Cây ở Sài Gòn

1369

Nguyễn Hội

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ở Sài Gòn có nhiều những hàng cây cổ thụ đứng trầm mặc, ung dung dõi theo mọi vật đổi sao dời, suốt chiều dài lịch sử. Hàng cây trồng theo quy hoạch có thứ tự đẹp nhất có lẽ là hàng cây sao ở công viên 30/4, đối diện với dinh Độc Lập. Theo tài liệu ở Trung tâm bảo tồn và phát huy di tích lịch sử Thành phố, hàng cây này được người Pháp trồng từ những năm 1882, 1883. Gần ngay đó là hàng cây xà cừ (mà có người gọi văn hoa là cây sọ khỉ) được trồng cùng thời với những cái bướu, cái nu như gu của con bò khổng lồ, trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nhưng nơi tập trung nhiều các loại cây và cổ thụ hơn cả vẫn là ở Thảo Cầm Viên và công viên Tao Đàn. Thảo Cầm Viên là công viên bảo tồn động thực vật lớn nhất Sài Gòn, được người Pháp xây dựng từ năm 1864. Hiện đang có hàng trăm loài động thực vật đang được bảo tồn tại đây. Nhiều cây cổ thụ đứng sừng sững vài ba người ôm không xuể. Trên cây, những loài rêu, dây leo, tầm gửi quấn quanh chằng chịt. Thi thoảng có những nhành phong lan đung đưa, lấp ló. Hồi nhà tôi vô nhà thương Từ Dũ để chuẩn bị sinh em bé thứ hai, đến ngày nhưng khó sinh, bác sĩ khuyên nên đi bách bộ thật nhiều. Thế là hai chúng tôi vô Thảo Cầm Viên đi dạo. Chẳng biết do hú vía trước mấy con ác thú nhe nanh gớm ghiếc hay khoái chí với những chú sóc bông đuôi dài như cờ hoa lau đang tung tăng nhảy nhót trên cành những cây đại thụ mà cha mẹ mới dạo một vòng, cô bé nhà tôi đã cuống quýt đòi ra.

Ở công viên Tao Đàn cũng có hàng trăm loại cây và nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm. Ở giữa công viên là con đường Trương Định với hai hàng cây dầu thẳng tắp phân chia công viên thành hai phần đều nhau như hai lá phổi của Thành phố.

Có lần tôi đưa người nhà ngoài Hà Nội vào chơi Sài Gòn. Giữa trưa hè oi ả, xe chạy vòng vòng quanh các con đường Huyền Trân Công Chúa, Pasteur rồi đến đoạn giao với Nguyễn Thị Minh Khai để hưởng cái không gian rợp bóng râm xanh mát và ngắm những hàng cây cao vút, bao trùm cả con đường. Người ngoài Hà Nội lần đầu dạo phố phương Nam bảo, không ngờ ở Sài Gòn cũng có những hàng cây cổ thụ chẳng kém gì Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nói thì nói thế thôi chứ Sài Gòn vốn là vùng đất trũng thấp, từ xa xưa tuy là rừng rậm nhưng cũng chỉ là những cây nhỏ không có sự quy hoạch của chính quyền. Mãi cho tới năm 1698, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh thừa lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu mới xác lập chủ quyền trên vùng đất Gia Định này. Không biết hồi ấy, Lễ Thành Hầu có cho trồng những hàng cây ghi dấu chủ quyền hay không. Nhưng theo các nhà nghiên cứu thì hai cây dầu số 160 và 168 ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 có tuổi đời khoảng 150 năm đã là cây xanh lâu năm nhất trên đường phố Sài Gòn rồi.

Ở đường phố Sài Gòn có những loài cây mà hình ảnh của nó gợi cho ta liên tưởng đến lứa tuổi học trò đong đầy kỷ niệm. Ấy là những hàng me rợp bóng những trưa hè và những chùm quả màu nâu sai chĩu chịt. Cùng với cây dầu, loài cây này cũng được người Pháp trồng từ những ngày đầu chiếm đóng “Hòn ngọc Viễn Đông” để tạo thêm bóng mát cho xứ sở nhiệt đới. Tuy nhiên, do tuổi thọ có hạn nên những gốc me cổ thụ trên đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng… nay đã mai một dần. Một số cây trên đường Võ Văn Tần, Trương Định vẫn hàng ngày làm hình nền cho các chàng trai, cô gái tìm đến chụp những tấm hình lưu niệm. Để rồi mai này xa nhau, họ vừa xem hình, vừa nghe bài hát Vùng Lá Me Bay của nhạc sĩ tài hoa Anh Việt Thanh mà bùi ngùi luyến nhớ.

Chính quyền Thành phố cũng đã và đang trồng mới những hàng me ở nhiều tuyến đường trong nội ô. Còn nếu ai đó muốn ngắm những gốc me già cỗi nhưng vẫn tỏa bóng mát xanh non làm tông màu diệp lục nền cho nổi bật một tòa nhà còn giữ nguyên kiến trúc Pháp, thì hãy đến số 59 – 61 Lý Tự Trọng. Toà nhà này được chính quyền Nam Kỳ xây dựng từ những năm 1860 để làm trụ sở của Nha Giám đốc nội vụ mà người dân Sài thành thường quen gọi là dinh Thượng Thơ. Hiện nay nó được sử dụng làm trụ sở chính của Sở Thông tin, truyền thông và một số cơ quan Nhà nước khác.

Hồi nằm ở Quân y viện 7A, tôi thường đi tắt từ đường Nguyễn Trãi qua đường Phước Hưng để tìm chút bình yên dưới những tán cây cổ thụ ở con đường này. Ăn một chiếc bánh ngọt ở tiệm Hỷ Lâm Môn nổi tiếng, rồi tôi băng ngang sang đường, đi bách bộ trong công viên Văn Lang, nằm giữa đường An Dương Vương với Hùng Vương; bên kia là nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc kế bên đường Ngô Gia Tự. Xung quanh công viên và nhà thờ là những hàng cây dầu có tuổi đời hàng thế kỷ. Có cây cao đến trên ba chục mét, thẳng tắp như cây cột chống trời. Cây cao như vậy nhưng chưa bao giờ đổ gãy hay bật gốc. Bởi lẽ dầu là cây dễ cọc, được trồng từ nhỏ. Dễ cây ăn sâu xuống dưới lòng đất, lan ra xung quanh vài ba chục mét tạo thành một cái đế vững chắc.

Bác Ba Bạc, một người Sài Gòn chính gốc cùng đi bách bộ với tôi thủng thẳng bảo: Nghe nói sau này, Thành phố mình cũng làm những con đường hai ba tầng như bên Băng Cốc, Bắc Kinh. Chả biết họ có gìn giữ những hàng cây này cho thế hệ mai sau không nhỉ?

Sài Gòn, 7/12/2020
N.H