Chấn hưng Trí nhớ suy tàn – Góc nhìn Lê Thiếu Nhơn

628
(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi luôn tuân thủ thái độ không chấp nhất hay nặng lời với ai không có khả năng phản kháng những điều mình nói, theo kiểu trả đũa lập tức hoặc theo kiểu trả thù nay mai. Đó là những người thuộc thành phần yếu thế, những người không may bị ngã ngựa, hoặc những người đã mất hết chức vụ. 
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyên chủ tịch Liên Hiệp Các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Thế nhưng, hôm nay bất đắc dĩ, tôi phải nêu một trường hợp ngoại lệ, để cảnh báo mức độ nguy hiểm của sự suy tàn trí nhớ.
Dự án 350 nghìn tỷ để chấn hưng văn hóa đang không được dư luận xã hội đồng thuận. Vì vậy, hội thảo khoa học “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay; góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước” được Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội, nhằm mục đích củng cố thêm sứ mệnh rực rỡ của một kế hoạch tốn kém đầy thị phi.
Tại hội thảo, ông Hữu Thỉnh cho rằng: “Sở dĩ phải chấn hưng vì so với sự phát triển, văn học nghệ thuật của ta đang sa sút xuống cấp, có những mặt yếu kém, không mặt này thì mặt khác”.
Người nào nhận định như vậy cũng có thể đắn đo thể tất, trừ ông Hữu Thỉnh. Bởi lẽ, ông Hữu Thỉnh giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam suốt 20 năm, từ 2000 đến 2020. Đồng thời, ông Hữu Thỉnh cũng giữ chức Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam suốt 10 năm, từ 2010 đến 2020.
Ông Hữu Thỉnh đã quên vai trò của chính ông chăng? Thời gian ngất ngưởng lãnh đạo văn nghệ, ông Hữu Thỉnh luôn mở miệng ngọt ngào “thật tuyệt vời”, “quá xuất sắc”, “rất sáng tạo”, “nhiều thành tựu”… Không lẽ chỉ cần vắng sự chỉ huy trực tiếp của ông Hữu Thỉnh, thì văn học nghệ thuật liền tuột dốc không phanh một cách thảm hại?
Không lẽ thành tựu- sáng tạo- xuất sắc – tuyệt vời mà ông vun đắp hai thập niên lại dễ dàng tan biến sau hơn 2 năm ư?
Không lẽ, ông đã sử dụng ngân sách Nhà nước hai thập niên để đốt thứ lửa rơm lừa mị cộng đồng chăng?
Nếu đã chua chát về sự “sa sút xuống cấp” thì ông phải can đảm đề cập trách nhiệm của ông. Ít nhất, ông phải tự vả mặt mình để thú tội đã tán thưởng bịp, đã kể công đểu, đã báo cáo láo.
Chưa hết, ông Hữu Thỉnh còn dẫn chứng, đã có mùa gặt văn học sau kháng chiến chống Pháp và sau kháng chiến chống Mỹ… Đúng rồi, mùa gặt văn học ấy giúp ông Hữu Thỉnh có được Giải thưởng Nhà nước năm 2001.
Thế nhưng, kỳ lạ thay, giai đoạn tiếp theo mà ông Hữu Thỉnh đánh giá “có những mặt yếu kém, không mặt này thì mặt khác” lại giúp ông Hữu Thỉnh có được sự tôn vinh cao hơn là Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.
Khó hiểu nhỉ, khi văn học nghệ thuật “sa sút xuống cấp” mà lãnh đạo văn nghệ như ông Hữu Thỉnh lại thăng tiến thẳng đứng lên tầm đỉnh cao chói lọi.
Ông Hữu Thỉnh năm nay 81 tuổi. Tôi vẫn khẳng định, ông Hữu Thỉnh là một tài năng thi ca, sự nghiệp thơ của ông Hữu Thỉnh không hề thua kém Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… Ông Hữu Thỉnh cần gìn giữ tư cách một trưởng lão văn chương, đừng bắt chước những quan chức “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, hễ vừa nghỉ hưu là quay lại bỉ bai những giá trị đã cho họ vinh thân phì gia.
Nếu cảm thấy trí nhớ suy tàn, thì ông Hữu Thỉnh chớ nên miễn cưỡng đăng đàn phát biểu ở chốn đông người nữa.
Lê Thiếu Nhơn