Cây phượng già cuối phố – Tạp văn của Song Nguyễn

1060

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà tôi nằm nép mình trong con hẻm nhỏ của thị trấn. Đêm trở giấc, tôi thường được nghe tiếng cót két đầy mệt mỏi của những chiếc xích lô, tiếng kéo lê rệu rã của những chiếc bánh xe hủ tiếu gõ trên mặt đường dài, tiếng bước chân của những chú công nhân bốc vác từ bến tàu về trễ, tiếng thở dài của thím hàng xóm mỗi khi đứa con trai của thím gọi về nhắn gửi tiền lên đóng học phí… Mỗi âm thanh là một tiếng lòng khắc khoải, khắc họa lên một bức tranh muôn màu của xóm lao động nghèo cuối phố.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Ngay đầu hẻm là nhà của bà Hai, căn nhà nhỏ lợp tol hoen rỉ, cột nhà là những cây gỗ tạm đã qua mấy mùa mưa nắng, mỗi khi có gió chúng cựa mình vào nhau cót két. Mặt trước nhà, bà Hai treo đủ các loại bánh kẹo, vài món tạp hoá để bán cho mười mấy cái nóc nhà trong hẻm và khách vãng lại. Phía trước nhà bà Hai còn có cây phượng vỏ xù xì, tàn lá xanh um, che bóng mát rượi. Dưới gốc phượng, bà kê một cái bàn gỗ, mấy cái ghế nhỏ để khách ngồi ăn bánh xèo. Bất kể mưa hay nắng, trưa nào bà Hai cũng lui cui đổ bánh xèo bày ra để bán. Đứng từ cuối hẻm đã nghe mùi thơm của bánh bay theo gió xộc vào mũi.

Do quán của bà Hai nằm đầu hẻm nên chuyện gì cũng được đưa ra bàn tán đầu tiên. Từ cái chuyện “giựt gân” con chú Ba chạy xe ôm phút chốc thành hoa khôi cấp huyện; chuyện thằng An con chú Bình đạp xích lô đậu đại học một lúc hai trường, đến chuyện bà Tư bán thịt ngoài trung tâm thị trấn bể hụi bỏ nhà đi biệt xứ… Chuyện trên trời, dưới đất gì cũng được bàn tán cho đến khi bà Hai đem ra cái bánh xèo giòn rụm. Cái chuyện ngồi chờ bánh thì không có gì là lạ bởi bánh xèo “gia truyền” của bà Hai thì ngon có một không hai ở nơi này. Ngoài cái cách pha bột có nước cốt dừa, nước mắm ngon hết sảy ra, nơi đây còn có rất nhiều loại rau vườn bà Hai tự trồng, ăn kèm với bánh. Cái chảo chiên bánh của bà Hai thì bóng loáng, mẻ bánh nào cũng tròn đều như nhau.

Tụi con nít trong hẻm thường ra ngồi chơi dưới gốc phượng trước nhà bà Hai. Mỗi năm cứ độ vào hè, hoa phượng rủ nhau nở, nhuộm đỏ cả góc phố. Mấy thím chim sâu hót to, hót nhỏ, khoét thủng cả khoảng không gian trưa. Rặng cây hoàng hạ treo lửng lơ những chiếc đèn lồng vàng rực. Lũ ve khản cổ gọi bầy làm xôn xao cả thị trấn. Con nít tụi tôi trốn ngủ rủ nhau ra đùa giỡn. Ở chợ, đâu có tàu đủng đỉnh, lá chuối, cây bình bát làm cột mà cất nhà chòi, nên tụi con gái thì đi lượm hoa phượng xếp vòng tròn, hay xếp hình con bướm ép vào sách, tụi con trai thì chơi bắn bi, đánh trận, khi thì nghịch ngợm trèo cây bắt chim.

Hồi tôi lên cấp ba, thị trấn quy hoạch lại và phát triển thành thị xã. Cái tiệm tạp hóa của bà Hai cũng sửa sang thành cửa hàng bách hóa bề thế hơn. Riêng cái góc đổ bánh xèo và bộ bàn ghế gỗ là không thay đổi. Hết ba năm, tôi tốt nghiệp cấp ba rồi cũng lên thành phố trọ học. Sau đó thì gia đình tôi cũng chuyển lên thành phố nên ít có dịp về thị xã.

Mỗi năm một lần cây thay lá là cũng một lần cây phượng trổ bông ôm tròn những mùa hoa trên phố. Ấy vậy mà, hơn mười năm tôi chưa một lần về thăm chốn cũ. Những lúc lang thang một mình tôi lại miên man nhớ về con hẻm nhỏ, nhớ cây phượng già nua, rong rêu theo dấu vết của thời gian, vẫn đâm chồi xanh rì khát vọng, kết những mùa hoa đỏ rực giữa nhịp sống hối hả của thị thành. Và tôi không làm sao quên được, cái mùi vị bánh xèo của quán bà Hai nơi đầu hẻm.

Lần về công tác có dịp ghé qua, tôi nôn nao chờ tan buổi họp để thăm lại góc phố xưa. Thị xã bây giờ đã khang trang lên thành phố. Con hẻm xưa, giờ cũng có tuổi, con đường ngày nào mùa nắng nóng oi, mùa mưa nước đọng giờ nới rộng ra thêm và cũng đã được gọi thành tên. Tôi đưa mắt về phía bên kia đường, mải miết tìm dưới gốc phượng già nua, một bộ bàn ghế gỗ xiêu vẹo, tìm dáng bà cụ lưng còng, áo nâu, tóc trắng phau, mồ hôi đậu trên trán nhăn nheo vì sương nắng… Nhưng tất cả vắng lặng mất rồi. Tôi bước sang đường và đến gần… đến gần… góc phố vẫn im bặt.

Tôi lặng thinh, rồi vội vã bước đi. Tôi đi trong ánh hoàng hôn nhập nhoạng, sau lưng tôi, thành phố trẻ lên đèn, ánh sáng trải mênh mông, vàng vọt…

S.N