Chê vợ – Truyện ngắn Chinh Văn

162

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lê từng bước nặng nhọc trên đường, Sen đi như kẻ mộng du. Ngày trước, đi trên con đường nầy lòng cô vui khấp khởi vì sắp được về nhà cha mẹ ruột, nơi cô hằng mong của những năm tháng ở nhà chồng.

Ảnh minh họa

Trời nắng chang chang sao con đường mờ mịt? Có lẽ không chỉ chói nắng mà còn là nước mắt cô làm cho cảnh vật nhòe đi. Những giọt mồ hôi lã chã sao không chảy trôi nỗi đau trong cô lúc này? Không hẳn là đau đâu, trên hết còn là nỗi oan và nỗi nhục. Oan bởi cô chưa hề tưởng tượng đến điều này huống chi là làm. Nhục bởi tiếng nhơ nhất của đàn bà là có chồng mà đi lấy trai. Bản thân Sen, cha mẹ Sen và cả dòng tộc nữa, làm sao dám ngẩng mặt nhìn ai?

Hơn mười lăm năm trước, cô lấy chồng như những người con gái vùng quê nghèo. Lấy chồng nhờ mai mối chứ không hề có chút gì gọi là yêu. Nhưng có lẽ trong lòng nghĩ rằng mình may mắn hơn nhưng bạn cùng trang lứa vì lấy được chồng giàu và anh ấy cũng khá đẹp trai. Thời gian cứ thế trôi đi. Công việc nặng nhọc ở nhà chồng cứ lặp đi lặp lại như một điệp khúc chán chường. Ba năm đầu về làm dâu, Sen đã sinh liền cho nhà chồng hai đứa con trai, nhưng khốn thay, chúng lần lượt mất đi khi chưa đầy mười tuổi. Từ đó, trong mắt nhà chồng thì cô như là một cái gai vì mãi sau cô vẫn không sinh con được nữa. Người phụ nữ đau khổ bây giờ chỉ được nhìn nhận ở giá trị sử dụng như một công cụ lao động. Thế nhưng vẫn không tránh được những lời cay nghiệt của mẹ chồng:

– Thứ đàn bà hư, vô tích sự. Đúng là “Cây độc không trái, gái độc không con”.

Nhan sắc ngày một tàn đi mà công việc của nhà phú nông thì ngày thêm chồng chất. Cứ thế mà làm, lầm lũi mà làm…

Đêm ở vùng quê yên tĩnh lắm. Những đêm thức đợi chồng đi uống rượu về là khoảng thời gian cô được tạm yên mà sống cho riêng mình. Tiếng ếch nhái ngoài đồng vọng lại, tiếng xào xạc của vườn chuối quanh nhà hòa với tiếng mưa đêm tạo thành một tạp âm ù ù vang vang trong tai cô. Có lẽ nghe rõ nhất vẫn là tiếng thạch sùng chắc lưỡi. Nó tiếc nuối điều gì? Nó than thở điều gì? hay nó thấu được cảnh ngộ của Sen mà kêu như tức tưởi? Ngay tháng đầu tiên về làm dâu nhà, Sen đã nhận ra hạnh phúc quá mơ hồ bởi không ai trong nhà chồng quý mến cô mà chỉ xem cô là “con sen” như cái tên định mệnh. Các cụ xưa từng khuyên dạy “chồng ghét thì ra, mụ gia ghét thì vào”, nhưng trong cái nhà này Tải không hề thương vợ. Anh lấy vợ là vì để có thêm một người lao động trong nhà theo ý mẹ. Vậy nên mẹ chồng cũng đâu yêu quý gì dâu? Sen đành chấp nhận thôi chứ còn phải biết làm sao, làm sao dám trốn chạy để mang tiếng “vặn nài bẻ ống” và bị xem như loại đàn bà “trốn chúa lộn chồng”? Bất chợt trong cô vọng về bài ca dao mà thuở học trò cô muốn khóc khi nghe cô giáo giảng về thân phận người phụ nữ khi lấy kẻ không yêu:

“Anh nói em cũng nghe anh

Nhưng cơm đã lỡ chan canh mất rồi

Nuốt vào đắng lắm anh ơi

Nhổ ra thì để tội trời ai mang ?”

– Vợ thằng Tải hôm nay khỏi ra đồng nhổ cỏ. Bây ở nhà chuẩn bị trà nước rồi tiếp khách! Mới hơn năm giờ sáng mà Sen đã nghe lệnh phân công của mẹ chồng.

Tiếp khách? Từ ngày về làm dâu nhà đến nay gần hai mươi năm, có bao giờ Sen được vinh dự này đâu? Nhà có khách thì cô càng cắm đầu vào bếp nấu nướng rồi dọn dẹp. Sao hôm nay lai có thêm trọng trách này? Suy nghĩ mãi vẫn không ra, cuối cùng đành buộc miệng:

– Khách nào vậy má?

– Khách không mời, toàn là người thân quen của mày thôi! Lát thì biết thôi mà.

Bà Cán trả lời kèm theo cái bĩu môi dài như vô tận, còn Sen thì không dám hỏi gì thêm.

Mặt trời lên ngang ngọn dừa trước sân thì “người khách” đầu tiên mà cô thấy là anh sáu Bon hàng xóm. Ô hay, anh đâu phải là khách. Hàng ngày anh vẫn tới đây uống trà với mẹ con anh Tải mà. Đêm nào cũng cùng Tải đi nhậu tới khuya mà. Họ thân thích như người trong nhà. Một lúc sau thì ba má Sen cũng tới. Cô vui như trẻ con nhưng chẳng dám mừng. Nụ cười chợt tắt bởi cái lườm của bà Cán. Thời buổi này mà còn cái cảnh:

“ Làm dâu khổ lắm ai ơi

Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than”

Thay cho lời mời sui gia ngồi là một câu như ra lệnh của bà Cán:

– Anh chị ngồi xuống đi! Cả thằng Tải và thằng Bon nữa, tôi có chuyện

muốn nói với mấy người. Vợ thằng Tải ra đây!

Sen từ nhà sau đi lên vừa lau mồ hôi vừa ghé mông ngồi lên mép ván cạnh chồng. Tải thì xê vào nhưng không phải nhường chỗ cho vợ mà là cố né xa ra. Lòng Sen hoang mang cực độ, xưa nay chưa hề có cảnh này. Chỉ vài giây im lặng sao cô có cảm giác như thời gian dừng lại. Sự im lặng đến nỗi cô nghe được nhịp tim mình như tiếng trống. Có chuyện gì vậy trời? Trời cao không tiếng đáp, chỉ nghe tiếng bà Cán sắc lạnh như dao:

– Giờ đông đủ hết rồi, thằng Bon nói đi. Nói cho đúng cho đủ nhé, nếu không

nể ba má mầy thì tao để cho thằng Tải giết mầy rồi!

– Dạ, con và Sen lỡ….

Giọng Bon ngập ngừng nhưng không phải vì sợ mà là cố tìm câu từ diễn đạt cho xuôi. Ông bà sui vẫn im lặng lắng nghe. Còn Sen thì nín thở không biết đằng sau tiếng “lỡ” là gì? Bỗng Tải nhảy bổ xuống chỉ vào mặt Bon:

– Bao nhiêu lần trai trên gái dưới mà mày cho là lỡ à? Tao đã nghi ngờ và tra hỏi, con đàn bà lăng loàn này khai hết rồi. Nói ngay! Mấy lần? Ở đâu?

Thế là Bon lần lượt kể…

Như lờ mờ hiểu ra câu chuyện, Sen chỉ kịp nấc lên:

– Ba má ơi, con có biết gì đâu?

– Một lần giữa trưa ở nhà này lúc mọi người đi vắng và vài lần nữa lúc Sen gom lúa ngoài đồng chiều tối. Giọng Bon lúc này đã rành rọt hơn.

Nghe đến đây, bà mẹ của Sen lết lùi vào để dựa vách ngồi cho khỏi ngã. Bà gào lên trong nước mắt:

– Trời ơi, con ơi! Sao con lại làm điều nhục nhã này…

– Không có má ơi, con không biết gì hết má ơi.

Hai mẹ con nhào lại ôm nhau, nhìn vào chỉ thấy tóc bạc xen lẫn tóc xanh xõa xuống hai bờ vai gầy từng cơn run lên. Còn người cha của Sen thì ngước lên trần nhà nước mắt rưng rưng và đôi môi mấp máy nhưng không nói được lời nào. Mãi đến khi tiếng khóc của vợ con lắng xuống thì ông run run nói:

– Nếu sự thật đúng như lời mọi người vừa nói thì có bằng chứng gì không?

Gia đình chúng tôi nghèo nhưng con tôi được giáo dục mà. Tôi tin con tôi không hư đến như vậy.

Tải quát vào mặt ba vợ:

– Bằng chứng sống là thằng Bon nè. Ông có muốn nghe nó nói những đặc điểm bên trong lớp quần áo của con gái hư ông không?

Cảm thấy vở kịch đã đến lúc hạ màn, bà Cán chen vào:

– Thôi đủ rồi, ông bà ra khỏi nhà tôi được rồi đó. Nhớ lôi theo thứ hôi thúi này về bên đó nhé –  Dứt lời, bà đứng lên ngoe nguẩy vào trong.

Kèm theo lời xua đuổi là túi quần áo của Sen bị bà ném ra sân.

Giữa trưa nắng gắt tháng năm, ba con người lầm lũi như những kẻ trộm vừa đi như vừa chạy trốn. Dẫu cho họ có thể trốn được mọi người nhưng vẫn không trốn thoát “tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”.

– Nhục quá con ơi…

– Oan cho con quá ba má ơi!

Những lời tỉ tê cứ thế theo từng nhịp bước nặng nề.

Đêm ấy, Tải và Bon vẫn đi nhậu. Trong quán bia đèn mờ nơi phố huyện, hình ảnh những cô tiếp viên ăn mặc “thiếu vải thừa da” càng làm Tải chán hơn cô vợ quê mùa. Dẫu chếch choáng hơi men, họ vẫn không quên giao kèo trước đó:

– Tao đã làm theo kế hoạch của mày. Vậy số tiền sáu triệu tao nợ mày xem

như đã trả xong. Giọng Bon lè nhè.

Tải đáp lại trong nụ cười đắc ý:

– Tao biết má tao không ưa gì con nhỏ đó. Ngay từ đầu, tao cũng có yêu   thương gì nó đâu. Nó lại không sinh được con, sức vóc ngày càng gầy yếu thì sao cáng đáng công việc nổi nữa. Vốn đã ghét sẵn nên khi tao dựng chuyện nó lén lút với mày là bà ấy tin ngay. Bà ấy quyết định mọi chuyện. Ngay lúc ba tao còn sống cũng đâu dám nói gì. Giờ  mọi chuyện đã diễn ra như ý. Sau này nếu tao có cưới vợ lần nữa thì mày làm rể phụ đó nhé!

Nói rồi hai thằng phá lên cười, choàng vai nhau bước xiêu vẹo ra xe./.

C.V