Chị Kiều – Tự truyện của Lê Quý Nghi

1222

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chị Kiều lớn hơn tôi hai tuổi. Nghe bác Liêm nói, bác cũng người Quảng Trị mới di cư vào. Năm đó, gia đình tôi đã dời ra Xóm Mới của nông trường Xà Bang. Ba tôi làm tổ trưởng đội Hai nên đời sống cũng tạm ổn. Bác Liêm vào, xin làm công nhân nhưng không được xét. Một phần do người di cư vào quá nhiều mà diện tích trồng cao su của nông trường còn ít, phần nữa do bác bị hỏng một con mắt từ thời đi lính. Gia đình bác Liêm tá túc trong nhà người anh họ là bác Lý, làm công nhân trong tổ ba tôi.

Tác giả Lê Quý Nghi 

Chị Kiều con thứ hai của bác Liêm, chị Thúy con đầu khoảng mười bốn mười lăm tuổi, giúp việc cho một gia đình trong nông trường. Sau nữa là ba đứa con trai còn nhỏ. Một nách con, lại mới vào, hai vợ chồng bác Liêm chỉ biết làm thuê lô rẫy cho những người quanh xóm.

Một tối, bác Lý dẫn bác Liêm sang nhà tôi. Quanh ngọn đèn dầu loe loét, tôi hóng nghe câu chuyện bác Liêm muốn ba mẹ tôi nhận chị Kiều làm con nuôi, nuôi giúp. Bởi, nhà bác Liêm quá khó khăn mà chị Kiều thì gầy gò ốm yếu, sợ không sống nổi! Mẹ tôi lúc này đã bốn mặt con nhưng cám cảnh nên ba mẹ tôi nhận lời.

Sáng hôm sau, ba tôi đạp xe chở mẹ tôi qua nhà bác Lý. Bữa đó tôi được nghỉ học nên ngồi nhà thấp thỏm chờ, dù sao gia đình mình cũng sắp có thêm thành viên mới! Đến tầm mười giờ trưa, ba mẹ tôi cũng về tới. Từ ngoài cổng, tôi thấy mẹ ngồi sau ba-ga xe đạp, ôm trước người là “con bé” trông ốm o nhợt nhạt, tuy “dài” nhưng người nhỏ hơn cả thằng Núi em kế tôi. Vào đến sân, mẹ tôi đỡ “con bé” xuống xe rồi cùng ba tôi dìu vào nhà. Tôi chạy ra phụ xách cái giỏ đệm đựng hai ba bộ đồ sờn cũ. “Con bé” yếu lắm, ngồi trên ghế chỉ toàn thở dốc. Mẹ tôi giục tôi nhóm bếp rồi vo nắm gạo nấu cháo. Thấy ba mẹ lo lắng nên tôi cũng lo theo, ngồi thổi phù phù bếp củi. Một lúc sau thì cháo chín, mẹ tôi múc ra tô rồi nạo thêm cục đường tán vào khuấy đều. Tôi bưng lên bàn, lấy quạt lá quạt cho nhanh nguội. “Con bé” vẫn ngồi im, thở dốc… Lúc này tôi mới có dịp quan sát thành viên mới nhà mình.

Quả thật chị Kiều ốm o đến tội! Nước da xanh xao tái mét, đôi mắt to tròn nhưng sâu hoắm. Tóc chị dài, rối ngoằng và thưa. Chị ngồi im không nói, khuôn mặt càng buồn hơn! Tôi giục chị ăn cháo, chị cứ ngồi thừ ra. Tôi múc muỗng cháo đưa lên, chị mệt mề há miệng. Được vài muỗng, chị ngước nhìn tôi rồi giơ tay cầm cái muỗng, chị tự múc ăn cho đến khi hết tô cháo đường. Ăn xong, mẹ bảo tôi đỡ chị qua cái giường tre kê chỗ “phòng lồi” nằm nghỉ. Cái giường này thường không ai ngủ, chỉ dùng để ba tôi nằm nghỉ trưa, nay chắc chị Kiều sẽ ngủ ở chỗ này. Bởi giường trong ba mẹ, thằng Sao với con Na ngủ, ngoài sập thì tôi với thằng Núi rồi.

Chiều, tôi chạy sang chơi với đám bạn trong xóm, lúc về tôi thấy mẹ đang gội đầu cho chị Kiều bằng nước bồ kết.

Mẹ vừa gội vừa than:

– Trời, tóc tai chi mà sít rịt rứa con, để chút mạ cắt bớt cho ra tóc mới!

Lần đầu tiên tôi nghe mẹ tôi xưng “mạ” với một người trước đây lạ hoắc, lòng nửa mừng! Gội đầu xong, tôi thấy sắc diện của chị Kiều khá hơn hồi trưa nhiều. Mẹ kêu tôi lấy cái kéo mà tôi thường hay cắt giấy thủ công rồi cắt gọn tóc cho chị, tầm ngang gáy. Lúc này chị Kiều đã hết xa lạ, đã mở lời.

Chị rón rén hỏi tôi:

– Mi tên chi?

– Dạ… à, tau tên Tèo. Mi tên Kiều tau biết rồi, hồi trưa tau đút cháo cho mi ăn đó! Chị Kiều cười múm xấu hổ rồi he hé cảm ơn. Tôi hỏi, dù đã nghe bác Liêm nói từ hôm qua:

– Mi năm ni mấy tuổi rồi?

– Hình như là mười hai.

Tôi cao giọng:

– Tau mười tuổi. Mà, tau không kêu mi bằng chị mô nghe!

Chị Kiều bất giác khẽ “dạ!”. Từ đó, tôi với chị Kiều xưng hô “tau” “mi”. Thằng Núi, thằng Sao đều gọi bằng chị, bé Na lúc này chưa biết nói.

Hôm sau đi học về, tôi ngạc nhiên khi thấy chị Kiều đang ngồi lặt rau khoai, trên người mặc đồ bộ mới tinh. Tôi hỏi, chị Kiều lại rón rén:

– Mạ đi chợ về mua cho tau hai bộ, mạ cắt rau rồi kêu tau lặt trưa nấu canh

– Mạ mô rồi?

– Mạ gánh cá đi bán, mạ nói chút nữa về.

Chị Kiều vẫn vàng vọt xanh xao nhưng tôi thấy sắc diện và tinh thần mới qua một ngày mà khá lên hẳn. Tôi vào chái bếp, nhúm lửa rồi vo gạo. Một lon gạo thêm sắn lát cho ngang nửa thành nồi.

Mẹ tôi thương chị Kiều đến độ nhiều khi tôi với thằng Núi phải ganh tị. Ăn uống thì khỏi nói, gì cũng ưu tiên cho chị Kiều, sắm gì cũng chị Kiều, lại hay cho tiền nữa chớ! Tôi để ý, mỗi lần mẹ tôi cho tiền là chị Kiều xếp lại vuông vức rồi lần trong áo gối. Sau này tôi mới biết chị Kiều dành để làm quà cho mấy thằng em bên nhà.

Hơn hai tháng sau, lúc bấy giờ chị Kiều đã hết xanh xao, mập mạp lên hẳn, tóc dày và dài tới lưng. Chị Kiều đã hoạt bát hơn, làm được những việc trong nhà thay cho mẹ tôi. Nhà tôi và nhà bác Liêm cách không xa lắm, thi thoảng chị Kiều xin phép về thăm nhà. Còn bác Liêm và bác gái cũng lâu lâu ghé qua.

Thường ngày tôi đi học buổi sáng, thằng Núi mới lớp một học buổi chiều. Chị Kiều ở nhà bồng giữ bé Na, đến gần trưa thì nhúm lửa bắc cơm đợi mẹ tôi về nấu đồ ăn. Có lần đi học về, chị Kiều đang ru bé Na ngủ trong nôi. Tôi vừa cất tập vở, chị ngoắc lại nói khẽ:

– Bé Na khóc quấy khi chừ, mi đưa nôi giùm, tau đi nấu cơm, chắc mạ gần về rồi!

Tôi cầm bốn tao nôi, chị Kiều lội vội lấy nồi đong gạo, mở bao sắn lát khô rửa ngâm rồi quay sang nhóm bếp. Bé Na ngủ, tôi tính ra sau bếp phụ thổi củi thì thấy chị Kiều đang bưng nồi gạo từ ngoài ảng nước đi vào. Đột nhiên một tiếng động lớn như sấm lướt ngang trên mái nhà, nghe rất gần. Tôi giật mình… kèm theo là tiếng “loảng xoảng” và tiếng khóc ré của bé Na. Tôi chạy lại một tay giữ lên ngực bé Na, một tay lắc lắc cái nôi rồi nhìn ra ngoài sân. Trên trời một vệt khói trắng kéo dài theo sau là chiếc máy bay nhỏ dần rồi nhanh chóng mất hút.

Bé Na ngủ lại, tôi vội ra sau bếp. Trước mặt tôi, ngay bậc cửa nồi nắp văng mỗi thứ một nơi, trên nền đất gạo sắn vung vãi… còn chị Kiều đang đứng thu lu bên cột cửa, mặt tái mét! Lúc này, thằng Núi đâu ngoài sân chạy vào la toáng:

– Eng Tèo ơi, em mới chộ máy bay, to lắm!

Tôi ra hiệu cho nó nói nhỏ, sợ bé Na thức. Nó nhìn xuống nền đất rồi ba hoa:

– Chút mạ về em méc!

Tôi nhìn chị Kiều, chị ngồi sụm xuống bưng mặt khóc. Tôi quay sang véo tai thằng Núi:

– Con Kiều bị giật mình nên rớt cái nồi, mi mà méc mạ là chết với tau nghe chưa, chạy ra lấy cái chủi!

Thằng Núi “dạ” rồi đi lấy cái chổi. Tôi trấn an chị Kiều:

– Thằng Núi không méc mô, quét dọn cái ni rồi nấu nồi khác, nhanh kẻo mạ về!

Chị Kiều thôi khóc. Tôi, chị với thằng Núi cùng nhau quét dọn sạch sẽ rồi vo gạo lại, ngâm rửa mì lát, bếp củi đang cháy phừng phừng…

*

Ngày đó, gia đình tôi có chiếc xe đạp, xe đòn dông, để ba tôi đi làm. Tôi đã biết đạp xe nhưng chưa ngồi được lên yên, chỉ mới “đạp lòn”. “Đạp lòn” là lòn một chân qua khung xe để đạp pê-đan bên kia, một chân đạp pê-đan bên này, tay phải choàng qua yên giữ chặt đòn dông, tay trái nắm một bên ghi-đông để lái. Chiều, khi ba tôi đi làm về, tôi hay mượn xe ba chạy quang quanh trong xóm. Những lần như vậy, chị Kiều nhìn tôi đạp xe, mê lắm!

Một bữa, ba tôi không đi làm buổi chiều. Cơm trưa xong, mẹ tôi lại quảy gánh cá đi bán, ba dỗ bé Na ngủ sau buồng. Tôi rủ chị Kiều:

– Mi thích đạp xe không, tau tập cho?

Chị Kiều mặt sáng rỡ.

– Ừ… mà sợ ba la!

Tôi trấn an:

– Không răng mô, ba đang ngủ trưa. Mi ra ngoài đường trước, tau dắt xe ra sau.

Tôi dắt xe ra đường, bày cho chị Kiều cách lòn chân qua khung xe, cách giữ tay lái… Chị Kiều nhát nên bảo thôi, khó quá không đạp được! Tôi khích lệ:

– Mi cứ đạp đi, tau vịn sau ba-ga, không bổ mô mà sợ!

Chị lại lòn chân qua khung xe, chân trái chọi xuống đường. Tôi hai tay vừa nắm chặt ba-ga giữ cho xe thăng bằng vừa đẩy theo sau xe. Được một đoạn, tôi giục lớn:

– Mi bỏ cái chân nớ lên pê-đan mà đạp!

Chị Kiều nghe rồi từ từ co chân trái lên pê-đan… đạp nhắp. Đến gần tới ngã tư tôi rị xe dừng lại, chị Kiều hớn hở, thích lắm! Tôi dắt xe tới ngã tư, quay xe rẽ trái rồi bảo chị Kiều tập tiếp, tôi vẫn chạy theo sau giữ ba-ga… Đường ngang này xuống dốc, tôi chỉ kịp nghĩ tới khi chiếc xe chạy càng nhanh. Rồi, hai tay tôi tuột khỏi ba-ga, chị Kiều với chiếc xe lạng một cung tròn qua trái, ngã ngang bên vệ đường. Tôi hốt hoảng chạy lại đỡ chị. Cũng may không sao, chị chỉ bị trầy sơ chân và tay trái. Tôi lẳng lặng dựng xe dắt về, chị Kiều lắc nhắc theo sau. Chuyến này chắc tôi no đòn!

Vừa về đến cổng nhà đã thấy ba tôi đi ra, ba nạt:

– Trưa nắng chang mà con dắt xe đi mô rứa, hả?

Quay sang nhìn chị Kiều đang cà nhắc, ba tôi hốt hoảng:

– Con bị chi rứa?

Chị Kiều nhăn nhó không dám trả lời, tôi cúi gầm không dám nhìn ba:

– Dạ, con tập xe cho chị Kiều, bị bổ…

Ba nghiêm giọng:

– Con dựng xe vô rồi trèo lên sập nằm cho ba!

Tôi ngần ngừ dắt xe vào dựng bên chái rồi đi cửa hông vào nhà leo lên sập nằm úp, tim đập thình thịch, như mọi lần chắc phải ba roi! Ba tôi lấy bông gòn với thuốc đỏ bôi lên vết thương ở tay và chân của chị Kiều. Bôi xong, bỗng nhiên chị Kiều òa khóc, ba tôi hỏi:

– Rát lắm hả con, ráng cho mau lành!

Chị Kiều mếu máo:

– Dạ không, ba ơi đừng đập thằng Tèo!

Ba tôi không nói gì, cất bông gòn thuốc đỏ rồi đi ra ngoài chái. Tôi hồi hộp nhìn theo, chắc ba đi bẻ roi? Chị Kiều vẫn đứng đó, nhòa mắt nhìn tôi. Một lúc ba đi vào, không cầm cây roi nào cả! Tôi nhẹ người khi nghe ba nói:

– Thôi, ba tha lần ni. Hai chị em ở nhà chự thằng Sao, bé Na đang ngủ, ba đi công chuyện.

Tôi lẻn nhìn chị Kiều đang quệt nước mắt, thầm cảm ơn!

Nhiều lần buổi tối, khi tôi với thằng Núi ngồi vào bàn học bài, chị Kiều thường đứng nhìn hai đứa tôi học. Lúc còn ở với gia đình bác Liêm, chị không được đi học, chị không biết chữ! Hôm sau tôi hỏi ba, ba tôi nói đã lên gặp thầy hiệu trưởng để xin cho chị đi học rồi, nhưng chị quá lớn tuổi nên không thể cho vào lớp một. Ba tôi còn nói, để qua năm học sau ba tìm cách khác xem sao. Từ đó, mỗi chiều hoặc tối, tôi dạy cho chị Kiều viết chữ, tập đánh vần và cộng trừ những con số đơn giản, chị vui lắm! Chị Kiều học khá nhanh, chỉ gần hai tháng đã đọc lững chững được sách tập đọc của thằng Núi, tuy chữ viết của chị vẫn còn nguệch ngoạc. Tôi định đến hè sẽ dạy thêm chị nhiều hơn, để cho kịp bằng thằng Núi.

Bữa ba tôi đi làm về, tôi lõm nghe ba bàn với mẹ:

– Sáng gặp bác Lý, bác nói gia đình anh Liêm mai lên Đắc Lắc sinh sống, định tối nay qua xin lại bé Kiều.

Mẹ tôi thoáng nghĩ ngợi rồi nói với ba:

– Khúc ruột rứt ra mà, chừ nó hồng hào khỏe mạnh, mình phải trả lại cho họ chớ sao được!

Tôi vội chạy đi tìm chị Kiều. Chị đang bồng bé Na chơi bên nhà hàng xóm. Gặp chị, tôi tần ngần một lúc rồi không dám nói với chị chuyện mà tôi vừa nghe được, tôi lại chạy về nhà, buồn hiu!

Cả nhà tôi vừa ăn tối xong thì bác Liêm và bác gái sang. Chị Kiều lúc này đang rửa chén ngoài ảng nước. Nghe tiếng, chị lật đật chạy lên mừng hớn hở, chị vẫn chưa biết chuyện! Tôi và chị Kiều nép bên góc cột nhà, đứng hóng. Khi nghe bác Liêm trình bày việc muốn xin lại chị Kiều để cùng gia đình lên Đắc Lắc sinh sống, tôi trông chị cứ ngớ người ra, không vui cũng chẳng thấy buồn! Ba mẹ tôi đồng ý, mẹ tôi kêu chị Kiều lại:

– Ba mạ nuôi con coi như con ruột, nhưng ba mạ ruột của con đây là người sanh con ra. Chừ con mạnh khỏe rồi nên theo ba mạ lên Đắc Lắc.

Chị Kiều gật đầu khẽ dạ rồi rươm rướm nước mắt, mẹ tôi cũng vậy. Vì đã biết trước từ chiều nên mẹ tôi chuẩn bị một ít tiền gửi biếu gia đình bác Liêm để phụ thêm tiền xe cộ. Ba tôi ngồi nói chuyện với bác Liêm, mẹ tôi cùng mẹ chị Kiều và chị Kiều qua xếp đặt quần áo mùng mền của chị, cho vào cái túi xách. Chị Kiều lẳng lặng không nói, chỉ thút thít. Tôi chẳng biết phụ gì, chỉ đứng nhìn. Xong đâu đó, chị quay sang vịn vai nhìn tôi, môi mím chặt, nước mắt tôi cứ vậy mà lăn dài…

*

Bẵng đi nhiều năm sau, lúc này ba thôi làm công nhân cao su và gia đình tôi đã dời ra Đức Hiệp làm rẫy trồng cà phê. Ba tôi qua Xà Bang tìm bác Lý để hỏi thăm về gia đình bác Liêm, mới hay bác Lý đã đi đâu không ai rõ. Ba hỏi thêm một vài người nữa, từng quen biết với bác Liêm cũng không ai biết tung tích. Vài ngày, trước khi kể lại câu chuyện này, tôi về thăm nhà rồi hỏi ba có manh mối gì về bác Lý, bác Liêm không? Ba lắc đầu:

– Tình người, phận đời một thời ly tán, chừ biết mô mà tìm!

Riêng tôi còn chưa hết băn khoăn, không biết khi lên Đắc Lắc, chị Kiều có được đi học không? Có ai dạy tiếp cho chị viết chữ, tập đọc không? Để có khi, ở phương trời nào đó, chị sẽ đọc được câu chuyện này!

(L.Q.N)