Cha tôi: Một ngón đàn tài tử đậm hồn thơ – Tạp bút Tương Như

215

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong suốt cuộc đời, đôi khi phải chịu đựng cảnh mưa gió chìm nổi, tôi vẫn thường tự nghĩ mình là có lẽ là nơi hội tụ cơ duyên giữa ba dòng sông nghệ thuật: mỹ thuật, thi ca và âm nhạc.

Ảnh minh họa

Ngay từ lúc còn bé tí chưa tới tuổi vào học sơ đẳng ở trường làng, tôi đã sớm say mê mỹ thuật và thi ca, chữ nghĩa của văn chương. Dù còn dốt đặc chưa biết một chữ a, b nào, tôi cũng trộm lấy quyển sách “Quốc văn giáo khoa thư” của chị tôi, dùng than củi lấy từ lò bếp, nhìn những hình ảnh mình thích trong sách, rồi nguệch ngoạc vẽ lại trên nền gạch hay nơi vách gỗ trong nhà. Tôi thường ê a,  ậm ọe một mình, ra chìu khoái chí, như tỏ ra mình biết vẽ, biết đọc. Vào các buổi ban trưa miền quê êm đềm vắng lặng, mẹ tôi cũng cho tôi thưởng thức âm hưởng ngọt ngào những câu ca dao thâm thúy khi người khẽ tay đưa võng, vỗ về giấc ngủ cho các em tôi: “Anh em như thể tay chân/ Yêu thương hòa thuận hai thân vui vầy” –  “Ngó lên nhang tắt đèn mờ/ Muốn nuôi cha mẹ bây giờ còn đâu !”…

Trong thời gian đó, những lúc hết bận bịu với công việc đồng áng lam lũ hằng ngày, cha tôi cũng có cơ hội làm rung động con tim ngây thơ mà đa cảm của tôi bằng thi ca và âm nhạc. Người thường ngâm nga 10 bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú sáng tác theo hình thức Thập thủ liên hoàn với chủ đề về Phật giáo. Ba tôi còn sở hữu ngón đàn nguyệt độc đáo của người. Sau các bản Bắc, Nam, Hạ, Oán… nổi bật là bài ca vua vọng cổ. Lúc chơi đàn, cha tôi – ông Chín Hậu – ngồi trên bộ ván gỗ trong tư thế đặc biệt, tập trung đôi mắt, ngón tay lao động nổi gân nắn nót, luyến láy thoăn thoắt trên từng phím đàn, theo những nốt nhạc xự cống xê xang hò. Ở mỗi làn điệu, cha tôi trình bày khi thì khúc chiết nhặt khoan, lúc thì nhẩn nha rõ mồn một  từng nốt nhạc thật quyến rủ khôn cùng. Dường như cha tôi muốn phả hết hồn cốt mình trong từng giai điệu, thanh âm của nhạc truyền thống! Do vậy, trong những buổi hòa tấu liên hoan văn nghệ đám tiệc ở gia đình hay anh em tài tử trong xóm, cha tôi bao giờ cũng được anh em phân công giữ nhịp song lang. Tôi còn quá bé bỏng chưa biết nhận thức cái hay nghệ thuật trong cách diễn tả của cha tôi, nhưng vẫn tôi mê mẩn lặng người khi ngồi nghe ngón đàn tài tử của ông!

Không xuất thân từ một gia đình họ tộc có truyền thống về âm nhạc, nhưng theo cô ba tôi, cha tôi bẩm sinh vốn yêu ca nhạc và thơ văn ngay từ lúc nhỏ. Khi trưởng thành, người đã hiểu cơ bản lý thuyết và thực hành khá vững vàng một số bài bản cổ nhạc. Do đó,  lớn lên trong gia đình, tôi nhờ cha hướng dẫn mà được vỡ lòng với chữ quốc ngữ, chữ Hán và am hiểu cơ bản về niêm luật trắc bình, vần điệu của thi ca và đôi phần về nhạc cổ điển. Tôi từng thấy cha tôi hằng giờ ngồi bên chiếc máy hát dĩa, tay phải nhẹ nhàng cầm tay quay dây thiều để lắng nghe tiếng đàn kìm đặc biệt của Năm Cơ, tiếng vĩ cầm mùi mẫn của Hai Thơm, tiếng đàn ghi ta điêu luyện của Văn Vĩ… Người tỏ ra cảm thụ khi thưởng thức giọng ca danh tiếng của các nghệ sĩ Bảy Thưa, Tư Sạng, … nhờ vậy, cha tôi sở hữu được ngón đàn nguyệt mà tôi cho là rất ấn tượng khi người còn khỏe mạnh lúc sinh tiền. Hấp thụ tinh thần đó, sau này có ngày tôi trốn học để xem cải lương của các đoàn hát vườn Kim Thoa, Thanh Cần trình diễn ở đình làng hay nhà lồng chợ xã. Mê cải lương và đờn ca tài tử có lúc tôi như muốn nín thở để thưởng thức tiếng hò vô sáu câu gọt ngào của vua vọng cổ Út Trà Ôn, hay danh ca Minh Cảnh, tiếng xề xuống điệu xàng xê độc nhất vô nhị của nghệ sĩ Minh Chí… trong thời kỳ hoàng kim của sân khấu cải lương miền Nam thế kỷ trước.

Năm Ất Dậu (1945), Việt Minh giành được chính quyền từ tay thực dân Pháp tại xã Tân Quới quê tôi, Ủy ban Hành chánh được thành lập với chủ tịch là chú tôi – ông Nguyễn Thanh Hà từ vùng trong trở về. Cha tôi dù ít chữ nghĩa, nhưng chữ tốt văn hay được bầu làm Thơ ký. Mỗi khi hội họp có liên hoan văn nghệ, hể nghe vang dội hồi trống bốn tiếng – trống hiệu triệu tập Tổng thơ ký Ủy ban, mẹ tôi đang hái rau sau nhà lên tiếng thôi thúc cha tôi ngưng công việc nhà, khẩn trương đi họp. Khi ấy, chương trình cuối buổi làm việc thường tiếp thêm phần văn nghệ, cha tôi bao giờ cũng ôm đàn phụ họa, từ các bản bản ngắn tới các bài dài. Bài vọng cổ** do một văn công trình bày trong một đêm mít tinh lịch sử mà hôm nay tôi vẫn còn nhớ: “Phơ phất ngọn cờ hồng, từ Bắc chí Nam, ta được phục hưng trên cõi Viễn Đông; cũng là nhờ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi ngoại giao cùng các nước – Năm Ất Dậu vừa qua…”. Cha tôi vừa làm thơ ký vừa kiêm nhiệm thêm vai trò nhạc sĩ tài tử. Người đã phục vụ hết mình cho kháng chiến và đồng bào địa phương trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của nước nhà, góp thêm một phần công sức nhỏ bé của mình vào nghiệp lớn của dân tộc.

Tinh thần yêu văn nghệ trong sáng và  thái độ phục vụ cách mạng, đồng bào son sắt của cha tôi, tôi cảm thấy tự hào sung sướng được kế tục từ nhỏ cho đến khi bước chân ra đời. Hôm nay, đất nước được thanh bình, nhân dân ba miền hưởng cảnh an cư lạc nghiệp trong khi cha tôi đã không còn nữa. Nhưng mỗi lần có ai vô tình nhắc đến cha tôi – ông Chín Hậu hoặc bất chợt nghe vọng lại từ đâu tiếng nguyệt cầm như dư thanh quen thuộc tiếng đàn ngày trước của cha tôi, tôi cảm thấy không ít chạnh lòng. Tôi khôn nguôi thương nhớ người cha thân yêu, một đời tận tụy vì con và cũng là một nghệ sĩ đích thực với ngón đàn tài tử đã một thời vang bóng.

08.04.2024

                                                                                                     Tương Như

                             

*Nguyễn Thanh Hà: Đ/c Nguyễn Hùng, sau đó là Trưởng Công an xung phong, nhà giáo, nhà thơ tại TP. Cần Thơ trong giai đoạn 1954-1975.

**Mỗi câu bản ca vọng cổ lúc đó còn ngắn vì bài ca chưa tới nhịp sáu mươi bốn đầy đủ như ngày hôm nay. Bắt đầu chính thức bài ca, nhạc sĩ bắt đầu đạo đàn trước… với tiếng hò điệu lý hoặc nói lối của ca sĩ. Sau đó người hát mới cất tiếng ca theo nhịp qui định cho tới khi dứt câu cuối cùng bằng chữ xang là hết bài.