Nói về Chế Lan Viên, nhiều người, đã thành quán tính, thường trích nhận xét sau của Hoài Thanh: “Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”(1).
Nhận xét ấy đúng đâu phải chỉ với Điêu tàn, mà với cả sự nghiệp Chế Lan Viên. Nhưng theo tôi, thơ Chế Lan Viên có một phẩm chất lớn lao, đặc biệt hơn – cái phẩm chất bao trùm lên cả sự kinh dị, kinh ngạc và là nguyên nhân căn bản dẫn đến sự kinh dị, kinh ngạc đối với chúng ta cho đến tận bây giờ. Phẩm chất ấy, thật lý thú, hơn nửa thế kỷ trước Hoài Thanh đã nhận ra; còn chúng ta, những kẻ đến sau, thì hình như ít người đọc thấy: “Con người này quả là người của trời đất, của bốn phương, không thể lấy kích tấc thường mà hòng đo được”(2).
Cũng cần nói thêm, công bằng rằng, không phải bài thơ nào của Chế Lan Viên cũng xứng với lời khen ấy. Nhưng chỉ bằng những đỉnh không ít của thơ Chế Lan Viên, người đọc thấy nhận xét của Hoài Thanh thật xác đáng. Ấy là chưa kể phần còn lại chưa công bố của thơ Chế Lan Viên mà theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, mới đọc ngẫu nhiên 3 bài thì cả 3 bài đều khiếp vía và 3 tập Di cảo “vẫn không là gì cả so với số còn lại kia”(3).
2. Thơ Chế Lan Viên lớn vì nhiều lẽ. Trước hết và căn bản, Chế Lan Viên là nhà thơ – tư tưởng. Ở đâu cũng vậy, thời nào cũng vậy, thường một nhà thơ chỉ được coi là lớn khi có tư tưởng, dù rằng tư tưởng ấy có khi là bi kịch. Không phải ai cũng ý thức đầy đủ và sâu sắc điều này. Nhiều nhà thơ đâu ít tài nhưng họ mới chỉ có tác phẩm hay chứ chưa có tác phẩm lớn. Thơ họ mới chỉ đứng lại ở những cảm xúc, hay triết lý vặt, chưa bay tới, chưa chạm tới được tầng cao, tầng sâu của hệ thống tư tưởng; hoặc tư tưởng của họ chưa đủ lớn để thấm đẫm hay lặng khuất như có như không, mờ ảo, chênh vênh mà cũng đầy bản lĩnh sau các hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ. Nhưng là nhà thơ – tư tưởng không đơn giản! Đâu chỉ có năng khiếu, có tài – cái năng khiếu, cái tài dành riêng cho nghệ thuật. Đó còn là kết quả của những cảm xúc lớn, tri thức khổng lồ, của những dằn vặt, suy ngẫm “hành xác” tinh thần, kết quả của một trí tuệ luôn hướng tới những khái quát, suy tư triết học, từ mọi vật, mọi điều cụ thể trong cuộc sống.
Ngay từ tập thơ đầu tay Điêu tàn, chúng ta đã thấy Chế Lan Viên là nhà thơ – tư tưởng và phải “đo” nhà thơ mới 15-16 tuổi “không chịu cho đề tên thật và in ảnh của người” này, bằng một kích tấc khác. Hoài Thanh, ngay từ thuở ấy, đã gọi cậu bé này là “người”, chữ “người” đầy trân trọng.
Thiếu gì nhà văn, cả đời viết văn mà không có nổi một tuyên ngôn nghệ thuật, đi vào văn nghiệp mà không biết đi đâu, về đâu. Với Chế Lan Viên, ta kinh ngạc trước tuyên ngôn nghê thuật lừng lững thể hiện một tư tưởng làm đề tựa cho tập Điêu tàn: “Thi sĩ không phải là người. Nó là người Mơ, người Say, người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát hiện tại. Nó xáo trộn dĩ vãng. Nó ôm trùm tương lai. Người ta không thể hiểu được vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng, những cái vô nghĩa hợp lý”(4). Tuyên ngôn ấy không dừng ở thông điệp giáo đầu, mà đã, khi thì gào thét, lúc lại ú ớ, khi thì lộng lẫy kiêu kì, lúc lại mơ màng say đắm, thể hiện trong tập thơ. Điêu tàn đã làm sáng chói tên tuổi của một thi sĩ đích thực, khác thường.
Cả sự nghiệp thơ Chế Lan Viên là cuộc “Tìm đường”, tìm tư tưởng, vì thế vầng trán trí tuệ thơ ông luôn làm ta sững sờ:
Nửa thế kỷ tôi loay hoay
Kề miệng vực
Leo lên các đỉnh tinh thần
Chất ngất
Theo các con đường ngoắt ngoéo chữ chi.
Chế Lan Viên bàng hoàng, thảng thốt, dằn vặt đối thoại với Hư vô, với Thiền, sông Ngân, sao Chổi, với bến Lú, sông Tương, hồn lau, với Prométhée, Don Quichotte, với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, với thời đại và dân tộc. Viết về đề tài nào, ông cũng gắng vươn tới sự khái quát và tầm cao triết học. Tư tưởng chi phối cách chiếm lĩnh thực tại, cách lập tứ, tạo tứ của ông. Nhà thơ đã “Vực sự sống ba chiều lên trang thơ hai mặt phẳng”, nhìn suy ngẫm, rung động về thực tại “ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa”, phóng lớn đối tượng, vĩnh viễn hóa khoảnh khắc, từ góc hẹp nhìn ra nhân loại và thế giới vô cùng; và ngược lại, từ những thiêng liêng, bất tử của lịch sử, tình yêu để vừa “thiêng hóa” đối tượng, vừa để đối tượng trở nên gần gũi:
– Dòng sông ấy khi hóa tình yêu, khi hóa sử
Sáng nay Bạch Đằng tạm quên mình làm sử để làm sông. (Sông sử thi và sông tình ca)
– Anh là đất đêm nằm nghe sóng bể
Nghĩ đến gì hơn bể
Ở trong anh (Nơi kia)
Ông phân thân mình để định nghĩa bản thể, phát hiện cõi người, cõi nhân gian:
Anh là tháp Bay-on bốn mặt
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình.
(Tháp Bay-on bốn mặt)
Tư tưởng thơ Chế Lan Viên có bệ tì là các tầng văn hóa cùa cuộc đời và tri thức “Tâm hồn ta như các tầng văn hóa phủ lên nhau” (Đừng tuyệt vọng). Vì thế nó sừng sững, nó là “trầm thơm ngát”, là “đường vân” trong ruột gỗ, là “lệ ngọc”, “bình đựng lệ”, là “ánh sáng và phù sa” trong thơ Chế Lan Viên.
Nhờ tư tưởng mà Chế lan Viên đã phát hiện được cái vĩ đại của dân tộc, thời đại và bi kịch đớn đau của dân tộc, kiếp người:
– Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?)
– Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lắm truân chuyên (Đọc Kiều).
Nhờ tư tưởng được diễn đạt qua những tương quan đối lập, những đối thoại sắc sảo, độc đáo và suy tư triết lý sâu sắc, rất Chế Lan Viên và chỉ có ở Chế Lan Viên, ông có những câu thơ như “cây đời xanh tươi”, đã và sẽ còn đi cùng năm tháng:
– Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn (Tiếng hát con tàu).
Một quy luật tâm lý, tình cảm phổ quát của con người, ai từng trải nghiệm đều thấm thía! Có đối lập về thời gian: Khi ta ở – Khi ta đi. Có đối lập giữa không gian vật chất và không gian tinh thần: đất ở – đất đã hóa tâm hồn. Không ngẫu nhiên diễn ra sự chuyển hóa ấy. Không gian vật chất thì giới hạn; không gian tinh thần thì vô hạn. Mảnh đất, nhất là khi ta mới đặt chân đến, nhiều khi thấy rất đỗi bình thường nhưng khi rời xa, bỗng nôn nao nỗi nhớ. Bao kỷ niệm đã diễn ra ở đó. Mảnh đất ấy đã thành một phần quan trọng của cuộc đời mỗi con người. Khi ta đi, tâm hồn ta vẫn còn ở lại đó. Mảnh đất đã lưu giữ, nuôi dưỡng, làm giàu thêm hiểu biết, tinh cảm của ta và tiếp tục cuộc hành trình cùng ta đến những vùng đất khác. Chợt nhận ra rằng, mảnh đất “đã hóa tâm hồn” ngay từ “Khi ta ở” nhưng ta nhiều khi vô tình không nhận ra. Chính vì vậy, “Khi ta đi”, mảnh đất ấy càng trở nên thiêng liêng, gắn bó. Thơ Chế Lan Viên cho thấy thêm cái thiêng của những vùng quê, sự lớn lao, sức mạnh của tình đời, tình người, tình quê hương xứ sở!
Chế Lan Viên có nhiều bài thơ về nghề, về vai trò và đặc điểm sáng tạo của nghệ sĩ: Thơ bình phương – Đời lập phương, Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ,…, Phong cách, Có kịp không, Thơ về thơ, Sổ tay thơ, v.v… Đọc những bài thơ ấy, người đọc luôn ngạc nhiên, xúc động trước những suy ngẫm sâu sắc, cách thể hiện độc đáo, mới mẻ của một nhà thơ tầm vóc lớn.
Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa, cho mùa thu làm lấy. (Sổ tay thơ)
“Một nửa”, “Một nửa”, đấy chỉ là cách nói. Nếu thiếu thực tại, không bắt nguồn, không được ấp ủ, trăn trở từ cuộc sống, thơ sẽ nhạt nhẽo. Đề cao vai trò của cuộc sống với thơ nhưng Chế Lan Viên không đánh giá thấp, trái lại rất coi trọng vai trò chủ thể của nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. Trong Bài thơ anh, ông nhắc đầu tiên tới người nghệ sĩ. Thơ ngân vang từ chính sự rung động của tâm hồn nhà thơ trước hiện thực cuộc đời. Ông nhấn mạnh vai trò của cá tính sáng tạo, nghệ sĩ phải là chính mình chứ không là người khác:
Người diễn viên ấy đóng trăm vai vai nào cũng giỏi
Chỉ một vai không đóng nổi:
Vai mình! (Thơ về thơ).
Không khó hiểu khi thấy thơ Chế Lan Viên không thể lẫn với tác phẩm của bất kỳ nhà thơ nào khác. Ngay cả với chính mình, ông cũng không lặp lại.
Ai lên cao mà chẳng cô đơn. Chế Lan Viên ôm những hạnh phúc, những bí ẩn, lẻ loi rất lớn, rất người.
Mẹ hỏi tôi:
– Con lên cao mà chi
Mẹ ở dưới này cơ cực
Về đi.
Ôi! Con đường không ra con đường của kẻ tìm thơ
Cái thơ không ra thơ của kẻ tìm đường
Đã gần hết thời gian của tôi trên trái đất
Mà tôi chưa có thể trả lời cho mẹ
Mẹ đâu biết cho rằng:
Hoa tôi hái trên trời
Cũng chính là nước mắt
Dưới xa kia. (Tìm đường)
Nhờ tư tưởng, thơ Chế Lan Viên là hình ở ngoài hình, cảm giác ngoài cảm giác, rất đa nghĩa, đủ tầm cao, chiều sâu và bản lĩnh để phát ngôn cho thế hệ, cho thời đại, dân tộc và cho kiếp thơ.
Nhờ tư tưởng, thơ Chế Lan Viên luôn có những bứt phá, đột phá. Ông đã làm mới thơ ca hiện đại Việt Nam không chỉ một lần. Nhiều bài thơ của ông khó có thể cũ, sẽ còn làm kinh ngạc nhiều thời. Từ thế chi ca là một ví dụ:
Anh không ở lại yêu hoa mãi được
Thiêu xong, anh về các trời khác cũng đầy hoa
Chỉ tiếc không có tình yêu ở đó
Anh thành một nhúm xương gio trong bình
Em đừng khóc
Ngoài vườn hoa cỏ mọc
Cho dù trái đất không còn anh
Anh vẫn còn nguyên trái đất
Tặng cho mình
Những kẻ nguyền rủa anh sẽ buồn,
Chả còn anh cho họ giết
Dao sẵn rồi, họ không dễ để yên
Những bạn bè yêu anh sẽ gặp anh trong cỏ
Trong hạt sương, trong đá
Trong những gì không phải anh
Anh tồn tại mãi
Không bằng tên tuổi, mà như tro bụi
Như ngọn lửa tàn đến tiết lại trồi lên.
Bài thơ này, Chế Lan Viên viết vào những tháng năm cuối đời. Đấy là thơ, hay hồn người kiếp khác đã nhập vào người sống để từ thế. Có sự bình thản, thanh thản trước sự thật “không ở lại yêu hoa mãi được”. Có bịn rịn, nuối tiếc, tỉnh táo, đớn đau ngoái lại, chưa muốn từ thế cõi đời đáng yêu nhưng cũng không ít nhiễu sự này? Có niềm tin, khiêm nhường và tự hào về sự tồn tại mãi mãi của mình.
3. Sinh thời, Chế Lan Viên đã nhiều lần như ông Trạng xứ ta làm tôn quốc thể, tại các diễn đàn văn học lớn của thế giới ở Liên Xô, Pháp, Nam Tư, Ấn Độ,… Thơ ông cũng xuất hiện trong tủ sách văn chương thế giới, bên cạnh các tên tuổi lừng lẫy: Bertolt Brecht, Federico Lorca, Pablo Neruda, Langston Hughes,… Tài năng Chế Lan Viên xứng đáng lừng lững bước vào văn chương của hành tinh này, nhiều thế kỷ. Tầm vóc của ông đã vươn tới chiều kích khác.
Không chỉ là của dân tộc, Chế Lan viên đã thuộc về nhân loại.
_______
1. Hoài Thành, Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam (bản in lần thứ 15). Nxb Văn học, 1998, tr.213-217
2. Hoài Thành, Hoài Chân. Sđd, tr.213-217
3. Trần Đăng Khoa sau Chân dung và đối thoại. Báo Tiền Phong chủ nhật ngày 16-5-1999
4. Hoài Thanh, Hoài Chân. Sđd. tr.213-217
Theo Bùi Mạnh Nhị (Báo Văn nghệ)