Chiếc kẹp tóc của mẹ – Tản văn của Châu An

592

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi cứ đinh ninh rằng, chỉ có dịch chuyển mới giúp tôi có thêm những trải nghiệm về cuộc đời… Rồi một ngày, trái tim tôi rướm máu về cuộc tình đầu tiên, niềm tin vốn dĩ được tôi xác tín phút chốc bỗng vỡ òa như bong bóng xà phòng. Tôi đau khổ và tìm về với mẹ như tìm về với tin yêu vĩnh hằng.

Tác giả Châu An

1.

Khi còn là một cô bé con nhỏ xíu, tôi đã ước sau này lớn lên cũng có mái tóc dài như mẹ. Mái tóc mẹ óng ả và đen nhánh như nhung. Tôi thích nhất là mỗi lần được mẹ cõng sau lưng, hít hà mùi hương bồ kết, hương bưởi thơm dịu phả ra từ suối tóc của mẹ. Nhưng chỉ khi mẹ mới gội đầu xong thì mới xõa tóc như vậy, còn bình thường mẹ lúc nào cũng kẹp búi tóc gọn gàng sau gáy bằng chiếc kẹp nhôm sáng loáng.

Lớn lên thành một thiếu nữ, tóc tôi dài ra, mẹ mua tặng tôi một cái kẹp có đính nơ màu hồng xinh xắn, tôi thích thú vô cùng. Nhưng có một điều là chừng ấy năm, mẹ vẫn cài cái kẹp ngày nào, và thật kì lạ là chiếc kẹp đó không bao giờ cũ đi mà dường như càng bóng và sáng hơn. Mấy chục năm trời, từ khi mẹ còn là con gái, đến khi đi lấy chồng, sinh con… chiếc kẹp vẫn không phút giây nào rời mái tóc của mẹ.

Mẹ lấy chồng khá muộn so với những cô gái cùng trang lứa thời bấy giờ. Tôi nghe ngoại kể có bao nhiêu chàng trai trong làng thương mẹ, làm đủ mọi cách để lấy được mẹ, nhưng mẹ vẫn nhất quyết ở vậy chờ cha đi bộ đội trong tận chiến trường miền Nam. Hòa bình lập lại, mẹ bận bộ bà ba đã bạc màu, đội chiếc nón lá, mái tóc vẫn được vấn cao bằng chiếc kẹp quen thuộc đi đón cha. Hạnh phúc rưng rưng ngọt ngào trong ngày đoàn tụ khi cha dịu dàng vuốt lên mái tóc mượt mà của người con gái thủy chung.

Sau khi lấy chồng, cha đi làm ăn xa, một mình mẹ tần tảo với ruộng lúa ngoài đồng, lúc nông nhàn thì quang gánh đi chợ làm hàng xén, buôn bán đủ thứ nhỏ lẻ để nuôi mấy chị em tôi khôn lớn. Mẹ bảo rằng cho dù khó khăn đến mấy thì cũng phải lo cho các con ăn học thành người tử tế, bằng bạn bằng bè.

Ngày chị gái tôi đi lấy chồng, bao nhiêu người phụ nữ rộn ràng và xúng xính trong bộ váy áo hợp thời với những mái tóc phi-dê, nhuộn màu đủ kiểu, nhưng mẹ vẫn giản dị trong bộ áo dài tím nền nã, tóc búi lên cao bằng chiếc kẹp ngày xưa. Trông mẹ đẹp một cách tự nhiên và thuần phác làm sao.

Mãi đến sau này, tôi mới hiểu vì sao mẹ luôn trân trọng và son sắt với chiếc kẹp đơn sơ đến vậy. Vì đó là kỉ vật thiêng liêng của tình yêu, là món quà được cha tự tay làm từ mảnh nhôm ở chiến trường gửi về làm quà cho mẹ. Đã ngần ấy năm trôi qua, bao nhiêu sự đổi thay, cuộc sống cũng đã đủ đầy hơn xưa, nhưng giờ mẹ vẫn cài lên mái tóc đã bạc màu cái kẹp nhôm ấy. Có lần, tôi mua tặng mẹ chiếc kẹp đính mấy hạt óng ánh màu đen, nhưng mẹ chỉ thử cột tóc một lần rồi cất đi, mẹ bảo “Cái kẹp của con mẹ rất thích, nhưng mẹ dùng cái kẹp nhôm này quen rồi, nó đơn giản và thuận tiện hơn”. Bỗng dưng, tôi thấy sống mũi mình cay cay.

Học xong cấp ba, tôi rời quê lên thành phố học đại học, rồi làm việc ở đó luôn. Công việc và những mỗi quan hệ có khi làm tôi cứ lao theo guồng quay vô định mà không kịp dừng chân. Tuổi trẻ và những ước mơ bay cao, bay xa, được đi khắp mọi miền luôn lôi cuốn tôi như một sức hút không thể cưỡng lại. Tôi vẫn thường ngồi nói với đám bạn bè rằng chỉ có những chuyến đi mới giúp ta nhận ra những điều phi thường, cao cả trong cuộc sống thường nhật vốn bị những vụn vặt che mờ đi. Ánh mắt tôi hân hoan, lòng tôi rạo rực khi nói về những dự định, những ước mơ đến vùng đất mới, và tôi cứ đinh ninh cho rằng, chỉ có dịch chuyển mới giúp tôi có thêm những trải nghiệm về cuộc đời… Rồi một ngày, trái tim tôi rướm máu về cuộc tình đầu tiên, niềm tin vốn dĩ được tôi xác tín phút chốc bỗng vỡ òa như bong bóng xà phòng. Tôi đau khổ và tìm về với mẹ như tìm về với tin yêu vĩnh hằng. Một đời mẹ không đi đâu khỏi lũy tre làng, mẹ cũng chẳng bao giờ biết đến những khái niệm trừu tượng như “trải nghiệm, vô định, …” mà tuổi trẻ chúng tôi vẫn thường hay nói đến. Nhưng mẹ luôn biết cách xoa dịu nỗi đau của mọi người, mẹ không ngại ngần khi dắt tay bà lão ăn xin vào nhà và hỏi han rất chân thành, mẹ biếu họ ít tiền, có khi là gạo, mấy củ khoai…, mẹ tuyệt đối không bao giờ thể hiện thái độ bố thí cho người khác. Mẹ là vậy, luôn đầy lòng yêu thương với những người nghèo khổ xung quanh. Mẹ không mơ về những trải nghiệm mới mẻ về những vùng đất xa xôi như tôi, mẹ lại càng không bao giờ tìm cách thoát ra khỏi cuộc sống thường nhật, mẹ không đi đâu xa nhà dù chỉ vài ngày, nhưng mẹ luôn tìm thấy những điều tốt đẹp và cao cả trong chính cuộc sống của mình, của gia đình và xóm giềng thân thuộc.

4.

Tôi lấy chồng ở thành phố, thỉnh thoảng đưa mẹ ra chơi, biết mẹ thích đi bộ, nên hai mẹ con đi dạo trên vỉa hè, mẹ luôn chậm rãi, nép mình nhường chỗ cho người khác hối hả vượt lên. Mẹ cười hiền lành và chất phác như cô gái thôn quê lần đầu ra phố.

Bao năm qua, những đứa con của mẹ giờ đã khôn lớn, thành đạt, mẹ không phải lo toan cuộc sống như trước nữa nhưng mẹ vẫn luôn giản dị, khiêm nhường. Mẹ vẫn thường tự tay mua vải về may quần áo cho mấy đứa nhỏ nhà tôi, có khi mẹ lấy chiếc kẹp nhôm trên đầu xuống luồn lại dây chun quần cho đám trẻ con hàng xóm… Mẹ không bao giờ biết đến những câu danh ngôn về đời sống nhưng mẹ luôn tâm niệm “ở hiền gặp lành”, “đói cho sạch, rách cho thơm’’ mà ông bà đã dạy. Mẹ luôn có một niềm tin vô bờ bến và không bao giờ tuyệt vọng hay chán nản như chúng tôi. Với mẹ, yêu thương là cho đi mà không bao giờ mong nhận lại, cả đời mẹ không lúc nào day dứt vì điều đó.

Bao nhiêu năm nay, tôi cứ ngỡ rằng mình trưởng thành từ những chuyến đi, có thêm những trải nghiệm về con người, về những vùng đất mới, nhưng thực ra, tôi đã trưởng thành từ những nét quê mùa mộc mạc, chân chất, đầy lòng tự trọng của mẹ. Trong tâm hồn chúng tôi, mẹ luôn là một người phụ nữ nhỏ bé, giản dị, nhưng nhân cách mẹ luôn sáng lấp lánh như chiếc kẹp nhôm cha tặng ngày nào.

C.A