ. Đêm nằm nghe tiếng mẹ rên lẫn trong tiếng gió, tiếng chó tru ngoài cánh đồng hoang vu khiến lòng Sinh tê tái. Suốt đêm Sinh ngồi bên cạnh xoa bóp cho mẹ đỡ đau. Thủ thỉ kể những câu chuyện ngày xưa, hồi bố còn sống, Sinh hay lẽo đẽo theo mẹ ra đồng. Có lần mẹ mải đi đổ nước hun dế cho Dìu chơi nên không nghe thấy tiếng Sinh kêu cứu dưới sông. Trong lúc giã gạo giữa dòng nước xoáy Sinh không nhìn thấy gì ngoài tấm lưng của mẹ. Bữa ấy may có người đi làm đồng nhảy xuống cứu kịp thời. Về nhà mẹ đánh Sinh một trận thừa sống thiếu chết. Lần ấy mẹ có biết vì sao con lao xuống sông không? Vì con muốn bơi sang bờ bên kia bẻ mía cho mẹ ăn. Vì con thấy mẹ kêu khát nước. Nhưng có lẽ mẹ không nghe thấy điều Sinh vừa nói. Cơn đau nhức bớt đi mẹ thiu thiu chìm vào giấc ngủ. Nhưng vừa chợp mắt vài phút đã thấy mẹ hoảng hốt gọi “Dìu ơi”.
Mẹ gọi “Dìu ơi… Dìu à…” ngay cả khi cơn đau dạ dày tái phát hành hạ xanh xao. Tiếng gọi như tụng niệm không biết có làm mẹ bớt đau, Sinh chỉ thấy một đôi mắt người già nhìn xa xăm vời vợi. Thuốc tây không giúp mẹ khỏi bệnh, Sinh nghe ở đâu có thầy bốc thuốc giỏi đều khăn gói lặn lội đi tìm. Để có tiền lo cho mẹ Sinh đi gõ hạt thuê cho xưởng gỗ gần nhà. Gõ mỏi nhừ tay ngày khá lắm thì kiếm được trăm ngàn. Dưới khu công nghiệp tuyển thợ may nhiều lắm, lương cũng cao. Nhưng khổ cái họ bắt tăng ca, ở nhà không có ai trông mẹ và bảo ban bé Na học hành nên Sinh đành chịu. Tính mẹ Sinh lạ gì, không có người thúc giục là mẹ bỏ bữa liền. Bệnh đỡ một tí là mẹ lại gánh gồng. Trong đầu mẹ nhàu nhĩ lo toan nợ nần đến nỗi tiếc với bản thân vài chục ngàn mua thuốc. Ấy vậy mà có khi cóp được vài đồng là Dìu lại dẫn xác về kể khổ. Mẹ nước mắt ngắn dài vét sạch nhà cửa dúi vào bàn tay kẻ phá gia chi tử ấy. Sinh can ngăn đâu có được, mẹ kiểu gì chẳng nói “con ai người ấy thương. Máu mủ ai người ấy xót”. Sinh định hỏi xem mình có phải là con mẹ hay không? Mà sao mẹ chưa từng biết xót? Nhưng hỏi thế nghe chừng chua xót quá, nên thôi. Đến cây sấu ở trước nhà còn biết nghiêng tán về phía bên kia hàng rào. Tựa như dáng mẹ ngồi ở đây mà tâm trí lúc nào cũng hướng về phía Dìu. Sinh chỉ nhìn thấy lưng của mẹ…
Đùng cái, Dìu bỏ đi biệt xứ vài năm. Không ai biết đi đâu. Trong những năm tháng ấy từng cái răng của mẹ rụng dần, trống huơ trống hoác. Bé Na cũng đã thành thiếu nữ lúc nào không hay. Một hôm nhìn Na soi gương làm duyên, Sinh giật mình hỏi con:
– Con có kinh nguyệt bao giờ vậy?
– Năm xưa mà mẹ. Hôm con chạy về nhà xin tiền mẹ mua băng vệ sinh mẹ còn vội đèo bà đi châm cứu. Con phải sang nhờ cô Hương hàng xóm đấy thôi.
– Ờ nhỉ, sao mẹ chẳng nhớ gì?
Na xoay trước gương, váy trắng bồng bềnh. Con bé nghĩ trong đầu, mẹ đâu có nhớ gì. Mẹ lúc nào cũng bận. Hôm Na khoe cái răng đầu tiên rụng mẹ còn vội hớt hải gọi người đến bán cặp bò để bà đi chuộc bác Dìu. Hôm Na đánh nhau với mấy đứa ở lớp, cô giáo bắt về gọi gia đình, nó đâu biết gọi ai. Bà nghe tin bác Dìu bị người ta đánh thì xỉu lên xỉu xuống. Mẹ sấp ngửa chạy lo tứ phía đâu còn thời gian lo chuyện của Na. Cũng đâu có biết Na đánh nhau vì tụi bạn hay chửi “nhà mày chẳng ra gì”. Đường trước nhà mới mở, dân công trình về làng ở nhờ trong căn nhà mà Dìu để lại. Chuyện Na yêu anh chàng công nhân cả làng đều biết. Mà nhà ngay sát vách, chuyện ngay trước mặt mẹ cũng đâu có biết. Na đuổi theo mẹ. Mẹ mải đuổi theo bà, bà đuổi theo bác Dìu. Na thấy trong nhà này lạ lắm. Cứ người này đuổi theo cái bóng của người kia. Chẳng ai chịu quay lại nhìn ai trong suốt tháng năm dài đằng đẵng. Nên suốt những tháng năm thơ ấu Na luôn tự hỏi làm thế nào để ít nhất một lần mẹ quay lại nhìn mình?
Vài lần Na mang những vết bầm dập về nhà. Đánh nhau với đám con gái mới lớn xóm bên. Hoặc lỡ trèo rào vào nhà người ta hái bông bưởi cho mẹ gội đầu bị đàn chó dữ lao vào cắn. Na đứng trước mặt mẹ chờ đòn roi mắng mỏ. Nhưng mẹ cúi gằm mặt xuống cối, tay cầm chày giã nhuyễn thuốc cho bà đắp. Mẹ giục “xuống bếp nấu cơm đi. Rau dền với tôm khô. Cá kho đun lại lửa”. Lần khác thấy mẹ ngồi khâu áo cho bà, Na ngồi sau lưng mẹ kể chuyện chơi. “Bọn nhỏ bây giờ ham tự tử. Buồn tí tí cũng nhảy lầu cắt tay. Con nhiều lúc buồn ghê cũng tính làm liều. Nhưng con sợ đau, đâu có bạo gan như chúng nó”. Mẹ hình như có dừng mũi kim một vài giây, mặt vẫn không ngẩng lên, chỉ bảo “chết đâu có dễ”. Lần khác Na hỏi “sao bây giờ người ta ưa làm mẹ đơn thân? Giả dụ sau này con không chồng mà chửa thì mẹ có buồn không?”. Mẹ ngẩng lên từ đám khói bếp mịt mù nói câu gì Na nghe không rõ. Củi ướt quá, hầm nồi cháo hạt sen cho bà mẹ thổi khói muốn mù hai mắt. Bà chê “cháo lão gì toàn mùi khói. Nhà này chỉ có thằng Dìu nấu cháo là ngon nhất. Hồi nó chừng mười tuổi đã biết nấu cháo cho mẹ ăn”. Na nhìn mẹ ngồi khom lưng tay bó gối ngoài thềm mà se sắt thương. Mẹ có nấu tất cả những món cháo ngon bổ nhất trên đời thì bà mãi chỉ nhớ đến bát cháo của ngày xưa cũ.
Sau bảy năm biệt tích cuối cùng Dìu cũng trở về nhà với mẹ bằng thân xác lặng câm. Cái tin Dìu chết loan nhanh như một cơn gió quanh làng. Hôm người ta đưa xác Dìu về mẹ như hóa đá. Sinh đỡ mẹ dậy, chỉ nói một câu duy nhất: “Mẹ cố gắng gượng đưa anh nốt chuyến đi cuối cùng này”. Mẹ ngồi trên chiếc ghế nhựa bạc phếch, hai người giữ hai bên. Đôi mắt mờ đục nhìn người ta khiêng quan tài chầm chậm chui qua chiếc cổng tre. Kể từ đó mẹ không đi lại được nữa, ngồi đâu ngồi đó. Mắt lúc nào cũng hướng ra phía cổng. Mẹ bắt đầu hay nói chuyện một mình. “Dìu về đấy hả con? Mày đi đâu mà lâu thế? Trốn chui trốn nhủi thế ai nấu cho mà ăn? Đêm ngủ có lạnh không? Ra cây hái quả mít to nhất vào mà bổ ăn, mẹ vẫn phần. Sinh đấy à? Cầm rổ ra bờ ruộng hái ít rau má về rửa sạch cho anh mày ăn cơm. Nhớ sốt nước cà chua thật ngon, thằng Dìu thích mê món đó…”. Bữa cơm nào mà Sinh quên lấy thêm bát đũa là mẹ giận không ăn. Cũng đừng lấy bát sứt và đũa mốc cho Dìu, mẹ không vui. Nấu ăn món gì cũng phải nêm thêm mắm muối “thằng nhỏ thích ăn mặn. Ngày xưa nhà nghèo kho nồi tép phải cho nhiều muối để ăn dè”. Với mẹ Dìu đâu có chết. Dìu vẫn quanh quẩn bên mẹ đấy thôi. Đi đâu đó vài ngày rồi lại về vào bếp lục cơm nguội, nướng vài con cá khô ăn lẫn cả bụi tro. Có khi mẹ phải lôi Dìu ra giếng bắt tắm gội. Bắt ngồi yên trên chiếc ghế gỗ để mẹ cạo râu cắt tóc “cho giống con người”. Có khi mẹ cầm roi dồn Dìu chạy quanh sân hỏi “từ giờ có chịu chừa thói lô đề cờ bạc hay không”. Dìu cười hiền khô ôm chân mẹ mặc cho cái roi tre quật xuống.
Mẹ bây giờ nhìn đâu cũng thấy Dìu. Khi leo tót lên cây mít hái mít meo cho vợ đang ăn dở. Khi chui xuống giếng nạo bùn. Khi lúi húi ở vườn rau nhổ cỏ. Những lúc không túng quẫn nợ lần Dìu hiền như cỏ. “Sinh đấy à? Nhớ nhắc anh con sửa cái thang. Hoa xoài rụng đầy trên mái nhà, phải trèo lên mà quét không nước tràn hết vào nhà”. Có lần giữa đêm khuya mẹ cứ bắt Sinh cầm đèn đi tìm người: “Anh con vừa mới về đó thôi. Mẹ nghe thấy tiếng nó gọi yếu ớt ngoài vườn. Con chạy ra nhanh lên không mưa to thế này thằng Dìu cảm mất – Mẹ ơi! Mẹ tỉnh lại đi. Anh Dìu mất mấy năm nay rồi mà mẹ – Phỉ phui cái mồm mày. Nó còn sống sờ sờ ra đấy. Sao trời không đánh chết đứa độc mồm độc miệng”. Sinh lao ra giữa cơn mưa tầm tã. Giá mà sấm sét đánh chết Sinh đi ngay cũng được. Cái ý nghĩ ấy từng vài lần nhen nhóm trong đầu Sinh. Như lúc trèo lên đỉnh núi treo leo tìm hái lá thuốc về cho mẹ uống. Trong lòng Sinh dậy lên ý nghĩ nếu mình rơi từ đây xuống đất liệu mẹ có một lần quay lại nhìn mình?
Lúc đứng tần ngần trước gương Na xoa bụng mình tự hỏi. Nếu bây giờ cái bụng mình to lên thì liệu mẹ có chú ý đến không? Na không biết phải nói với mẹ thế nào về cái thai trong bụng. Có khi lấy hết can đảm để nói cũng chắc gì mẹ đã nghe thấy. Mẹ nói từ lâu tai mẹ cứ ù ù, khi thì tiếng ve râm ran, thì thì tiếng dế rỉ rả do rối loạn tiền đình. Nửa đêm mẹ thường không ngủ sâu giấc vì sợ chẳng nghe thấy tiếng bà gọi bên kia buồng. Nên Na tính nói cho mẹ về cái thai trong bụng bằng cách khác. Như mấy buổi trưa nay nó hay ngồi ngay trước mặt mẹ chóp chép nhai trái khế chua. Hết khế thì vặt mấy quả chanh. Chanh nhà hết thì nhờ mẹ đi chợ “mua trái gì chua chua con ăn cho đỡ háo”. Mẹ đi chợ về vứt lăn lóc những trái chanh trên bàn “ăn chua lắm rồi đau dạ dày như bà ngoại ấy. Thuốc nào chữa nổi”. Có vài người trong xóm xì xào “cái Na dạo này nhìn khang khác. Lông mày thì dựng đứng, thấy cây khế chua ở hàng rào là kiễng chân hái ăn bằng được. Mà hôm nọ còn thấy đứng nôn khan ngoài cổng”. Sinh còn bận đập hạt bên xưởng mộc. Dạo này đơn làm tràng hạt nhiều lắm, có khi chủ xưởng yêu cầu làm cả đêm. Cũng tốt, không có mấy đồng lương biết xoay xở thuốc thang cho mẹ thế nào. Nhà thì dột hết rồi cũng phải kiếm chút tiền lợp lại.
Nhưng nhà chưa kịp lợp lại thì mùa mưa ập đến. Nhà không có đàn ông, Sinh tính trèo lên thay tấm bờ lô xi măng khác nhưng bé Na không chịu. Con bé nói “mẹ già rồi chân tay lại hay run. Nhỡ trượt chân thì khổ”. Na tính để tạnh mưa rồi làm nhưng vết dột chọn đúng giường mẹ nằm, tội lắm. Mà mùa này trời mưa dai dẳng, cơn này chưa tạnh cơn khác đã đến. Na đứng trên mái nhà nhìn xuống thấy mẹ gầy quá chừng. Giả dụ một cơn gió lớn thổi qua có khi cũng làm mẹ liêu xiêu. Trời tiếp tục đổ mưa, Na giục mẹ vào nhà đi kẻo ướt. Những tấm Phi bờ rô xi măng dầm mưa dãi nắng đến mọc rêu. Hoa xoài, lá khô rụng đầy ứ đọng khiến nước không thoát được. Trong lúc lúi húi dọn rác thì một tiếng sấm lớn vang lên khiến Na giật mình trượt chân ngã nhào xuống đất. Mái nhà thấp may người không chết. Nhưng cái thai trong bụng không giữ được. Sinh chết điếng người trước cửa phòng cấp cứu. Môi run run không bật được hai tiếng “con ơi”. Lúc tỉnh dậy Na thấy mẹ ngồi gục mặt cuối giường. Trong lòng nó cồn cào xót xa bởi ý nghĩ cuối cùng thì mẹ cũng chịu nhìn đến đứa con mình.
Buổi chiều nhạt nắng Sinh ngồi dưới hiên nhà tuốt rau ngót nấu canh cho Na ăn. Một lần sảy bằng bảy lần sinh, ý nghĩ ấy khiến lòng Sinh thắt lại. Lúc này, mẹ ngồi ngay đằng sau trên chiếc ghế gỗ quen thuộc đã bắt đầu cọt kẹt vì mối mọt. Na ngồi ở đầu giường, tay ôm lấy bụng mình lòng ngập đầy mất mát. Mấy ngày nay Na có hiện tượng chảy máu do sót nhau. Những bát canh rau ngót của mẹ sẽ giúp cho tử cung co bóp mạnh, nhau thai sót sẽ được đẩy ra ngoài. Sẽ chẳng còn chút gì liên quan tới con nằm trong cơ thể người mẹ tội lỗi này. Từng có lúc Na sợ mẹ phải xấu hổ trước bàn dân thiên hạ nên tìm cách phá thai. Không dám đến những cơ sở y tế vì sợ lộ, sợ đau Na lên mạng gõ dòng chữ “cách phá thai tự nhiên ở nhà, đơn giản và hiệu quả”. Những dòng chữ vô tình sáng bừng trên màn hình điện thoại. Phá thai bằng nước dừa, rau ngải cứu, rau răm, đu đủ xanh, rau má. Cách nào Na cũng thử. Mấy nắm rau ngót được tuốt trộm trong đêm, vò đặc, nhắm mắt uống cho cố kiết. Nhưng cái thai trong bụng vẫn kiên trì bám vào cung lòng mẹ, tha thiết được yêu thương. Nhưng Na đã bao giờ đoái hoài đến một sinh linh bé nhỏ xuất hiện trong cuộc đời mình. Chỉ đến khi con không còn nữa, Na mới sờ xuống bụng ôm một nỗi ân hận vô hình. Mấy đêm nay Na mơ thấy tiếng con gọi mình. Na còn chưa kịp nghĩ cho con một cái tên thật đẹp. Biết có còn kiếp sau không. Mà nếu có kiếp sau chắc con cũng không chọn gieo vào lòng một người mẹ như Na nữa. Na tựa đầu vào thành giường, khép mắt. Gió thổi từ cánh đồng ập vào sân hương đòng đòng dìu dịu.
Người mẹ già giật mình ngẩng lên, bà nhận ra tóc Sinh đã bạc trắng tự bao giờ. Sinh nhìn cây sấu già trước nhà gốc một nơi, bóng thẳm một nơi. Cây cũng giống như con người vậy, có khi cả đời chỉ biết vặn mình nghiêng mãi về một phía…
Theo Vũ Thị Huyền Trang/Văn nghệ