Cây phượng cô đơn – Tản văn của Lê Trọng Bình

1637

Chẳng biết nó nhiêu tuổi, thân xù xì, cành lá khẳng khiu, trơ trơ bao nhiêu năm qua. Hai thập kỷ trước… và bây giờ cũng như nhau. Nó là biểu tượng tuổi hồng ngày nào còn thắm trên trang sách của học sinh trong ngôi trường này…

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Mới đó mà đã hai mươi năm. Hôm ấy Hồng Loan kêu tôi bẻ dùm nhành hoa phượng, để làm gì chỉ có nàng mới biết. Nhưng tôi không làm bởi vì nhát gái và sợ cái cảm giác của mùa hè, nghe tiếng ve kêu, xa bè bạn… Cây phượng này là kỷ niệm của bao nhiêu lớp học trò đã từng kinh qua. Nó phải gồng mình cho máu rỉ bởi sự tinh nghịch của tuổi thần tiên, nào là tên, lớp, niên khoá… chi chít trên da mình. Rồi cũng chẳng nhớ có tất cả bao nhiêu học trò cày xéo thân nó để bẻ sắc đỏ sặc sỡ mùa chia ly.

Nếu có lần về, chắc ai cũng thèm có một cảm giác đến gần nó. Để sống lại ký ức hồn nhiên, được chạy nhảy leo trèo. Họa lên mình của nó những dấu yêu của năm tháng học trò. Giờ thì mấy ai làm được điều đó… Nhìn kìa, cạnh đó là cửa sổ phòng của ông giáo già cô đơn đếm tiếng mưa rơi.

Bước chân loạn xạ về lại chốn chỉ thua quỷ với ma. Khung cảnh thân quen ngày nào giờ đã thay đổi nhiều. Cổng trường không còn vang vọng xa xa, nhà cao tầng đã che khuất tán phượng. Chiếm luôn không gian ngự trị vành tán của nó, nhìn nó đứng khép nép thật vô hồn. Không gian tĩnh vắng hai bên đường bây giờ được lấp đầy bởi những phòng game. Những tụ điểm bắn cá, trò chơi ăn tiền mà trong đó các vị khách thật đáng làm cho người lớn lo lắng, buồn lòng.

Ký ức ngày xưa đã vỡ vụn, thân cây phượng không còn rỉ máu. Sự lành lặn đã giúp rêu phong phủ đầy, đủ hiểu là nó buồn và cô đơn cỡ nào. Nó thiếu một tình cảm thi vị của con người. Con người vì cô đơn mà chết là thường, có lẽ đó cũng là dự báo cho thân cây cổ thụ này.

Ngày nay còn ai mà nhờ bẻ nhành phượng nữa? Thời gian đâu mà khắc dấu ghi tên! Các bạn đang rất… rất… bận rộn với các phòng bên cạnh. Bạn nữ thì bận lướt web, selfie… cho zalo, facebook ăn đủ ba bữa mỗi ngày. Thậm chí còn cổ súy câu like cho những clip bạn mình bị đánh tập thể.

Len lỏi qua những dãy nhà để tìm thăm cô. Rất nhiều những tạp âm và hình ảnh là lạ trên màn hình máy tính. Quần áo các bạn xộc xệch, nhìn như phi công đang uốn mình, nghiêng nghiêng theo một cảm giác ảo. Miệng cứ rú lên cành cạch, mỗi bạn một máy, việc ai người đó làm, chẳng thèm để ý đến xung quanh. Chắc đó sẽ là ký ức hồng cho những năm sau của thế hệ hôm nay.

Hóa đã về đó hả em?

Tôi giật mình quay lại “Em chào cô, cô có khoẻ không ạ!

Cô vẫn khoẻ, cô đang đợi các em đây! Vào nhà ngồi đi, kệ chúng nó. Học trò giờ là vậy, không như tụi em ngày xưa đâu!

Là một trong những người đầu tiên làm nghề “chèo đò”, từ khi khai thiên lập địa ra ngôi trường này. Hơn ai hết cô là người hiểu rõ sự bạc bẽo của nghề giáo, muốn biết gì thì cứ hỏi cô. Năm nay cô lại yếu đi một chút, sống cô quạnh một mình, niềm vui lớn nhất là khi có trò cũ về thăm. Dịp Hiến chương các nhà giáo là ngày Tết lớn của cô, nên cô rất vui và chờ đón các vị khách phương xa như tôi. Cứ thế năm nào cũng vậy, đặc biệt là bây giờ khi đã nghỉ hưu rồi thì lại càng trống vắng, cô mong mỏi chúng tôi là phải!

Căn nhà cũng như xưa chẳng có gì ngoài mộc mạc với vài vật kỷ niệm trên tường. Chợt tôi nhớ câu nói ví von của cổ nhân “Giấy trắng, phấn trắng, bàn tay trắng/ Bảng đen, mực đen, cuộc đời đen”. Chứ làm gì mong hết giờ để còn kịp đi dạy thêm.

Lá phượng vỗ tay trong nắng thu như hoan nghênh người cũ trở về. Hắn vui vì gặp lại bạn là nhân chứng lịch sử. Nhưng chắc rất buồn vì thân thể của hắn không được trầy trụa như xưa. Người buồn vui lẫn lộn là tôi mới phải, vì năm xưa chưa kịp bẻ dùm ai đó một cành phượng, để rồi giờ đây phải một mình lặng lẽ với trường xưa.

L.T.B