Chế Lan Viên đã từng viết thơ tình tặng ai?

1243

(Vanchuongphuongnam.vn) – Năm 2020, người yêu thơ không thể không nhớ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chế Lan Viên (1920-1989). Công chúng thường nhắc đến Chế Lan Viên cùng dòng thơ thế sự và dòng thơ suy tưởng, mà ít để ý đến dòng thơ tình yêu của ông. Đặc biệt, qua những vần điệu âu yếm, giới mộ điệu có thể hiểu được những ngày hạnh phúc của Chế Lan Viên với hai người vợ: bà Nguyễn Thị Giáo sinh năm 1925 và bà Vũ Thị Thường sinh năm 1930.

Chân dung Chế Lan Viên (1920 – 1989)

Chế Lan Viên là một trường hợp độc đáo của thi ca Việt. Năm 17 tuổi, Chế Lan Viên đã thành danh với tập thơ “Điêu tàn”, và sau khi ông qua đời thì “Di cảo thơ” vẫn tiếp tục dậy sóng văn đàn. Có thể khẳng định, Chế Lan Viên là người sáng tác tận tụy đến hơi thở cuối cùng, mà mỗi giai đoạn đều có sắc thái riêng. Nhiều người say mê Chế Lan Viên vì những câu thơ hào sảng và giục giã “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”, “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” hoặc “Con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa”. Nhiều người lại say mê Chế Lan Viên vì những câu thơ triết lý “Anh tồn tại mãi/ Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi/ Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên”.

Tầm vóc của Chế Lan Viên như một nhà diễn thuyết về nhân sinh và nhân quần, thì còn chỗ nào dành cho những rung động yêu đương không? Có đấy, chính Chế Lan Viên cam đoan “sau hoa là cô Kiều e lệ nép vào hoa/ rẽ vần điệu ngôn từ, sự sống nấp đằng sau đó” thì tại sao không mở thơ ông để hiểu tình ông? Chế Lan Viên luôn hướng thơ đến những đề tài lớn lao và luôn giấu kín chuyện riêng tư. Đó là chọn lựa đáng tôn trọng của ông. Thế nhưng, ông đã viết “Như cốm mùa thu nằm mát giữa tờ sen/ Màu xanh của nắng trời chừng dịu lại/ Những yêu thương của lòng tôi, tôi gói/ Trong lá thơ vừa hái ở đời lên”, thì chắc chắn cũng tìm thấy nỗi phập phồng và niềm xao xuyên của ông hé lộ trong thi ca.

Người vợ đầu tiên của Chế Lan Viên vốn là học trò của ông, khi ông dạy học ở Trường Chấn Thanh – Đà Nẵng. Thời đôi mươi, Chế Lan Viên đã nổi tiếng, nên người thầy giáo hào hoa trên bục giảng cũng hớp hồn không ít nữ sinh mơ mộng. Trong số những học trò thầm thương trộm nhớ thầy giáo Phan Ngọc Hoan (tên thật của Chế Lan Viên) có cô Nguyễn Thị Giáo. Nét hiền thục và dịu dàng của Nguyễn Thị Giáo đã chinh phục trái tim thi sĩ Chế Lan Viên. Nhờ sự mai mối giúp đỡ tận tình của nhà thơ Quách Tấn, đám cưới của họ được tổ chức ngày 26/9/1943. Hạnh phúc kéo dài được 15 năm, bà Nguyễn Thị Giáo sinh cho Chế Lan Viên ba người con, Phan Lai Triều, Phan Trường Định và Phan Thị Chấn Thanh. Và trong 15 năm mặn mồng phu thê ấy, Chế Lan Viên công khai với độc giả một bài thơ tình có tên gọi “Tình ca ban mai”. Dù không ghi tặng bà Nguyễn Thị Giáo, nhưng hình bóng hiền thê hiển thị rất rõ trong bài thơ tình hiếm hoi của Chế Lan Viên: “Em đi, như chiều đi/ Gọi chim vườn bay hết/ Em về, tựa mai về/ Rừng non xanh lộc biếc/ Em ở, trời trưa ở/ Nắng sáng màu xanh che/ Tình em như sao khuya/ Rải hạt vàng chi chít/ Sợ gì chim bay đi/ Mang bóng chiều bay hết/ Tình ta như lộc biếc/ Gọi ban mai lại về/ Dù nắng trưa không ở/ Ta vẫn còn sao khuya/ Hạnh phúc trên đầu ta/ Mọc sao vàng chi chít/ Mai, hoa em lại về…”.

Cũng trong giai đoạn chung sống với bà Nguyễn Thị Giáo, có một bài thơ tình nữa có Chế Lan Viên có tên gọi “Hoa đào nở sớm” cũng thật nôn nao: “Rặng đào trước ngõ em qua/ Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa/ Đầy vườn lộc biếc cây tơ/ Năm đi chưa hết, đã ngờ xuân đâu/ Bỗng dưng một đóa hoa đầu/ Nghe như đất lạ năm nào gặp em/ Phải rằng xê xích thời gian/ Vầng dương bên ấy mọc sang bên này/ Nắng hoe. Bướm trở mình bay/ Cánh non nở vội kịp ngày chào hoa/ Lòng anh từ độ em qua/ Hoa bay bướm dạo, cùng ta vào đời”.

Năm 1958, hôn nhân giữa Chế Lan Viên và bà Nguyễn Thị Giáo đổ vỡ. Hôm ra tòa làm thủ tục ly dị, Chế Lan Viên ngậm ngùi: “Đến chỗ đông người anh biệt em/ Quay đi thôi chớ để anh nhìn / Mày em trăng mới in ngần thật/ Cắt đứt lòng anh trăng của em”. Cuộc tình ấy ngỡ khép lại vĩnh viễn trong thơ Chế Lan Viên, thì sau khi ông từ giã nhân gian, người vợ thứ hai là nhà văn Vũ Thị Thường đã công bố di cảo của chồng có bài thơ “Những mảnh trời xưa” viết khoảng năm 1959 như một lời tiễn biệt đau đớn: “Người mang lại ái tình không ở cùng tôi nữa/ Nhưng em còn quẩn mỗi câu thơ/ Trời xanh của sông Hàn nay đã vỡ/ Mỗi câu thơ là một mảnh trời xưa/ Hạnh phúc em đong cho ta bằng đôi mắt nhỏ/ Đôi chén đắng cay làm lòng nức nở/ Mỗi bức thư như gạch lỡ đầu tường/ Nhưng đạn xé vào thịt non không lấp nổi/ Thơ anh viết những lời anh chẳng sống/ Chiều nay anh viết: Yêu em/ Thức ăn cũ biến thành thuốc độc/ Lối cỏ hoa xưa nay đã gài mìn”. Một địa chỉ đáng chú ý trong bài thơ: sông Hàn! Đó là nơi Chế Lan Viên đã gặp gỡ và nên duyên cùng bà Nguyễn Thị Giáo. Khi biên soạn di cảo, nhà văn Vũ Thị Thường thừa khả năng nhận ra tín hiệu đó để lưỡng lự hoặc để ghen tuông, nhưng bà vẫn nâng niu như một báu vật trên hành trình thơ của Chế Lan Viên. Cũng vì vậy, bài thơ “Những mảnh trời xưa” chứng minh mối quan hệ cao đẹp giữa ba người Chế Lan Viên – Nguyễn Thị Giáo – Vũ Thị Thường!

Nhà văn Vũ Thị Thường năm nay bước vào tuổi 90.

Nhà văn Vũ Thị Thường làm vợ Chế Lan Viên khi ông đã là bậc trưởng thượng trên văn đàn. Trong hai con gái mà bà Vũ Thị Thường sinh cho Chế Lan Viên, có một tài nữ Phan Thị Vàng Anh được di truyền cá tính sắc sảo của cha.

Chế Lan Viên có một bài thơ ghi rõ “Tặng Vũ Thị Thường” là bài “Hoa những ngày thường” viết năm 1965: “Em ơi, chớ cười anh nhé/ Sao đi sông rộng đèo cao/ Mà tấm lòng riêng vẫn nhớ/ Hoa ngày ta ở bên nhau/ Căn phòng nho nhỏ hai ta/ Hoa hồng mọc bên cửa sổ…”. Những năm trước và sau sự ra đời của bài thơ “Hoa những ngày thường”, Chế Lan Viên viết khá nhiều thơ tình. Tuy ông không nêu cụ thể nhân vật nữ tạo cảm hứng, thì công chúng cũng có thể đoán ra sự có mặt của nhà văn Vũ Thị Thường trong đời ông: “Mùa thu chừng biết ta xa cách/ Gió nửa đêm từng lúc gọi ta hoài/ Nhắc anh biết miền xa em chẳng ngủ/ Nhớ những ngày chăn mỏng đắp chung đôi”. Thập niên 60 của thế kỷ trước, khi nhà văn Vũ Thị Thường đi thực tế sáng tác dài ngày tại Tiền Hải – Thái Bình, thì Chế Lan Viên ở Hà Nội viết hai bài tứ tuyệt bày tỏ sự mong ngóng. Nếu bài “Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể” nồng nàn: “Cái rét đầu mùa anh rét xa em/ Đêm dài lạnh, chăn chia làm hai nửa/ Một đắp cho em ở vùng sóng bể/ Một đắp cho mình ở phía không em”, thì bài “Gió đầu mùa” khắc khoải: “Trận gió đầu mùa nửa đêm đập cửa/ Lá bàng già rào rạt rụng ngoài sân/ Anh nghe xong không đành nằm lại nữa/ Gió về từ nơi sơ tán của em chăng”.

Sống với nhà văn Vũ Thị Thường, Chế Lan Viên như tìm được người tri âm tri kỷ văn chương. Năm 1970, với bài thơ “Hoa trắng đỏ”, ông viết: “Anh tặng em yêu chùm hoa sắc trắng/ Như khi yêu, anh yêu đỏ hoa hồng/ Tuổi năm mươi lòng yêu như lửa đỏ/ Nhưng bên ngoài vẫn cứ trắng như không”. Năm 1973, với bài thơ “Trận đánh”, ông viết: “Em ra đi, anh dọn lòng anh lại/ Một mình anh, trận đánh chẳng cân bằng/ Một mình anh chống với cả mùa mưa lũ/ Với cả màu mây trắng, chỉ mình anh”.

Trong di cảo của Chế Lan Viên, dễ dàng phát hiện nhiều bài thơ tình mà ông viết riêng cho người đầu ấp tay gối. Lúc nghĩ về “Táo Niu Tơn”, ông cũng dắt díu: “Phải đâu cứ táo rụng là tìm ra quy luật/ Anh dễ gì thành được Niu Tơn/ Hút về em, đâu phải hút về trái đất/ Rụng hết cây tình yêu, chưa hiểu hết tâm hồn”. Lúc bỗng dưng “Giật mình”, ông cũng bần thần: “Giật mình một bóng trăng ngang cửa/ Mới nhớ rằng em ở nơi xa/ Những đêm trăng bay ngang đời như thế/ Những đêm vàng ta bỏ phí đã bay qua”. Mái ấm thứ hai của mình, có lần được Chế Lan Viên miêu tả rành mạch: “Về Tả Thanh Oai quê vợ/ Cả gia đình ngồi trên xe ngựa/ Như là digan/ Nắng reo trên đầu các con/ Cây chạy đón ta hai bên đường…”.

Suốt cuộc đời 69 năm giữa “ánh sáng và phù sa”, Chế Lan Viên không chỉ hứng thú “Đối thoại mới” hoặc “Hái theo mùa”, mà ông cũng chấp chới vui buồn bóng hồng đời thường. Chế Lan Viên có một tập nháp, đặt tên “Thơ cho em”, đầy tâm sự: “Anh đi qua trái đất để lại chừng thơ ấy/ Hãy thương anh! Anh nào có chi nhiều/ Một chút nắng tàn, một dòng nước chảy/ Trái tim nghèo, nhưng cũng đã tin yêu”.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chế Lan Viên, nhà lưu niệm dành cho ông được xây dựng tên quê hương ông, thôn An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Thơ của ông còn đồng hành nhiều thế hệ nữa, và độc giả càng ngày càng thêm yêu Chế Lan Viên trữ tình: “Thân thể quên những châm ngôn từ ngữ/ Cho môi nghe tà giáo của hoa mời/ Cho răng cắn trái mùa yêu chín nũng/ Địa đàng hơn thiên đàng vì có lứa đôi…”.

Tuy Hòa