Chiếc lồng son – Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân

1461

Nhà văn Tống Ngọc Hân 

                                            Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân

   (Vanchuongphuongnam.vn) – Đang nắng phơi phới ra thế mà mưa ngay được. Lũ chim trong lồng tắm táp xả láng ngay trước mặt khách. Khách không cần xem chúng mày tắm, khách thèm nghe chúng mày hót, hiểu không?

   Chả hiểu gì cả. Chúng dạn dĩ chổng vộc cái đuôi ướt dượt lên, ngoái cổ chăm chú rỉa, chẳng gì đó cũng là chỗ đẹp nhất, quan trọng nhất, cần được chăm sóc nhất. Việc luyện giọng hay thi thố của chủ thì có ảnh hưởng gì tới chúng? Việc buôn bán ế ẩm hay đắt đỏ càng chẳng ảnh hưởng gì. Cũng chỉ là những lần chuyển từ cái lồng này sang cái lồng khác mà thôi.

– Con mi này cái hay đực?

    Tôi tính cụp ô xuống để nhìn xem cái câu hỏi ấy phát ra từ miệng thằng nào. Thế mà cũng đòi chơi chim. Nhưng thôi, hơi đâu mà dạy khôn thiên hạ. Đầu gối tôi nhức mỏi, bứt rứt, dự báo cái kiểu mưa nắng tranh sân này còn kéo dài vài hôm nữa. Tôi đứng dậy gom tám cái lồng chim đầy hai tay, lủng lẳng xách về nhà trọ. Bốn con mi ở bốn cái lồng riêng, khoan khoái ngắm mưa phố xá. Bốn cái lồng còn lại, mỗi lồng ba con ngũ sắc và ba con quế lâm nhảy nhót tưng bừng như thể ghen tị với đám con gái Mông chạy rào rào dưới mưa. Mưa phố khác mưa rừng là đương nhiên rồi.

– Mua chim có được lồng không?

  Lại thằng ngu nào nữa đây? Thế cũng đòi chơi chim. Cái lồng chim đan bằng tre nứa tạm bợ đáng mấy chục mà hỏi. Xem thì xem, chẳng ai cấm xem chim, nhưng không mua thì ít hỏi thôi, đỡ nhọc. Đắt hàng, hỏi còn muốn trả lời, ế chỏng chơ mà hỏi, những muốn kéo rèm vải xuống cho chúng bay nhịn. Ghét nhất những thằng hỏi vô duyên. Chim mấy tuổi? Chim có hót không? Nhốt chung thế mà chúng không đánh nhau nhỉ? Ức chế quá.

   Nhưng trò đời đến cực, bọn vô công rồi nghề, thằng đếch nào cũng thích xem chim để giết thời gian. Bình phẩm nhầu nhĩ rồi cho tay vào túi quần thong thả cút. Chơi chim là phải có tiền và có hiểu biết các ông trẻ ạ. Cứ một ông đi, tôi lại mừng một tí. Khách muốn mua chim, nhìn thoáng qua là nhận ra ngay. Họ không bình phẩm, mà tỉ mẩn quan sát từng con một. Ngày phiên, nếu đẹp trời, ngót trăm cái lồng chim. Con khôn có, con dại có. Có con dạn dĩ, có con nhát cáy nhảy loạn xạ, sã cả cánh, khàn cả giọng. Con ở lồng có thâm niên, con mới ở rừng về…Đủ hết, xem hết một lượt cũng trưa lòi. Thế mà điếng cả người khi hỏi giá, gã Mông kia bảo chim mồi không bán. Không bán mày mang chim lên chợ làm gì. Chơi thôi. Tôi khẽ đánh mắt, thằng kia hỏi:

 – Ở nhà chú còn con nào hay hơn không?

    Tôi bắt luôn bằng cái gật đầu. Thế là nó theo tôi về phòng trọ. Chơi chim là như thế. Không chê mà cũng không khen. Phải tinh mắt, thính tai.

   Hôm ấy cũng thế, biết có khách đang theo chân mình, tôi cố ý bước nhanh hơn. Ngoáy đến ba phát, cái ổ khóa hoen rỉ vì sương mù mới khẽ cạch một cái. Dù đã nhẹ nhàng đến độ rón rén như thằng trộm, như lúc ra khỏi phòng, tôi vẫn bị bà chủ nhà phát hiện ra. Bà chỉ mớ lồng chim tôi xách về và hỏi, giọng của người đòi nợ có văn hóa.

   -Đắt hay rẻ sao không bán tạm vài con đi mà trả tôi. Thật chú chả biết thế nào là sốt ruột.

Tôi chống chế:

  – Không được giá mà bán thì làng cười cho, cái gì đó phá giá thì được chứ chim thì không thể, chị thông cảm chờ tôi thêm vài hôm.

  Nói thế thôi chứ hôm nay đã có ma nào ngỏ nghê đâu. Vừa nãy đói, mệt thế, giờ về đến phòng, nghe dàn đồng ca họa mi, lòng tôi bỗng phơi phới.

    Ông khách đứng ngoài cửa tầm phào với chủ nhà vài câu dông dài rồi ngó vào phòng tôi. Chín mét vuông, một cái giường gấp gọn và cái bếp ga du lịch. Hết. Còn lại là ba chục cái lồng chim lớn nhỏ, nơi ở của một dàn ca sĩ nghiệp dư đang chờ ngày được bước ra sân khấu âm nhạc lớn. Tôi là ông bầu tâm huyết, giầu tham vọng và đặt hết hi vọng của mình vào những ca sĩ bé nhỏ.

  Ông khách dường như hiểu tình cảnh của tôi nên sớm để tôi tràn trề hi vọng:

– Khỏi tốn thì giờ, anh lấy cho tôi con mi hay nhất.

Tôi cấn cá lâu lắm rồi cũng quyết định nhắc cái lồng treo gần cửa sổ xuống.

– Bao nhiêu?

  Tôi giơ sáu ngón tay run run. Ông kia bẻ cái ngón trỏ đơn độc của tôi xuống. Tôi đắng lòng nhận năm triệu và nhìn ông ta xách cái lồng đi.

Bà chủ nhà mắt lóe lên nhẩm tính. Chắc bà ta đang làm phép tính nhân đơn giản, năm ba mười lăm, tôi có cả trăm rưởi triệu đây mà, đâu phải con nào cũng ngon thế. Tôi rút ra năm trăm trả luôn tiền nhà. Bà ta nguây nguẩy. Ấy, tôi lấy theo quý, sẵn đây anh trả luôn đi. Tôi rút thêm. Trước khi đi bà còn ỉ ôi. Xăng dầu lên rồi, cái gì cũng đắt đỏ, quý sau trả thêm đấy nhé.

  Bán mất con trưởng bè, cả đàn hót lác đác. Tôi buồn. Buôn bán là thế. Thường thì chỉ lừa được kẻ tập tọng chơi chim thôi, chứ với người sành, qua mắt sao được. Mà cũng chưa lừa được ai cả. Việc buôn bán có thuận hay không là do tử vi phải chấm có số bán mua mới được. Vốn liếng tôi trút vào đây không đáng là bao nhưng tâm huyết tôi đổ về đây khá nhiều. Chả thế mà lang thang xa nhà quanh năm suốt tháng, không người đàn bà nào ưa tôi đến hai tuần. Mẹ tôi mòn mỏi chờ cái ngày tôi mở cửa lồng, thả tiếng hót vào trời tự do cho bầy chim rừng. Chẳng có cái ngày ấy đâu. Tôi mê chim, chót mê chim hơn mê đàn bà. Suốt ngày lêu lổng với chim mà ăn bám mẹ cũng không đành. Nhất cử lưỡng tiện. Thế là tôi buôn chim. Không cắc cớ cái món tiền nhà thì còn lâu tôi mới để thằng kia dúi tiền vào tay. Không phải vì đắt rẻ, mà vì tôi không muốn bán nó. Giá nó chọn đại một con đã đành. Thôi, từ giờ cũng không phải đi vụng, về trộm nữa rồi. Đàng hoàng được rồi. Ngẫm ra, tiền mua được khối thứ. Mua được cả sự đàng hoàng của một quý ông ba lăm tuổi chưa vợ.

  Tôi không xấu trai. Mấy đứa bán phong lan khen tôi có duyên thầm. Tôi không đen đủi lắm dù suốt ngày ngửa mặt đong đo thời tiết. Mấy bác bán than bảo thế. Giọng tôi cũng dễ nghe, vì người ta vẫn nói, tôi hót hay hơn cả chim. Buôn bán màn trời chiếu đất như tôi, không hót cũng phải hót, không hay cũng phải hay. Nhiều khi vừa uốn lưỡi vừa ngượng. Ban đầu cái mặt tôi còn đỏ, về sau tỉnh bơ, tỉnh như thể cái nghiệp nó phải thế, ngượng chỉ tô điểm cho nhân cách chứ không làm đầy ví tiền.

  Có lần tôi bán cái lồng chim lấy hai mươi ngàn để mua cám chim, còn mình thì nhịn. Thằng bán cây mật gấu ngồi cạnh bảo, sao không bán rẻ cho nó con chim què ấy lấy tiền ăn mà lại thả ra? Đúng là cái miệng thằng ế hàng cũng đắng như cái cây thuốc của nó. Chỉ có thiên nhiên mới chữa lành vết thương của con chim khi cái lồng làm tổn thương nó. Thằng kia mua thêm cái lồng để tách cặp ngũ sắc ra hi vọng chúng nhớ nhau mà hót. Khôn ơi là khôn, sao cứ tưởng mình khôn đến thế. Đôi chim ấy, cầm chắc ba ngày sau là chết. Chúng nhớ nhau mà chết. Không phải loài chim nào cũng giống nhau đâu. Nhưng vì cần hai mươi ngàn mà tôi vẫn bán. Con vật, đôi khi đem mạng sống ra trả tiền học phí cho con người trong cái bể học mênh mông đến khôn lường. Sao anh ác thế? Tôi cười. Ba ngày và mười ngày có khác nhau là mấy? Nếu ở cùng một lồng mà chúng cũng chết chỉ sau mười ngày thôi sao? Tôi gật đầu. Vì kẻ không hiểu gì về chim mà mua chim về ắt chỉ để nôn nóng nghe chúng hót. Lúc nào người ta cũng sán sít bên cạnh, thậm chí chọc que vào. Cả hai con chim sẽ phá chuồng đòi tự do, chúng sẽ kiệt sức mà chết khi cuống cuồng tìm đường sống. Thằng bán mật gấu không hỏi gì thêm, đến lượt con mẹ bán gừng tưới vào cơn đói của tôi thứ gia vị cay xè:

 – Nó què nhưng vẫn béo, chả nướng mà ăn, hoài của, lại thả ra..

   Mũi tôi phập phồng, như ngửi thấy mùi thịt nướng thơm thơm, nước dãi tôi tràn ra khoang miệng, tôi quay người nuốt đi. Khốn nạn thật, ông bầu ca nhạc mà cũng có lúc nghĩ đến việc làm thịt ca sĩ của mình thì trách gì thế nhân. Rồi như có quý nhân phù trợ, đúng vào những lúc tôi quẫn nhất, nhỏ nhen nhất thì lại có một chú khách đem tiền đến cứu rỗi tôi. Tiền hay thật. Cái từ “hay” thiêng liêng với tôi đến mức tôi chỉ dùng nó để chỉ những con chim nhỏ bé tài hoa của tôi, thế mà chẳng biết từ bao giờ tôi cũng tặng nó cho tiền. Tiền hay thật. Có tiền, tôi no nê, thỏa sức mà đãi bôi những chú vô công rồi nghề bằng những lời chót lưỡi. Nào là chim của anh đã qua khóa huấn luyện ngặt nghèo, con nào không qua được, sa thải. Nào là tiền bán chim anh tái đầu tư hết vào chim, chứ nếu không mua đất Sa Pa ở chứ sá gì. Nào là tiền cám chim của anh cả tháng cũng bằng tiền nuôi một con bồ ăn chơi chứ chả nói gì đến vợ con, nhưng anh chả thiết.

  Tôi không phải kẻ keo kiệt, vì tháng trước tôi cho tiền thằng ăn mày hai lần trong một buổi sáng. Trước, tôi cho nó hai ngàn. Nó đến con bán ngô luộc, con kia đòi bốn ngàn một bắp, tôi gọi nó lại, cho mày thêm hai ngàn. Có bốn ngàn, nó lại không mua ngô mà đến bà hàng bưởi, bưởi mười ngàn một quả. Lần này bố mày không mắc mưu nữa đâu. Thằng ăn mày đã cho tôi bài học về lòng thương người, bài học có giá bốn nghìn.

  Tôi cũng không phải kẻ ăn tàn phá hại. Hôm đó nhức đầu, tôi không ăn hết suất cơm bụi, gói đem về cho chó chủ nhà. Con chó ngửi rồi chê không có mầu không ăn. Tôi tiếc đem về ủ mẻ. Mẻ chín ngẫu, cái mẻ bò lổm ngổm quanh miệng lọ, tôi phải để dành cơm nuôi nó. Mẻ như người, không ăn cũng chết. Ấy thế, do tôi quảng cáo mình mát tay nuôi mẻ, xóm có mấy người mổ chó đến xin rồi đấy. Họ biếu tôi chút mùi chả nướng bay phảng phất qua giấc ngủ tôi cả mấy đêm. Nuôi chim để kinh doanh, kiếm tiền, còn nuôi mẻ, chi phí ít, để kiếm tí láng giềng phòng khi trở trời trái gió.

  Tôi cũng không phải kẻ dở hơi khó tính, thậm chí dễ dãi. Hôm tôi cảm nặng nghỉ chợ ở nhà một phiên, sáng hôm sau, chỗ tôi ngồi đã có con mẹ bán dâu da ngồi. Tôi xách chim đi rong, rong đến chục vòng, mỏi chân quay về vẫn thấy nó còn hai túm thâm sì như vú chửa. Tôi phải mua nốt hai túm dâu da đó mới tiễn được nó đi để mà đòi lại chỗ. Sau khi ăn dâu da của tôi, mấy đứa bán chim lân cận mới chịu thừa nhận, đó là chỗ tôi vẫn ngồi ba tháng nay rồi.

  Thế mà không đứa đàn bà con gái nào dám nhận lời cầu hôn của tôi dù tôi ra sức hứa hẹn. Có đứa còn bảo, lấy em rồi anh cũng bỏ vào lồng xách đi lang thang thế này à? Em cần nhà cửa chứ không cần lang thang vô gia cư.

Của đáng tội, có đứa cũng chịu về nhà trọ với tôi một vài đêm, sau đó chầu chực mãi không thấy tôi bán được con chim nào để trả tình phí, nó cũng biến. Trước khi biến còn đạp gãy cái giường gấp của tôi cùng lời hăm. Cho mày ra hàng sắt vụn. Đâu có của rẻ rúng thế. Tôi vốn thông minh, khéo tay, cái giường được cấp cứu băng bó ngay lập tức, và chung thủy với tôi hơn bất cứ đứa đàn bà nào, đến tận bây giờ.

  Còn ba triệu rưỡi tiền bán chim, tôi lẩn kĩ vào quần trong, ngả lưng xuống giường, lên kế hoạch chi tiêu cho chuỗi ngày bắc nước chờ gạo người sắp tới. Đang lơ mơ tính toán thì tôi nghe tiếng gõ cửa thình thình. Bật dậy ngay. Bà chủ quán đưa tin sốt dẻo. Sa pa sắp có lễ hội, người đổ về như thác, chú sắp vào cầu rồi nhé. Tôi mừng quá cứ nhắc cái lồng chỗ này, đổi vào chỗ kia như thể trên mâm, thằng nghèo không tìm ra cái bát nào lành để dành cho khách, cứ láo lơ đổi chác. Chẳng biết bọn chim có hiểu cái thông tin quan trọng ấy không mà chúng cũng nhốn nháo cả lên.

   Cả đêm ấy tôi không ngủ được. Đêm, mưa độc quyền vũ trụ vì không có nắng tranh giành. Những giọt mưa gõ không đều vào mái ngói pro y như nỗi phấp phỏng của tôi. Tôi trù tính thế này, mỗi lượt lên tôi sẽ xách đi ba con mi, hai con sáo và ba lồng ngũ sắc. Ngũ sắc có nhiệm vụ nhảy múa để thu hút khách như kiểu các vũ nữ múa minh họa ấy. Hai con sáo gật gù vẻ hiền triết cũng chỉ để giảm bớt độ nhộn nhịp chợ búa thôi. Bài chính của tôi là mi, dạo này đang mốt chơi mi. Những con mi rừng Hoàng Liên nổi tiếng bởi giọng hót cao vút nhưng mượt mà, êm ái và chất giọng rất bền, nó có thể hót cả buổi sáng với vô vàn những biến tấu âm thanh mà giỏi như con vẹt kia cũng không bắt chước được. Còn mấy bác khướu và cu gáy thì để trông nhà thôi, không phải kẻ nào cũng thích bỏ tiền ra rước các bác về mà cung phụng khi các bác chăm ăn hơn chăm hót.

   Rồi cái ngày tôi bồi hồi trông đợi cũng đến. Trên là trời, dưới là người. Người ta đến Sa pa nhiều đến mức tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra đời mình lại có phiên giao dịch tuyệt vời đến thế. Trong ba ngày tôi bán vèo gần hết số chim có trong phòng trọ. Khách mua chim là những chú du lịch sẵn tiền như kho bạc. Chim tôi được vào cốp xế  hộp vi vu, nhưng chẳng biết có kịp mang tiếng hót về thủ đô? Nhưng chắc chắn chúng sẽ đói, sẽ khát. Khách mua chim còn là những chú nghèo nhưng mê chim, và cò kè từng chục.

  Còn con chào mào cuối cùng. Tôi quyết ăn thua bằng cách khác. Tôi bỏ ra hai trăm ngàn, tức là đắt gấp bốn lần giá trị con chim để mua về một cái lồng sắt rất đẹp. Mua thêm lọ sơn vàng. Tôi cẩn thận sơn cái lồng thật lộng lẫy. Bà chủ sung sướng thốt ra thay tôi:

   – Cháy chim rồi phải không? Tôi đã bảo mà anh không chuẩn bị thêm. Sa pa mà có hội ấy à, khối thứ cháy khét. Cháy phòng nghỉ, chợ cháy rau, cháy thực phẩm.. Còn cháy cả ca…

  Bà chủ kịp thời phanh lại vì biết tôi là kẻ có học. Nhưng chính cái câu nói nửa chừng của bà khiến tôi rạo rực nghĩ đến. Thôi để hết hội đã, lại rẻ bèo ấy mà. Sẵn tiền tôi sẽ đãi thằng bán mật gấu một chầu cho nó đỡ liếm mép mỗi khi thấy bọn con gái váy ngắn lượn qua.

   Tôi cho con chào mào có cái mũ đen nhọn hoắt và chuỗi vòng cổ đỏ như lửa vào lồng xách lên công viên. Đương nhiên tôi chọn bộ quần áo tả tơi nhất, nom thảm hại nhất. Tôi vừa ngồi xuống khách đã xô đến hỏi. Cái giá của con chào mào và cái lồng son đã đẩy lên đến hai triệu mà tôi chưa gật đầu. Bỗng đâu một gia đình người nước ngoài tiến gần cái lồng chim của tôi. Sau một hồi bàn bạc, ông chồng cao to mặt đầy râu cất tiếng hỏi lơ lớ. Bao nhiếu? Tôi tính bằng đô la cho oai. Hai trăm đô la là vừa, bốn triệu với Tây có là bao. Con chim chào mào của tôi sẽ được lên máy bay đến tận đẩu đâu chửa biết.

   Sau khi tôi cất tiền vào túi. Con bé gái chừng tám tuổi bê cái lồng chim đến sân nhà thờ. Tôi hồi hộp bước theo. Con bé nhẹ nhàng mở cửa lồng và nâng cái lồng cao ngang đầu. Con chim chào mào bay vút ra, sải cánh tầng không. Con bé nở nụ cười mãn nguyện. Ra là thế. Họ đến là chiều con. Tiền hay thật, mua được cả tự do.

   Tôi đến gần, chìa tay chỉ vào cái lồng ngỏ ý lấy lại. Ông bố hào phóng rút ví lấy ra năm mươi đô la đưa cho tôi. Con bé đặt cái lồng sơn son thiếp vàng xuống đất, dùng chân đạp cho bẹp rúm, rồi mang cái mớ sắt vụn ấy ném vào thùng rác trong công viên. Nó lại cười, nụ cười đẹp tôi chưa từng thấy bao giờ. Không có gương soi nhưng tôi biết mặt mình đang chín như gấc.

  Lâu lắm rồi sắc thái ấy mới trở lại trên diện mạo của tôi.

T.N.H