Chiếc bánh tét tự gói ngày thơ

673

Hồ Xuân Đà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày còn bé, khi đó đang là một học sinh tiểu học, tôi mong Tết đến lắm. Mà chắc chẳng riêng gì tôi, trẻ nít ai chẳng mong những ngày được diện quần áo mới, được khoanh tay chúc Tết rồi nhận những bao lì xì màu đỏ tươi roi rói, vui nhất vẫn là việc cùng mẹ phụ làm các loại bánh mứt. Những việc làm nho nhỏ, thân thương, xúm xít cùng nhau ấy, đã tạo nên những cái Tết đầm ấm ghi hoài ký ức cho tới mãi bây giờ, thương yêu đến xao lòng mỗi khi tiết trời báo hiệu những ngày sắp được trở về quây quần bên nhau.

Trong tâm hồn, trong ký ức của những con người đã lớn hiện nay của tôi là công sức của ba mẹ, là những người luôn chịu khó để làm nên những cái Tết, để tôi biết Tết là thời gian quý giá đến chừng nào. Tôi biết ơn điều đó, không thể chỉ biểu hiện bằng lời nói, bằng câu chữ, tôi muốn giữ gìn điều đó, giữ gìn những điều ba mẹ thường làm trong những ngày giáp Tết, trong tháng cuối cùng của năm. Đó là bây giờ, dù cuộc sống bon chen, dù cuộc sống mệt mỏi, dù chỉ muốn đơn giản cho cái Tết đi qua, thì tôi cũng tìm cách nào đó để tạo nên những dư vị từ căn bếp, từ bình hoa trên bàn, từ tách trà buổi sáng, từ những món bánh quê hương được học hỏi để cùng con vào bếp, cùng con mang những mùi hương ấm nồng của gừng, của dừa, của đậu nưng nức ngát thơm trong căn nhà quanh năm bận rộn với bao việc của cuộc sống.


Ảnh minh họa (Internet).

Tôi nhớ rất rõ, nhà tôi có bảy anh chị em, mẹ sinh “ba năm một cặp”, nên các con chỉ cách nhau chưa đầy hai tuổi, độ lớn cứ nối tiếp nhau. Tết là những ngày mà con nít được ăn ngon, được mặt đẹp, được chọn từng cái bánh cái kẹo bỏ vào cái túi xách nho nhỏ mới toanh đeo tung tăng đi khắp xóm rồi khoe với bạn bè rằng “nhà mình có làm bánh in, bánh thuẫn, kẹo dẻo, kẹo me, ngon ơi là ngon”. Cái sự khoe ấy là niềm tự hào của một gia đình có cái tết no đủ, sung sướng. Những ngày tiết trời âm ấm, có những tia nắng lung linh, đi kèm vài cơn gió se se lạnh, tung tẩy, nhảy chân sáo khắp nhà, vào bàn tiếp khách của ba mẹ mà ve vuốt từng cánh hoa mai vàng lóng lánh, khen nức nở, khiến ba ngồi uống trà phải nhắc nhở: “Cẩn thận chứ, coi chừng hỏng hết các nụ hoa”. Cành hoa mai, nhạc xuân, ấm trà, khay bánh mứt, hạt dưa, là một bức tranh nồng hương vị của thời khắc tiết trời giao hòa. Người lớn, trẻ nhỏ tập trung nơi phòng khách trong bộ cánh đẹp nhất, mới nhất, lộng lẫy nhất. Sau lời chúc mừng năm mới dành cho nhau, cả nhà tôi bắt đầu đi viếng mộ ông bà, tổ tiên. Tại đây, những nén hương trầm thiêng liêng giữa không trung, trong linh địa của những người đã ra đi, quây quần về với con cháu. Sắc hoa vàng nở rộ, người người trầm lắng hướng về nguồn cội đi cùng ước vọng cho một mùa xuân may mắn bình an, chắc chắn rằng tết là những ngày con cháu tề tựu, sum vầy để thắt chặt yêu thương.

Tôi nhớ lắm, nhớ Tết của tuổi thơ, nhớ tết của quê nhà, nhớ tết của ba, của mẹ, nhớ rõ giai điệu bài hát đêm giao thừa ba mở những bản nhạc xuân, qua những mùa xuân xa xưa bao thế hệ còn mãi, để qua đó tôi đã biết rất nhiều bài hát hay của mùa xuân, ngày tết đi cùng với năm tháng.

Mỗi năm Tết đến xuân về, tôi nhớ ba, nỗi nhớ những việc ba làm, những gì ba chuẩn bị, những gì ba thường làm trong những ngày ấy, để thấy xuân ý vị, thiết tha làm sao. Bộ lư đồng bóng sạch, phòng khách rực rỡ sắc hoa, nhà cửa sạch sẽ tinh tươm từ trong nhà ra ngoài ngõ, lời ba dặn, phải nói những lời hay ý đẹp, không giận dỗi cãi nhau trong ba ngày tết để cả năm niềm vui, may mắn gõ cửa nhà. Những gì ba làm cho tuổi thơ tôi, các anh em tôi ghi nhớ mãi, nó đi sâu vào trong tiềm thức, trong phong cách sống, nên dù bây giờ không còn ba nữa, anh em chúng tôi luôn sum họp cùng nhau trong những ngày tết đến, cùng nhau hát ca, cùng nhau ăn chè đậu đỏ, cùng nhau mở tiệc trong ngày mồng một bên mẹ, nói cho nhau nghe rất nhiều điều, một năm bận rộn công việc, cơm áo, chỉ còn có những ngày tết là sum họp hát ca vang cùng nhau, nói rằng mùa xuân đã về.

Mùa xuân, ngày Tết, là những ngày đoàn viên sum họp, yêu thương gắn kết, sẻ chia, rồi nở rộ nụ cười trên môi. Nhớ lắm ngày Tết, nhớ lắm không khí đêm giao thừa, nhớ vị trà gừng ấm nóng, kẹo hạt sen thơm phức, và cảnh cả nhà tập trung gói bánh, ba gói, mẹ cột dây, con ngồi tập tành làm theo những đòn bánh tét nho nhỏ.

Đêm ba mươi, nồi bánh tét ngun ngút khói trên ánh lửa bập bùng, mẹ choàng thêm khăn ấm canh nước đã cạn chưa, ba đun thêm củi, con giật mình thức dậy, dụi mắt hỏi: “Ba ơi, cái bánh hồi chiều con gói đã chín chưa”. Ngày mai, khi thức dậy, diện bộ quần áo màu sắc tươi xinh nhất, vẫn không quên chiếc bánh, mà tôi đã tự học gói, xuống gian bếp tìm cho bằng được, rồi mỉm cười đem cất chiếc bánh đầu tiên của cuộc đời để dành ngắm nghía suốt cả ba ngày Tết.

H.X.Đ