Chắt chiu cảm xúc bằng ý thức sáng tạo

614

Nhà thơ Nguyễn Liên Châu

(Nhân đọc tập thơ Em đừng rủ nhớ đi xa của Phạm Đức Mạnh)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi có cơ duyên được đọc khá nhiều thơ Phạm Đức Mạnh. Từ những bài thơ được viết từ thuở còn là học sinh cấp 3 phổ thông cho đến những sáng tác mới nhất gần đây khi Phạm Đức Mạnh đã ở tuổi hưu được mấy năm rồi. Giữ gìn và vun đắp liên tục niềm đam mê sáng tác gần nửa thế kỷ như thế, quả thật không dễ có so với sự hữu hạn của một đời người. Càng đáng được trân trọng hơn khi đó là một đời người có quá nhiều biến động và thử thách.

Tập thơ Em đừng rủ nhớ đi xa của Phạm Đức Mạnh

Ra đi từ một vùng nông thôn nghèo khó của quê nhà Nam Định, vùng đất nổi tiếng giàu bản sắc văn hóa dân tộc với truyền thống chịu thương chịu khó, Phạm Đức Mạnh đã mạnh dạn nương nhờ vào những phẩm hạnh tốt đẹp ấy để hóa giải và vượt qua mọi thử thách và nghịch cảnh trong suốt cuộc ly hương, từ những ngày tuổi trẻ cho đến tận bây giờ.

Vào lính, Phạm Đức Mạnh có mặt ở giai đoạn cuối cuộc chiến tranh khốc liệt, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc… Sau gần chục năm trong quân đội, Phạm Đức Mạnh xin chuyển ngành và tiếp tục đi học, lấy Cử nhân Văn chương. Rồi bước vào nghiệp làm báo liên tục với 35 năm ở những tờ báo khác nhau, trong đó có hai tờ báo là: Báo Pháp Luật Việt Nam (Bộ Tư Pháp) và Thời báo Tài Chính Việt Nam (Bộ Tài Chính) được Phạm Đức Mạnh trụ thời gian dài 20 năm,… với chức danh Phó trưởng Chi nhánh tại TP.HCM cho đến ngày về hưu.

Những biến động và thăng trầm của cuộc đời và nghiệp làm báo đã giúp Phạm Đức Mạnh nhiều va đập, giàu trải nghiệm thực tế, nhận diện muôn mặt đời sống một cách tinh tế, và trên hết là luôn dùng cái tâm của một người đam mê nghệ thuật hướng mình đến chân – thiện – mỹ dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào của kiếp nhân sinh.

Đức hạnh quyết liệt và hy sinh của “anh nhà binh”, phẩm chất xông xáo và tận tụy của “anh nhà báo” đã luôn được “anh nhà thơ” trong con người Phạm Đức Mạnh tiếp nhận làm vốn sống, tự chắt lọc vun đắp cho mình thông qua cảm xúc, phát triển và thăng hoa chúng bằng ngôn ngữ của thi ca. Nói cách khác, với Phạm Đức Mạnh, thơ luôn là điểm tựa, luôn là cứu cánh và cũng luôn là phương pháp để hóa giải mọi trắc trở, thăng trầm của kiếp người chênh vênh và mong manh.

Cũng như hầu hết các nhà thơ khác, Phạm Đức Mạnh làm thơ đa dạng với đủ loại đề tài, nhưng nhiều nhất (và thật sự hay hơn hết – theo tôi) là thơ tình. Thơ tình Phạm Đức Mạnh đủ hay và say bởi sự hội tụ của cảm xúc thăng hoa, thật thà, bao dung và đa cảm! Có cảm giác con người đa cảm của Phạm Đức Mạnh được “thương vay khóc mướn” từ sự thật thà chân quê, nên khi cảm xúc ập đến, thơ bật ra, cũng chỉ để lòng có thể bao dung hơn chút nữa! Thơ tình Phạm Đức Mạnh luôn mang tính chia sẻ đặt lên vị trí ưu tiên: thỏ thẻ, thủ thỉ, thầm thì… xóa nhòa ranh giới cách biệt. Bạn đọc không khó nhận ra lời khuyên khá phù hợp với thơ tình Phạm Đức Mạnh: “Tập cho mình độ lượng, hãy đọc thơ tình!”.

Đầu năm 2013, qua giới thiệu của một người bạn chung, Phạm Đức Mạnh đến nhờ tôi chăm sóc in cho mình tập thơ đầu tiên. Chính xác là “đầu tiên” chứ không phải “đầu tay”, vì khi tiếp nhận bản thảo, tôi biết tác giả là người đã có thâm niên trong việc sáng tác (Phạm Đức Mạnh đã là Hội viên Hội Văn Nghệ Cần Thơ từ những năm 80 của thế kỷ trước). Và bản thảo đầu tiên ấy là một tuyển tập thơ tình: “Đừng theo trăng em nhé!”. Và khi tôi viết bài này, gọi là “lưu chút kỷ niệm” để chuẩn bị in trong tập thơ thứ 7 của Phạm Đức Mạnh, cũng vui và thú vị vì tập này cũng là một tuyển tập thơ tình: “Em đừng rủ nhớ đi xa”.

Chất quyến dụ và mê hoặc trong thơ Phạm Đức Mạnh nằm ở chỗ “rất thầm lắng nhưng vô cùng thân thiết”. Đó cũng chính là chiều sâu của cảm xúc được chắt chiu, hòa quyện vào chiều rộng của ý thức sáng tạo để làm nên những câu thơ tình theo phong cách chỉ có riêng ở Phạm Đức Mạnh:

– “Buồn ôm nỗi nhớ thì thầm

Liều đem tất cả thăng trầm ra phơi”

(Thì thầm cùng nỗi nhớ)

– “Em run

rét dụ lấy chồng

Ta buồn hắt cả dòng sông lên trời”

(Hắt cả dòng sông)

– “Buồn khê tẩu tán đi rồi

Còn nhau ở lại sóng môi ngọt ngào

Ta cùng uống hết trăng sao

Gỡ màu tận thế xếp vào thời gian”

(Tẩu tán nỗi buồn)

– Sao em lại vót tim anh

Mà không thỏ thẻ dỗ dành nỗi đau”

(Vót tim)

– “Xé chiều hấp rượu

nhâm nhi

Cho quên năm tháng

vơi đi nợ tình”

(Xé chiều)

– “Khuấy tình ruôn vào nắng

Rót tràn đầy nhân gian

Cứu nỗi buồn di tản

Giọng oán hờn thở than”

(Nhốt trời)

– “Gió mặc áo voan nắng hồng môi nhớ

Mây đo ni cho thời tiết may mùa”

(Gió mặc áo voan)

– “Cởi mùa thu cất trong tim

Khoác cơn gió lạnh đi tìm bến lo”

(Cởi thu)

Thơ Phạm Đức Mạnh tạo một không gian vừa lạ vừa quen, vừa nhẹ nhàng vừa trăn trở… Chính yếu tố “hài hòa trong đối nghịch” ấy nói lên nỗ lực sáng tạo, luôn làm mới mình của Phạm Đức Mạnh.

Cách diễn đạt và phép sử dụng tu từ trong thơ Phạm Đức Mạnh luôn gây ấn tượng và kích thích sự tò mò của người đọc: Vắt dòng sông, Gỡ trăng, Mùa em, Kho gió, Vấp nhớ, Gió khóc, Mưa ghen, Mùi tim nhớ, Gùi duyên, Vay nắng, Đếm lãi nụ cười, Cầm tay sóng, Trùng tu kỷ niệm, Thơm nức nồi trăng… Đúng là một giọng thơ có cách sử dụng ngôn từ đa tầng nghĩa, vừa rất thân quen vừa rất lạ lẫm!

Có cảm giác Phạm Đức Mạnh luôn thử “đi ngược đám đông” trong hành trình sáng tạo riêng mình. Tâm thế của người đi ngược đám đông đòi hỏi bản lĩnh tự tin, sự nỗ lực gấp nhiều lần bình thường, không màng tới khen chê, và có khi chấp nhận sống chung với nỗi cô đơn… trong suốt hành trình của mình mới mong đến được đích mong muốn.

Không tránh khỏi sẽ có ý kiến cho rằng viết lạ như thế vì muốn gây chú ý… Nói thế là không công bằng với những người nỗ lực làm mới mình bằng chắt chiu cảm xúc và ý thức sáng tạo như Phạm Đức Mạnh. Đành rằng, “Từ ngôn ngữ đến nghệ thuật chỉ làm nên những câu thơ, chỉ có con tim mới là thi sĩ! (Andre Chenien)”, nhưng nếu người sáng tạo không có ý thức luôn tự làm mới mình thì thà cứ thưởng ngoạn các sáng tạo của các bậc tiền bối cho xong!

Nhớ lại, sau khi tập thơ “Đưa gió qua sông” (tập thơ thứ 4 của Phạm Đức Mạnh) phát hành được vài ba tháng, Phạm Đức Mạnh than phiền với tôi bị “mấy đứa trên mạng” chôm thơ tùm lum, nặng thì chúng “luộc” gần cả bài, nhẹ thì “cắp” vài ba câu, còn cách dùng từ kiểu như “đem nắng ra phơi, tuốt mưa vuốt nắng, uốn cong hồn em…” thì chúng xài hà rầm! Tôi cười, mừng cho Phạm Đức Mạnh đã phần nào thành công vì… không còn một mình đi ngược đám đông!

Ý thức làm mới mình với nỗ lực sáng tạo của Phạm Đức Mạnh đáng để chúng ta suy nghĩ. Nỗ lực ấy, ý thức ấy có thành công hay không, sẽ đi đến đâu… chúng ta chưa có câu trả lời rõ ràng được vì con đường sáng tạo là con đường chúng ta luôn còn tìm kiếm. Nhưng chí ít, tôi nghĩ, chúng ta phải luôn trân trọng những nỗ lực luôn tự làm mới mình như nỗ lực của Phạm Đức Mạnh, để thơ hôm nay có thêm nhiều biên độ diễn đạt, phong phú sự thẩm định, tạo chân đế cho thơ không ngừng chuyển hóa, không ngừng thăng hoa.

Gần 50 năm làm thơ, mừng vì Phạm Đức Mạnh đã có rất ít giai đoạn lặp lại chính mình, mừng vì qua bao thăng trầm dâu bể mà Phạm Đức Mạnh vẫn luôn trên hành trình sáng tạo thi ca. Mừng vì Phạm Đức Mạnh vẫn vẹn nguyên lòng chung thủy và đam mê cảm xúc mới.

Chắt chiu cảm xúc bằng ý thức sáng tạo đã giúp Phạm Đức Mạnh bước khá đều trong đời thơ riêng mình nếu tính mỗi tập thơ là một bước. Đây đã là bước thứ 7, Em đừng rủ nhớ đi xa…

Tôi biết, cách nói “rất thầm lắng nhưng vô cùng thân thiết” này của Phạm Đức Mạnh sẽ còn làm thỏa mãn cả những người đọc khó tính. Là bạn, tôi thích cách nói “rất cô đơn và cũng rất bao dung” của Mạnh hơn: Chỉ tôi buồn là đủ!

Sài Gòn, 6/2020

N.L.C