Chị Ngần – Truyện ngắn Nguyễn Minh Ngọc

873

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lời tác giả – Thời nào cũng vậy, chiến tranh luôn đè nặng lên đôi vai của người phụ nữ. Và, họ luôn ám ảnh tâm trí tôi. Chị Ngần là một người như thế. Truyện ngắn này được khơi nguồn từ một nguyên mẫu có thật. Thấp thoáng trong truyện là hình bóng quê hương tôi trong những tháng năm cơ cực, là ký ức tuổi thơ vụng dại nhưng sáng trong và xiết bao ấm áp.

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc

Chuyến tàu chợ đi Huế khởi hành ở ga Vinh lúc 7 giờ sáng. Các toa chở khách vẫn nhem nhếch nhưng xem chừng khá xông xênh, không còn cái cảnh người xếp lẫn gà vịt, lèn chật cứng như nêm cối của một thời chưa xa. Tới Yên Duệ, tàu dừng chỉ vỏn vẹn có vài phút. Ga xép nằm lọt thỏm giữa một bên là núi Trí đường bệ, còn bên kia là con sông Ngàn Sâu chảy vật vờ như người ngái ngủ. Nom thật heo hút và buồn tẻ. Lèo tèo mươi người xuống, dăm bảy người lên. Không khí rộ lên một lát rồi lại ắng ngắt khi con tàu vội vã lăn bánh. Vừa nhảy xuống đất, tôi xốc ba lô bon thẳng về phía đầu trạm gác ghi để lần ra đường cái. Đang cắm cúi guồng thật lực, thốt nhiên tôi nghe có tiếng ai đang réo gọi tên mình từ phía sau.

– Việt ơi! Việt! Phải Việt đó không?

Tôi sững người, quay lại. Ai vậy ta? Giọng nói chừng quen quá, nghe mơ hồ sâu thẳm trong tận cùng ký ức. “Hóa ra bao năm rồi ở cái chốn sơn cùng thủy tận này mà vẫn còn có người nhận ra mình ư? Vậy thì chuyến trở về này cũng không đến nỗi nào”. Bụng nhủ thầm vậy, tôi nán lại bên đường chờ đợi. Người đàn bà tay xách, nách mang lễ mễ tới gần. Ngang qua chỗ tôi, chị nhoẻn cười và bỏ nón đội đầu. Tôi dụi mắt, định thần. Rồi nhảy tới chụp lấy đôi tay của chị.

– Ối trời ơi, chị Ngần!

– Không là chị thì còn ai vô đây nữa. Chú không nhận ra chị cũng phải thôi. Sắp thành bà lão rồi còn gì. Ơ, mà chú vẫn còn nhớ đường về làng cơ à?

Chị Ngần thản nhiên cầm nón quạt, giọng mát mẻ, chì chiết.

Thú thật, tôi ngượng quá không biết trốn vào đâu. Lại càng không dám nói một lời thanh minh với chị. Nhìn người đàn bà da dẻ sạm đen, quắt lại vì nắng gió, dáng vẻ tất bật đang đứng trước mặt mình, tôi hơi bị choáng. Những giây phút đầu tiên, tôi không dám tin người đàn bà đó lại là chị Ngần trong tâm tưởng. “Chị đấy ư? Người hàng xóm thân cận mà tôi vẫn hằng quý trọng như chị gái của mình”. Thật không ngờ. Móng vuốt thời gian biến cải con người tàn nhẫn đến vậy sao?

Để trấn dịu bớt cơn xấu hổ và cả cú sốc, tôi đỡ chị một chiếc túi xách. Hai chị em hối hả men theo con đường chênh vênh dọc theo bờ sông lở lói. Qua được cây cầu treo thì phiên chợ Bồng đã vãn tự bao giờ. Trơ khấc trên nền đất lồi lõm, trống hoác, là hai dãy lều cột tre, lợp bằng lá cọ xơ xác. Chợ miền sơn cước bao năm nay vẫn vậy, họp từ lúc còn tối đất, chưa tỏ mặt người. Sáng ra chỉ một lúc là tan. Ngó quanh quất không tìm đâu ra bóng dáng một người quen để có thể cậy nhờ. Chị Ngần tặc lưỡi: “Thôi, chị em mình đi bộ cho nó dẻo chân”. Quãng đường từ chợ Bồng về làng còn cả chục cây số nữa chớ đâu có ít ỏi gì. Bụng tuy ngán ngẩm, nhưng chẳng còn cách nào khác, tôi đành nghe theo chị.

Ký ức dắt tôi trở lại quãng đời hai mươi bốn năm về trước. Ngày ấy, chị đẹp nhất làng. “Mắt phượng, mày ngài. Làn môi cắn chỉ đỏ chon chót như hớp hết hồn vía cánh đàn ông. Cái miệng cười nhỏ nhắn phô hàm răng trắng nõn, đều tăm tắp như những hạt ngô non vừa ngậm sữa. Gương mặt nhẹ nhõm, tươi tắn như một nụ hoa vừa chớm ”… Ấy là những lời bình phẩm của bàn dân thiên hạ ngay buổi đầu chị Ngần mới bước chân về làm dâu ở làng. Đám trung niên sồn sồn thì xuýt xoa: “Cái thằng Tần thế mà son. Vớ được con vợ đã xinh thì chớ lại hiền thục, đảm đang. Đúng là lính chiến gặp may!”…

Tuy ở khác huyện, nhưng cái làng Tùng Sơn của chị Ngần lại nằm cận kề bên làng tôi. Hai làng chỉ cách nhau có một dãy đồi lô xô như bát úp mọc đầy sim, mua và cây muồng. Dân làng tôi gốc gác mãi dưới xuôi, nơi dòng sông Lam phình ra to nhất. Dạo chiến tranh phá hoại, làng tôi nằm trong tầm bom rơi đạn vãi của giặc Mỹ. Thêm vào đó là nạn lụt lội hàng năm giống như loài thủy quái tham lam cứ sục ngoạm vào đất làng. Người mỗi lúc một đông. Đất mỗi ngày một co lại. Dân làng tôi buộc phải phiêu dạt đi các ngả sinh sống, vừa là để tránh bom, vừa để trốn nạn lụt truyền kiếp. Hơn hai trăm hộ dắt díu nhau ngược sông Ngàn Sâu tụ về đây vỡ đất khai hoang lập nên làng mới. Đi tới đâu người làng tôi cũng mang theo nghề trồng mía, ép mật, nấu đường và đặc sản riêng là giống chanh hoàng niên quả to, mọng nước và rất thơm. Nhờ cần cù chịu khó lại biết cách làm ăn nên cái làng Tân Hương của tôi nổi tiếng khắp vùng. Dân sở tại thường chép miệng: “Rõ là đất cũ đãi người mới!”. Có lẽ nhờ vậy mà trai gái làng tôi trở nên đắt vợ đắt chồng chăng?

Chuyện kết tóc xe duyên của chị Ngần coi vậy mà cũng lắm công phu. Nó được khởi sự từ khi chị gái anh Tần lấy chồng về bên Tùng Sơn. Chị Hà là cán bộ Đoàn nên có điều kiện đi lại nhiều, giao thiệp rộng. Nhờ vậy mà chị gặp và kết thân với Ngần khá dễ dàng. Khi ấy, Ngần là một cô gái nết na, vừa mới bỏ tóc đuôi gà mà đã có bao đám xa gần rắp ranh nhòm ngó. Thấy vậy, chị Hà bèn chủ động ráo riết vào cuộc. Chị ngầm dấm sẵn đám này cho đứa em trai đương xông pha nơi trận mạc. Tận dụng ưu thế của mình, chị Hà biết cách để gần gũi trò chuyện tâm tình với Ngần. Trong mọi câu chuyện, bao giờ chị cũng khéo gài cậu em mình vô cho bằng được. Rỉ rả ít một như mưa dầm thấm lâu. Đến nỗi gần như Ngần thuộc hết mọi tâm tính, sở thích của Tần, dẫu hai người chưa một lần gặp mặt.

Mỗi bận hễ có đám trai nào mon men đến “cưa” Ngần là chị Hà lại cuống lên như dẫm phải tổ kiến lửa. Chị hậm hực rủa thầm. “Hừ, ngữ trai thời chiến mà không dám ra trận là ngữ trai hèn. Đồ thối!”. Tự nhiên, chị thấy ghét cay ghét đắng những gã trai nhởn nhơ, bẻm mép. “Đã chui rúc ở hậu phương mà không biết xấu hổ, lại còn dám ngang nhiên vác mặt đi tán tỉnh người yêu của lính”. Chị Hà đứng ngồi không yên. Chỉ tới khi giáp mặt Ngần vào hôm sau, thấy “cô em dâu tương lai” nở nụ cười hồn nhiên, tin cậy, biết là “trời yên, biển lặng” chị mới dám thở ra. Bấy giờ chị mới cả cười cho cái sự vô lý của mình.

Hình như cuộc nhân duyên nào ít nhiều cũng có sự can dự của ông Trời thì phải. Trước tết Quý Sửu (1973) chừng hơn tháng rưỡi, anh Tần đột ngột về thăm nhà. Trên đường ra Bắc lấy quân, Tần được cấp trên linh động cho nghỉ 15 ngày phép. Anh về hôm trước thì hôm sau một cuộc họp gia đình tức tốc được triệu tập để trù liệu chuyện vợ con. Thoạt đầu, Tần giãy nãy lên, nhưng rốt cuộc rồi anh cũng phải nghe theo cái lý của người già. Nhờ có chị Hà thu xếp tay trong nên mọi việc đều thông đồng, bén giọt. Từ chuyện làm quen đến chạm ngõ rồi tổ chức đám cưới, tất cả chỉ diễn ra trong vòng có tuần lễ. Rất chóng vánh. “Thời chiến, bộ đội gian khổ lắm. Cứ phải ưu tiên số một, các bác ạ”. Gặp ai, chị Hà cũng xởi lởi rào đón bằng cái câu cửa miệng ấy.

Chị Ngần cắp nón về nhà chồng, bỏ lại sau lưng bao nỗi ngẩn ngơ tiếc nuối của đám trai quanh vùng. Tuần trăng mật của đôi vợ chồng trẻ trôi vèo như vệt nắng giữa ngày đông tháng giá. Dễ họ còn chưa kịp bén hơi nhau đã phải tạm chia lìa đôi ngả. Từ nơi đưa tiễn anh Tần, chị Ngần đạp xe trở về với cặp mắt sưng mọng. Lắm hôm ngó thấy chị trốn sau vườn chè ngồi thút thít khóc một mình, mẹ tôi thường kêu chị sang nhà chơi trò chuyện, tìm cách an ủi. Bà sai tôi trèo hái bưởi hoặc lấy ổi ương đãi chị. Mẹ tôi dò hỏi chị:

– Đã thấy trong người có chi khang khác chưa?

Chị Ngần đỏ mặt, lắc đầu. Nụ cười thèn lẹn. Chị thú thật là nhờ có chiếc áo lính của anh Tần để ở nhà nên đêm đêm chị mới yên giấc. Dù đông hay hè, đêm nào chị cũng lấy tấm áo ấy đắp lên ngực.

Về làm dâu, chị Ngần trở thành cây cột cái trong ngôi ọp ẹp tuyền những người sợ nắng, sợ gió. Ông Hoan vốn là thợ rèn có tiếng một thời. Nhà ông ba đời nối nghiệp rèn. Cụ nội của ông Hoan từng tham gia nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng và là thợ đúc súng dưới trướng của tướng quân Cao Thắng. Bao năm quần quật quai búa, kéo bễ, sức lực của ông Hoan dường như cũng bị nung đỏ và dát mỏng theo thời gian. Tay chân ông lão lòng khòng, ngực thì lép kẹp. Thi thoảng ông lại nổi cơn ho rũ rượi. Bà Hoan cũng chả hơn gì đức ông chồng. Người bà khô quắt như con mắm lẹp. Xưa nay bà nổi tiếng là người kỹ tính, đã hay xét nét lại lắm lời. Hàng ngày trước lúc vào bữa cơm, bà thường có “tiết mục” cọ rửa chân tay (mặc dù cả ngày chẳng đụng việc gì) cho tới khi đỏ ửng mới thôi. Lắm hôm cơm canh nguội ngắt mà bà vẫn kỳ cọ chưa xong. Gặp ai biết chuyện họ cũng lè lưỡi, tròn mắt: “Khiếp! Hãi quá đi mất!”. Vậy mà chị Ngần vẫn cứ chiều chuộng được, thế mới thần tình. Ở cạnh nhà, tôi thường để ý tới cách đối đãi của chị đối với bố mẹ chồng. Lúc nào chị Ngần cũng nhỏ nhẹ, một điều thầy, hai điều mẹ. Cấm khi nào hàng xóm thấy chị nhăn nhó hay mở miệng ca cẩm một điều gì. Các bậc cao niên trong làng thường hay lấy chị Ngần ra so sánh với dâu con trong nhà. “Cũng là khác máu tanh lòng mà coi bộ còn hơn cả con đẻ. Cái nhà ông Hoan rèn thật có phúc”…

Mỗi buổi sáng tôi thường hay dậy sớm để học bài. Chưa tỏ mặt người đã nghe bên hàng rào có tiếng chổi đưa lẹt xẹt. Chị Ngần nhóm bếp chuẩn bị đồ ăn sáng, hãm một ít chè tươi thơm phức ủ vào giỏ xong đâu đấy rồi chị mới đi làm. Đều đặn cứ một tuần hai lần, chị lại cắt chè trong vườn cột thành bó, gánh ra chợ bán lấy tiền mua thức ăn và trang trải các thứ chi tiêu vặt vãnh. Bên cạnh đồng quà tấm bánh, bao giờ trong quang gánh của chị cũng có gói thuốc lào, vài liễn trầu quế với khúc rễ chay bọc lá chuối khô.

Lớp học của tôi ở trong một cái lán gần đường cái. Những hôm biết chị Ngần đi chợ, giờ nghỉ giải lao tôi thường ra ngay đầu dốc đón lõng. Vừa nhác thấy mặt thằng em, chị đon đả rút một tấm bánh đa dày chi chít vừng hoặc cái bánh rán ấn vào tay tôi. Lần nào chị cũng vờ nghiêm mặt cốc lên trán tôi một cái rõ kêu: “Lần cuối nhá. Con trai ăn vặt là xấu lắm đó!”. Rồi chị cười xòa và quày quả bước đi. Có hôm tôi mải học không ra ngóng chị, chiều về chị Ngần hỏi liền: “Răng, bữa ni giận chị hả?”

Thông thường sắc đẹp muốn được bền lâu phải có sự hỗ trợ của mỹ phẩm cộng với sự an nhàn. Chị Ngần thì ngược lại. Chừng như sự vất vả cực nhọc ở chốn quê mùa không mảy may ảnh hưởng tới dung nhan của chị. Ra đường dẫu chị ăn vận xuềnh xoàng rồi quấn khăn che mặt thì cánh đàn ông con trai vẫn cứ nhận ra chị giữa đám đông. Lắm anh muốn bờm xơm cứ vờ vịt nắm tay chị co kéo để rồi kiếm cớ mà quàng vai, ôm eo. Chị Ngần trông vậy mà chẳng phải tay vừa. Chị du cho nhiều gã bổ chửng mới thôi. Chuyện thẽ thọt rồi cũng đến tai bà Hoan. Những tưởng bà mẹ chồng sẽ lồng lên chửi rủa hoặc cạnh khóe, như tịnh không. Bà lão thủng thẳng đem chuyện tận đẩu đâu ra kể với ý xa xôi bóng gió. “Rằng thì là, ngày trước có một ả đàn bà đẹp nổi tiếng đức hạnh nhưng vắng chồng đã lâu ngày. Khối kẻ dòm ngó sấn vào ve vãn nhưng đều bị dội ra. Cuối cùng chị chàng đổ chổng kềnh bởi cái gã tối tối vẫn mang chỉ tới nhờ se hộ. Rõ là khôn ba năm dại một giờ”…

Nghe vậy, chị Ngần chỉ cười mà rằng “Mẹ ơi, mỗi người một tâm, mỗi người một tính. Mẹ lo chi cho nhọc bụng”. Bà Hoan vứt toạch miếng bã trầu vào ống nhổ rồi đưa hai ngón  tay lên quệt quanh mép. “Là tau cứ nói rứa. Đàn bà con gái không ai nói mạnh được. Có thân thì lo mà giữ. Chẳng ai nắm tay được đến tối, gối tay được đến sáng”… Những chuyện ấy, chị Ngần thường kể hết cho mẹ tôi nghe.

Tôi thi đỗ vào cấp 3 rồi đi học ở trọ mãi dưới trường huyện. Nghỉ Tết, nghỉ hè mới được về thăm nhà. Mỗi dịp hè tôi về, chị Ngần thêm vững dạ bởi có một “vệ sĩ trung thành”. Đi đâu, làm gì chị cũng kiếm cớ rủ tôi đi cùng cho nó có chị có em. Mọi việc đã có chị bao thầu cả. Tôi chỉ loăng quăng, nhếnh nháng vậy mà lắm khi về nhà còn được khen.

Một lần nắng ngả về chiều, chị Ngần ới tôi đi cắt cỏ cho bò đẻ. Hai chị em rồng rắn ra tận rú Dài. Chị đặt liềm xuống chỉ một loáng sau đôi quang đã đầy có ngọn. Còn tôi thì cứ chạy lông nhông cắt mỗi nơi một nắm, phồng đỏ cả tay mà chưa được ăn thua gì. Ngoảnh đi ngoảnh lại không thấy chị Ngần đâu cả. Bỗng “hú… ùm” một cái, chị xuất hiện ngay sau lưng tôi, hai tay khệ nệ bưng chiếc nón. “Giải lao. Bồi dưỡng món chè mật cái đã. Để đó rồi chị giúp cho. Siêng nạo hơn bạo rông. Cắt cỏ mà như Việt thì có mà đến Tết…”. Món chè mật mà chị Ngần mời tôi chính là những quả muồng chín đen, tròn mọng, to bằng hạt sen, ăn thơm và ngọt gắt như chè mật mía vậy.

Ngồi tựa lưng vào bụi sim rậm rạp, chị Ngần nhấm nháp từng quả một. Gương mặt thanh tú của chị ửng đỏ, lấm tấm mồ hôi. Chị khẽ đưa vạt áo lên chấm mồ hôi rồi bất đồ lôi từ trong áo ngực ra một mảnh giấy gấp làm tư. “Thư anh Tần. Viết hay lắm. Chị đọc phát mệt lên được. Cho Việt coi đây này”. Tôi nhúp một dúm quả muồng đưa lên miệng rồi đón lấy lá thư nơi tay chị.

Đồng bằng sông Cửu Long, ngày…

Ngần, vợ hiền yêu dấu của anh!

Đơn vị anh đang hành quân vào chiến dịch. Nhiều đêm nằm giữa đồng trống ngắm sao trời, anh thầm hỏi chị Hằng: giờ này Ngần của anh đương làm gì? Anh nhớ em quay quắt. Ôi giá mà anh có cánh thì anh sẽ bay về cùng em trong giây lát, để được ôm ghì em yêu trong vòng tay chiến trận”…

Ái chà, cái nhà anh Tần này mặt trông hiền khô vậy mà ghê thật. Nom người thì có vẻ cũ cũ mà văn chương tình ái ngọt quá đi mất. Tôi đọc còn thấy mê huống nữa là chị Ngần. Gương mặt chị đỏ bừng như người vừa uống rượu, chị khẽ hích tay tôi: “Hay không?” Tôi gật. Chị cười, đôi mắt đen láy long lanh, sáng lạ. Sẽ sàng nằm nghiêng cạnh bụi sim, một tay chống đầu nghển cao, chị nhìn tôi nài nỉ. “Việt, em đọc lại cho chị nghe lần nữa đi. Chị van em…”. Không nỡ chối từ, tôi đành ngoan ngoãn vâng theo chị. Lần đầu tiên trong đời can dự vào chuyện riêng tư của người khác, tôi vừa tò mò thích thú lại vừa ngượng chín cả mặt. Bên tôi, chị Ngần đổi tư thế. Chị nằm ngửa, hai tay đan vào nhau luồn kê dưới mái đầu. Đôi mắt chị nhắm nghiền, bộ ngực căng tròn phập phồng sau làn áo mỏng. Tôi biết chị đang say sưa uống từng câu, từng chữ của chồng qua lá thư nhầu nhĩ. Anh Tần, người hàng xóm của tôi thật là hạnh phúc. Bỗng dưng tôi thấy ghen tỵ với người lính đang mải miết chiến đấu ở dải đất phương Nam xa ngái.

Đọc xong câu cuối, tôi gấp lá thư quay sang trao lại cho chị Ngần. Bất thần chị choàng tay kéo tôi đổ ập vào lòng chị. Người chị mềm nhũn. Hơi thở gấp gáp của chị phả vào mặt tôi nóng rực. Những cái hôn tới tấp trùm lên đầu lên mặt tôi. Trong vòng tay riết chặt của chị, đầu óc chú học trò lớp chín là tôi đâm ra mụ mị, lú lấp. Tới khi đôi môi chạm vào cặp ngực trần của chị thì tôi thực sự hoảng hồn và giật bắn mình như bị điện giật. Giây lát bừng tỉnh, tôi gỡ tay chị rồi vùng dậy lủi ra một góc đồi vớ cái liềm cắt lấy cắt để. Lát sau, chị Ngần bối rối bước lại bên tôi, trông chị đờ đẫn như người mất hồn. “Chị xin lỗi! Chị không có ý…”. Đôi mắt nhìn xuống, chị nói nhỏ, giọng tấm tức như nghẹn lại.

Tôi vừa giận lại vừa thương chị quá đỗi. Buổi tối, từ chái nhà bên ấy vọng sang tiếng chày giã gạo thình thịch mãi tận canh khuya. Tôi đứng cạnh hàng râm bụt ngó qua. Ngọn đèn dầu hỏa lung lay tỏa một vầng sáng nhỏ bao quanh cối gạo. Lẫn trong hổn hển tiếng chày có tiếng hát khe khẽ mà da diết, mà cháy bỏng: “Bao giờ anh đánh giặc về. Rộn ràng trai gái tràn trề…”. Bài hát lạ, tôi chưa từng nghe bao giờ. Mẹ tôi thở dài, chép miệng: “Tội nghiệp con Ngần. Lại khát rồi!”.

Hết kỳ nghỉ hè, tôi khăn gói trở lại trường học mang theo bao suy nghĩ mơ hồ về chị. Quả thực, chị Ngần xuất hiện hơi dày trong những giấc mơ của tôi. Bao lần tôi đã cố quên nhưng không thể. Mặc cảm tội lỗi cứ ám ảnh khiến tôi nhiều lúc đâm ra cáu bẳn.

Đầu năm 1975. Đúng vào ngày quân ta nổ súng tấn công Buôn Mê Thuột, tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ nên vội trở về làng. Cái đêm xã tổ chức liên hoan tiễn hơn chục anh em chúng tôi lên đường, chị Ngần không có mặt. Tôi ngỡ chị ốm. Sáng sớm hôm sau, tôi đi chào bà con lối xóm khắp một lượt. Cửa ngõ bên nhà gài kín mít. Ra đi mà không chào chị được lấy một câu, tôi thấy áy náy không yên. Tôi tách ra đi trước một mình vì dự tính còn phải tạt xuống trường tạm biệt thầy cô và bạn bè cùng lớp. Lúc qua chợ Bồng, tôi chực bước xuống bến đò thì có tiếng gọi gấp gáp, hối hả.

– Việt ơi! Việt…

Từ giữa chợ, chị Ngần đương bươn bả vẹt đám đông với đôi quang gánh quẩy trên vai. Tôi những tưởng là mình đã không còn gặp được chị. May quá, mừng thôi là mừng. Chị luýnh quýnh đặt gánh xuống đất và nói như phân trần:

– Hồi đêm chị không dám đến dự buổi liên hoan của mấy em. Sợ rồi người ta lại phê bình là vợ bộ đội làm mất tinh thần tân binh…

Miệng nói, mắt chị đã dân dấn nước. Lòng tôi se thắt lại. Thôi, thế là từ nay phải xa chị thật rồi. Biết chừng nào mới được gặp lại? Tôi thấy nơi sống mũi mình cay cay. Như sực nhớ điều gì, chị Ngần quày quả lục trong gánh. Chị dúi vào tay tôi một bọc trứng gà luộc còn nóng hôi hổi.

– Chị nghèo, chẳng có chi làm quà. Việt cầm cho chị vui…

Chị khóc.

Tôi cũng chảy nước mắt. Người tôi chùng xuống, chỉ muốn quay về. Chị an ủi:

– Thôi, em đi đi… chân cứng đá mềm. Gắng cho bằng người. Vô Nam có gặp anh Tần, em nhớ nói ông bà và chị vẫn bình an là được.

Tôi bước xuống đò, chới với. Con đò trễ nải trườn sang tới bến, tôi vẫn thấy chị Ngần chống đòn gánh đứng như hóa đá trên bờ dốc nắng. Bóng chị chập chờn, liêu xiêu. Cầm lòng không đậu, tôi ngoái nhìn chị lần cuối rồi cắm đầu lao đi như chạy trốn. Sau này đi được nhiều nơi, được nếm nhiều của ngon vật lạ, tôi vẫn không sao quên mùi vị những quả trứng của chị Ngần cho ngày ấy.

Đời lính nay đây mai đó là chuyện thường tình. Dù đóng quân ở đâu, mỗi lần viết thư về nhà tôi đều không quên hỏi thăm chị Ngần và tất nhiên là cũng nhận được thông tin khá đầy đủ về chị. Sau giải phóng ít lâu, anh Tần trở về toàn vẹn. Nghe nói chị Ngần trẻ lại như cô dâu thuở mới về nhà chồng. Hết thời gian nghỉ “xả hơi” ba tháng, anh Tần quay về đơn vị cũ. Lại vẫn một mình chị Ngần vò võ làm lụng, phục dịch chăm nom bố mẹ chồng như ngày nào. Thoạt đầu, ông Hoan ốm liệt giường, kế đến là bà Hoan. Anh Tần chạy đi, chạy về cũng chả giải quyết được việc gì. Biết bệnh già, chị Ngần một mặt lo thuốc thang nâng giấc người ốm, mặt khác chị cậy cục nhờ người tìm mua cho được hai cỗ hậu sự bằng gỗ de hương. Cuối đời, được tận mắt nhìn thấy hai cỗ áo đẹp, ông bà Hoan lấy làm mãn nguyện lắm. Biết chuyện, chị Hà càng nể phục đứa em dâu sát đất.

Ông Hoan quy tiên năm trước, thì năm sau đến lượt bà Hoan cũng theo chồng đi nốt. Phút lâm chung có đủ mặt các con, cháu, nhưng bà lão chỉ độc nắm mỗi bàn tay chị Ngần. “Mẹ thương nhất con. Ông trời ăn ở bất cân… hức… hức…”. Từ trong hố mắt khô héo, lạc hết thần sắc bỗng lăn ra hai giọt nước. Bà lão ú ớ ra dấu bảo con trai lấy cái tráp gỗ bong sơn để trên bàn thờ xuống. Anh Tần lập cập cạy mãi mới mở được ổ khóa. Nằm gọn giữa mấy cái yếm sồi, khăn nhiễu là chiếc hộp đựng đồ nữ trang nhỏ xíu. Cầm đôi xuyến bằng vàng mười óng ánh, bà lão dồn hết chút tàn hơi thều thào đứt quãng. “Của… mẹ cho… con. Nhận… mẹ đi. Có… chi… con… vẫn là… dâu mẹ…”. Bà lão nấc lên một tiếng rồi lịm dần trong tay chị Ngần.

Cái năm tôi thu xếp về quê đón bố mẹ vào Nam, tôi không được gặp chị Ngần. Chị vẫn một thân một mình, không con cái. Hỏi thì mẹ tôi chép miệng: “Rõ khổ, cái thân mình thì không lo, toàn đi lo cho người khác. Nó về cả tuần nay bên ngoại lo dựng vợ cho thằng em rồi”. Chẳng còn cách nào, tôi đành viết mấy chữ nhét vô khe cửa nhà chị rồi ra đi. Ấy vậy mà cũng đã ngót nghét chục năm rồi còn gì.

*

Lâu ngày không quen đi bộ, đôi chân mang giày của tôi mỏi rụng rời. Chị Ngần thì vẫn cứ thoăn thoắt như không. Ngần ngại mãi, cuối cùng tôi đành nài nỉ:

– Nghỉ một lát, chị ơi. Em sưng hết cả chân rồi đây này.

Chị mỉm cười độ lượng. “Ừ thì nghỉ vậy. Ngó bộ chú thành người hàng tỉnh mất rồi. Bộ đội chi mà lạ rứạ? Bọn chị cuốc bộ thế này nhằm nhò chi”.

Dừng lại ngay bên vệ đường, chị ngồi xuống và ngả nón quạt thốc quạt tháo. Mồ hôi chị đầm đìa trên gương mặt thanh tú đầy những vết hằn của thời gian. Thật khó tìm lại những nét xuân sắc một thời của chị Ngần. Nhìn chị, tôi cứ nao lòng tự hỏi tại sao trên đời này lại có những số phận éo le đến vậy? Chị như loài hoa ngát hương nhưng không kết trái. Giờ đây, nhụy hoa đã héo, cánh hoa đã úa tàn.

Chị kể giọng bùi ngùi. Khi biết mình không thể có con, chị đã chủ động làm giấy tờ cho anh Tần được tự do và khuyên anh nên xây dựng hạnh phúc với người khác. Anh Tần một mực không chịu. Anh ấy bàn với chị xin một đứa con nuôi. Vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau, cứ gì phải con cái… Nhưng chị không chấp nhận. “Nhà này không lẽ mất giống?”. Riết rồi cuối cùng anh Tần vẫn phải nghe theo chị. Anh chuyển ngành, công tác mãi tận trong Huế. Còn chị, chị vẫn ở lại ngôi nhà cũ lãnh phần hương khói và trông coi phần mộ bố mẹ anh Tần, sớm tối một mình chiếc bóng.

Tôi lấy ra mấy chiếc bánh dẻo đưa mời chị, lòng những ái ngại. Chị Ngần sẽ sàng bẻ từng miếng nhỏ, chậm rãi đưa lên miệng. Cái kiểu ăn nhẩn nha ấy sự nhấm nháp làm chính. Trả lời câu hỏi của tôi về lý do của chuyến đi này, chị cười: “Ra tỉnh làm vú em, chớ còn đi đâu nữa. Chị lên chức bà trẻ lâu rồi”.

Thì ra mấy đứa con của chị Hà lớn lên đều kéo nhau ra phố làm ăn. Chúng lập gia đình rồi có con, đứa nào cũng về nỉ non kêu như sắp chết đến nơi. Thương tình, chị đành gửi nhà cho hàng xóm rồi khăn gói quả mướp ra với lũ cháu. Đám trẻ con cứng cát, chị lại về quê. Chưa được ấm chỗ thì đám cháu chắt thúc bá nhà anh Tần lại mang con đến nhờ bà trẻ trông hộ. Vốn yêu trẻ lại mát tay nên đứa trẻ nào dù ghẻ lở ốm o đến ở với chị Ngần rồi cũng sởn sơ như lợn sữa. Thành thử trong nhà nuôi được ổ gà đẻ, dấm được buồng chuối chín, lắm khi chị cũng không biết mùi vị ra sao nữa.

Đã có nhiều người nhỏ to khuyên chị bán quách cơ ngơi bên này kiếm ít lưng vốn quay về làng cũ sống với anh chị em ruột nhà mình, hà cớ gì cứ phải nai lưng ra làm “mọi” cho người ta? Rõ là thân làm tội đời. Đã đành trong việc này chị được toàn quyền định đoạt, không hề có ai cản trở. Về luật pháp tuy chị không còn là vợ anh Tần nữa, nhưng trước vong linh bố mẹ anh ấy thì chị vẫn là phận dâu con trong nhà. Cái nghĩa ở đời là nó sâu nặng lắm em ạ. Với lại, chú tính ai đời lấy chồng trên hai chục năm rồi, không dưng lại đâm đầu về quê, hỏi còn mặt mũi nào chứ? Bố mẹ chị cũng đã khuất núi cả rồi. Anh em “kiến giả nhất phận”, ai đầy nồi nấy. Phận gái đã có chồng thì sống gửi nạc, thác gửi xương. Chẳng qua cái số kiếp chị nó vậy, không thể khác được…

Tôi nhìn chị, ngậm ngùi thương cảm. Bây giờ thì tôi đã hiểu. Chị Ngần tiếp lời:

– Đáng lý ra thì chị còn chưa về. Vợ chồng nhà Cương (con trai lớn của chị Hà) cứ một hai đòi giữ bà ở lại. Nhưng chị nhận được thư của anh Tần cho biết đầu tháng này cả nhà anh ấy sẽ về sang cát, xây mộ cho các cụ. Vậy nên bằng giá nào thì chị cũng phải về để còn lo liệu. À mà chú biết không, hai thằng con của anh Tần trông “chó” lắm, giống bố in đúc. Nhiều lần chị viết thư bảo với cô Miên cứ đẻ thêm vào, mang về đây tôi nuôi tất.

– Chà, chị dám cả gan xúi người nhà nước phạm luật – Tôi cười trêu chị.

– Ừ, bậy thật – Chị gật gù như người vừa tỉnh mộng.

Nói đoạn, chị đứng dậy giục tôi. “Còn một khúc dao quăng nữa thôi, em ạ. Có đau chân cũng phải gắng. Không đi thì không thể tới đích được!”. Tôi khoác ba lô, xách túi nhảy lò cò vài bước rồi tập tễnh bám theo chị.

Tới đầu làng, tôi về nhà ông bác ruột. Trước lúc chia tay, chị Ngần dặn đi dặn lại: “Mai mốt anh Tần về, chú lại chơi. Ăn với chị một bữa cơm rau…”.

Hôm tôi ghé thăm chị, vợ chồng con cái nhà anh Tần cũng mới vừa từ Huế ra. Vợ anh là một cô giáo người Huế có dáng vẻ ưa nhìn, nét mặt phúc hậu. Chị nói năng nhỏ nhẹ, cười nhẹ. Biết tôi từng sống ở Huế những năm theo học đại học, chị Miên có vẻ mừng lắm. Anh Tần thì sốt sắng:

– Lâu quá rồi, anh em mình chưa có dịp gặp nhau. Việt ở lại ăn cơm cho vui. Chị Miên có món tôm chua hết ý…

Tôi nghe mà tứa cả nước bọt. Chị Ngần bận tíu tít. Nét mặt chị rạng ngời, nom ngây thơ như con trẻ. Tôi hiểu chị thèm khát được làm mẹ biết nhường nào. Hai đứa con của anh Tần cứ bám theo chị lẵng nhẵng như những cái đuôi. Đứa nào cũng cố giành cho được má Ngần. Lưng cõng, tay ôm, chị bóc trứng gà vừa thổi vừa bón cho từng đứa. Nhìn cảnh ấy, tôi nghẹn lòng vì thương chị Ngần quá. “Một đời người chỉ biết hy sinh vì hạnh phúc của người khác, chị không có chút gì cho riêng mình chăng? Là sao vậy nhỉ?”. Trong đầu tôi, bao nhiêu câu hỏi cứ đan xen, buồn vui lẫn lộn. Tôi không còn bụng dạ nào để nán lại dự bữa cơm như đã hứa với chị Ngần. Một quyết định vụt đến rất nhanh. Tôi đứng lên kiếm cớ chối từ lời mời của anh Tần.

Bốn tháng sau, tôi đáp tàu hỏa ra Huế dự ngày hội trường tổng hợp. Trở lại trường xưa, ngoài việc thăm lại thầy cô, thăm bạn bè cũ, tôi chủ định kỳ này phải tìm cho được nhà anh Tần. Vừa xuống tàu, tôi đang lục lọi trí nhớ tìm địa chỉ thì bất ngờ đụng ngay vợ chồng anh Tần trên sân ga. “Sao mà thiêng thế!”. Suýt nữa thì tôi đã reo lên thành tiếng, may mà kìm lại được. Quái, vợ chồng họ đã nhận ra tôi mà sao cả hai người vẫn đứng như chôn chân tại chỗ? Vẻ mặt của anh Tần đầy âu lo, hốt hoảng. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra với họ? Tôi bước nhanh đến chào. Giọng anh Tần rầu rầu:

– Chị Ngần bệnh trọng, em ạ. Đã chuyển qua hai ba bệnh viện, giờ thì người ta trả về rồi. Vậy mà cô ấy giấu biệt. Sáng nay chị Hà vừa mới điện báo cho anh…

Chị Miên lén đưa khăn lên chấm mắt. Giọng anh Tần như lạc đi.

– Ngần đã hy sinh cả đời cho gia đình, cho dòng họ nhà tôi. Kiếp này tôi mắc nợ cô ấy quá nhiều, biết lấy gì trả được?

Liếc nhìn đồng hồ, tôi luống cuống lần mở chiếc cặp da rồi lại dùng dằng. Có ít tiền mang theo để góp vui trong ngày hội trường, tôi đã toan đưa cả cho anh Tần, tính nhờ anh mang về thêm vào chút đỉnh thuốc thang cho chị Ngần. Chẳng hiểu sao tôi bỗng ngần ngừ rụt tay lại và thần mặt ra như một thằng ngố. Trong giây lát, tôi bỗng thấy mình trở thành một kẻ khác.

Tiếng loa phóng thanh nghèn nghẹt nhắc hành khách khẩn trương lên toa, ổn định chỗ ngồi. Chị Miên hối chồng: “Lẹ lên anh. Tàu chạy bây chừ!”

Tôi trân trối đứng nhìn những chiếc bánh sắt đen nhẻm đang hối hả nghiến ken két trên đường ray cho tới khi con tàu khuất dạng. Lòng trĩu nặng cái ý nghĩ về kiếp người, về duyên phận. Sự ân hận khiến tôi chẳng còn tâm địa nào mà nghĩ tới chuyện hội hè nữa. Bao dự định bỗng chốc tan biến như bong bóng xà phòng. Hình ảnh chị Ngần cứ trở đi trở lại trong đầu khiến tôi bàng hoàng. Không chịu nổi, ngay trong buổi chiều hôm ấy, tôi vội vã quay trở lại ga Huế…

Thành phố Hồ Chí Minh, 1998

N.M.N