(Vanchuongphuongnam.vn) – Học theo bạn bè con nhà giàu, Thanh Thảo đã hoàn toàn thay đổi tính nết. Vốn trước đây là đứa con gái chăm ngoan vượt khó học giỏi, tuy nhiên khi lên cấp ba, Thanh Thảo đua đòi nên học hành sa sút, không thông cảm cho cha “cảnh gà trống nuôi con”, hoàn cảnh xuất thân của gia đình từ người làm nông chạy gạo từng ngày, khi mẹ mất sớm vì bệnh. Khi có được chiếc điện thoại “thông minh” như mong muốn, cũng là lúc Thanh Thảo ân hận cho suy nghĩ nông cạn của mình…
Tác giả Võ Văn Thọ
Giữa trưa đứng bóng, trời nắng như đổ lửa, người đàn ông trạc tuổi lục tuần, thân hình gầy gò trông cứ như ông già bảy mươi đang ra sức khuân vác từng viên gạch, đặt lên xe rùa chất đầy có ngọn. Rồi ra sức đẩy đến điểm xây dựng, nhưng không có một bóng công nhân xây dựng trên công trình. Chắc mọi người đã nghỉ trưa, để lấy sức cho buổi chiều còn làm việc. Người đàn ông vẫn chăm chỉ, bất kể cái nắng mùa hè, cộng thêm cơn gió Lào nóng khô khốc y như lò sưởi.
Từ ngày Thanh Thảo vào cấp ba, người đàn ông hóa bụa ấy càng hăng say công việc hơn, bất kể sớm, trưa. Cứ có việc là ông nhận làm thêm, với hy vọng kiến thêm chút đỉnh lo cho con bằng bạn, bằng bè. Vì ông biết Thanh Thảo thiếu thốn tình cảm từ nhỏ, do mẹ Thảo mất sớm, khi Thanh Thảo còn chưa vào lớp một. Nên tâm nguyện ông không muốn con gái duy nhất của mình phải chịu khổ. Thà ông khổ cả đời, để con được hạnh phúc. Đúng là nước chảy xuôi, cha, mẹ nào cũng yêu con hơn chính bản thân mình!
Thanh Thảo là đứa con gái xinh đẹp, ngoan ngoãn, có thành tích kết quả học tập từ năm lớp một đến lớp chín là học sinh giỏi, được thầy, cô, bạn bè mến phục. Mặc dù thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ, nhưng Thảo luôn là đứa con có hiếu với cha. Ngoài việc học ở trường, Thanh Thảo còn phụ giúp cha những việc trong gia đình như cơm nước, giặt dũ áo quần, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp. cha Thanh Thảo vì thế nên ông cảm thấy rất hạnh phúc khi có một đứa con gái ngoan hiền, giỏi giang so với bạn bè cùng trang lứa. Ông càng quyết tâm kiếm được tiền khá hơn, để trang trải khi con gái bước vào cấp ba, các khoản chi phí sẽ cao hơn…
Từ năm lớp một đến lớp chín học ở gần nhà cách chừng một đến hai cây số, trên chiếc xe đạp cọc cạch, ông luôn chở con đến trường, rồi đón con về rất chu đáo, không kể thời tiết nắng mưa trong năm, cứ như con ong chăm chỉ đi hút mật về xây tổ.
Là người nông dân, nhưng với bản tính là người lính trở về từ chiến trường Cam-pu-chia, sau khi làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn. Nên ông không ngại khó khăn, là thợ đụng, khi mùa vụ gieo trồng đã xong, ông chủ động tìm công việc làm thuê bốc vác, phụ hồ… kiếm tiền để lo cho con và còn để dành dụm lúc ốm đau, “trái gió trở trời”, tất thảy đều phải có tiền.
Năm Thanh Thảo lên lớp 10, Trường THPT ở tận thị trấn của một huyện H. Thanh Thảo phải ở trọ. Vì từ nhà đến trường ngót nghét mười cây số. Ông thương con gái hơn, động viên con cố gắng học tập thật tốt, để còn vào đại học, để sau này ra trường có cái nghề ổn định, thoát khỏi làm nông, mà đời ông đã thấu hiểu, cảm nhận nỗi khổ cực của người nông dân “một nắng, hai sương”, vật lộn với cái nắng, cái mưa “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”.
Từ ngày Thanh Thảo ở trọ để học tại thị trấn xa nhà, bạn bè mới, lớp của Thảo đa số là con em của cán bộ, doanh nghiệp chiếm số đông, nên cách sống và tâm lý của các bạn ấy phóng khoáng, đã có tác động đến Thanh Thảo. Thảo học theo, đua đòi với bạn bè từ lúc nào không biết, nên kết quả học tập giảm sút. Vì nhớ con, nên cha Thanh Thảo, tranh thủ ngày hết việc được nghỉ, lọc cọc đạp xe lên huyện thăm con gái và cũng để hỗ trợ thêm chút tiền nhỏ nhoi mà ông kiếm được bằng bán sức lao động. Với mong muốn là niềm động viên, an ủi cho con gái có thêm động lực vượt khó, để học tập thật tốt!
Một hôm ông đạp xe đến tận cổng trường, mồ hôi mồ kê nhễ nhãi, với bộ quần áo lao động bạc màu, dính đầy bụi đất, quan sát thấy con gái tan trường đi cùng nhóm bạn nam và nữ, ông mừng quýnh gọi:
– Thanh Thảo ơi!
Thanh Thảo như không nghe thấy tiếng cha gọi, cứ tự nhiên rảo bước với bạn bè. Ông ráng lấy sức gọi to hơn, vì sợ con không nghe thấy! Các bạn của Thanh Thảo quay lại nhìn ông với ánh mắt không mấy thiện cảm, rồi ngoảnh mặt đi tiếp. Ông tiếp tục đạp xe theo sau, nhưng Thanh Thảo như muốn né tránh cha, bước nhanh hơn về phía trước, y như muốn “cắt cái đuôi” đeo bám!…
Ông thoáng buồn nghĩ ngợi. Hay do mình ăn mặc như thế này, con gái không tiện gặp. Rồi tự trách bản thân ông, sao không giữ ý tứ, để con gái buồn!…
Lúc này linh tính mách bảo ông giữ khoảng cách và khi Thanh Thảo vào nhà trọ xong, quan sát không thấy bạn bè Thảo nhìn theo, ông mới bước vào sau. Nhẹ nhàng lên tiếng:
– Thanh Thảo con ơi! Cha tranh thủ lên thăm con đây, cha có mua món quà nhỏ mà con thích…
– Thanh Thảo quay lại nhìn cha, rồi nói: Cha lên làm gì? Sao không nói trước cho con biết? Con không muốn các bạn biết con có người cha như thế!…
– Ông như hiểu ý sâu thẳm con gái muốn nói. Giọng ông trầm và buồn buồn!
– Cha biết rồi. Cha xin lỗi con? Kết quả học tập của con ra sao? Vẫn tốt chứ con gái?
Thanh Thảo quay sang cha già đáng thương, ném cái nhìn bực dọc và nói:
– Bạn bè con ai cũng có điện thoại xịn – iPhone để truy cập, nắm thông tin, tình hình mới thì mới học tốt được, con không có thì lấy đâu ra kết quả tốt cho cha. Rồi Thanh Thảo như hờn trách cho số phận!…
Như hiểu được con gái đang cần phương tiện cho học tập. Vài phút suy nghĩ, người cha lên tiếng và hứa: “Cha sẽ cố gắng để con gái có chiếc điện thoại như mong muốn. Cha đang dành dụm được một ít rồi. Hẹn sinh nhật lần thứ 16 vào cuối năm nay nhé con gái!”.
Thanh Thảo không nói gì thêm…
*
Sau chuyến thăm con gái, cha Thanh Thảo suy nghĩ rất nhiều, ông tìm hỏi giá chiếc điện thoại iPhone, rồi lao vào công việc bất kể sớm trưa, với quyết tâm phải kiếm đủ số tiền để mua bằng được chiếc điện thoại mà cả đời ông cũng chưa dám nghĩ tới. Nhưng vì yêu thương con, ông có thể làm tất cả, dù chỉ còn một hơi thở trên đời, để ước mơ, mong muốn của con gái duy nhất ông sẽ được toại nguyện.
Sau chuyến đi thăm con về, ai ai cũng thấy ông trầm tính hơn, ít khi thấy nụ cười trên khuôn mặt ông xuất hiện. Tuy nhiên, ông không gục ngã, càng chăm chỉ hơn với công việc, làm bất cứ việc gì khi có ai gọi.
Đêm về, bên căn nhà trống vắng, đơn chiếc ông ít ngủ hơn, cứ loay hoay với cây bút và cuốn lịch, sau mỗi ngày làm việc ông lại loay hoay ghi, hình như là đánh dấu chéo nhỏ vào mỗi tờ lịch, cứ như quản lý chấm cơm công nhân ăn tại bếp tập thể.
Công sức, sự quyết tâm của người đàn ông đã đến ngày được đền đáp. Một ngày mùa đông rét mướt cuối tháng 11 năm ấy, khi ngoài trời từng cơn mưa dầm rả rích, thỉnh thoảng cơm gió mùa đông bắc ập tới, làm cho cái lạnh thêm se thắt, ông tìm cái thùng tôn nhỏ giấu kín dưới tủ thờ, đem ra mở khóa và đếm những đồng tiền có mệnh giá nhỏ, lớn. Sau khi kiểm tra, nhẩm tính, trên khuôn mặt ông thoáng xuất hiện nụ cười tươi. Ông lặng lẽ đạp xe trong cơn mưa, gió đến cửa hàng điện thoại, một lúc sau ông về với chiếc áo mưa tiện lợi đã rách tươm và nhàu nát….
Hôm đó, cũng là ngày sinh nhật lần thứ 16 của con gái. Thanh Thảo về thăm nhà và để được nhận món quà mà cha đã hứa với Thanh Thảo.
Về đến nhà, Thanh Thảo bước vào cửa thấy mọi thứ trong nhà đều ngăn nắp, nhìn lên chiếc bàn gỗ duy nhất trong nhà có một bông hoa hồng nhỏ nhưng rất tươi mới hé nở, được bọc trong giấy bóng gương, là loại hoa mà Thanh Thảo thích nhất! Bên cạnh hoa là một chiếc hộp nhỏ rất xinh xắn, Thảo đoán đó là món quà cha hứa tặng Thanh Thảo nhân sinh nhật lần thứ 16, khi ông đến thăm Thảo vào đầu tháng Tư.
Thanh Thảo vội vàng gọi cha ơi! Con đã về đây… nhưng không thấy cha trả lời, quay sang chiếc giường nhỏ, Thanh Thảo thấy cha đang nằm, nhưng lạ hơn là cha ăn mặc đoàng hoàng hơn mọi khi, với chiếc áo trắng tinh khiết và chiếc quần tây mà cha có lần nói với con gái: – Đó là kỉ vậy mà cha đã mặc trong ngày cưới mẹ Thanh Thảo…
Linh tính mách bảo Thanh Thảo có chuyện chẳng lành, Thảo đến bên giường Cha gọi: “Cha ơi! Con gái cưng của cha đây!”…
Trên khuôn mặt Cha Thanh Thảo như đặt sẵn nụ cười hiền lành, mãn nguyện!
Thảo lay bờ vai Cha rồi hét lên: Cha ơi! Cha ơi! Cha ơi! Nhưng ông vẫn nằm bất tỉnh, vì những tháng ngày làm việc quá sức.
– Thanh Thảo, buông chiếc hộp đựng trên tay, gục đầu trên ngực cha khóc như mưa và nói:
“Con không cần bất cứ thứ gì cả. Con gái cần có cha! Cha hãy tỉnh lại, cha hãy lên tiếng đi!”
Ngoài trời, cơm mưa như nặng hạt hơn, cái lạnh như bủa vây bờ vai gầy gò của người cha đáng thương. Thanh Thảo nước mắt ràn rụa trên ngực cha!…
Tam Kỳ, đêm thu tháng 07.2020
V.V.T