Chỉ mong buổi trưa có nắng

541

23.02.2018-21:40

Cô trò ở thôn Ngải Là Thầu

 

Chỉ mong buổi trưa có nắng

 

 HOÀNG VIỆT HẰNG

 

NVTPHCM- Lao Chải, nơi có những ngọn núi cao chất ngất của tỉnh Hà Giang, cách huyện Vị Xuyên khoảng 60 cây số, cách thành phố Hà Giang hơn 20 cây số. Đường dốc núi và xe máy thường phải cài số 1, số 2 mới đi được đường đèo. Con đường này từng chứng kiến bao nhiêu cuộc đời vất vả gian nan, những hy sinh thầm lặng không thể tính hết của các thầy giáo, cô giáo lên vùng cao cắm bản.

 

1. Có thầy giáo đã từng bám trường gần 20 năm, từng vượt hàng vạn cây số để đem từng con chữ cho các em như thầy giáo Vũ Văn Lượng ở Trường Thanh Thủy, thầy Nguyễn Quang Nhật, cô Trịnh Thị Hà, cô Trần Thị Hưng ở Trường PT dân tộc bán trú, tiểu học và trung học Lao Chải… Còn bao nhiêu tấm lòng nữa, đầy nhân từ, luôn luôn vì trẻ thơ, đã hy sinh bản thân mình, gia đình mình vì cái chữ cho các em dân tộc người Mông, Dao, Giáy, Phù Lá… ở nơi rừng sâu núi thẳm.

 

Nhưng ở trường này – Trường PT dân tộc bán trú tiểu học và trung học Lao Chải, 100% số em học sinh là dân tộc Mông.

 

2. Những điểm trường có tên Ngải Là Thầu, Cáo Sào, Lùng Chủ Phùng ở xã Lao Chải, Vị Xuyên Hà Giang trong những ngày tháng Chạp hay áp Tết đều không có nắng. Trời luôn luôn mù sương và có buổi trưa mới rõ mặt người. Ngay cả buổi trưa muộn khi trời đang có mưa, bàn chân tôi leo mãi mới lên tới lớp 1, điểm trường Ngải Là Thầu. Đập vào mắt tôi là cái kẻng lớp, là cái vành bánh xe ô-tô đã cũ, kêu rất to. Lớp 1 của Ngải Là Thầu chỉ có 12 đứa trẻ, sẽ đến lớp đúng giờ. Lớp học bao quanh là trình tường, lợp ngói phipro xi-măng cũ, còn chừa ra một khoảng sáng như cái nia, để lấy ánh sáng mặt trời. Những em học sinh lớp 1 vô cùng ngây thơ và thích học, chỉ chờ có kẻng là chạy lên lớp thôi, dù để có cái chữ vùng cao cho các em thì khó nhọc vô cùng!

 

Chăm lo cho các em học sinh với tấm lòng tận tụy, nhưng các thầy, cô giáo ở đây có đời sống vô cùng khiêm nhường, nhiều cô có hoàn cảnh đặc biệt. Thầy giáo, cô giáo vừa làm chức năng người gieo chữ, nhưng cũng là “mẹ” giáo, “bố” giáo. Cô giáo Đỗ Thị Thanh dạy ở điểm Ngải Là Thầu, hằng tuần thứ sáu mới về Vị Xuyên chăm con, rồi chiều chủ nhật phóng xe gần 60 cây số leo núi lên trường. Tối cô ngủ bên cạnh lớp học, trong phòng ngủ bằng tấm ván ọp ẹp sơ sài, soạn bài ngay trên lớp học. Có cô khác, ngày dạy trẻ, chiều cố phóng xe về nhà dưới Vị Xuyên. Vẫn phải cố gắng như đã từng cố gắng. Đều đặn nhiều năm cắm bản, dạy chữ, và vừa làm nhiệm vụ của cả tấm lòng “mẹ”. Lớp 1, có đứa trẻ ngủ trưa cũng còn tè dầm, và có đứa ị đùn nữa. Lý do, chỉ tại buồn tè thì tè thôi!

 

Với các thầy giáo, vẫn thường xuyên phải cắt tóc chải đầu buộc bím tóc và cắt móng tay móng chân cho trẻ lớp 1 đến lớp 5. Trẻ ốm thì bố mẹ người Mông gọi điện bảo: “tầy (thầy) giáo à, cho con uống thuốc hộ nhá, đang làm nương chưa về được”, rồi tắt “bụp” điện thoại, về sau trả con ốm đỡ sốt cho bố mẹ, và thầy giáo hỏi vì sao tắt “bụp” điện thoại thế, thì anh bố trẻ người Mông kêu rằng: “điện thoại hết “dầu!” (chưa sạc điện).

 

Rồi học cái chữ cũng vậy: “Con nó biết đọc rồi, tiếng Kinh chúng học khó lắm đấy nhưng học được cái ngoại ngữ, nó không bịt cái mắt mình, bây giờ con đi học chữ cũng thấy no cái bụng, vui lắm tầy giáo à!”. Quần áo ẩm rét, và phấn cũng ẩm, giờ đây đã có loại phấn không nhòe chữ khi viết bảng, cho các em học chữ đã là mừng lắm!

 

3. So với điểm trường Ngải Là Thầu thì điểm trường chính của Trường PT dân tộc bán trú tiểu học và trung học Lao Chải khá khang trang. Thầy Hiệu trưởng Đinh Đức Thoại đang tất bật lo phần xây dựng bếp ăn và nhà vệ sinh cho 461 em. Thầy khoe với tôi những chiếc dây phơi ở chỗ cao mà trên này mùa đông không có một ánh nắng. Cả mùa đông và mùa xuân ẩm ướt, mù mịt sương. Có ngày buổi trưa mới rõ mặt người. Quần áo của các em, khăn mặt của các em làm sao khô, làm sao có đủ hai cái áo ấm là niềm mong ước của trẻ vùng Lao Chải. Bởi, cả trường chính Lao Chải, và điểm phụ là Ngải Là Thầu, những chiếc áo khoác các em đang mặc, hầu hết đều do ở dưới xuôi làm thiện nguyện, tặng cho. Có em chỉ một chiếc áo khoác, mặc cả vụ, không giặt. Tâm sự với tôi, cô giáo lớp 1 Trần Thị Hưng bộc bạch, khổ tâm nhất là cả tuần các em không thay áo, giặt áo. Cái mùi áo quần lâu ngày không giặt, thật không dễ chịu chút nào cứ ám vào khắp nơi.

 

Thầy giáo thấy bẩn thì giặt cho trò, mà nỗi lo trò rét thường trực cả tuần. Hỏi thầy Lý Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Lao Chải, thầy ước mong gì nhất lúc này, thì thầy giáo Hùng cho hay: ước có hai cái máy giặt để vắt khô hơn quần áo cho các em, và trời rét ngăn ngắt, cô giáo, thầy giáo không phải giặt tay cho trẻ. Tôi cũng hỏi các cô giáo có ước mơ gì không, thì các cô lớp 1 cũng chỉ mơ như thế, rằng có ai đó giúp trường hai cái máy giặt… Các cô giáo muốn dạy các em cả cách sống làm sao để ăn sạch, ở sạch và biết vệ sinh cá nhân. Tôi nắm bàn tay của cô giáo Thủy, cô giáo Hưng, cô giáo Nguyên, đều lạnh ngắt. Ở trên này, học sinh lớp 1 phải ngủ ở dưới nệm, nếu không chúng sẽ lăn xuống đất. Nhưng cho nằm nệm cũng phải canh chừng, chúng nó lăn hoặc có em tè dầm thì nửa đêm “mẹ giáo” cũng phải dậy thay quần cho chúng.

 

Trường Lao Chải học bán trú, từ thứ hai đến thứ sáu, các em phải ở trường, tám em một phòng. Nhà trường ngoài lo bếp ăn cho hơn 400 học sinh, còn khu vệ sinh và thư viện xanh cũng đang xây dựng cho các em có sách đọc, để các em không ham chơi và không bỏ học. Học bán trú không phải lo chăn màn, chỗ ngủ, mà ngay cả ăn uống cũng được ban giám hiệu nhà trường luôn chăm lo cải thiện đời sống bù đắp cho các em ấm hơn, no hơn.

 

Ở điểm trường chính của Trường PT dân tộc bán trú tiểu học và trung học Lao Chải đang xây nhà vệ sinh và khu bếp cho các em. Nhưng ở các điểm phụ như Ngải Là Thầu, Cáo Sào… thì vẫn vô cùng khốn khó, chưa thể khắc phục. Thầy Hiệu trưởng Đinh Đức Thoại cũng đang mơ ước sớm có được mấy cái máy giặt cho các em để các thầy, cô giáo đỡ phải thức khuya, dậy sớm giặt tay quần áo cho trò nhỏ. Ngỡ rằng, các thầy, cô giáo chỉ ước mơ máy giặt, thêm áo ấm và chăn ấm, để con chữ vùng cao chân phương thẳng thớm, tiếng tập đọc vang lên buổi trưa luôn như có nắng mặt trời.

 

Cũng có những lớp học sinh đang học lớp 8, có em lấy vợ. Tục bắt vợ về cưới vẫn phổ biến ở trên này, có em gái lấy chồng rồi bỏ học, nhưng các em trai thì lấy vợ xong vẫn chịu khó cắp sách đến trường. Đấy là nỗi niềm về học sinh học trung học. Trường Lao Chải còn có nhiều em hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, đi học 7 – 10 cây số đường núi. Có thầy giáo leo núi đi tìm học trò.

 

Theo THỜI NAY

 

 

 >> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…