Chế hình ảnh bài thơ Lượm – sự vô ơn với thế hệ ông cha hi sinh vì Tổ quốc

201

Chế nhạc, dựng video xuyên tạc hình ảnh văn học, anh hùng lịch sử… là hành động không hiếm, thể hiện thái độ vô ơn với thế hệ ông cha đã hi sinh vì Tổ quốc của một bộ phận giới trẻ hiện nay.


Hình ảnh chú bé Lượm bị miệt thị, bóp méo hình tượng trong clip mới đây 

Thói xấu học nhanh

Trước đó, những hình ảnh huyền thoại dân tộc như Tô Vĩnh Diện, Cù Chính Lan… đã bị một bộ phận người trẻ chế thành một phiên bản khác.

Trong bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu, thông qua nhân vật Lượm, nhà thơ phác họa hình ảnh thiếu niên làm công tác liên lạc với nhiều phẩm chất cao quý, tốt đẹp. Tuy nhiên, hình tượng đẹp đẽ ấy đang bị bóp méo bằng những lời rap mang tính miệt thị hình tượng lịch sử: “Chú bé loắt choắt – cái đầu cắt moi”… và nhiều ca từ nhảm nhí.

Dù chủ clip nhảm nhí này đã xóa video và công khai xin lỗi nhưng đoạn nhạc chế liên tục bị chia sẻ khắp các trang mạng xã hội với tốc độ chóng mặt.

Nhiều năm làm giáo viên dạy văn tại một trường THCS, cô giáo Đào Thị Thanh (Lào Cai) cho rằng đây là hành vi làm lệch lạc giá trị một tác phẩm văn học, một nhân vật lịch sử. Đặc biệt là làm ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh về ý nghĩa của tác phẩm văn học, dễ dẫn đến việc học sinh có thái độ vô ơn với thế hệ ông cha đã hi sinh vì Tổ quốc.

Cô Thanh nhận định, học sinh dễ dàng bị tiêm nhiễm, học theo thói xấu trên mạng, đua theo trào lưu không lành mạnh trong khi các em khó thuộc một bài thơ, khó nhớ về chủ đề, giá trị văn học chân chính.

Cô Thanh chia sẻ: “Trong khi cô giáo giảng các tác phẩm về tình cha con, mẹ con, tình đồng chí… xúc động, nghẹn ngào thì một số học sinh lại vô cảm, thờ ơ. Nhiều em còn thấy lạ khi cô rơm rớm nước mắt lúc dạy”.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung – Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, chương trình văn học, sử học tương đối nhiều và dài nên một số học sinh không thể nhớ, học thuộc văn, thơ, các dấu mốc lịch sử là chuyện khó tránh khỏi.

Để tiếp thu một áng văn học, một câu chuyện lịch sử, học sinh phải đầu tư thời gian, công sức. Trong khi đó, những đối tượng chế hình ảnh văn học, câu chuyện lịch sử lại lựa chọn  một cử chỉ, một câu nói hoặc một khoảnh khắc trong tác phẩm để “chế”. Không chỉ vậy, họ chọn giai điệu bắt tai, theo trend khiến lớp trẻ dễ dàng thuộc nhanh.

“Học sinh thời nào cũng thế, tiếp thu những thứ xấu, độc thì rất nhanh nhưng để thuộc những bài văn, bài thơ dài trong sách giáo khoa lại gặp khó ” – ông Trung chia sẻ.

Cần lên án mạnh mẽ

Bày tỏ quan điểm về hành vi chế nhạo hình ảnh anh hùng dân tộc, ông Trung cho rằng đó là những người kém hiểu biết, không có ý thức về mặt chính trị, nhìn nhận sự kiện, nhân vật lịch sử không đúng với tầm cỡ, vị trí của họ.

Những hành động chế hình ảnh văn học, anh hùng dân tộc thể hiện sự vô ơn với thế hệ đi trước đã hy sinh, đóng góp cho cách mạng. Đây là hành vi rất đáng phê phán.

Theo ông Trung, những quy định về ứng xử văn hóa hiện nay  đã có. Các hành vi này sẽ bị xử lý ở một mức độ nào đó, có thể là nhắc nhở, phạt hành chính. Nếu có ý đồ, tinh thần kê kích có thể bị xử phạt nặng hơn nữa.

Đưa ra giải pháp cải thiện tình trạng này, ông Trung cho hay trước hết, học sinh, sinh viên không nên tiếp thu những video, clip, bài hát chế nhạo, làm lệch lạc hình ảnh tốt đẹp của truyền thống dân tộc, xuyên tạc lịch sử. Nếu bắt gặp những hình ảnh, clip trên mạng, học sinh, sinh viên không nên like, share hay thậm chí cần báo cáo hành vi với Facebook.

Nhà trường, thầy cô giáo, cán bộ lớp phát hiện hành vi này cũng cần ngăn chặn. Ngay cả những học sinh cùng lớp bắt gặp không được a dua, phải nhắc nhở, đấu tranh, tẩy chay các hành động đó.

Không chỉ vậy, với những người cố tình chế nhạc với mục đích xuyên tạc lịch sử thì các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và truyền thông cần phải thể hiện vai trò lúc này.

“Chưa bàn đến những nhân vật lịch sử đi vào sử sách, thi ca, chương trình giáo dục, chỉ cần nói xấu, bôi nhọ danh dự một người đương thời là đã vi phạm đạo đức, pháp luật. Cơ quan quản lý Nhà nước có quyền và phải xử phạt những hành vi làm trái pháp luật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, đạo đức của một người dân Việt Nam” – ông Trung bày tỏ.

Theo Lương Hạnh/Báo Lao Động