Cây trứng gà tuổi thơ – Tản văn của Trang Thùy

1199

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sáng nay bất chợt một mùi hương thật quen níu chân tôi. Không khó cho tôi vì những bông hoa trứng gà hiển hiện ngay trước mắt như một tấm thảm màu xanh ngọc, những bông trứng gà gợi nhớ con bé tôi ngày xưa, tha thẩn quanh cây trứng gà để tìm lượm những viên ngọc dệt nên giấc mơ công chúa có trong chuyện cổ tích.

Tác giả Trang Thùy

Người Huế chúng tôi không gọi là lê-ki-ma như người miền Nam mà vẫn hay gọi là cây trứng gà một cách dân dã như gọi cây xoan là cây thầu đâu vậy. Dường như những năm của thập niên 80 về trước rất nhiều nhà đều có cây này trong vườn, trước sân, ngoài ngõ, bên hàng rào…

Nhà tôi có hai cây một sau vườn và một ngoài ngõ bên cạnh khe nước chảy róc rách bốn mùa nên thơ. Cây sau vườn cho trái chín cơm dẻo ngọt và cây bên khe nước cho trái bở và bùi. Lũ con nít chúng tôi bao giờ cũng mong ngóng vào mỗi độ tháng tư về. Lúc ấy cây trứng gà sẽ có những chùm bông thơm ngát nồng nàn. Những bông trứng gà sẽ là những viên ngọc trai trong trí tưởng tượng của các cô bé cậu bé lớn lên trong cảnh điền viên dân dã. Những cô bé đã biết làm điệu cho mình sẽ lấy những hạt bông trứng gà và lấy sợi chỉ xâu thành chuỗi đeo trên cổ tay, đeo trước trán. Để trong giấc mơ đêm về hoá thân vào những nàng công chúa ngủ trong những toà lâu đài trong truyện cổ tích, có chàng hoàng tử vượt qua bao sóng gió bất trắc để cùng nàng nên duyên chồng vợ, có những ông Bụt bà Tiên luôn chở che giúp đỡ cho những nàng công chúa xinh đẹp hiền ngoan. Rồi sáng mai lúc mạ xách giỏ đi chợ cũng là lúc các cô bé cậu bé gọi nhau í ới để cùng bày ra chơi đồ hàng. Những bông trứng gà lại hoá thân là những hạt cơm, những thứ thực phẩm mạ vẫn thường đi chợ mua về hàng ngày.

Tuổi thần tiên chúng nó lớn lên bên chiếc võng ba mắc vào thân cây trứng gà cho giấc hè có giọng ầu ơ của mạ, ngọn gió mát lành từ chiếc quạt nan ba phất. Cây trứng gà mới năm nào chỉ cao bằng mạ thấm thoắt đã thành một cây to cành lá xum xuê che cả một góc vườn nhà tôi. Che luôn cả gian bếp nên bếp nhà tôi luôn mát mẻ.

Mùa hè đến mạ bắc ba ông kiềng dưới gốc cây, hàng ngày tôi quét lá rụng gom thành một chỗ, lá bàng to nên chỗ lá ấy có thể nấu chín cho một bữa ăn của nhà tôi để dành số củi chụm (đốt) dự trữ cho mùa đông mưa dầm dề suốt cả tháng. Những trái trứng gà lớn nhanh như thổi, một màu vàng như những chú gà con mơ màng lẫn vào những tán lá xanh, đó là lúc mạ tôi hái những trái to và ngon nhứt đơm lên bàn thờ. Chỗ còn lại kêu o buôn đồ vặt qua hái đem ra chợ bán. Tuy trái trứng gà không có giá cao nhưng với một cây to như cây nhà tôi thì cũng được một ít tiền để đi chợ trong vài ngày.

Có một lần em trai tôi hồi mới biết bò lổm ngổm, nhè lúc chúng tôi mãi chơi đã tự ý bò ra vườn, chúng tôi được một phen tìm nó hớt hãi và sau cùng phát hiện ra nó đang ở dưới gốc cây trứng gà, mặt mũi tèm lem dính đầy trứng gà và một cái bụng no căng toàn trứng gà. Thì ra cu cậu đang đói bụng bò ra gặp trái trứng gà vừa ngọt vừa bùi nên ních đầy một bụng luôn. Chúng tôi mỗi lần đi học về ban trưa đói bụng thì trái trứng gà cũng là một món ngon trong lúc nồi cơm còn sôi sùng sục trên bếp lò. Những miếng trứng gà có màu vàng như lòng đỏ của cái trứng gà khi luộc chín lên, ngọt và có một vị béo béo bùi bùi rất riêng cũng là một món ngon nhưng nếu ăn nhiều cũng sẽ rất chóng ngán. Có lẽ do vậy nên trái trứng gà không phải là một trong những thứ trái cây đắt tiền mặc dù trong hồi ức của chúng tôi những viên cườm, viên ngọc của bông trứng gà luôn chập chờn để chúng tôi bồi hồi nhớ về những năm tháng khó khăn ngày xưa.

Dù sao cây trứng gà dân dã của nhà tôi vẫn theo tôi trong những cung bậc cảm xúc, đủ để khiến bước chân tôi hôm nay dừng lại và cúi xuống lượm chúng để về xâu thành một chuỗi ngọc đáng yêu. Đáng yêu như tuổi lên năm lên mười của chúng tôi bên gốc cây trứng gà thuở ấy.