‘Chiếc thang cao màu xanh’ – Cách hóa giải chiến tranh của nhà văn xứ Hàn

873

Trong số những nhà văn Hàn Quốc được dịch và giới thiệu tại Việt Nam, có thể nói Gong Ji-Young là người có số lượng sách được in nhiều nhất và giới thiệu sớm nhất. Rốt cuộc thì văn chương của cô có gì đặc biệt mà lại cuốn hút thế? Chương trình Trò chuyện trực tiếp, gặp gỡ tác giả Gong Ji Young dành cho độc giả Hàn Quốc và Việt Nam sẽ được diễn ra trên kênh Youtube của Viện biên dịch Văn học Hàn Quốc vào lúc 18h (giờ Hà Nội), thứ 6 ngày 26 tháng 11 năm 2021. Cũng trong dịp này, tiểu thuyết Chiếc thang cao màu xanh của cô đã được dịch và giới thiệu tại Việt Nam.

Phải nói rằng, mỗi sáng tác của cô hầu như đều có chút ít nào đó tính chất tự truyện. Đôi khi là những luân lí rất khó lí giải của những khái niệm rất rộng và lớn, như tình yêu, như mãi mãi; nhưng đôi khi cũng tràn ngập không khí của những năm 60 nhiều biến động của chiến tranh Nam – Bắc Hàn, của phong trào sinh viên, của con đường đi lên công nghiệp hóa những năm 60 – 80 dưới sự kiểm soát của chế độ độc tài.

Gong Ji – Young là một tác giả đề cao tính nữ, dù cho đôi khi cô không thừa nhận điều này. Cô cho các nhân vật của mình lẩn khuất, chìm sâu dưới đáy phông nền, nhưng lại đóng vai trò quan trọng là người khuấy lên mất mát từ trong quá khứ tưởng chừng ngủ yên. Từ Eun Rim trong Cá thu đến Yoo Jeong trong Yêu người tử tù và nay là So Hee trong Chiếc thang cao màu xanh; tất cả đại diện cho bản chất yếm thế nơi người đàn ông, mà một câu thoại lần nào đó cô viết: “Đàn bà ấy mà, họ xảo quyệt hơn anh tưởng tượng nhiều.” Ngay lần đầu ra mắt vào năm 2013, Chiếc thang cao màu xanh đã được 130.000 độc giả đón đọc và đã được xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng Việt.


Tác phẩm “Chiếc thang cao màu xanh” của Gong Ji-Young.

Những dồn ép và tình trạng yếm thế

Hẳn nhiên, Gong Ji – Young luôn giữ cách viết như săn mồi của mình. Các câu chuyện của cô luôn mở đầu trực diện và không khoan nhượng. Sự khuấy sâu vào trong kí ức ngủ yên luôn là kết cấu vững chắc cho các câu chuyện được triển khai, và đôi khi chỉ vì một hình tượng nào đấy thôi, mà các nhân vật liền đã rẽ sang một hướng khôn lường. Trong Chiếc thang cao màu xanh, mọi thứ chỉ xảy ra cho đến khi Đức cha báo tin So Hee đã về, và muốn gặp Yo Han. Câu loan tin ấy như chiếc gai bỗng dưng lớn mạnh và đâm sâu vào những kí ức chìm sâu, làm chảy ra giọt nhựa anh vốn ghìm giữ từ lâu, đến nay bỗng phát tác lại thành ra cơn đau.

Yo Han – người trở thành tu sĩ thư kí và chuẩn bị được phong linh mục – đã đến Tòa Thánh Benedicto hơn 1.500 năm tuổi này một cách đầy bất ngờ như được hẹn trước. Khi được hỏi lí do vì sao muốn từ bỏ bản thân, bỏ rơi thế tục để nhập tu, anh đã chỉ ngay vào vị tu sĩ Thomas – người có ánh nhìn trong trẻo, sáng ngời, bình thản, vô lo; cũng như nụ cười chúc phúc cho những ước vọng. Hình ảnh người tu sĩ cầm cây chổi quét trên hành lang dài ngập nắng như những chú cá bơi lội ấy đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong anh, để tòa thánh ấy nơi Thành phố W là nơi anh đến và tập cho mình một sự im lặng.

Im lặng là sự lắng nghe tích cực. Là lấy tiếng ồn lấn áp tiến ồn, lấy cảm xúc vượt lên cảm xúc. Nhưng thật sự nó có dễ tìm không? Dĩ nhiên là không. Ở tòa tu viện ấy, Yo Han lâm vào hai vòng tam giác luẩn quẩn của những mối quan hệ, một là với những người bạn đồng tu – Michael và Angelo; và một là với So Hee – người con gái với chiếc váy trắng và áo len dài màu đỗ đỏ, đã mang đến cho anh một xung năng khôn lường vào mùa hoa lê nở ra trắng muốt. Chính trong những tam giác không thoát ra được và gây những ảnh hưởng lên nhau đấy, Yo Han đã nhìn lại cuộc đời mình, với những ý niệm, tư duy và sau rốt là mục đích cuối cùng của việc trở thành tu sĩ.

Thử thách đầu tiên là những khát khao về giới vẫn chưa ngủ yên. Người con gái đầy tinh nghịch và hoang sơ ấy đã xuất hiện và khơi lên những đợt sóng ngầm tưởng đã ủ sâu trong cõi lòng anh. Yo Han đến với tình yêu một cách tinh khôi và trong sáng nhất. Anh là một người đi theo tiếng gọi của bản năng, tiếng gọi của Chúa, mà có khi nào đó đồng lòng, Chúa cũng phát lời kêu gọi anh hãy yêu đi. Anh đã làm hết sức để đến với So Hee, nhưng kết cục lại vẫn như thường và không ngờ tới. Chính những giáo lí bóp nghẹt cũng như cái yếm thế vốn từ bản chất đã giết chết tình yêu, khiến nó từ tình cảm hai phía giờ đây chỉ còn lại một, và gây nên những niềm đau không thể khước từ.

Chi tiết Yo Han và So Hee đi đến nhà nghỉ nơi bãi biển Busan xập xệ, tồi tàn và không thoải mái nhắc nhớ nhiều đến tác phẩm Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ của Endo Shensaku. Cả hai người họ đều không có gì trong tay – một tu sĩ nghèo và một thiếu nữ mới lớn. Thứ mà họ có đơn thuần chỉ là một tình yêu trinh nguyên thuần khiết; nhưng rồi cũng không tránh được những chông gai, ngăn trở từ muôn phương vạn hướng. Chúa đứng đó như chứng kiến tất cả, cho những gì xảy ra và cho lí do vì sao chúng lại xảy ra. Thế nhưng đứng trước Người còn mãi là những câu hỏi không lời giải đáp hay có tồn tại phản hồi khả dĩ nào.

Những người đàn ông mắc kẹt

Tam giác đầu tiên trong mối quan hệ mà Yo Han lâm vào là giữa những tu sĩ đồng môn. Một bên là Michael sắc sảo tự mâu thuẫn mình, và một bên là Angelo với năng lực khai thông mọi định kiến. Yo Han ở khoảng giữa đó và nhợt nhạt, không biết mình sẽ đi về đâu. Cũng như Endo Shensaku, các nhân vật của Gong Ji-Young cũng có một sự e ngại nhất định với đấng tối cao. Nếu Michael căm phẫn giới tư bản trong việc đóng góp cho Nhà thờ nhưng lại cư xử xấu xa, thì Yo Han lại không chắc chắn bản thân muốn gì. Những lời tự vấn về khoảng hở đó dẫn đến sự việc tham gia biểu tình, mở các lớp học cho những đứa trẻ khó khăn… càng đưa hai người họ tiến gần cái chết, và rốt cuộc điều đó đã xảy ra.

Thái độ hoài nghi rõ ràng là vẫn còn đó, khi con người tự mâu thuẫn mình. Ngay chính trong những câu chuyện được truyền dạy, Chúa cũng có lúc phá vỡ quy tắc và vì là con người nên được miễn tội. Các câu chuyện về Thánh John hay Samuel cũng thế, không hoàn toàn trong trắng. Trong số những khổ đau ấy, tình yêu là thứ đứng trực diện nhất. Sự hi sinh sau rốt của So Hee đã không mang đến cho người đọc một chút cảm thương nào, mà cuối cùng, bộ mặt có phần yếm thế của Yo Han chỉ ngày càng hiện ra rõ hơn.

Yo Han cũng như Myeong Woo trong Cá thu – lâm vào một mối quan hệ nhưng chưa khi nào tìm được đường ra. Anh luôn oán trách mình rằng “Nếu như tôi hiểu phụ nữ thêm một chút thôi, nếu như tôi có kinh nghiệm hẹn hò thật sự với bạn gái dù chỉ một lần thôi, nếu như tôi trải qua chuyện mù quáng vì tình yêu mà vượt chiếc cầu gươm… thêm chỉ một lần thôi, tôi sẽ không bao giờ ngu ngốc như vậy nữa.” Nhưng thật sự liệu điều đó có đúng? Hơn một lần anh hoài nghi về cuộc đời mà mình đang sống. Anh muốn bứt khỏi nó, để trở thành một con người mới, nhưng ngay cả việc nhìn thẳng vào sự thật như Michael hay mạnh dạn như Seo Hee anh cũng chưa khi nào làm được. Những người đàn ông trong các tác phẩm của Gong Ji-Young dường như luôn luôn mắc kẹt, để đến khi họ nhận ra thì mọi chuyện đã kết thúc.


Nhà văn Gong Ji-Young. 

Tính báo quát của Gong-Ji-Young

Gong Ji-Young luôn là tác giả đem đến được sự biến động vào trong trang viết. Cũng như Shin Kyung-Shook viết về phong trào Dân chủ trong Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi hay Endo Shensaku trong khung cảnh Đạp họa; với Chiếc thang cao màu xanh, một lịch sử biến động đã hiện lên, từ Chiến tranh phân chia vĩ tuyến 38 cho đến ngược về quá khứ, khi đất nước chịu sang tay từ phe Phát xít đến khi Trung Quốc – Liên Xô ùa vào thì lại là mâu thuẫn giữa thế giới quan duy vật – duy tâm.

Những tu sĩ ở trại Oksadok trong thời kì ấy chịu đựng hơn 4 mùa đông đầy khó khăn gian khổ cho đến khi phía Tây Đức trả lại tự do. Họ đã bị gọi là heo, chịu cảnh hơn cả chật chội với 18 người chỉ trong căn phòng có 8 mét vuông. Họ làm việc tay chân trên băng tuyết giá lạnh mà không có đồ bảo hộ. Họ chỉ được ăn củ cải héo, và có thể chết bất cứ lúc nào. Những người dân di cư vào thời điểm lịch sử ấy với một số phận vô cùng chông chênh. Họ không biết mình đi đâu, về đâu. Tương lai phía trước mờ mịt trong khi bản thân lại bị chia cắt với gia đình mình, chỉ bởi chuyến tàu đã kịp khởi hành và bỏ họ lại.

“Chiến tranh đã cấp phép sát nhân cho tất cả. Chiến tranh khiến tất cả con người ta vừa là nạn nhân vừa là kẻ phạm tội. Tất cả đều là những kẻ phạm tội đối với những người yếu hơn mình. Vì đó chính là bản chất của chiến tranh.” Rốt cuộc thì sao? Đến thời Park Chung Hee những đấu tranh vẫn còn đó, với chế độ độc tài, với phong trào Dân chủ và với đời sống con người chồng chất khó khăn. Cuối cùng rồi thì trên đời này không có thứ gì gọi là mãi mãi. Nhưng cũng như mục sư Yo Han nói, “Thứ duy nhất mà những kẻ kia không thể cướp khỏi tay chúng ta chính là việc chúng ta đón nhận nỗi đau khổ mà bọn chúng đang cố ý gây ra cho chúng ta để nguyện hiến dâng cho tình yêu.” Chỉ đến khi đó tình yêu mới là bất diệt, mới là thứ tha, mới trường tồn, và con người ta lại một lần nữa trở lại làm người.

Câu hỏi “Rốt cuộc là tại sao?” đến khi khép lại cuốn sách vẫn còn nằm đó nhưng một dụ ngôn không thể giải đáp. Sự yếm thế từ trong bản chất con người, cái bạo tàn mà cuộc chiến gây ra hay một niềm tin tưởng chừng đứt gãy… đã được Gong Ji-Young đưa ra và giải đáp chỉ bằng tình yêu. Tình yêu vẫn mãi trường tồn dẫu ta có đang chối từ hay dìm chết nó. Và chỉ trong việc đón nhận nỗi đau để dâng hiến mình cho chính tình yêu; thì đến khi đó vòng tròn mới khép lại, con người mới thôi khổ đau và nhân quần mới thôi gào thét.

Theo Ngô Thuận Phát/VNQĐ