(Vanchuongphuongnam.vn) – Hùng ngọng đến thăm tôi khi trời bên ngoài đã sẩm tối. Tôi đang khám cho bệnh nhân. Phòng khám ngoài giờ của tôi nằm ngay ngã tư đèn đỏ. Đang mùa gió chướng. Gió thổi lồng lộng. Bụi cát bay vào tận chỗ tôi ngồi. Mấy tấm rèm lá dọc chất liệu PVC và polyester đập rần rật, rần rật. Hùng bước vô bắt tay tôi. Tôi đứng dậy choàng tay ôm hắn. Đầy xúc động. Tôi nhớ, lúc ngồi ở ghế nhà trường, hắn còn một tên nữa là Hùng sứt, vì bị tật sứt môi. Nhưng trước mặt hắn, chả ai nỡ gọi thẳng thừng bằng hai cái tên thô thiển gợi lên sự tật nguyền tội nghiệp đó.
Sau mấy chục năm ra trường, mỗi đứa về mỗi phương, đây là lần đầu tiên tôi gặp lại hắn. Tôi luôn ước ao có dịp cùng ngồi lại bên cạnh bạn bè, tha hồ ôn lại những kỉ niệm thời sinh viên êm đềm của chúng tôi. Hồi đó, nhóm sinh viên nghèo nhất lớp bầu hắn làm nhóm trưởng, tôi nhóm phó; cả nhóm gắn bó với nhau rất thân tình. Hình như lúc càng luống tuổi, càng chín chắn, người ta càng muốn tìm về quá khứ, dẫu quá khứ đó thế nào chăng nữa.
Còn vài bệnh nhân cuối cùng, tôi ngồi xuống khám tiếp, bắt hắn ngồi chờ trước li nước lọc. Tôi để mắt thấy hắn không chịu ngồi yên mà cứ đi đi lại lại trong phòng, ngó quanh quất, ra vẻ hiếu kì lắm. Hắn tò mò hỏi con bé điều dưỡng của tôi mỗi tháng bác Hân trả cho con bao nhiêu. Hắn say sưa ngắm nhìn mấy bức ảnh lưu niệm do tôi nhờ lũ bạn làm bên ngành quảng cáo phóng to, dán lên mặt kính, có chú thích đàng hoàng. Đó là những bức ảnh tôi chụp chung với các giáo sư, tiến sĩ nước ngoài khi đi dự các hội nghị khoa học ở New York, ở Los Angeles, ở Dubai, ở Băng-cốc. Trong đó có vài hội nghị y khoa quốc tế, với hình ảnh tôi tự tin đứng trên diễn đàn, phát biểu trước đông đảo đồng nghiệp. Các hội nghị ấy tôi được mời dự, nhưng đi được là nhờ sự ưu ái tài trợ của một số công ti dược.
Tôi để ý thấy hắn gật gù khoái chí với cách quảng bá hình ảnh của tôi. Vài tháng trước, một số bạn cùng khóa cũng tìm đến thăm tôi. Chúng bật cười, bảo tôi bây giờ đã quen dần với kinh tế thị trường rồi. Chúng còn nói thẳng, giờ đây tôi đã biết thích nghi với xã hội, không còn bo bo với quan niệm cổ xưa hữu xạ tự nhiên hương nữa.
Tôi đưa Hùng dạo quanh phố xá trên chiếc xe con bình dân của tôi. Xe tôi cũ kĩ, thường bám đầy bụi bặm và trầy sướt nhiều, nhưng tôi hầu như không có thời gian chăm sóc nó. Hầu hết giờ giấc hằng ngày của tôi đều nằm ở bệnh viện tư, nơi tôi làm việc, và ở phòng khám ngoài giờ này. Ngay cả thời gian dành cho gia đình và nghỉ ngơi, giải trí cũng không có. Hơn nữa, tôi có ý lần lữa trong việc sửa chữa, thực chất cũng là một cách để tiết kiệm chi tiêu luôn thể.
Thành phố tôi sống nhỏ như lòng bàn tay. Nếu ở Mỹ hoặc Anh, người ta gọi nó là town, chứ không gượng ép gọi là city. Chỉ cần chưa đầy mười lăm phút, chúng tôi đã dạo khắp các nẻo đường chính. Tôi trỏ sơ bộ nơi nọ nơi kia, giới thiệu để Hùng biết sau mấy chục năm, thành phố đã có một số đổi thay. Nhưng ở đây, cơ sở hạ tầng và sự đô thị hóa phát triển chậm, chắp vá gượng gạo, chỗ được chỗ mất, chứ không hoành tráng, thần tốc, đồ sộ như thành phố Đà Nẵng.
Tấp vô một quán hải sản đơn sơ nằm dọc bờ biển, chúng tôi chọn chỗ ngồi lộ thiên, hướng mặt ra biển. Mặt biển giờ đây đen thăm thẳm. Ánh điện còn tù mù, chưa sáng hẳn. Tiếng sóng ầm ào. Gió bốn phương thổi tốc mọi thứ. Trong mấy phút đầu tiên, tấm si-mi-li trải bàn đập phần phật. Bụi, đất, cát từ mặt đường và bờ biển cuồn cuộn bay vào. Tôi gọi to, bảo cậu bé phục vụ xếp cất khăn trải bàn. Hùng tỏ ra hơi bối rối, nhấp nháy mắt liên miên vì bụi bắn vào mắt.
– Có nhà hàng nào đàng hoàng hơn một chút không? Sau khi định thần, hắn hỏi.
Tôi cười:
– Mình thích chỗ thoáng. Tới mấy phòng ăn bịt bùng quá nhiều khi phải chịu đựng mùi khói thuốc lá và nghe tụi nhỏ la ầm trời một hai ba dzô mệt lắm.”
Nói thế mà không hẳn thế. Thực ra, mấy nhà hàng sang trọng có phòng lạnh đàng hoàng không phù hợp với túi tiền của tôi. Giai đoạn này tôi đang dồn tiền chu cấp cho con bé nhà tôi. Nó đang học thêm một khóa tám tháng về phương pháp giảng dạy tiếng Anh để chính thức vào dạy cho Hội Việt – Mỹ ở Sài Gòn.
Hùng cười hiền. Nụ cười của hắn thể hiện sự thân mật, cảm thông như thuở nào. Tôi gọi chả ram, ghẹ hấp, cá sơn nướng và bia Sài Gòn. Tôi hỏi Hùng ưa gọi thêm món gì nữa không. Hắn lắc đầu, rồi khẽ nói, vậy cũng được. Vậy cũng được là cụm từ xài thoải mái của những đứa “bình dân lâu năm” như lũ chúng tôi. Ăn gì, uống gì, không quan trọng. Điều chính yếu là chúng tôi muốn tìm kiếm một không gian yên ả, với những giờ phút thư thả ngồi bên nhau, tâm sự ý hợp tâm đầu, không cãi cọ lôi thôi, không chém gió.
Tôi nói những điều ấy cho Hùng nghe. Hùng nhìn tôi, hơi gật gật, nhưng không cười. Qua ánh mắt và cách ăn mặc, tôi hiểu được nỗi khổ tâm cùng gánh nặng cơm áo vẫn đeo bám đời hắn. Hồi chúng tôi làm lễ mãn khóa, viện lí do hắn thiếu điểm một môn phụ vớ vẩn nào đó, nhà trường giữ lại, không cấp bằng tốt nghiệp cho hắn. Rời khỏi trường, hắn về quê, lủi thủi kiếm ăn theo cách của một cậu y tá quèn. Hắn đi chích dạo, bán thuốc lẻ, thỉnh thoảng chuyền vài chai nước biển để mưu sinh. Thực ra hắn chỉ làm lén lút, vì ngay cả bằng y tá cũng không có. Hắn thở dài:
– Tao lận đận suốt đời. Vợ con chật vật. Tao không hiểu hồi xưa, thực chất vì tao bị tật sứt môi và nói ngọng mà nhà trường gây khó dễ, hay vì lí do gì. Tao có hỏi phòng quản lí sinh viên, nhưng ai cũng né tránh, không chính thức trả lời một cách minh bạch.
Bàn sang chuyện làm ăn của tôi, bất ngờ hắn nói:
– Tao thấy mày nên tăng cường cho bệnh nhân chuyền dịch rộng rãi một chút đi. Kinh nghiệm cho thấy ngày nào có chuyền thì thu nhập của tao mới khá lên được.
– Ông nói tào lao, tôi hơi bực mình gắt. Bệnh đáng chuyền thì chuyền; không đáng chuyền thì thôi. Can cớ chi phải chạy theo đồng tiền khổ sở như vậy. Giàu thì đã giàu rồi. Nghèo thì đã nghèo rồi. Tao không muốn vì mấy triệu bạc mà đánh mất lương tri.
Tôi thấy Hùng hơi lung túng. Dưới ánh điện, tôi thấy da mặt hắn ửng lên. Bẵng đi một lát, tôi nhỏ nhẹ:
– Về chuyện bằng cấp của Hùng, mình sẽ trao đổi với mấy đứa chơi thân với ban giám hiệu. Nhất định bọn ấy sẽ đặt lại vấn đề, hướng dẫn để Hùng làm lại thủ tục. Chả lí gì cha mẹ khốn khổ bỏ tiền cho con ăn học, bây giờ Hùng không có bằng tốt nghiệp là sao.
Hùng gật đầu mừng rỡ. Hắn không quên nhắc tôi gọi cho lũ bạn còn quan hệ tốt và có uy tín với nhà trường, nhất là mấy đứa đã từng làm trong ban giám hiệu. Tiếp tục nhận xét về việc hành nghề của tôi, hắn lên tiếng:
– Hân nè, tao tưởng mày làm ăn khá giả, ai ngờ phòng khám nhỏ quá, phương tiện ít ỏi. Làm sao phất lên được!
– Không sao, tôi chủ động cụng li và mỉm cười. Từ ngày nghỉ hưu, ngoài việc duy trì phòng khám ngoài giờ, mình còn làm thêm cho bệnh viện tư. Mình sống không chật vật gì đâu. Chỉ có điều, nếu tính cả hai nơi, thì mỗi ngày phải nai lưng ra làm tới 12 tiếng. Nhiều bữa căng thẳng thần kinh, ăn không vô, ngủ không được.
– Nghề bọn mình đúng là khốn khổ. Vừa nhọc nhằn, bận rộn, vừa lo lắng suốt ngày. Nhiều khi đêm về, nghe tiếng chó sủa cũng sợ, không biết bệnh nhân của mình có tai biến bất ngờ gì không.
Hùng nói đúng. Nghề y lắm xui xẻo, ăn cám trả vàng mà. Những người không hiểu chuyện vẫn luôn cho rằng bọn mình thường giàu có, ăn tiêu thoải mái và sung sướng lắm.
– Ở tỉnh tao vừa xảy ra chuyện kinh hoàng, Hùng vừa bẻ cái càng ghẹ, vừa ngẩng đầu lên kể: Một phẫu thuật viên giỏi bị bọn du côn truy sát. Bệnh nhân bị u não. Gia đình kí giấy đồng ý mổ. Hội chẩn khoa cũng quyết định thế. Vậy mà khi bệnh trở nặng, họ đổ mọi tội lỗi lên đầu ông ấy. Họ quát ầm trời: Không mổ chưa chắc chết, tại sao mổ! Một gã thanh niên cầm dao Thái nhào vô bệnh viện. Hắn chém liền hai phát gây chấn thương trầm trọng. Máu tươi đỏ ối òa ra đẫm cả áo bờ-lu. Hôm qua, nghe nói ông ấy chết rồi.
Tôi rùng mình với tin dữ đó. Làm nghề y, lẽ đương nhiên ai cũng mong muốn cứu sống bệnh nhân để được mọi người quý mến và tăng thêm uy tín chuyên môn. Trên đời này làm gì có thầy thuốc nào cố tình làm hại tính mạng bệnh nhân. Tại sao các gia đình ấy ra tay độc ác như vậy? Công lí nằm ở đâu?
Suốt đêm hôm đó, câu chuyện đau lòng kia cứ ám ảnh tôi không dứt. Tôi trằn trọc mãi, không ngủ được.
Sáng hôm sau, tôi dậy muộn với cảm giác mệt mỏi, bần thần, nhưng vẫn gắng gượng đi làm và tiếp xúc mọi người với nụ cười cởi mở như mọi khi. Trong giờ giao ban buổi sáng, một bác sĩ kể rằng tại Hà Nội, tòa hình sự vừa mới xử một vụ đình đám. Một cô y tá thôn quê tiêm Terneurine H5000 cho vợ một anh nông dân nát rượu. Cô tiêm hoàn toàn đúng quy trình chuyên môn và theo đơn bác sĩ, nhưng chẳng may bệnh nhân bị sốc. Mặc dù cô đã sơ cứu đúng phác đồ, rất tận tụy, sau đó đưa nhanh bà ấy vào bệnh viện. Bà được xếp nằm ở đơn nguyên điều trị tích cực, nhưng do quá nặng, không qua khỏi. Gã nông dân hung dữ tìm ngay tới nhà cô y tá. Y cầm rựa ngang nhiên chém chết cô ấy, rồi phóng lửa đốt nhà. Điều đau khổ nhất là cô y tá góa bụa ấy chết thảm, để lại đứa con trai ba tuổi, tương lai chả biết thế nào.
Tôi tò mò tìm trên báo mạng, thấy gương mặt cô y tá trẻ ấy thật hiền lương. Gã nông dân khoảng bốn lăm tuổi, có hai tiền án, mặt mày bặm trợn, nơi má phải của y có vết sẹo lồi rất dài, chứng tỏ từng tham gia đâm chém. Quá khủng khiếp!
Tổng hội Y học Việt Nam nói đúng: Nếu không có các giải pháp cụ thể ngăn chặn kịp thời nạn y náo, sức khỏe và tính mạng của nhân viên y tế sẽ bị đe dọa. Tại nhiều địa phương, sự cố xảy ra quá nhanh, quá tàn khốc, nhân viên bảo vệ bó tay. Trong tất cả mọi trường hợp, khi lực lượng chức năng đến nơi, thì quá muộn.
Suốt nhiều đêm liền tôi không chợp mắt được. Xưa nay tôi luôn tự tin về khả năng chuyên môn của mình. Bệnh nhân và thân nhân của họ cũng rất tin tưởng, quý trọng tôi. Nhưng hình ảnh bọn côn đồ, nhất là gương mặt hung ác của gã nông dân nát rượu nọ không ngớt ám vào tâm trí tôi.
Một tuần sau đó, nơi dãy giường bệnh tôi phụ trách, một cô bé 8 tuổi thật kháu khỉnh nhập viện. Mẹ cô bé là một phụ nữ gương mặt phúc hậu. Bà kể rằng con bé đã sốt liên miên năm ngày đêm không dứt. Bà còn nói, nghe tiếng bác sĩ từ lâu, nay mới may mắn được gặp. Tôi thân mật trò chuyện, hỏi bệnh tình tỉ mỉ, cho xét nghiệm, siêu âm, dặn dò cách chăm sóc khi bé sốt cao. Tôi cũng dặn điều dưỡng phát thuốc ngay theo y lệnh tôi kê trong bệnh án.
Chưa đầy một tiếng đồng hồ sau, tại phòng hành chính khoa, khi tôi bận tổng kết hồ sơ ra viện, một người đàn ông da mặt đen như cột nhà cháy, tóc tai bờm xờm, vai u thịt bắp xồng xộc bước vào.
– Đ.M, bác sĩ đâu? Ông ấy quát.
– Xin lỗi, anh hỏi bác sĩ nào? Ở đây có hai bác sĩ, một nam, một nữ, tôi cố giữ bình tĩnh ngẩng đầu lên hỏi.
– Đ.M, đứa nào khám con tao? Ông ta tiếp tục quát.
Tim đập thình thịch, tôi tự trấn tĩnh, hỏi:
– Xin lỗi, con anh tên gì vậy?
– Đ.M, làm bác sĩ mà không biết tên bệnh nhân à? Ông ta dằn từng tiếng.
– Tôi muốn xác định tên để biết bệnh nhân nằm bên nào, phía tôi khám, hay phía đồng nghiệp tôi khám, tôi giải thích.
– Đ.M, điều trị mẹ gì tới giờ này vẫn không đỡ sốt! Tụi bay muốn con tao chết mới vừa lòng hả dạ hay sao? Giọng ông ấy vẫn rất nặng nề phách lối, chả ra thể thống gì.
Tuy vậy, tôi vẫn chưa xác định con ông ấy tên gì. Sự mơ hồ này khiến tôi rất khó xử.
Chính vì vậy, tôi trỏ ghế mời ông ấy ngồi, rồi chậm rãi hỏi:
– Cháu tên gì vậy anh? Vô viện lâu chưa?
– Hương. Trần Thị Hương. Đ.M, ông có phải là bác sĩ không? Ông ta vẫn đứng, mặt đỏ gay, vừa nói vừa hất hàm, không chịu ngồi xuống ghế.
– Tôi đã khám, cho xét nghiệm, siêu âm. Các kết quả chưa về đầy đủ. Thuốc sáng nay cháu đã uống rồi. Anh chị yên tâm. Trong vòng vài ngày cháu sẽ đỡ thôi.
Tôi cố trấn an ông ấy, cố giữ vẻ điềm tĩnh, mặc dù lòng tự trọng đang bị tổn thương. Bầu máu nóng trong người tôi đang muốn trào lên.
– Đỡ mẹ gì đâu! Thằng bác sĩ nào cũng nói câu đó cả! Đ.M! Ông tiếp tục dằn mặt, không chịu rời khỏi chỗ tôi làm việc.
Dù tim đập thình thịch, tôi kiên trì giải thích:
– Anh ạ, cháu Hương mới vô viện một tiếng đồng hồ. Anh nên bình tĩnh phối hợp với chúng tôi để lo cho cháu. Hồi nãy tôi thấy mẹ cháu đút cháo, cháu Hương vẫn tỉnh táo, ăn được. Anh đừng sốt ruột quá.
– Hừ! Đ.M… Gã đàn ông càu nhàu, bực dọc, bước dần ra cửa, chân nọ đá chân kia.
Cô điều dưỡng ngồi ghi nhiệt mạch trước mặt tôi, nhếch mép cười:
– Hôm nay bác gặp thứ dữ rồi. Xưa nay đời nó vậy bác ơi. Đôi khi mình chả làm gì sai mà chuyện tào lao tự nhiên tới.
Tôi mỉm cười một cách đau khổ. Tôi bắt đầu tưởng tượng ra rằng giả sử thằng cha trời đánh thánh vật ấy đột nhiên tấn công tôi thì sao. Tôi cần lấy gì để chống đỡ? Các đồng nghiệp hiền như Bụt và mấy em bảo vệ trẻ trẻ gầy gầy ở dưới cổng bệnh viện có giúp được gì cho tôi không? Tôi có thể tìm lối thoát thân như thế nào?
Tôi trông thấy trên bàn có cây thước nhôm mà tôi hay dùng tạm để gạch ngang trong bệnh án mỗi khi qua một ngày điều trị. Nó dài đúng một mét, khá to bản và đương nhiên rất rắn chắc. Thực ra nó là cây thước thợ hồ, ai đó đã vô tình để quên trong phòng làm việc của chúng tôi. Tôi trộm nghĩ, nó có thể trở thành vũ khí hộ thân mỗi khi có ai bất ngờ tấn công tôi bằng dao. Tôi cũng dự định, nếu bị hành hung, tôi có thể tìm đường thoát thân bằng cách chạy nhanh ra cổng sau bệnh viện. Tôi còn băn khoăn tự hỏi, lúc bị truy đuổi, nhanh tay cởi áo choàng ra để dễ bề xoay xở và đánh trả liệu có tốt hơn so với việc tiếp tục mặc áo bờ-lu trắng để chịu đòn không.
Tôi biết rõ, nhiều đồng nghiệp làm việc đầy tinh thần trách nhiệm đã từng chết oan uổng hoặc bị trọng thương. Tấm áo choàng trắng của họ đã từng bị vấy máu. Vậy tôi nên làm gì để tự bảo vệ mình? Trong trường hợp khẩn cấp, tôi không tự cứu tôi thì ai cứu kịp? Trong suốt một tuần trăn trở, lo điều trị cho dãy bệnh nhân đó, tôi rất hồi hộp, trống ngực đánh liên hồi. Gần như đi đâu tôi cũng cầm theo cây thước nhôm đó. Khi ra khỏi bệnh viện, tôi không quên cầm nó theo, đặt nó ở chiếc ghế bên tay phải trên xe con, coi nó như một vật hộ thân.
Một người bạn hỏi tôi, “Mấy hôm rày anh hay cầm theo cây thước nhôm để làm gì?” Tôi không biết trả lời thế nào cho phải, nên chỉ mỉm cười. Xưa nay sách vở ngành y trên toàn thế giới chả ai hướng dẫn gì về kỹ năng tự vệ cho các thầy thuốc cả. Liệu có nên bổ sung vào đó một bài giảng thiết thực về nạn y náo chăng?
Đằng sau ngọn núi hướng tây, ánh mặt trời còn rực sáng. Nhưng ngay trên đầu tôi treo lơ lửng những đám mây mờ.
T.N.L