Chia tay một đoạn nhé, nhà thơ Thanh Tùng!

759

Trần Thị Bảo Thư

(Viết theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tạm biệt anh, Hải Phòng chảy trong ngực anh và thơ anh chảy trong lồng ngực Hải Phòng. Chúng ta cùng hòa vào dòng chảy ấy để thuộc nhau từng chút một.

Nhà thơ Thanh Tùng

 

Thanh Tùng ứng tác

Thanh Tùng ứng tác,

Con gà cục tác

Con gà cục tác…

Nó đẻ trứng vàng!

Văn nghệ là thế, gặp nhau để đọc thơ, để nghe thơ. Để chắp cánh cho cảm xúc bay mãi. Thương nhau lắm, càng khổ càng thương. Củ hành, đĩa dưa muối, bún đậu và rượu là bữa tiệc không bao giờ tan ở chiếu thơ của những nghệ sĩ, những đứa trẻ khổng lồ giữa cõi nhân gian này. Trời cho và trời cũng đày đọa, cho những câu chữ khi như cỏ mọc, khi bay bổng xuất thần, cho tâm hồn nhạy cảm và dễ yêu dễ khóc. Đày đọa để khổ mà không biết khổ, lang thang mà tưởng mình như kiếp chim du cư chỉ cần những giọt sương mai là đủ. Và chúng tôi dù ở đâu cũng không thể quên được nhau, quên được những phút giây đậu lại giữa chiếu đời.

Câu đùa ứng tác của Nguyễn Thị Hoài Thanh với Thanh Tùng vào một đêm sinh hoạt thơ của CLB thơ NVH Hữu Nghị Việt Tiệp Hải Phòng, trong một phút hưng phấn đã được bạn bè hưởng ứng bởi đó chính xác là anh, những câu thơ ứng tác của anh là Vàng, chất Vàng ấy mãi mãi ở lại trong lòng bè bạn yêu mến anh. Cuộc sống vốn khe khắt, anh lúng túng và ồ ề giữa những bề bộn của xã hội thời kỳ đổi mới. Tôi và anh xuất thân là những người thợ, chỉ giỏi tay kìm tay búa mà không giỏi khi bị bỏ ra vỉa hè với những đưa đẩy đồng tiền bát gạo, những chua chát hơn thua. Có những lúc muốn vất hết lại mà chạy đến một nơi nào đó chỉ toàn nắng với thơ.

Vào cuối năm 1990, khi đó chúng tôi những người thợ cơ khí không còn việc làm, cơ cấu xã hội thay đổi. Chúng tôi cũng đã ngoài năm mươi tuổi mới tập buôn bán. Tôi ngồi nhờ cửa nhà của mẹ tôi bên phố Quang Trung, mua mấy chiếc bàn bi-da loại nhỏ cho thuê. Thanh Tùng thì ở bên vỉa hè phố Nguyễn Đức Cảnh bán đồ nhựa gia dụng. Chúng tôi chạy qua chạy lại rất gần vào những lúc ế hàng, hầu như vậy. Hôm đó cũng giáp Tết, tôi tranh thủ sang phố Tô Hiệu mua thêm bàn bi-da nhỏ về phục vụ Tết. Từ Quang Trung sang phố Tô Hiệu phải đi qua chỗ anh, bữa đó cận Tết nên cửa hàng đồ nhựa của anh đông khách. Thấy tôi anh vẫy vào, giới thiệu với tôi một người khách đang ngồi trong bàn. Lần đầu tôi gặp nhà thơ Tô Hà cũng là người gốc Hải Phòng về chơi. Thanh Tùng nhờ tôi tiếp Tô Hà sau khi giới thiệu hai người với nhau, rồi anh chạy ra chạy vào bán hàng. Khách thấy chủ bận nên mấy lần đứng lên chào về, mỗi lần khách đứng lên là một lần chủ ấn hai tay vào vai ngồi xuống, thật lạ, cuối năm bận như thế phải nhờ người tiếp mà vẫn giữ bạn. Tôi thì cũng bận nhưng nể và thế là chúng tôi đành bỏ thơ ra tiếp nhau. Sau mỗi bài thơ Tô Hà đọc tôi lại hút một điếu thuốc, bình thường tôi không hút. Hôm đó anh Tô Hà đọc mười bài, vậy là tôi hút hết nửa bao thuốc. Hậu quả vụ thưởng thơ này tôi bị viêm họng nặng, và tôi được một kỷ niệm về bè bạn. Nhà thơ Tô Hà mất sau đó ít lâu khi tuổi đời còn sung mãn.

Lần này tôi tiễn anh, anh đi trước tôi một đoạn nhé, như mới hôm qua anh về Long Khánh thăm tôi, trước khi trở lại Sài Gòn, ra xe dúi cho tôi 100 ngàn. Tôi hỏi làm gì có tiền mà cho? Anh nói, chỉ có ít thôi cứ cầm lấy.

Thật buồn thương vô hạn.

Tạm biệt anh, Hải Phòng chảy trong ngực anh và thơ anh chảy trong lồng ngực Hải Phòng. Chúng ta cùng hòa vào dòng chảy ấy để thuộc nhau từng chút một.

T.T.B.T

(Hội viên VHNT Đồng Nai)