(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Ngày nội rời bỏ quê quán xuống thành phố sinh sống để tránh bom đạn. Cây sưa, cây me vẫn còn đứng sừng sững trước ngõ, thách thức với thời gian mưa, nắng, dông, bão, lũ lụt. Sưa vẫn nở bông vàng rộm mỗi khi mùa hè đến. Cây me đơm hoa kết trái chua ngọt đong đưa trên cành. Vậy mà, ngày nội trở về lại quê quán sau biến cố lớn năm bảy lăm. Cây sưa, cây me trước ngõ không còn nữa. Ai đã chặt hạ nó, phá hoại môi trường sống của cây thật đáng tiếc, vì một lợi ích nhỏ nhặt mà làm tổn hại đến môi trường sinh thái tự nhiên.
Tác giả Vũ Khắc Tĩnh
Có những lúc nội ngồi một mình nghe gió thổi vi vu qua mái nhà, mắt ngó ra khoảng không gian trước mặt, nhưng không còn thấy bông sưa và lá vàng rơi bay đầy ngõ, rộn ràng nhất là đàn ong mật từ đâu bay về hút nhụy hoa kêu vo vo trên cây sưa, cây me nghe rất vui nhộn. Nội ngồi đó mà nước mắt rỉ theo nếp nhăn. Kỷ vật xưa chỉ còn lại chiếc xe lăn đã cũ kĩ.
Mùa Xuân rồi cũng qua, mùa hè đến hơi nắng nóng bốc lên hầm hập, nội ngồi phe phẩy với chiếc quạt mo trên tay, đôi mắt nội mờ dần ẩn sau chiếc khăn lau mặt. Nội ngồi đây trong nỗi nhức nhối từ vết thương chiến tranh đã được khâu lại sau mấy mươi năm bom rơi đạn nổ, dường như vết thương lòng còn tiềm ẩn ở đâu đó trong tâm hồn nội.
Ngôi nhà ngói cổ kính, bàn, tủ thờ chạm trổ rất công phu, loang lỗ những vết đạn bom xuyên thủng, không đứng vững qua thời gian dông, gió, bão, lũ lụt đã đổ sập nằm chồng lên nhau không có một trật tự nào cả. Riêng ngôi nhà giữa và nhà bếp bị mối mọt hư hại nặng vì không có người ở. Sau này mẹ tôi xây dựng lại ngôi nhà trên nền nhà cũ, nhưng không được hoành tráng như xưa. Trước hiên nhà vẫn cái sân gạch sẫm màu rêu ẩm ướt trơn trợt trải qua thời gian dài mưa, nắng, gió sương, bên hông nhà vẫn bụi chuối cụt ngọn, cây chanh đến mùa nở bông trắng rơi rụng đầy gốc, cây mận với chùm trái non đong đưa, phía trước sân là bụi tre, ao, hồ, ruộng đồng và đồi núi bao bọc chung quanh.
Bất chợt nội nhớ ra điều gì? Theo cái chỉ tay về gian nhà giữa nhỏ nhắn mới quét dọn lại sạch sẽ. Giờ Nội không còn ngồi chỗ đó nữa.
– Nơi đó là nơi nội thường ngồi để bốc thuốc và bắt mạch cho người bệnh trong làng xóm.
Nghề của nội là nghề bốc thuốc bắc, mà mọi người trong làng xóm này gọi là thầy Tiên. Nội sống rất giản dị, lúc nào cũng mặc bộ quần áo bà ba trắng, hay màu nâu đen sẫm, chưa bao giờ thấy nội mặc áo quần tây, tàu gì hết. Nội nói nội không thích mặc thứ đó, không quen rất khó chịu trong người. Nội sống có tấm lòng bao dung, cảm thông và giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách bốc thuốc chữa bệnh không lấy tiền. Những người trong làng xóm rất kính trọng và nể mặt.
Mỗi buổi sớm mai trời trong, nội ngồi trên chiếc xe lăn ngó mây bay lang thang về nơi vô định, tan tụ vô thường, một chút tha thẩn lạc vào trong tâm trí về khoảng thời gian mà cái chết dự báo xuyên tới bất cứ lúc nào, chỉ có chết mới hết được những rối rắm, những mắc xích tiềm ẩn mang màu sắc tâm linh trống rỗng mơ hồ, vồ vập giằng xé nhau trong đơn điệu tâm hồn. Với nội luôn nghĩ về một thế giới khác không có ma quỉ, thánh thần ngự trị rong chơi trong cõi ta bà. Lên thiên đàng là một thế giới cực lạc khi người chết đã rửa sạch tội lỗi. Hay niết bàn là một thế giới tưởng tượng, nơi con người thoát khỏi vòng luân hồi và mọi sự đau khổ. Đó là cái đích của người tu hành để lên cõi niết bàn. Nội tu thân ở nhà nên không đến chùa hay đọc kinh kệ, quan điểm của nội và ý nghĩ chung của con người đối với hiện thực khách quan, đó là cái tồn tại bên ngoài không thuộc vào ý thức và ý chí của con người trong quan hệ đối lập với chủ quan thế giới bên ngoài. Dù nội cũng thấu hiểu được một phần nào hệ tư tưởng của đạo Phật, nhưng chưa đạt tới nội công thâm hậu. Nội chỉ biết một cách nôm na, trên đời này luôn có nhân quả chỉ là nó đến sớm hay muộn. Chúng ta không tránh được nghiệp báo do điều ác mà chúng ta đã làm. Dù có đi cùng trời cuối đất thì ác nghiệp vẫn phải đến với ác nghiệp mà thôi.
Tội ác ở kiếp này nếu chưa trả được sẽ phải chờ ở kiếp sau. Nhân quả thường đến muộn nên người đời xem thường nó và tưởng chừng như nó không hề tồn tại. Trong cuộc sống con hãy nghiêm túc thực hành cho trọn vẹn đem lại an lành hạnh phúc cho mình và cho mọi người.
2.
Nơi hoang dã sơn khê cùng cốc này đây, lúc nội còn khỏe, nội leo lên ngọn đồi thoai thoải sỏi đá lởm chởm đã nghe hàng loạt tiếng súng nổ từ xa xôi vọng về, nội nghe một chút lao xao trong lòng, mới lần đầu thì nghe tiếng súng dội về rất xa, vài năm sau đó thì nghe gần lại, thu hẹp khoảng cách hồi nào không hay. Năm đó là năm sáu mươi mấy tôi không còn nhớ rõ. Hình như lúc đó tôi mười ba hay mười bốn tuổi.
Bởi vậy, bao cuộc chinh chiến dường như khiến nội trơ lì với tiếng bom rơi đạn nổ một thời. Nội lạnh lùng dửng dung với thời cuộc lại quay về với cuộc sống an cư lạc nghiệp để làm ăn coi như một chỗ dựa tinh thần. Nhưng cuộc đời nội không may khi bị tai biến bất ngờ, gây ra tai họa. Sau khi chiến tranh kết thúc đáng lẽ ra nội được ngơi nghỉ đi đứng bình thường như mọi người, đằng này nội phải ngồi xe lăn, âu đó cũng là một số phận đã được an bài, lúc còn sống nội đã lường trước được hậu vận sau này, sẽ có một ngày như thế xảy ra. Dường như trong nội có giác quan thứ sáu.
– Không có gì bất ngờ đâu con. Nội cũng am hiểu được một phần nào qui luật sinh tử đời người, có vay thì phải có trả con nên nhớ ở đời này không có ai điên mà đem cho mình của cải vật chất. Vay trả, trả vay là vậy. Ở hiền thì gặp điều lành.
Tôi đã nghiệm ra được những lời Nội đã nói mạnh mẽ và hùng hồn, mà tôi thấy trước mắt.
– Nội bị tai biến mạch máu não nhẹ, tránh được cái chết một cách thần kỳ, nhờ nội sống có đức độ, có tấm lòng bao dung độ lượng với mọi người, trong làng xóm này trước đây ai ai cũng mến phục. Nội ngồi xe lăn nhưng tâm trí sáng suốt, ăn nói hoạt bát.
Hẳn nhiên với nội chiến tranh đem đến sự nghiệt ngã, đâu còn niềm tự hào, cuộc sống của nội từ ngày ở thành phố trở về lại quê quán cũ, là chuỗi ngày dài đau ốm, hội chứng của tuổi già, khiếm khuyết trong nỗi cô đơn tột cùng, dù nội không nói ra sự khiếm khuyết đó. Tôi biết nội giấu trong lòng không muốn nói ra làm gì, gây mâu thuẫn trong gia đình chẳng hay ho gì? Kín tiếng vẫn hơn quan niệm sống của nội là vậy. Dù nội là người xây dựng nên cơ nghiệp mới có ngày hôm nay. Nội có quyền dạy bảo con cháu sống sao cho phải đạo làm người, đằng này nội im hơi lặng tiếng.
Dần dần tôi cũng hiểu ra cuộc đời nội chỉ có có một hình bóng, đó là bà nội ra đi quá sớm, không sống cùng nội đi hết quãng đời còn lại. Giờ là lúc nội thấy cô đơn, ngồi đâu nội cũng thấy trống vắng, lo nghĩ lung tung sinh ra bệnh tật.
Nội đã ngồi đây biết bao nhiêu năm rồi. Dòng đời mãi mãi trôi không ngừng và không có một nút thắt nào khiến cho nội vướng lại. Có lần tự nhiên nội nôn nao như bỏ quên điều gì đó quí giá mà chưa thể nói ra. Nội ngẩn đầu sững sốt thấy nguyên một chuỗi ngày mờ mịt phía trước lúc ẩn lúc hiện. Nội có tin rằng sẽ tìm ra được những chiếc lá xanh ẩn mình đâu đó trên cây cao kia, thì ngọn gió thình lình thổi mạnh làm rối tung như một cơn mưa sắc màu trên con đường đất gồ ghề. Những chiếc lá xanh với chút nhựa sống chạy luân lưu trong thân cây khẽ cựa mình mộng mị.
Việc đời có nhiều biến đổi lớn, khi thịnh khi suy, khi thành đạt khi bại, không có được sự bình ổn yên vui. Nội cũng không nằm ngoài thế sự thăng trầm đó. Bởi nội cảm nhận được hạnh phúc thật sự không liên quan đến hoàn cảnh khắt nghiệt. Dù có nói gì thì nói trước mắt lo cho cái ăn cái mặc đầy đủ cái đã, hạ hồi phân giải.
Trong một quãng đời dài nội mới thấy hắt hiu như thế nào trong cái lộ trình đi qua chiếm lĩnh và ngự trị trong tâm hồn. Làm cho nội nhớ đến ngày tháng còn hưng thịnh trong cuộc chiến tranh bom đạn ngút trời. Rồi cuộc chiến tranh đó đã lùi xa đủ để cho ai đó nếm trải mùi vị ngọt ngào lẫn cay đắng trên vòng nguyệt quế. Vậy đó…
Nội thích sống miền quê yên tĩnh, không khí trong lành, có lẽ nó gợi lên biết bao nhiêu là kỷ niệm về một con đường, đồi núi, làng xóm. Mỗi sáng mai lên, mỗi lần ra đường là gặp mặt bà con làng xóm chào hỏi rất thân tình và cởi mở lòng nhau. Ở thành phố làm gì có được giây phút thân tình đó.
Rồi cũng có lúc con đường vắng vẻ, người đi qua cũng lặng lẽ. Nội ngồi đây gần cả cuộc đời. Nhà ở cuối con đường từ chợ Cây Sanh đi vào khoảng chừng năm cây số hơn, nằm dưới một ngọn đồi thoai thoải, mỗi lần nội ngước nhìn ngược làng xóm nhỏ dân cư thưa thớt. Bên kia rừng Miếu, Hố Trầu là ngọn núi Thị đứng sừng sững, Lâm Môn núi đồi sầm uất dân cư đông đúc, nhưng lại thuộc một xã khác, qua thời gian kẻ sống người chết, đám thanh niên sau này lớn lên đi học, đi lang bạt tứ sú kiếm kế sinh nhai. Giờ nội có gặp mặt nội cũng chắng biết là ai con ông nào ở nơi đó.
Những câu chuyện xưa cũ nội kể ra cho con cháu nghe hằng ngày cũng cạn kiệt dần. Hình như trong đáy sâu tâm hồn nội cũng không mấy hứng thú. Con cháu ai xấu tính, ai tốt, ai sống có hiếu thảo với nội. Nội cũng để hết trong lòng, chết mang theo xuống lòng đất.
Với khoảng thời gian sinh tử ngắn ngủi cho một đời người. Kiếp luân hồi đến rồi đi, mây thì tan tụ vô thường, con người mới thấy đó rồi không đó, sắc sắc không không, cứ như một nút thắt, một khoảng lặng, một dấu chấm than, một giọt nước mắt của hạnh phúc hay đau khổ, rồi cũng như vết dầu loang lan mãi đến ngày nội không còn sống trên cõi đời này nữa. Nội tưởng tượng trong cõi ta bà này không có cái gì là không xảy ra bất cứ lúc nào với vận mệnh con người dù sớm hay là muộn thôi. Vậy mà, có một điều bí ẩn nào đó nội không thể mường tượng ra được trong cuộc bình sinh, đó là cái gì? Cái vô hình trống rỗng mơ hồ đang ngọ nguậy trổi dậy làm lung lạc ý chí của nội. Khi ngồi trên chiếc xe lăn trong ngôi nhà cũ này. Nội ngắm bà con làng xóm đi qua lại, ngắm ruộng đồng, ngắm núi đồi xanh biếc như một ân huệ dành cho lộc chồi tươi mới.
Nội đã ngồi đây những ngày cuối đời, chứng kiến biết bao nhiêu cuộc sinh ly tử biệt kiếp người. Đã hằn lên vết chém thời gian cho từng số phận.
3.
Dòng dõi Tổ Tiên nội gốc người Thanh Hóa vào đây xây dựng lập nghiệp. Nội là người kế thừa cơ nghiếp của cha ông để lại làm ăn. Thời trai trẻ nội gặp người đàn bà Tiên Phước kết làm phu thê. Sau này là bà nội của tôi, bà nội cũng hiền lành, sống mẫu mực, hoà đồng với bà con làng xóm, nhưng lại chết sớm. Như một vở kịch đã hạ màn, hồi kết đã thất lạc trong ngày di tản về thành phố sống hoà mình với người thành phố trong những năm chiến tranh đến hồi khốc liệt nhất, biết bao sinh mạng đã nằm xuống trên mảnh đất quê hương hoặc được bảo vệ đều là những con người Việt Nam yêu hoà bình tự do…
Vào tháng tư năm bảy lăm chiến tranh kết thúc, khi người Mỹ đã ngoảnh mặt bỏ đi về nước họ, bỏ lại chế độ cũ Sài Gòn “chết sống mặc bay“. Như vậy mới thấy được bản chất của vần đề như thế nào rồi. Cuối cùng người Cộng Sản đã chiến thắng, chiếm lĩnh thành trì cuối cùng ở miền Nam Việt Nam. Thống nhất đất nước.
Nội cùng bầu đoàn thê tử trở về lại quê quán, một cuộc hồi hương về lại cội nguồn. Nội vinh danh là một người thầy thuốc Đông Y có một không hai trong làng xóm này, và cũng là một người nông dân thuần tuý dân dã. Những thứ quí nhất trong ngôi nhà cũ không còn, ví như không cánh mà bay, bay theo những con người có lòng tham lam không đáy. Với hai bàn tay trắng ngày trở về lại quê nhà vừa mừng vừa tủi. Nội chẳng có gì phải giấu giếm.
Nội vẫn còn ngồi đây trên chiếc xe lăn, nội cố nhớ lại một dáng hình quen thuộc đã khuất núi, dẫu biết điều này chỉ có trong giấc mơ. Một giấc mơ từ năm này qua năm khác, trong khi tuổi tác càng ngày càng cao, sức khỏe hao mòn theo thời gian. Trong khi nỗi nhớ nhung day dứt về bà nội chưa phai mờ… Rồi nội cũng tự thầm hỏi một ai đó, sao con tim nội vẫn còn tươi trẻ như những ngày xưa thân ái. Mấy mươi năm qua nội cứ khăng khăng về điều tự dối, rằng ngày xưa đã bị lầm lạc vào một góc khuất trong hệ tư tưởng còn bất nhất về quan niệm sống. Thế mà, lâu nay nội vẫn thích nghe về mối tương quan không mấy rõ ràng. Đó là sự an lành của những con người khác, vì nội đã gần hơn với cõi hư vô.
4.
Những người tuổi tác như nội phần nhiều đã rời đi về cõi khác lâu rồi. Chỉ có nội cùng bầu đoàn thê tử về lại ngôi nhà cũ. Con người đang xích lại gần hơn bởi những phương tiện kết nối thông minh. Với nội là con người lạc hậu quá rồi, đôi lúc Nội còn nghĩ chẳng còn ai nghĩ đến nội nữa, ngoại trừ những họ hàng con cháu ở một nơi nào đó xa tít mù khơi. Rồi thầm trách nội chìm vào ảo ảnh, trách nội lầm lụi đi vào giấc mơ. Đến nỗi đứa cháu nội đến ngồi bên nội cũng chẳng hay biết.
Tôi trở về lại quê quán sau những năm tháng vừa đi làm thêm, vừa đi học ở Sài Gòn cũng đến ngày kết thúc, một kết thúc giữa bao bề bộn ngổn ngang trong cái đầu còn non nớt về nhận thức. Vận nước đã đến rồi đành phải chấp nhận và phủ phục quay về nơi chôn nhau cắt rốn. Đó là cội nguồn.
Ngày tôi về kéo dài rất nhiều ngày, với một chút tâm trạng lo lắng và sự hoài nghi về thân phận được gì, mất những gì. Rốt cuộc chuyện học hành của tôi cũng chẳng tới đâu và cũng chẳng làm được việc gì to lớn giữa Sài Gòn thời ấy. Bù lại tôi học được sự chân thực và lòng bao dung của con người Sài Gòn đã cưu mang tôi sống những tháng năm khốn đốn.
Tôi đã vất vả đấu tranh với chính mình khi chính thức quay về lại cội nguồn, đã chuẩn bị một tư thế, để đi vào nề nếp tập quán của con người nông dân. Tôi run rẩy trút bỏ những bộ quần áo tươm tất đem treo vào ngăn tủ một cách cẩn thận. Dường như một cảm giác ban đầu, có một chút gì đó hơi ngỡ ngàng trước những đổi thay của người làng xóm, nhà cửa khang trang hơn, con cái họ học ở các thành phố lớn, có cái ăn cái mặt, có một sự chuyển biến tích cực, con người sống với nhau trong làng xóm có văn hoá hơn.
Rồi cái gì đến cũng phải đến trong cuộc đời sinh tử sẽ làm lu mờ mọi ý nghĩ tươi sáng khác về tương lai. Ngay lúc này đây khi niềm tự hào về ông bà nội, cha mẹ, cội nguồn làm cho tôi vui sướng hơn và chút tự hào về dòng dõi họ hàng trên mảnh đất Dương Đàn này.
Nội vẫn ngồi đây trên chiếc xe lăn, những ngày cuối đời thấy xuất hiện trên khuôn mặt nội sự mệt mỏi tiềm ẩn trong cái đau nhân thế.
5.
Bây giờ trên cánh đồng đang mùa lúa chín vàng lay bay trong nắng gió. Con cháu đều ra đồng gặt lúa. Nội nhìn ra cánh đồng xa như dòng nhớ khôn nguôi về một thời xanh xưa của kỷ niệm còn lai vãng. Nội đang ngắm nhìn những bó lúa vàng rộm trước sân, và tiếng ve kêu râm ran theo mùa hè như thấm vào ký ức một thời xa vắng. Nội không mấy ngạc nhiên nhưng vẫn hỏi:
– Mùa hè rồi phải không con?
– Dạ… được hai tháng rồi nội
– Thế là bà nội con mất tính ra đã mấy mươi cái mùa hè đã đi qua trong tiềm thức nội.
Nội thương yêu bà nội và con cháu một cách lạ lùng, luôn mơ màng về một ngày đoàn tụ gia đình, sau một cuộc chiến tranh dai dẳng đã kết thúc. Khi trong làng xóm này đang xanh lại những mầm xanh họ hàng, rễ má dây mơ và dòng tên ai đã ra đi, ai còn ở lại trong cõi đời này.
Tôi lặng nhìn về cuối con đường dốc lên ngọn đồi thoai thoải. Nội cũng ngồi nhìn về nới đó, không biết nội nhìn cái gì, cũng không nghe nội nói gì? Lá vàng vẫn rơi khẽ khàng, gây cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu, có lúc nghe cơn gió thổi mạnh lá vàng rơi như mưa từ cõi mộng. Tôi chìm ngập trong dòng đời cuồn cuộn trôi, bất chợt giơ đôi bàn tay sạm nắng quờ quạng giữa hư vô, cũng không biết để làm gì? Vô thức, lẽ nào tôi sống trong ảo ảnh. Trong khi nội vẫn ngồi bên tôi, khe khẽ gọi tên tôi như muốn nhắn nhủ dặn dò một việc gì đó rất hệ trọng. Rồi bất chợt nội tắt cái ý niệm đó đi. Nội tưởng chừng như bàn tay cuống quýt muốn níu giữ những thứ nhỏ nhặt vặt vãnh sắp trôi ra khỏi thân thể nội. Những giọt nước mắt ươn ướt rơi từ khoé mắt nội. Nội không thể giữ chúng lâu hơn được nữa.
Tôi tỏ ra xúc động hỏi:
– Sao vậy Nội?
– Làm sao nội có thể giải thích được cái rung cảm của nội trong lúc này, cuối cùng nội cũng chẳng giữ được một thứ gì trong tay, của cải là của phù vân. Riêng chiếc xe lăn này đây đã cùng Nội đi vô đi ra trong ngôi nhà này, một ngày nào đó tương lai không xa nó cũng rời xa nội mãi mãi…
6.
Thời gian sau này thấy nội ăn được ngủ được, con cháu mừng thầm trong bụng. Tôi theo chân bạn bè đi làm công nhân khai thác gỗ ở núi rừng Trà My, ít có thời gian rảnh rỗi để về thăm nhà.
Trong một buổi sáng mùa đông, tôi đang làm đường trong rừng thì được tin gia đình báo tin “Nội đã vĩnh biệt cõi đời này rồi”. Quá đột ngột, tôi mất bình tĩnh và quá xúc động. Chiều hôm đó tôi đón xe đò về quê nhìn mặt nội lần cuối.
Sáng hôm sau đưa tiễn nội về nơi an nghĩ cuối cùng…
Thời gian luôn luôn dứt khoát và tàn nhẫn khi nội là người cuối cùng trong dòng tộc họ Vũ rồi cũng ra đi. Vẫn biết rằng là con người ai sinh ra rồi cũng phải chết đó là qui luật muôn đời trong thế gian. Không có thánh thần nào thay đổi được số phận con người, trừ khi trái đất này vỡ vụn tan chảy không còn tồn tại.
Vĩnh biệt nội…
V.K.T