Chấp nhận mọi cảm xúc của mình – Bút ký của Tuyết Giảo

356

Ánh trăng chiếu qua rèm cửa vào phòng, rọi lên đầu giường. Không ngủ được mới biết đêm dài. Tôi lại một lần nữa rơi vào vòng xoáy của những cảm xúc phức tạp, không thể thoát ra. Càng cố gắng thoát khỏi vòng xoáy cảm xúc, hay nói cách khác là khỏi bùn lầy, tôi càng không thể. Sự cô đơn nơi đất khách quê người, nỗi lo lắng về tương lai, sự bồn bã, sợ hãi, hoang mang, nghi ngờ bản thân, tự phủ nhận… “Liệu tôi có tốt nghiệp tiến sĩ không, có xuất bản được quyển sách không? Tương lai của tôi sẽ ra sao? Ý nghĩa của cuộc sống là gì?”… hàng loạt câu hỏi ập đến.

Tác giả Tuyết Giảo

Tôi cảm nhận được sự hoảng hoạn giữa tôi và linh hồn mình, những cảm giác đó rất mãnh liệt. Ban đầu, lý trí của tôi vẫn nói: “Không sao cả, từ từ ngủ đi, sáng mai mặt trời vẫn sẽ mọc…” Nhưng càng dùng lý trí để kiềm chế, những cảm xúc phức tạp càng trở nên rõ ràng hơn. Càng chống cự, càng phản kháng, cảm xúc lại càng trở nên mạnh liệt, lý trí dần bị cảm xúc nuốt chửng. Tôi đã từ bỏ việc kiểm soát cảm xúc, bắt đầu chấp nhận tất cả mọi cảm xúc. Dần dần, dòng cảm xúc như màu sắc theo thời gian trôi phai đi, nhẹ đi, mỏng đi…tâm trí tôi trở nên bình yên, lý trí lại từ từ quay trở lại, dần trôi vào cơn giấc mơ.

Sáng hôm sau, ánh nắng rực rỡ rọi xuống bàn học của tôi, cuộc sống vẫn tiếp diễn, những cảm xúc của ngày hôm qua đã không còn mạnh liệt như trước. Tâm trí tôi lại trở nên bình yên, dường như những cảm xúc hôm qua chưa bao giờ tới cũng như chưa tồn tại. Những cảm xúc đó vừa thực tế vừa hư ảo. Tôi thường giả vờ là một người quan sát để xem cảm xúc của mình lên xuống, thay đổi như thế nào. Tôi nhận ra rằng sự thay đổi cảm xúc thật thú vị như một cô giái yêu “đơn phương” lúc lên lúc xuống, lúc bay lúc chìm.

Đôi khi vui vẻ như một đứa bé, hứng khởi nhảy múa; có lúc lại lặng lẽ suy tư về “ý nghĩa của cuộc sống.” Có lúc xúc động đến mức khóc tu tu chỉ vì một câu nói; cũng có lúc mạnh mẽ nghiến răng đi một quãng đường dài một mình. Có lúc ôm đầu đau khổ khóc trong đêm khuya; có lúc tôi nhớ một người mà rơi nước mắt… Niềm vui, hạnh phúc, ngạc nhiên, sợ hãi, cô đơn, lo lắng, bất an… tất cả những cảm xúc này lần lượt diễn ra trong tia nắng, hạt mưa, đêm dài…

Đối với tất cả các cảm xúc, chúng ta thường dễ chấp nhận niềm vui, hạnh phúc, hứng khởi, v.v., nhưng với nỗi sợ hãi, cô đơn, lo âu, dường như chúng ta rất khó chấp nhận, thậm chí là từ chối. Chúng ta có thói quen phân loại cảm xúc thành tích cực hoặc tiêu cực. Tôi thường nghĩ rằng tất cả các cảm xúc đều nên được nhìn nhận, được cho phép và chấp nhận. Khi còn là trẻ nhỏ, tất cả các cảm xúc của chúng ta đều rất tự nhiên, có thể thoải mái bày tỏ; vui thì nhảy múa, buồn thì khóc tu tu, không cần quan tâm đến cảm xúc của người khác.

Càng lớn lên, chúng ta càng học hỏi nhiều kỹ năng sinh tồn trong xã hội và dần dần quen với việc kiểm soát cảm xúc của mình. Trên con đường trở thành “người lớn”, chúng ta đều là những “kẻ” tu hành trên con đường hành trình cô đơn, thỉnh thoảng cảm thấy hoang mang, bất lực và lạc lối. Có thể vì áp lực công việc và học tập, lo lắng về tuổi tác, hoặc những rắc rối trong các mối quan hệ…

Lúc này, chúng ta không thể tự do bày tỏ cảm xúc như khi còn nhỏ. Trong công việc, bị sếp mắng, bị đồng nghiệp cô lập, bị khách hàng mắng chửi, chúng ta phải giấu kín những cảm xúc buồn bã, thất vọng, dù đau lòng đến mức, chúng ta vẫn phải mỉm cười đối mặt với sóng gió thế gian. Chỉ như vậy, chúng ta mới được coi là một người lớn “chuẩn mực” hoặc “trưởng thành” trong xã hội. Nếu chúng ta trở nên “điên cuồng”, cười lớn khóc to, chúng ta sẽ bị “tiêu chuẩn” xã hội chỉ trích, và người khác sẽ coi chúng ta là “kẻ lạ”. Là những sinh vật xã hội, nếu trở thành “kẻ lạ”, nghĩa là chúng ta trở thành “sói cô đơn”, mà “sói cô đơn” thường không thể sinh tồn trong quy luật khắc nghiệt của tự nhiên. Chúng ta vì cái gọi là “hòa nhập”, mà kiểm soát hoặc kìm nén rất nhiều cảm xúc của mình.

Và những cảm xúc bị kìm nén, lâu ngày không được bày tỏ sẽ có thể biến mất theo nhịp sống bận rộn hàng ngày phải chăng? Tôi nghĩ câu trả lời là không. Tất cả các cảm xúc đều cần có một lối thoát để bộc lộ, mỗi cảm xúc đều nên được nhìn nhận. Những cảm xúc tích tụ lâu ngày mà không được bộc lộ giống như việc chúng ta liên tục nhét đồ vào một cái ngăn kéo; đến một ngày nào đó, cái ngăn kéo đó sẽ bị nhồi quá đầy và cuối cùng sẽ tràn ra ngoài. Những cảm xúc này cũng giống như một quả bóng, chúng ta không ngừng thổi hơi vào, và một ngày nào đó, chỉ một cảm xúc nhỏ cũng có thể làm nổ tung quả bóng đó.

Từng có một bạn người Nhật nói với tôi rằng “trong văn hóa Nhật Bản, không thể tùy ý bày tỏ cảm xúc của mình, đặc biệt là nơi công cộng; việc thể hiện cảm xúc trực tiếp sẽ bị coi là bất lịch sự.” Tôi thường cảm thấy đây là một quan niệm đặc biệt và thiếu nhân đạo. Nếu cảm xúc của một người không được nhìn nhận, thì làm sao họ có thể bộc lộ chúng? Những cảm xúc bị dồn nén đến một mức độ nhất định chắc chắn sẽ bùng nổ, và khi bùng nổ, chúng có thể ảnh hưởng đến và thậm chí làm tổn thương những người xung quanh. Tôi không thể đánh giá tốt hay xấu về văn hóa “không bày tỏ cảm xúc”, chỉ có thể bày tỏ sự thấu hiểu và tôn trọng.

Tôi là một người có cảm nhận “mẫn cảm”, tôi có khả năng cảm nhận cảm xúc rất mạnh mẽ và tinh tế. Vì có khả năng cảm nhận mạnh mẽ về sự việc và con người, điều này cũng mang lại cho tôi những phản ứng mạnh mẽ. Những cảm xúc vui vẻ, phấn khích, hạnh phúc, cũng như những cảm xúc buồn bã, bất an, lo âu trong lòng tôi sẽ bị phóng đại vô hạn. Nhiều lúc, cơ thể tôi cũng không thể chịu đựng được sự thay đổi cảm xúc này; khi vui, tôi sẽ vui đến mức đau nhức cơ mặt, khi buồn, tôi sẽ bị đau bụng, cơ thể sẽ phản ứng theo nhiều cách khác nhau.

Vì tôi biết cảm xúc của mình thay đổi rất mãnh liệt, nhiều khi tôi không dám đối mặt trực tiếp với chúng. Tôi sợ rằng cảm xúc của mình sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh, khiến họ không vui. Vì vậy, khi trải qua những khoảnh khắc đen tối, tôi thường tự khép mình lại. Tôi yêu thế gian này biết bao, thương con người hồng trần vô hạn, yêu những người và sự vật xung quanh đến mức không muốn mang những ảnh hượng xấu đến với họ.

Cùng với sự trưởng thành và trải nghiệm càng nhiều, tôi không còn cố gắng kiểm soát hay chống cự lại tất cả các cảm xúc của mình. Tôi dần học cách chấp nhận và đối mặt với mọi vấn đề cảm xúc. Đôi khi tôi nhận ra rằng việc đối mặt với nỗi đau có thể không đau đớn như mình tưởng tượng. Có lúc, tôi cảm thấy việc đối mặt với nỗi đau và tìm cách giải quyết vấn đề lại làm cho tôi trở nên “ngầu” hơn so với chạy trốn.

Bây giờ, tôi đã học được rằng khi tôi vui vẻ, tôi sẽ cười lớn và chia sẻ niềm vui với những người xung quanh; năng lượng hạnh phúc cũng được lan tỏa. Khi tôi buồn, tôi sẽ tâm sự với những người xung quanh rằng tôi đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn. Nhờ sự chân thành của mình, tôi cũng nhận được nhiều lời động viên và an ủi, giúp tôi nhanh chóng vượt qua những cảm xúc đó. Mặc dù đến giờ tôi vẫn thỉnh thoảng gặp phải những rắc rối và khó khăn về vấn đề cảm xúc, nhưng tôi đã có thể chấp nhận cảm xúc của mình tốt hơn, và đôi khi còn có thể hòa hợp với chúng.

Chính vì “mẫn cảm” tôi mới có khả năng viết ra những dòng chữ chạm đến trái tim lòng người. Hiện tại, tôi cảm thấy ý nghĩa của cuộc sống có thể nằm ở việc cảm nhận những “cảm xúc” phức tạp mà chúng ta chưa từng trải nghiệm, khám phá tất cả những điều chưa biết trên con đường đời. Cảm xúc không có tốt xấu, cũng không phân chia tích cực hay tiêu cực. Tất cả cảm xúc đều hợp lý trong sự tồn tại của chúng, và chúng ta nên cho phép tất cả cảm xúc được hiện hữu. Niềm vui giúp chúng ta cảm nhận hạnh phúc mãnh liệt hơn, nỗi buồn giúp chúng ta suy ngẫm, sự tò mò khuyến khích chúng ta khám phá những điều chưa biết. Chấp nhận cảm xúc, không chống cự, không đối kháng, học cách cảm nhận cảm xúc và cùng tồn tại với chúng, sống trong hiện tại, sống trong từng cảm xúc, sống trong từng hơi thở. Cuộc sống nằm ở mỗi nụ cười rạng rỡ, cũng ẩn chứa trong từng giọt nước mắt, cũng giấu giếm trong ánh nắng, trong gió, trong mưa, trong ánh bình minh bờ biển, trong ánh hoàng hôn núi non, và cũng trong những đêm dài không thể ngủ được.

T.G